Khái quát điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế-xã hội của huyện Kỳ Sơn

Một phần của tài liệu Cơ sở kinh tế xã hội của tình trạng học sinh trung học cơ sở bỏ học ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình (Trang 58 - 61)

6. Cấu trúc của luận văn

3.1.1.Khái quát điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế-xã hội của huyện Kỳ Sơn

3.1. Thực trạng bỏ học của học sinh trung học cơ sở ở huyện Kỳ Sơn

3.1.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế - xã hội của huyện Kỳ Sơn huyện Kỳ Sơn

Kỳ Sơn là một trong 11 huyện thị của tỉnh Hòa Bình nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Hòa Bình. Có diện tích rộng 210,76 km2, nằm ở vị trí 22o07' - 26o00' vĩ bắc, 105o48' - 106o25' kinh đông. Phía Tây và Tây Nam giáp thành phố Hòa Bình, phía Đông Nam giáp huyện Kim Bôi, phía Đông giáp huyện Lương Sơn, đều thuộc tỉnh Hòa Bình. Phía Bắc và Đông Bắc Kỳ Sơn giáp huyện Ba Vì và huyện Thạch Thất của thành phố Hà Nội. Phía Tây Bắc giáp các huyện của tỉnh Phú Thọ, kể từ bắc xuống nam là: Thanh Thủy (góc Tây Bắc), Thanh Sơn (mặt Tây Tây Bắc). Kỳ Sơn có địa thế nằm bên bờ hữu ngạn sông Đà - một con sông lớn của hệ thống sông Hồng, ở về phía hạ du của thủy điện Hòa Bình. Nửa phía bắc huyện là phần Nam của dãy núi Ba Vì, trên đó có một phần của vườn quốc gia Ba Vì. Điểm cực tây bắc của huyện nằm trên bờ sông Đà, thuộc xã Hợp Thịnh, là ngã ba ranh giới của huyện (và của cả tỉnh) với thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ. Huyện lỵ Kỳ Sơn nằm trên quốc lộ 6, chính giữa rìa phía Tây huyện, trên bờ sông Đà cách thành phố Hòa Bình 9 km.

Huyện Kỳ Sơn có nguồn tài nguyên nước dồi dào với 20 km sông Đà chảy qua thị trấn Kỳ Sơn và các xã Dân Hạ, Hợp Thành, Hợp Thịnh, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Trên địa bàn huyện còn có nhiều con suối lớn nhỏ có khả năng cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Trước kia, do quá trình điều tiết dòng chảy, sông Đà thường gây ra lũ lụt làm hai bên bờ bị xói lở mạnh. Khi đập nhà máy thủy điện Hòa Bình hoàn thành, Kỳ Sơn đã chủ động được trong việc điều tiết dòng chảy, hạn chế được lũ lụt và hạn hán. Ở Kỳ Sơn có mỏ đất sét khoảng 2 triệu m3 và các mỏ cát ở Hợp Thành, Hợp Thịnh, rất thuận lợi cho việc sản xuất nguyên vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, những nguồn tài nguyên quý đó chưa được khai thác phục vụ cho cuộc sống.

Huyện Kỳ Sơn chính thức ra đời cùng với ngày thành lập tỉnh Hòa Bình - ngày 18-3-1891. Lúc đó, tỉnh Hòa Bình có bốn châu là Lương Sơn, Kỳ Sơn, Mai Đà và Lạc Sơn. Ngày 12-12-2001, Chính phủ ra Nghị định số 95/CP tách huyện Kỳ Sơn thành hai huyện: Kỳ Sơn và Cao Phong.

Địa hình Kỳ Sơn núi non trùng điệp, rừng quốc gia đan xen rừng nguyên sinh với các rặng núi đá vôi, Sông Đà chảy qua tạo bức tranh sơn thủy hữu tình, là sự hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư du lịch cũng như khách du lịch trong nước và quốc tế. Với vị trí địa lý tự nhiên lại kề cận Thủ đô, là cửa ngõ của vùng Tây Bắc và có văn hóa cộng đồng đa dạng, Kỳ Sơn có tiềm năng du lịch lớn. Trong đó, Thác Thăng Thiên, Suối Bùi, Hồ Đồng Bến, Hồ Suối Chọi, Hồ Rợn, tổ hợp “Kỳ Sơn xanh”, cùng với Sân golf Phượng Hoàng... là ưu thế của Kỳ Sơn, tạo điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, câu cá hồ, suối, đi bộ, đi xe thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên, phục vụ các kỳ nghỉ cuối tuần. Ngoài ra, huyện Kỳ Sơn còn nhiều núi đá, hang động, hồ nước, rừng thông khá hấp dẫn và nhiều danh thắng đẹp có thể phát triển du lịch như hồ Đồng Bãi, hồ Đồng Bến, động Can (xã Độc Lập)...Chính quyền huyện Kỳ Sơn cũng đang triển khai việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Mường, xây dựng làng, bản văn hóa gắn với nông thôn mới. Hiện, 9/10 xã, thị trấn có đội cồng chiêng với 18 đội được tổ chức thường xuyên tham gia biểu diễn trong các dịp lễ tết, đón khách đặc biệt. Có nhiều gia đình, mọi thành

