Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu nghiên cứu mối liên hệ giữa chi phí bôi trơn và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại việt nam (Trang 88 - 91)

NGHIỆP

Kết quả hồi quy ở Chương 4 cho thấy áp lực cạnh tranh có tác động tích cực đến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp ở mức ý nghĩa 5%. Kết quả này cho thấy trong nền kinh tế thị trường hiện nay, cạnh tranh là một điều kiện và yếu tố kích thích sản xuất kinh doanh, là môi trường và động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng năng suất lao động và tạo đà cho sự phát triển của xã hội. Cạnh tranh hoàn hảo sẽ đào thải các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Do đó buộc các doanh nghiệp phải lựa chọn phương án kinh doanh có chi phí thấp nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Như vậy cạnh tranh tạo ra sự đổi mới mang lại sự tăng trưởng kinh tế. Porter (1980) việc định vị được lợi thế cạnh tranh có thể giúp các doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả hơn. Do đó doanh nghiệp cần tạo dựng lợi thế cạnh tranh riêng bằng những chiến lược cạnh tranh.

Trong cuộc hội thảo quốc tế về phát triển nguồn nhân lực với chủ đề “Tư duy lại nguồn nhân lực và nhân tài” được tổ chức ngày 20/09/2011 tại Khách sạn Sheraton, Quận 1, TP. HCM, giáo sư Dave Ulrich - bậc thầy về quản trị nhân sự tại Đại học Michigan, Mỹ đã khẳng định lợi thế cạnh tranh đáng sợ nhất của doanh nghiệp chính là nguồn nhân lực. Việc sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao với nhiều tài năng là vũ khí cạnh tranh khó sao chép nhất của doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, trước hết, ngay từ khâu tuyển dụng

nhân sự, doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc tuyển dụng để chắc chắn rằng lao động được nhận có trình độ và năng lực phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu công việc.

Bên cạnh tự tuyển dụng, doanh nghiệp cũng có thể thuê các nhà cung cấp dịh vụ tìm kiếm và tuyển dụng nhân sự thực hiện thay nhằm đảm bảo chất lượng nhân sự được tuyển dụng. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng làm việc cho lao động tại doanh nghiệp thông qua việc tổ chức đưa lao động tham gia các lớp huấn luyện ngắn hạn. Đặc biệt, đối với các nhà quản lý doanh nghiệp, điều này càng trở nên quan trọng và cần thiết. Hiện tại, trên thị trường có khá nhiều khoá đào tạo ngắn hạn nâng cao kỹ năng quản lý dành cho CEO, CFO, … do những chuyên gia kinh tế uy tín trực tiếp giảng dạy. Đây là điều kiện khá thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp mình; đặc biệt đối với các nhà quản lý của doanh nghiệp.

Bên cạnh “vũ khí” nhân lực, việc xây dựng hệ thống kế toán quản trị cũng là một giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam không xây dựng hệ thống này. Trong khi đó, kế toán có thể giúp doanh nghiệp lập các dự toán sản xuất kinh doanh một cách có hiệu quả và cung cấp thông tin cần thiết để các nhà quản trị đưa ra quyết định một cách khoa học bởi nó chỉ ra nguyên nhân của những yếu kém trong khâu sản xuất, đánh giá được trách nhiệm của từng bộ phận. Vì vậy, khi mở rộng quy mô hoạt đông, việc xây dựng hệ thống kế toán quản trị sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng thích nghi hơn so với các doanh nghiệp không áp dụng.

Ngoài ra, một yếu tố khác cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhưng lại rất ít được các nhà quản lý quan tâm là văn hoá doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hoá được gầy dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, các quan niệm, tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp và chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ, hành vi của mọi thành viên trong suốt quá trình theo đuổi và thực hiện các mục địch (Tuyết và Bình, 2004). Khi văn hoá doanh nghiệp mang nhiều yếu tố tích cực sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và ngược lại.

Cụ thể hơn, một doanh nghiệp có văn hoá nêu cao tinh thần hợp tác giữa các thành viên, sự tận tuỵ và nổ lực, sự lạc quan trước nghịch cảnh và tinh thần phấn đấu không ngừng nghỉ thì hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp này sẽ cao hơn doanh nghiệp có nội bộ mâu thuẫn sâu sắc, thiếu tinh thần phấn đấu và dễ bi quan trước khó khăn. Điều này có thể lý giải đơn giản vì văn hoá doanh nghiệp được xây dựng qua một quá trình mà không phải là nhất thời và nó phản ánh những cái chung nhất của một tập thể mà không phải là một cá nhân. Do đó, nó cũng là vũ khí khó sao chép của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp tích cực không hề có một khuôn mẫu nhất định mà phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp và khả năng của nhà quản trị.

Tóm lại, các giải pháp trên được đề xuất căn cứ vào kết quả hồi quy ở Chương 4. Do đó, đây là những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại các doanh nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu chỉ phản ánh thực trạng chung nhất của các doanh nghiệp nên những giải pháp được đề xuất cũng chỉ nhằm khắc phục thực trạng chung này. Vì vậy, việc áp dụng các giải pháo trên cho từng doanh nghiệp cụ thể cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với nguồn lực và hiện trạng của doanh nghiệp. Mặt khác, các giải pháp trên được đề xuất trong điều kiện không xét đến những biến động về môi trường vĩ mô. Khi áp dụng chúng vào thực tế, doanh nghiệp cần đặt các giải pháp này trong mối liên hệ với môi trường vĩ mô để có những điều chỉnh thích hợp.

CHƯƠNG 6

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của các chương trước, trong chương này, tác giả sẽ đưa ra kết luận về vấn đề nghiên cứu đề tài, đồng thời đề xuất một số kiến nghị giúp các doanh nghiệp ở Việt Nam phát triển bền vững.

Một phần của tài liệu nghiên cứu mối liên hệ giữa chi phí bôi trơn và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại việt nam (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)