Nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng tranh tụng của Luật sư Người bào chữa

Một phần của tài liệu Tranh tụng giữa kiểm sát viên và người bào chữa tại phiên tòa hình sự việt nam (Trang 91 - 98)

sư - Người bào chữa

Nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng hành nghề của Luật sư – Người bào chữa là việc làm thiết thực đòi hỏi các Luật sư phải thường xuyên thực hiện. Đơn cử chỉ riêng việc thu thập các thông tin pháp lý, các văn bản

pháp luật cũng đòi hỏi các Luật sư phải cập nhật hàng ngày. Không chỉ các thông tin pháp lý, Luật sư còn phải liên tục cập nhật cả các thông tin của xã hội, của đời sống bởi các biến động của xã hội ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn hoạt động nghề nghiệp của Luật sư. Muốn tranh tụng có hiệu quả trước tòa, bản bào chữa thuyết phục được Hội đồng xét xử, Luật sư phải đưa ra được các quy định pháp lý phù hợp với tình tiết của vụ án và do đó Luật sư phải có sự am hiểu sâu sắc về các quy định của pháp luật cũng như đời sống chính trị, xã hội…Có thể khẳng định rằng, một trong những yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công của các Luật sư nổi tiếng phải kể đến hoạt động nghiên cứu, học hỏi không ngừng nghỉ của các Luật sư trong mọi lĩnh vực có liên quan đến nghề nghiệp của mình.

Kỹ năng hành nghề đặc biệt là kỹ năng tranh tụng của Luật sư sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của thân chủ, bởi vậy chỉ khi Luật sư nhận vụ việc có kiến thức chuyên sâu, hiểu biết tường tận, cập nhật được toàn bộ các các quy định pháp luật về một lĩnh vực cụ thể để ứng dụng chúng như một thói quen, bên cạnh đó là sự kết hợp kinh nghiệm bản thân thường xuyên tham gia tranh tụng trong các vụ án thuộc lĩnh vực cụ thể đó thì mới có thể cho phép người Luật sư ấy được khách hàng đặt trọn niềm tin. Khi nhận vụ việc từ khách hàng, Luật sư với kiến thức thức chuyên sâu, kinh nghiệm tranh tụng cũng đã phần nào giúp cho thân chủ nhìn thấy yêu cầu của họ sẽ được các cơ quan tư pháp giải quyết tới đâu trên cơ sở phân tích các quy định hiện hành.

Thứ nhất, tăng cường công tác đào tạo Luật sư có chất lượng. Công tác đào tạo Luật sư không chỉ hướng đến việc trang bị cho Luật sư kỹ năng hành nghề mà cần phải trang bị cho Luật sư kiến thức tổng hợp về pháp luật, chính trị, xã hội. Những người muốn trở thành Luật sư phải nhận thức được các tiêu chí để trở thành Luật sư tranh tụng và Luật sư tư vấn về các yêu cầu

kỹ năng, ngoại hình, trình độ, khẩu khí và văn hoá ứng xử trong phiên toà. Trong đó tiêu chí để trở thành Luật sư tranh tụng khác và cao hơn so tiêu chí để trở thành Luật sư tư vấn.

Trong chương trình đào tạo Luật sư cần bổ sung thêm các nội dung liên quan đến pháp luật quốc tế, kinh tế quốc tế và các thủ tục tố tụng liên quan đến các yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng phải chú trọng tới việc giới thiệu cho Luật sư về các loại hình Luật sư trên thế giới, hoạt động và kinh nghiệm hoạt động của họ, những thành công và những vi phạm nghề nghiệp đang bị lên án để Luật sư có được phông kiến thức rộng về nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi và có tiêu chí để rèn luyện. Cần tăng cường chất lượng của công tác tuyển sinh và xét tốt nghiệp Luật sư. Đây là hai khâu quan trọng của quá trình đào tạo, có tính chất quyết định đến chất lượng Luật sư hành nghề trong thực tiễn. Đảm bảo cụ thể hoá tiêu chí trở thành Luật sư trong Luật luật sư năm 2006 trên cơ sở Luật sư được đào tạo chính quy và đánh giá đúng chất lượng học tập, đào tạo và thực tập.

