2.2.1. Những ưu điểm của Người bào chữa trong tranh tụng tại phiên toà hình sự toà hình sự
Thực tiễn xét xử cho thấy, Luật sư là một bên của quá trình tranh tụng hoạt động của Người bào chữa không chỉ có ý nghĩa “đối trọng” với các cơ quan tiến hành tố tụng có chức năng buộc tội mà còn có tác dụng phối hợp nhằm giải quyết những vấn đề liên quan tới trách nhiệm của Người bào chữa. Ưu điểm của Người bào chữa - Luật sư trong tranh tụng tại phiên tòa thể hiện ở vai trò của Luật sư đối với hoạt động tranh tụng tại phiên tòa nói riêng và quá trình tranh tụng nói chung.
Đội ngũ Luật sư đang dần trưởng thành cả về số lượng lẫn chất lượng. Hoạt động tranh tụng tại phiên tòa của Luật sư có chất lượng và hiệu quả hơn. Luật sư đã và đang thể hiện đúng vai trò của mình trong tranh tụng. Các Luật sư đã có những chuẩn bị nghiêm túc hơn cả về kiến thức pháp lý, bản lĩnh nghề nghiệp và đặc biệt là nắm chắc nội dung vụ án trước khi tham gia phiên tòa. Luật sư đã dành nhiều thời gian cho hoạt động nghiên cứu hồ sơ vụ án, sử dụng nhiều kỹ năng nghề nghiệp trong việc thu thập các chứng cứ liên quan có lợi cho thân chủ….. nghiên cứu, tìm tòi, suy nghĩ để tìm hiểu được sự thật khách quan của vụ án. Quá trình chuẩn bị này là tiền đề cho Luật sư xây dựng cho mình bản luận cứ với các lý lẽ có sức thuyết phục, các chứng cứ làm dẫn chứng và thể hiện được các tình tiết có lợi nhất cho thân chủ với mục đích thuyết phục Hội đồng xét xử chấp nhận các đề nghị của mình. Do vậy, khi tham gia phiên tòa hoạt động tranh tụng giữa Luật sư và kiểm sát viên đã rõ
nét hơn. Luật sư đã thể hiện tốt vai trò của mình, với các tranh luận sâu sắc, Luật sư đã buộc Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên phải làm việc nghiêm túc, phải nghiên cứu hồ sơ và đặc biệt điều chỉnh tác phong làm việc theo kiểu “án tại hồ sơ” nếu không muốn bị “lép vế” trong phiên tòa. Như vậy, có thể khẳng định rằng cùng với sự lớn mạnh của đội ngũ Luật sư sẽ thúc đẩy sự lớn mạnh của cả hệ thống tư pháp và theo đó chất lượng tranh tụng của phiên tòa sẽ được nâng cao.
Hoạt động tranh tụng của Luật sư tại phiên tòa là để đảm bảo quyền cơ bản của bị can, bị cáo nhằm tránh oan sai và hạn chế vi phạm trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, giúp cho chế độ dân chủ trong một xã hội văn minh, tiến bộ được thực thi, giúp cho quyền con người được tôn trọng, góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền của chúng ta. Là người bênh vực cho người bị buộc tội, khi tham gia tố tụng đặc biệt là trong phiên tòa, Người bào chữa vừa được quyền phát biểu nhân danh bị cáo vừa nhân danh cá nhân nêu ra các luận cứ để phản bác một phần hoặc toàn bộ sự cáo buộc của cơ quan công tố cũng như cơ quan điều tra. Do đó, ngoài mục đích gỡ tội cho thân chủ, nhằm bào chữa, hạn chế ở mức tối đa sự trừng phạt của Nhà nước đối với bị can, bị cáo; Luật sư có quyền chỉ ra những sai sót, vi phạm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng - cơ chế giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Sự hiện diện của Luật sư trong vụ án buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải thận trọng trong việc thực thi các quy định của pháp luật. Bởi lẽ, với sự có tham gia của Luật sư là những người có trình độ pháp lý nhất định họ sẽ là người phát hiện ra vi phạm về thủ tục tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng và những phát hiện này sẽ có giá trị trong việc giúp Luật sư có được các chứng cứ có giá trị để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ mình.
