Như đã phân tích, pháp luật Việt Nam không đưa ra một định nghĩa khái quát về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mà liệt kê cụ thể các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và trên cơ sở đó Luật Cạnh tranh xác định các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Theo đó, có hai nhóm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm gồm: các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm có khả năng được hưởng miễn trừ và các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm hoàn toàn. Việc phân chia các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh với hai mức độ khác nhau cho thấy sự mềm dẻo trong việc xử lý các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của pháp luật,
48 đáp ứng được sự linh hoạt của thị trường.
Các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm có khả năng hưởng miễn trừ được pháp luật quy định xuất phát từ sự cân nhắc giữa những lợi ích và hậu quả của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể đem lại cho thị trường trong những hoàn cảnh và điều kiện nhất định. Bởi vậy, không phải tất cả các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đều có thể áp dụng chế định miễn trừ và sự miễn trừ đó luôn phải có thời hạn.
Ngoài ra, để có thể được hưởng miễn trừ, chủ thể được hưởng miễn trừ phải thực hiện các thủ tục xin hưởng miễn trừ theo quy định của Luật Cạnh tranh. Tư tưởng pháp lý này đã được thể hiện nhất quán trong các Điều 9 và Điều 10 của Luật Cạnh tranh [33].
Trên cơ sở khảo sát, đánh giá các quy định của Luật Cạnh tranh, có thể rút ra một số nhận xét chung nhất về việc quy định các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong pháp luật Việt Nam ở một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, pháp luật cạnh tranh của Việt Nam không phân chia giữa thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang và chiều dọc.
Pháp luật cạnh tranh các nước đều có sự phân định thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thành hai nhóm: nhóm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang và nhóm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc. Thỏa thuận theo chiều ngang được hiểu là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp nằm ở vị trí ngang nhau trong chu trình sản xuất, phân phối hoặc lưu thông hàng hóa còn thỏa thuận dọc được hiểu là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp nằm ở vị trí khác nhau trong chu trình sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa.
Về mặt lý thuyết, các thỏa thuận ngang thường tác động xấu tới cạnh tranh trên thị trường hơn các thỏa thuận dọc. Vì thế, pháp luật cạnh tranh của các nước thường xếp các thỏa thuận ngang vào nhóm các thỏa thuận bị cấm hoàn toàn còn các thỏa thuận dọc thường được xếp vào nhóm thỏa thuận có
49
quyền hưởng miễn trừ. Nhận định về sự cần thiết phân biệt thoả thuận dọc và thoả thuận ngang, có quan điểm cho rằng: “Trên thực tế hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Mỹ theo Luật Sherman là nghiêm cấm mọi hành vi ngăn cản thương mại theo chiều ngang và chiều dọc. Theo chiều ngang, các thỏa thuận giữa các đối thủ cạnh tranh về những khía cạnh, cạnh tranh quan trọng như giá cả và sản lượng có thể được coi là phạm pháp và phải chịu hình phạt rất nặng về tiền hoặc bỏ tù. Tác động thực tế hoặc sự hợp lý của giá cả hoặc phân chia thị trường được thỏa thuận không được chấp nhận là lý do cho thỏa thuận chiều ngang. Bản thân của các thỏa thuận này là vi phạm pháp luật. Người ta có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn như chấm dứt hoặc đình chỉ thỏa thuận. Các thỏa thuận theo chiều ngang khác cũng coi như là phạm pháp nhưng tính pháp lý của chúng lại phụ thuộc vào kết quả kiểm tra tức là phụ thuộc vào tác động thực tế của cạnh tranh đối với thỏa thuận… Chỉ có một thỏa thuận theo chiều dọc bản thân của nó được coi là bất hợp pháp, đó là ấn định giá bán tối thiểu. Tuy bị coi là phạm pháp, nhưng mà hành vi duy trì giá bán lại không bị đối xử về pháp lý và thi hành như hành vi ấn định giá theo chiều ngang. Các cơ quan thi hành rất ít khi xử lý và áp dụng hình sự đối với hành vi này. Một thỏa thuận ràng buộc đôi khi bản thân nó cũng coi là bất hợp pháp, nhưng tính chính xác của kết luận này còn gây nhiều tranh cãi. Như vậy, hầu hết các quan hệ theo chiều dọc được đánh giá theo quy tắc hợp lý và chỉ bị coi là bất hợp pháp khi tác động chống cạnh tranh ròng được chứng minh” [14].