Năng lực tranh tụng của Luật sư phụ thuộc nhiều vào đạo đức của Luật sư. Trong đó, Luật sư muốn phát huy vai trò của mình trong tranh tụng cần phải tu dưỡng đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp. Khắc phục tình trạng thương mại hoá hoạt động nghề nghiệp, không tính đến các giá trị nhân đạo, nhân văn, dân chủ và công bằng, công lý. Do đó, Luật sư cần phải nâng cao kỷ luật hành nghề, tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư.

Thứ hai, thành lập “Diễn đàn luật sư”. “Diễn đàn Luật sư” là nơi các Luật sư có thể tăng sự hiểu biết về nghề nghiệp cũng như vai trò của Luật sư trong hoạt động tranh tụng tới cộng đồng. Chú trọng nhiều tới việc thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cá nhân công dân, đặc biệt là những đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý và công dân ở mọi thành phần xã

hội về vai trò của Luật sư. Thông qua Diễn đàn Luật sư, các Luật sư có cơ hội trao đổi, học tập và rút kinh nghiệm; đồng thời đây cũng sẽ là địa điểm để các Luật sư có được góc nhìn toàn cảnh và khách quan về hoạt động nghề nghiệp của mình thông qua các thông tin, bình luận và sự phản hồi của cộng đồng.

Thứ ba, nâng cao kỹ năng tranh tụng của Luật sư tại phiên tòa. Để hoạt động tranh tụng của Luật sư tại phiên tòa đạt hiệu quả cao, Luật sư đặc biệt phải chuẩn bị chú ý đến một số vấn đề cụ thể sau: Nắm vững nội dung, tình tiết vụ án cũng như các chứng cứ có lợi cho thân chủ, chứng cứ bất lợi cho thân chủ; có kế hoạch xét hỏi tập trung vào vấn đề cần tranh luận, phản bác; sắp xếp, loại bỏ các ngôn từ thừa trong bản bào chữa, sử dụng từ ngữ sát ý, dễ hiểu và sắc bén để bào chữa; chú ý đến tính hợp pháp của trình tự, thủ tục và diễn biến trong phiên toà để đảm bảo tính khách quan trong quá trình xét xử. Nếu có vấn đề vi phạm thủ tục tố tụng hay có sự móc ngoặc của các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau cần phải yêu cầu hoãn phiên toà và đề nghị thư ký ghi đầy đủ vào biên bản; chú ý đến việc áp dụng các chính sách hình sự, những tình tiết giảm nhẹ để đề xuất; trong trường hợp thấy rằng Kiểm sát viên không trả lời đầy đủ các câu hỏi của mình, chủ toạ không chấp nhận ý kiến do Luật sư đưa ra thì Luật sư phải đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục thủ tục xét hỏi để tiến hành làm rõ nội dung vụ việc, đánh giá lại chứng cứ buộc tội, thậm chí đề nghị việc giám định chứng cứ, bổ sung chứng cứ.

Phương pháp nghiên cứu Hồ sơ vụ án và đánh giá chứng cứ có trong hồ sơ. Xuất phát từ yêu cầu của thân chủ mà Luật sư xác định trọng tâm công việc cho mình để tham gia tranh tụng và đi vào nghiên cứu hồ sơ vụ án. Luật sư cần phải biết vận dụng các kỹ thuật công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian nghiên cứu hồ sơ tại cơ quan Toà án bằng việc vận dụng các phương tiện kỹ thuật như: dùng máy ảnh kỹ thuật số, máy scan trong việc thu thập tài liệu để nghiên cứu. Đổi mới phương pháp nghiên cứu hồ sơ

trước đây tại cơ quan Tòa án mà cụ thể là việc ghi chép hồ sơ (mất rất nhiều thời gian nhất là đối với những vụ án có tới hàng ngàn hoặc chục ngàn bút lục ví dụ như vụ án lớn Vụ án Năm Cam) nay được thay bằng hoạt động có tính chất chính là hoạt động thu thập tài liệu việc tiết kiệm thời gian này giúp Luật sư có nhiều thời gian nghiên cứu và nghiên cứu sâu hơn về hồ sơ vụ án; đồng thời việc thu thập tài liệu với sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại sẽ giúp cho Luật sư có hộ hồ sơ đầy đủ và chi tiết về vụ án.