Vai trò bảo vệ thân chủ và bào chữa của Luật sư trong hoạt động tranh tụng có hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào việc Luật sư triển khai các kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa như thế nào, thời gian dành cho hoạt động tranh tụng có hợp lý hay không. Nếu Luật sư không đưa ra được điểm chốt hợp lý và phân bố thời gian cho mỗi lập luận chống lại sự buộc tội của Viện kiểm sát thì vai trò bào chữa không được đảm bảo.
Hiệu quả của hoạt động tranh tụng của Người bào chữa tại phiên tòa hình sự đã và đang đạt được các mục đích sau:
Một là, bảo vệ công lý, công bằng xã hội. Thông qua hoạt động nghề nghiệp, đặc biệt là thông qua hoạt động tranh tụng, luật sư thể hiện các chức năng cao quý của nghề nghiệp, góp phần tạo tiếng nói lên án hành vi vi phạm pháp luật, phản bác lại các bản luận tội thiếu cơ sở pháp luật, những vi phạm quyền con người và quyền công dân trong tố tụng. Về bản chất, đó là hoạt động nhằm mục đích bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chính nghĩa và các giá trị mà pháp luật bảo vệ.Vai trò bảo vệ công lý là một trong những vai trò hết sức quan trọng không chỉ đè nặng trên vai của những thẩm phán - những người cầm cân nẩy mực mà đó còn là trách nhiệm nặng nề của đội ngũ Luật sư. Trong quá trình tố tụng, đặc biệt trong hoạt động tranh tụng, sự hiện diện và tham gia của Luật sư có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo tính khách quan của hoạt động tố tụng. Nếu một phiên tòa mở ra, chỉ có sự hiện diện của bị cáo, Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên thì công lý sẽ bị nhìn nhận một cách méo mó. Bởi lẽ, bị cáo lúc đó sẽ là người yếu thế trước các cá nhân hoạt động nhân danh Nhà nước. Cho dù lúc đó, bị cáo có thể biện hộ được cho mình song sẽ là không khách quan nếu không có người hành nghề Luật sư đứng về phía bị cáo và bảo vệ cho quyền lợi của bị cáo. Sự hiện diện của Luật sư ngang hàng với Kiểm sát viên và việc triển khai hoạt động tranh tụng của họ trong phiên tòa là điểm nhấn có ý nghĩa, xác định vai trò bảo vệ công lý và công bằng xã
hội của Luật sư trong hoạt động tranh tụng. Bên cạnh đó, việc tham gia tranh tụng để nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án của Luật sư có ý nghĩa trong việc bảo vệ tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của các cơ quan và người tiến hành tố tụng, đồng thời góp phần thiết thực vào việc phòng, chống oan sai trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Trong thực tiễn tham gia tranh tụng tại phiên tòa, với việc thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ nghề nghiệp, Luật sư đã có nhiều chú trọng trong việc tìm và chứng minh, đánh giá các chứng cứ để giúp Hội đồng xét xử có thêm căn cứ, cơ sở xem xét, đánh giá các chứng cứ có trong hồ sơ và chứng cứ được trình bày tại phiên tòa trước Hội đồng xét xử.
Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong thực tiễn thực hiện hoạt động tranh tụng, Luật sư không chỉ hiểu và nắm rõ tinh thần của các đạo luật mà còn phải thấy được những điểm mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của pháp luật, tính bất khả thi của các đạo luật để từ đó có những ý kiến đóng góp, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi và ban hành mới các quy định pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật. Vai trò này của Luật sư đã được Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 khẳng định: Luật sư có trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong khi triển khai các hoạt động nghề nghiệp của họ. Vai trò bảo vệ pháp chế của Luật sư trong hoạt động tranh tụng được thể hiện rõ nét trong việc Luật sư thông qua hoạt động tranh tụng, chuyển tải pháp luật vào đời sống. Pháp luật lúc đó mới thực sự có sức sống mãnh liệt và phát huy được các chức năng vốn có của nó, làm công cụ đắc lực cho Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và quan trọng là đòi hỏi các chủ thể khác tôn trọng pháp luật. Hoạt động tranh tụng của Luật sư trong các phiên tòa xét xử ngày càng
tăng về số lượng và chất lượng đã tạo nên hình ảnh và uy tín cũng như vai trò của Luật sư trong việc góp phần tạo thế ổn định, công bằng xã hội.
