7. Bố cục khóa luận
2.1.1. Khái niệm thời gian nghệ thuật
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, thời gian nghệ thuật trong tác phẩm
văn học chính là “hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật, sự miêu tả, trần thuật trong văn học bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian nghệ thuật. Sự phối hợp của hai yếu tố thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thể giới nghệ thuật. Khác với thời gian khách quan được đo bằng thời gian đồng hồ và lịch, thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược quay về quá khứ, có thể bay vượt tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát thành vô tận” [21; 322].
Theo giáo trình Dẫn luận thi pháp học của GS,TS Trần Đình Sử, ông
quan niệm: Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai. Thời
gian nghệ thuật do được sáng tạo ra nên mang tính chủ quan, gắn với thời gian tâm lý. Nó có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian thực tế. Nó có thể đảo ngược hay vượt tới tương lai. Nó có thể dừng lại.
Trong tác phẩm văn chương, thời gian chỉ trở thành thời gian nghệ thuật khi nó trực tiếp tác động vào nhân vật, vào môi trường mà ở đó diễn ra số phận của nhân vật và những biến động của tâm tư, tình cảm con người. Thời gian nghệ thuật là hình thức của hình tượng nghệ thuật thể hiện tài năng và cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ… Nó được nhận biết nhờ các mối quan hệ giữa các biến cố, có thể là quan hệ nhân quả, quan hệ tâm lý hoặc liên tưởng. Tuy nhiên điều quan trọng không chỉ là cách biểu thị thời gian mà là quan niệm, cách hiểu thời gian của tác giả.
Thời gian nghệ thuật cũng có đặc trưng riêng của nó: Thời gian nghệ thuật thể hiện ở nhiều thời điểm; thời gian nghệ thuật thể hiện sự biến đổi bên ngoài và bên trong; thời gian nghệ thuật thể hiện được thái độ chủ quan của nhân vật trước biến đổi khách quan của Thế giới (mỗi nhân vật có cách nhìn thời gian riêng tùy theo hoàn cảnh và tâm trạng).