Việc thiết kế kế hoạch tiến độ thi công xây dựng công trình ở nước ta hiện nay chưa hợp lý chặt chẽ, tùy thuộc vào nhà thầu và chưa được các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng quan tâm đúng mức. Các doanh nghiệp xây dựng có khuynh hướng coi trọng sản xuất xem thường quản lý, coi trọng giá trị sản lượng xem nhẹ hiệu quả, quan tâm tới tiến độ, giá rẻ bỏ mặc chất lượng. Các doanh nghiệp để có thể thắng thầu, đã cố tình lập kế hoạch tiến độ thi công xây dựng công trình có thời gian càng ngắn càng tốt mà không hoặc ít chú ý đến các yếu tố ảnh hưởng tác động như năng lực về tài chính, về máy móc thiết bị và về tiền vốn, về công nghệ xây dựng. Những hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của hồ sơ thiết kế tổ chức thi công, đến chất lượng của hồ sơ dự thầu.
Những công trình có chuẩn bị cũng chỉ có tiến độ thi công và một số bản vẽ trình bày một vài biện pháp thi công nhưng rất sơ sài và chỉ có tác dụng tượng trưng, trong quá trình thi công hầu như không sử dụng đến. Các quyết định về công nghệ hầu như phó mặt cho cán bộ thi công phụ trách công trình, cán bộ thi công này cùng lúc làm hai nhiệm vụ vừa là người thiết kế công nghệ, vừa là người tổ chức sản xuất. Đối với những công trình quy mô lớn và phức tạp thì ngay cả những cán bộ giàu kinh nghiệm và năng lực cũng không thể làm tròn cả hai nhiệm vụ đó, công việc xây dựng sẽ tiến hành một cách tự phát không có ý đồ toàn cục, do đó dễ xảy ra những lãng phí lớn về sức lao động, về hiệu suất sử dụng thiết bị, kéo dài thời gian thi công, tăng chi phí một cách vô lý.
Về công nghệ xây dựng thì quy trình tùy tiện và chất lượng không ổn định, sai đâu sửa đó. Về tổ chức thi công, vì giá nhân công rẻ mạt, nên công tác thiết kế tổ chức thi công hời hợt, bố trí sắp xếp lộn xộn, không khoa học
gây ra tình trạng công nhân phải làm thêm giờ, năng suất thấp, chất lượng không đều do đó tiến độ thực hiện thường bị chậm, công tác quản lý kém và giá thành xây dựng tăng cao. Ngoài ra, công tác đánh giá và phê duyệt các phương án tiến độ xây dựng còn tùy tiện, theo chủ quan của nhà thầu và cả cơ quan đầu tư, cơ quan cấp vốn.
Thực tế trong thời gian qua cho thấy trong cả nước đã có rất nhiều dự án chậm tiến độ thực hiện gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế đất nước. Tại cuộc họp báo cuối năm của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong năm 2013, Thành phố đã tiến hành rà soát cho thấy có toàn bộ 1.295 dự án chậm tiến độ trên địa bàn. Và cả UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải đều khẳng định, hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn thủ đô như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, cầu Nhật Tân, đường dẫn cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài vẫn chưa đạt kết quả thống nhất trong công tác giải phóng mặt bằng. Đây là nguyên nhân chính gây chậm tiến độ dự án. Các dự án chậm tiến độ do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư đã phải đền bù cho nhà thầu nước ngoài. Cụ thể, với dự án cầu Nhật Tân, nhà thầu Toky đã đòi tiền đền bù (sơ sơ tính khoảng 200 tỉ đồng) do chậm tiến độ 1,5 năm mà nguyên nhân chính là chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.
Các công việc nếu không được thực hiện theo quy trình kỹ thuật hợp lý và không tuân thủ nghiêm ngặt thời gian bắt đầu và thời gian hoàn thành thì không thể kiểm soát được, từ đó người quản lý, chủ đầu tư không thể biết được chính xác thời hạn hoàn thành dự án.Việc chậm trễ trong quá trình thi công sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí. Phần lớn các dự án bị chậm tiến độ đều làm chi phí tăng, thậm chí tăng đến 20% - 30% tổng giá trị. Chậm bàn giao đưa công trình vào vận hành còn có nghĩa là vốn đầu tư bị ứ động, quay vòng chậm gây ra thiệt hại cho nhà thầu, chủ đầu tư, Nhà nước và xã hội. Trong
chừng mực nhất định, không đảm bảo đúng tiến độ còn có nghĩa là chất lượng của một số phần việc không đảm bảo.
KẾT LUẬN CHƯƠNG I
Việc lập kế hoạch tiến độ trong xây dựng là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Một dự án nếu có kế hoạch tiến độ thi công hợp lý sẽ xác định được tương đối chính xác thời hạn hoàn thành xây dựng công trình từ đó sẽ giảm được tối đa các chi phí không đáng có, nâng cao chất lượng công trình, hạ giá thành xây dựng công trình. Chính vì vậy mà công tác lập kế hoạch tiến độ cần được quan tâm chú trọng đúng mức. Hiện nay có nhiều phương pháp được sử dụng để lập kế hoạch tiến độ xây dựng công trình, song song với nó cũng có nhiều biện pháp tổ chức xây dựng được sử dụng nên tùy theo tính chất của từng công trình và yêu cầu kỹ thuật mà lựa chọn phương pháp hợp lý.
Qua thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết các dự án đều có kế hoạch tiến độ thi công nhưng tính phù hợp chưa cao. Các kế hoạch tiến độ đưa ra để cho là có đủ thành phần còn trong quá trình thi công xây dựng công trình thì hầu như là không hề sử dụng đến chúng. Hiện này có rất nhiều dự án thi công chậm tiến độ, thời gian thi công kéo dài khiến chi phí xây dựng tăng cao, nhiều dự án treo làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất của nhân dân trong vùng.
Tóm lại, bài toán đặt ra hiện nay là cần nâng cao hiệu quả trong công tác lập kế hoạch tiến độ xây dựng cho các dự án, bên cạnh đó giảm chi phí đầu tư xây dựng công trình và nâng cao chất lượng công trình. Đây là một bài toán đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng cần có cái nhìn đúng đắn và đưa ra giải pháp hợp lý. Trong phạm vi luận văn này, vấn đề trên sẽ được tác giả nghiên cứu trong các chương tiếp theo.
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN TRONG ĐIỀU KHIỂN KẾ HOẠCH TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
2.1. Các cơ sở trong điều khiển kế hoạch tiến độ.