Kết quả hồi quy ở Chương 4 cho thấy mối quan hệ tích cực giữa kỳ thu tiền bình quân và lợi nhuận của các doanh nghiệp với mức ý nghĩa 1%. Điều đó chứng tỏ khi biến số này càng lớn thì tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp càng tăng. Do đó doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề quản lý các khoản phải thu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng loại tài sản này.
Các khoản phải thu (nợ phải thu) chiếm một phần vốn không nhỏ trong tổng vốn lưu động của doanh nghiệp. Thời gian thu hồi nợ càng ngắn thì doanh nghiệp càng có nhiều tiền để quay vòng vốn. Do đó, việc theo dõi và thực hiện thu hồi các khoản phải thu cũng là một yếu tố quan trọng giúp việc quản lý tài sản lưu động của doanh nghiệp hiệu quả hơn. Để rút ngắn thời gian trung bình từ khi bán hàng đến khi thu được nợ từ khách hàng, các nhà quản lý cần xây dựng những chính sách cụ thể như: quy định rõ ràng, chi tiết về điều kiện khách hàng đủ tiêu chuẩn được nợ và hạn mức được nợ dựa trên đánh giá khả năng thanh toán, doanh thu dự kiến, lịch sử thanh toán của khách hàng; quy định cụ thể về người được phép phê chuẩn các hạn mức nợ khác nhau; cần có chính sách khen thưởng hợp lý để động viên các nhân viên thu nợ làm việc hiệu quả hơn.
Ngoài ra doanh nghiệp cũng nên thành lập bộ phận chuyên trách quản lý và thu hồi công nợ (nếu có điều kiện) phân theo các tiêu chí như ngành nghề kinh doanh của khách hàng, vị trí địa lý hoặc giá trị công nơ. Những nhân viên thuộc bộ phận này cần được đào tạo về kỹ năng giao tiếp qua điện thoại, giao tiếp trực tiếp, khả năng thuyết phục và ứng phó linh hoạt, sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ,… Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần sử dụng những phần mềm kế toán có hỗ trợ quản lý công nợ như GCOM, eCatStock, BLUE- SALES,… Những phần mềm này có thể đưa ra các báo cáo tổng hợp về công nợ một cách chi tiết, đầy đủ theo các tiêu chí quản trị giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả quản lý công nợ.
Về quy trình thu nợ, trước khi cho khách hàng nợ, doanh nghiệp cần cử nhân viên trực tiếp đến thăm trụ sở của khách hàng để thu thập thông tin nhằm đánh giá xem khách hàng có đủ điều kiện được nợ hay không và hạn mức nợ nào là phù hợp. Trong đó, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến lịch sử nợ của khách hàng để chắc chắn rằng khách hàng không có lịch sử về nợ xấu, nợ khó đòi. Khi cho khách hàng nợ, doanh nghiệp cần định kỳ liên lạc với khách hàng để giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình thu nợ. Khi các khoản nợ không được thanh toán đúng thời hạn, doanh nghiệp sẽ gửi thư nhắc nợ lần 1, 2, 3 đến khách hàng có tuổi nợ cao hơn thời hạn cho phép. Tuy nhiên, nếu cảm thấy khó thu hồi nợ, doanh nghiệp có thể tranh thủ sự giúp đỡ của ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng để phong toả tài sản của khách nợ hoặc thực hiện việc bán nợ.