Vấn đề đánh giá chứng cứ: Khi nghiên cứu hồ sơ, đòi hỏi các Luật sư phải có sự thay đổi về đánh giá chứng cứ: Luật sư cần phải nhận diện đúng về chứng cứ và nguồn chứng cứ được các bên cung cấp trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, tránh tình trạng tư duy sai lầm về tố tụng "án tại hồ sơ". Luật sư không đọc hồ sơ để viết Bài bào chữa hay Bản luận cứ bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, mà Luật sư phải nhận thức đọc hồ sơ để biết mình phải làm gì cho thân chủ, để chủ động đưa ra các kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụng khi cần thiết, để phiên toà xét xử không chỉ mang tính thủ tục và hình thức mà phải diễn ra trên cơ sở tranh luận công khai tại phiên toà mới có thể ra đời một bản án hay quyết định công bằng, đúng pháp luật, bảo vệ tối đa quyền lợi của thân chủ.

Nhận thức của Luật sư về đường hướng giải quyết yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh việc tuân thủ đúng quy định pháp luật nội dung và hình thức để giải quyết vụ việc thì Luật sư cần có nhận thức của chính mình về đường hướng giải quyết yêu cầu khách hàng đặt ra. Luật sư tham gia tranh tụng hôm nay phải nhận thức và đổi mới tư duy về quyền con người - bởi quyền con người luôn được tôn trọng và ngày một nâng cao cho dù thân chủ chúng ta là bị cáo, người bị hại hay các đương sự. Do vậy, đối với việc tham gia tranh tụng trong vụ án hình sự Luật sư không được lệ thuộc vào kết luận điều tra, cáo trạng hay quyết định đưa vụ án ra xét xử của Toà án mà có tư

duy làm sao để bảo vệ thân chủ tối đa – Luật sư phải có quyết định đường hướng giải quyết vụ việc trong nhận thức của Luật sư trên cơ sở luật định mặc dù trước đó đã có những chứng cứ buộc tội, bất lợi cho thân chủ.

Vấn đề tranh luận tại phiên toà. Như đã đề cập trên đây về vấn đề

phải loại bỏ tư duy sai lầm của Luật sư về vấn đề "án tại hồ sơ" khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, bởi giữa việc nghiên cứu và đánh giá chứng cứ trong hồ sơ với kỹ năng tranh luận tại phiên toà có mối liên hệ rất mật thiết. Nói như vậy không có nghĩa coi việc nghiên cứu quy định pháp luật, nghiên cứu hồ sơ vụ án là phụ mà chúng tôi chỉ muốn đề cập tới vấn đề làm sao để các Luật sư đừng quá lệ thuộc vào hồ sơ vụ án, không chuẩn bị tốt cho mình kỹ năng phần tranh luận công khai tại phiên toà.

Xu hướng tranh tụng gần đây và đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO buộc chúng ta phải tuân thủ các cam kết quốc tế và pháp luật quốc tế, chắc chắn vấn đề tranh tụng công khai tại phiên toà sẽ là con đường xác định sự công bằng, lẽ phải để tuyên án. Do vậy, các Luật sư cần phải tích cực tham gia, tham dự các phiên toà nhiều hơn để đúc kết kinh nghiệm cho mình; đồng thời ngoài việc lập sẵn cho mình kế hoạch xét hỏi, cần biết dự đoán các vấn đề cần tranh tụng công khai tại phiên toà trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ kết hợp với quan điểm bào chữa/bảo vệ của Luật sư. Để làm được điều này, các Luật sư cần phải giành thời gian để tự hùng biện quan điểm bào chữa hay bảo vệ của mình đối với yêu cầu của thân chủ. Kỹ năng nói, tốc độ nói, giọng nói, phong thái, tư thế đi lại tại phiên toà là những vấn đề bắt buộc Luật sư phải quan tâm và xử lý tốt mới giúp Luật sư tự tin.