Ba là, phổ biến, giáo dục pháp luật. Thông qua tranh tụng của mình, Luật sư phổ biến và tuyên truyền các quy định pháp luật nằm trong nhiều đạo luật liên quan đến vụ án mà kiểm sát viên, thẩm phán có thể chưa nắm rõ được tinh thần, chưa cập nhập thông tin pháp lý cụ thể. Thông qua tranh tụng, kiến thức pháp luật mà Luật sư có được thẩm thấu vào kiểm sát viên, thẩm phán. Luật sư tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho bị can, bị cáo và các đương sự. Đây là hoạt động tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật được diễn ra một cách trực tiếp và thiết thân nhất đối với thân chủ của họ.
Bốn là, Giám sát hoạt động tư pháp. Hoạt động tư pháp diễn ra trên cơ sở việc thực hiện pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong đó, cụ thể là hoạt động kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát, hoạt động giám đốc án của Tòa án nhân dân tối cao, hoạt động thanh tra trong hệ thống của Cơ quan điều tra. Các hoạt động giám sát mang tính quyền lực này không tránh khỏi sự không khách quan. Hơn thế nữa, đó lại là hoạt động giám sát trong toàn bộ quá trình tố tụng mà không tập trung vào một giai đoạn đặc biệt nào của tố tụng. Hoạt động này đang được diễn ra một cách không khách quan và hiệu quả. Do đó, song song tồn tại hình thức giám sát mang tính quyền lực nhà nước cần thiết phải có sự giám sát mang tính xã hội, đặc biệt là từ phía Luật sư. Đây là cơ sở khoa học dẫn đến một thực tế, nếu các hoạt động tố tụng được diễn ra dưới sự giám sát của Luật sư thì các Kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán đều tiến hành các hoạt động nghiệp vụ của mình một cách cẩn trọng hơn theo các trình tự tố tụng được quy định một các chặt chẽ. Đặc biệt, trong xét xử, qua hoạt động tranh tụng, hơn ai hết, Luật sư là người vừa tranh tụng, vừa đấu tranh phản biện lại bản luận tội của do Kiểm sát viên trình bày để thực hiện gỡ tội, vừa làm nhiệm vụ giám sát kiểm sát viên, thẩm
phán trong việc tiến hành các hoạt động tố tụng, đảm bảo cho phiên tòa không chỉ diễn ra đúng theo tinh thần độc lập, khách quan mà còn đảm bảo việc xét xử đúng quy định, đúng thủ tục. Bằng việc phát huy vai trò giám sát của Luật sư thông qua các hình thức theo dõi, kiểm tra, đánh giá các tình tiết vụ án, cách thức tiến hành tố tụng của các cơ quan tố tụng, Luật sư góp phần phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục tố tụng và đặc biệt là làm hạn chế sự vi phạm quyền con người từ phía các cơ quan tố tụng. So với sự giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp do các hội thẩm nhân dân tham gia thì vai trò giám sát của Luật sư chiếm ưu thế trội hơn về tính khách quan và hiệu quả trên thực tế. Bởi lẽ, Luật sư tiến hành hoạt động nghề nghiệp một cách độc lập, chỉ ràng buộc trách nhiệm với thân chủ trong quá trình tiến hành tố tụng nói chung và hoạt động tranh tụng nói riêng.
Mục đích hành nghề của các Luật sư bên cạnh mục đích chính là bảo vệ quyền và lợi ích của các thân chủ của mình còn có những mục đích cơ bản như tìm ra sự thật khách quan của vụ án, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Điều 132 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) đã ghi nhận: “tổ chức Luật sư được thành lập để giúp các bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Sự tham gia của Luật sư vào quá trình tố tụng đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Như vậy, chỉ khi nào có sự thay đổi về nhận thức và khẳng định việc ghi nhận vai trò của tranh tụng vẫn là một biện pháp khoa học để tìm ra sự thật khách quan của vụ án và theo đó mới thấy được sự tham gia tranh tụng của Luật sư là hết sức cần thiết và không thể thiếu để hoạt động xét xử được diễn ra đúng theo tinh thần tranh tụng. Việc nâng cao dân trí, trình độ và ý
thức pháp luật là các giải pháp cơ bản nhằm nâng cao nhận thức của xã hội đối với vai trò của Luật sư trong hoạt động tranh tụng. Có như vậy, tranh tụng cùng với sự hiện diện của Luật sư trong hoạt động xét xử mới thực sự là biểu hiện của nền dân chủ trong tố tụng.