Tiến độ các dự án trong giai đoạn hiện nay

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xác định thời gian xây dựng tối ưu công trình ký túc xá sinh viên trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật vĩnh phúc (Trang 47 - 51)

Kế hoạch tiến độ thi công là phần văn bản quan trọng nhất trong thiết kế tổ chức thi công công trình, vì ở đó thể hiện tập trung nhất, đầy đủ nhất sự vận dụng khoa học và kinh nghiệm thực tiễn để bố trí tiến trình thực hiện các đầu việc, các quá trình xây lắp trên cơ sở đã lựa chọn các giải pháp công nghệ, các phương án tổ chức sử dụng nguồn lực, tổ chức mặt bằng thi công và tôn trọng các quy tắc phòng hộ phù hợp với quy mô và tính chất công trình xây dựng nhằm đạt chất lượng cao nhất, thời gian thi công rút ngắn và chi phí xây dựng thấp nhất.

Trong quá trình thi công xây dựng, kế hoạch tiến độ thi công đã được phê duyệt là tài liệu mang tính pháp lệnh để chỉ đạo thi công trên công trường. Tuy nhiên những sai lệch giữa thi công xây dựng thực tế và kế hoạch tiến độ vẫn thường xuyên xảy ra và khó tránh khỏi. Kế hoạch tiến độ xây dựng phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm của từng công trình như: điều kiện tự nhiên, địa chất thuỷ văn nơi xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước...) địa hình, mức độ phức tạp về kĩ thuật và điều kiện tổ chức thi công. Quá trình thi công xây dựng là một quá trình động và luôn chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngẫu nhiên đến tiến độ thi công.

Mặc dù công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn quá nhiều dự án chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác đầu tư xây dựng cơ bản.

Theo Báo cáo số: 7435/BKHĐT-GSTDĐT ngày 02/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình trạng các dự án chậm tiến độ vẫn phổ biến. Trong 6 tháng đầu năm 2013 có 3.006 dự án chậm tiến độ, chiếm 11,2% tổng số dự án thực hiện trong kỳ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên nhưng có một số nguyên nhân chủ yếu như: Do công tác giải phóng mặt bằng (có 1.058 dự án, chiếm 3,94% số dự án thực hiện trong kỳ); Do bố trí vốn không kịp thời (có 655 dự án, chiếm 2,48% số dự án thực hiện trong kỳ); Do năng lực của chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các nhà thầu (có 271 dự án, chiếm 1,01% số dự án thực hiện trong kỳ); Do quy trình thủ tục đầu tư (có 413 dự án, chiếm 1,54% số dự án thực hiện trong kỳ).

Một số địa phương có dự án chậm tiến độ lớn trong 6 tháng đầu năm 2013 là: Hà Nội (105 dự án), Thành phố Hồ Chí Minh (293 dự án), Thanh Hóa (178 dự án), Thái Bình (31 dự án). Theo số liệu từ các địa phương, đơn vị có báo cáo gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 2.601 dự án thực hiện đầu tư trong kỳ phải điều chỉnh, chiếm 9,72% tổng số dự án thực hiện trong kỳ. Trong đó chủ yếu là điều chỉnh vốn đầu tư (1.168 dự án, chiếm 4,35% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh tiến độ đầu tư (963 dự án, chiếm 3,59%); điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư (502 dự án, chiếm 1,87%); điều chỉnh địa điểm đầu tư (43 dự án, chiếm 0,16%).

Hình 2-1: Số lượng dự án phải điều chỉnh đầu tư [9]

Có thể lấy ví dụ một số các dự án đã chậm tiến độ thi công trong thời gian vừa qua, như:

- Dự án Usilk City do Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư, từng được quảng cáo rầm rộ với quy mô 13 tòa nhà cao hiện đại từ 25 - 50 tầng và mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào năm 2009, kế hoạch sẽ bàn giao vào năm 2012-2013 và được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn, thay đổi bộ mặt của quận mới Hà Đông. Tuy nhiên, tiến độ thi công chậm, liên tục dừng triển khai. Đa số các tòa nhà tại đây vẫn ở dạng móng và bị đắp chiếu trong suốt thời gian dài. Hồi tháng 9/2012, BIDV cũng cho biết sẽ rót 300 tỷ đồng cho dự án này. Tuy nhiên, đến nay, Usilk City vẫn xây dựng cầm chừng. Sau nhiều lần tuyên bố ngừng thi công, dự án Usilk City lại được hứa hẹn "cứu" thêm lần nữa nhờ dòng vốn của các chủ đầu tư và người mua căn hộ.

- Sau nhiều năm khởi công, dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội (Nhổn - Ga Hà Nội) liên tục chậm tiến độ khiến thời gian dự kiến hoàn thành

kéo dài đến cuối năm 2017. Tuy nhiên, cả chủ đầu tư và Tư vấn Systra (Pháp) đều tính toán thời gian sẽ phải kéo dài đến tháng 11/2018. Do dự án kéo dài nên tư vấn đã kiến nghị điều chỉnh giá trị hợp đồng và bồi hoàn 1,3 triệu Euro.

- Với dự án xây dựng cầu Nhật Tân - công trình quốc gia: sự chậm trễ trong việc giải phóng mặt bằng gần 27 tháng của gói thầu thi công đường dẫn cầu Nhật Tân thuộc địa phận huyện Đông Anh (Hà Nội) khiến dự phải "bổ sung chi phí" hơn 150 tỷ đồng cho nhà thầu Nhật Bản. Và số tiền này sẽ được cộng vào tổng chi phí ngân sách dành cho dự án.

- Tuyến tránh qua Thành phố Tuy Hòa và cầu Đà Rằng mới là công trình lớn ở Phú Yên do PMU18 (Bộ Giao thông - Vận tải) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng những hạng mục do PMU18 thi công ở công trình này đã xuống cấp, hư hỏng. Tuyến tránh qua thành phố Tuy Hòa (gồm phần đường dẫn dài trên 12 km và cầu Đà Rằng mới dài 1512m, rộng 12,5m) có tổng vốn đầu tư 427 tỷ đồng từ vốn dư sau đấu thầu của dự án khôi phục 5 cầu trên Quốc lộ 1A giai đoạn 2-3. Công trình được khởi công vào ngày 5-7-2003, khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 10-11-2004, một khoảng thời gian được đánh giá là ngắn kỷ lục trong xây dựng những công trình có khối lượng tương tự của ngành cầu đường Việt Nam. Tháng 7-2005, công trình được bàn giao cho Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên để quản lý, khai thác.

Hình 2-2: Hiện trạng nền mặt đường sau khi được đưa vào sử dụng

Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, phần đường của tuyến tránh đã xuất hiện nhiều hư hỏng. Theo báo cáo của đơn vị quản lý trong phạm vi gần 200 m thuộc km 1328 mặt đường bị lún, võng sâu từ 10cm đến 15cm. Tại các vị trí mặt cầu dẫn số 3, số 4, mặt cống hộp, đường hai đầu cầu bị lún thấp hơn mặt cầu, mặt cống từ 60cm đến 70cm. Nhiều nơi mặt đường bị nứt dọc, nứt ngang và trong đoạn từ km 1327 đến km 1338 vừa sình lún vừa xuất hiện rất nhiều ổ gà. Hơn 20m chiều dài mái taluy nền đường tại km 1330 bị hư hỏng cả hai bên.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xác định thời gian xây dựng tối ưu công trình ký túc xá sinh viên trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật vĩnh phúc (Trang 47 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w