Chuẩn bị bài bào chữa. Xu hướng hiện nay, các Luật sư phải đặc biệt quan tâm nhiều hơn kỹ năng của mình đối với phần tranh luận công khai tại phiên toà. Do vậy bài bào chữa hay bản luận cứ nên để dưới dạng "mở" có

thể thay đổi linh hoạt cho phù hợp với diễn biến phiên toà chứ không nên theo cách chuẩn bị cổ điển "đóng" bằng cách viết sẵn để đọc và trình bày trước Hội đồng xét xử. Bản luận cứ bào chữa hay bảo vệ quyền lợi cho thân chủ nên được Luật sư nên được trình bày đơn giản, ngắn gọn, mạch lạc dựa trên các căn cứ pháp luật, chứng cứ của hồ sơ vụ án, các tình tiết mới cũng như kết quả tranh luận tại phiên toà. Do vậy Luật sư không nên đề cập qua nhiều tới phạm trù đạo đức, tình cảm con người để lấy đó làm lý lẽ gỡ tội hay bảo vệ quyền lợi cho thân chủ mình. Luật sư vẫn quan tâm tới việc chia xẻ với khách hàng nhưng không thể coi đó là cơ sở lập luận gỡ tội hay bảo vệ khách hàng. Để làm được điều này đòi hỏi các Luật sư phải ý thức được vấn đề quyết định để gỡ tội hay bảo vệ quyền lợi cho thân chủ mình là các cơ sở pháp lý chứ không tranh tụng theo hướng "tình cảm" con người.

Thứ tư, nâng cao uy tín nghề nghiệp của Luật sư trong việc phát triển tài năng nghề nghiệp, đề cao kỷ luật nghiêm minh đối với những Luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Công khai trước công luận những Luật sư vi phạm nghề nghiệp và những cá nhân tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến quyền của Luật sư trong hoạt động tranh tụng. Đặc biệt chú ý đến việc lên án các kiểm sát viên, các thẩm phán có thái độ không coi trọng ý kiến tranh tụng đúng đắn của Luật sư trong các phiên toà.

Thứ năm, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm tranh tụng của Luật sư trong nước và quốc tế. Trao đổi, học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp Luật sư các nước và quốc tế giúp đội ngũ Luật sư Việt Nam phát huy vai trò nghề nghiệp của mình trong hoạt động tranh tụng phù hợp với sự phát triển chung của thế giới, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhận thức xã hội của Việt Nam…., Luật sư phải thường xuyên nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức pháp lý, có kinh nghiệm thực tiễn

khi tranh tụng, có như vậy Luật sư mới làm tốt vai trò của Luật sư trong hoạt động tranh tụng.

Việc nâng cao năng lực tranh tụng của Luật sư là một việc làm có ý nghĩa hết sức cần thiết và quan trọng. Chất lượng, hiệu quả hoạt động tranh tụng, vai trò của Luật sư, uy tín nghề nghiệp của Luật sư phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động tranh tụng của họ. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực tranh tụng chính là nhằm vào việc nâng cao khả năng tham gia tranh tụng, nâng cao kỹ năng tranh tụng của Luật sư đồng thời với việc phát huy nội lực và sự phối hợp của chính tổ chức nghề nghiệp này, tạo động lực cho các Luật sư tiến hành tranh tụng một cách tự tin và tích cực nhất.

Một phần của tài liệu Tranh tụng giữa kiểm sát viên và người bào chữa tại phiên tòa hình sự việt nam (Trang 91 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)