viên đều biết sử dụng các nhạc cụ truyền thống, hát dân ca Mường. Có nhiều xóm, bản nếu được đầu tư về hạ tầng cơ sở và tổ chức dịch vụ du lịch tốt, có thể tổ chức du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tới lưu trú, tham quan tìm hiểu văn hóa dân tộc ít người.

Kỳ Sơn là huyện miền núi, có những đầu mối giao thông huyết mạch như đường quốc lộ 6 chạy qua theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, từ huyện Lương Sơn, cắt ngang huyện, qua thị trấn Kỳ Sơn, rồi men theo bờ sông Đà sang thành phố Hòa Bình. Tỉnh lộ 446 nối quốc lộ 21A và quốc lộ 6 có điểm đầu gần cầu Vai Réo thuộc địa phận xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội và điểm cuối tại ngã ba Bãi Nai thuộc địa phận xã Mông Hóa. Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình được khởi công ngày 3/10/2010. Dự án có tổng mức đầu tư 9.940 tỷ đồng dự kiến hoàn thành sau 36 tháng sẽ cắt địa bàn huyện qua các xã Yên Quang, Phúc Tiến, Dân Hạ, Mông Hóa và thị trấn Kỳ Sơn. Bên cạnh đó, Kỳ Sơn còn có hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa và là cửa ngõ nối liền Tây Bắc với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và các khu vực khác nhờ vào sông Đà. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Dân số Kỳ Sơn là 33 450 người, với 7 915 hộ, trong đó có 21 820 người trong độ tuổi lao động và dân tộc thiểu số chiếm 70%, đa số là dân tộc Mường, dân tộc Kinh chiếm 30 % dân số của huyện. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và trồng hoa màu, cây ăn quả.

Huyện bao gồm có 9 xã và 1 thị trấn, đó là các xã Hợp Thịnh, Hợp Thành, Phú Minh, Phúc Tiến, Dân Hòa, Mông Hóa, Dân Hạ, Độc Lập, Yên Quang (từ Lương Sơn chuyển sang vào ngày 14/7/2009) và thị trấn Kỳ Sơn.

Đặc điểm địa lý tiếp giáp với đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, có điều kiện tự nhiên, đất đai, tài nguyên khoáng sản, đặc điểm văn hoá đa dạng và phong phú đã tạo điều kiện cho huyện Kỳ Sơn phát triển mạnh một

số lĩnh vực kinh tế lợi thế: Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (Cơ sở sản xuất đá vôi, gạch...), Công nghiệp chế biến nông – lâm sản như: mía, sắn, chè, măng, cam, quýt, dứa, vải, nhãn ở các xã Dân Hòa, Phú Minh, Mông Hóa.

Mặc dù là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ biết tận dụng những thế mạnh và có các chính sách, định hướng đúng đắn nên kinh tế huyện Kỳ Sơn đã có sự chuyển biến theo xu hướng tốt. Trong năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện Kỳ Sơn đạt 12,4%. Tỷ trọng trong GDP của nông - lâm nghiệp chiếm 28,5%; công nghiệp - xây dựng 36,9%, Dịch vụ 34,6%; thu nhập bình quân 25,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm

còn 6,27% theo tiêu chuẩn mới (Huyện Kỳ Sơn: phát triển kinh tế toàn diện,

Tạp chí Vietnam Business Forum – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 5/3/2013).

3.1.2. Đánh giá tổng quát về tình hình giáo dục và đặc điểm của các trường THCS trên địa bàn huyện Kỳ Sơn

Một phần của tài liệu Cơ sở kinh tế xã hội của tình trạng học sinh trung học cơ sở bỏ học ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình (Trang 58 - 61)