Việc không phân định rõ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang và chiều dọc đã gây ra một số khó khăn trong việc thực thi Luật Cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Bởi nếu các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là thỏa thuận theo chiều ngang thì sự tồn tại của nó đã đương nhiên là vi phạm pháp luật mà không cần phải có sự chứng minh nào cả. Trong khi với
50
các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc, để chứng minh là thuộc nhóm vi phạm pháp luật, bị cấm thì các cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh hàng loạt các yếu tố khác nữa như: thị phần của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận trên thị trường liên quan có nhỏ hơn 30% không hay có các điều kiện để được hưởng miễn trừ hay không ?...
Thứ hai, pháp luật cạnh tranh Việt Nam không dự liệu các trường hợp hạn chế cạnh tranh giữa các đơn vị con trong một tập đoàn.
Đây cũng là một khó khăn cho việc thi hành pháp luật cạnh tranh ở Việt Nam, trước khi có Luật Cạnh tranh, hoạt động khép kín thông qua các thỏa thuận của các đơn vị trong các ngành chủ quản, đặc biệt là lĩnh vực nhạy cảm như kinh doanh xăng dầu là công khai vì không có cơ chế xử lý. Khi Luật Cạnh tranh ra đời, nhằm tránh việc phải gánh chịu hậu quả của các thỏa thuận đó vẫn tiếp tục nhưng tồn tại ở dạng bí mật và thay vì là thỏa thuận giữa các đơn vị trong một ngành thì đó có thể là thỏa thuận giữa các đơn vị con trong một tập đoàn kinh tế. Có thể thấy rằng đây cũng là một trong những khiếm khuyết mà Luật Cạnh tranh của Việt Nam cần phải bổ sung để đảm bảo một thiết chế cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Thứ ba, quy định về các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trong pháp luật cạnh tranh Việt Nam còn có nhiều hạn chế.
Luật Cạnh tranh của Việt Nam không đưa ra một định nghĩa khái quát về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mà thay vào đó liệt kê các thỏa thuận bị coi là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm tại Điều 8. Nếu so sánh với pháp luật cạnh tranh của Liên minh Châu Âu ta thấy danh sách này có nhiều điểm tương đồng. Khoản 1 Điều 81 Hiệp định Rome năm 1957 quy định như sau:
“1. Những thứ sau đây sẽ bị cấm và coi là không phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường chung:
51
hiệp hội doanh nghiệp và các hành động tập thể có ảnh hưởng tới hoạt động thương mại giữa các quốc gia thành viên có mục đích và tác động ngăn cản, hạn chế hoặc bóp méo cạnh tranh trong thị trường chung và đặc biệt là những thỏa thuận mà:
Trực tiếp hoặc gián tiếp ấn định giá mua, giá bán hàng hóa hoặc các điều kiện giao dịch khác;
Hạn chế hoặc kiểm soát sản xuất, thị trường, phát triển kỹ thuật hoặc đầu tư;
Phân chia thị trường hoặc nguồn cung cấp;
Áp dụng những điều kiện khác nhau đối với những giao dịch tương đương với đối tác thương mại khác vì thế đưa những đối tác này vào vị thế bất lợi về cạnh tranh;
Buộc bên tham gia giao kết hợp đồng phải chấp nhận những nghĩa vụ bổ sung mà xét về bản chất hoặc thông lệ thương mại không liên quan đến đối tượng của hợp đồng đó” [25].
Tuy nhiên sự khác biệt cơ bản trong quy định tại Điều 81 của Hiệp định Rome với pháp luật Việt Nam là pháp luật Liên minh Châu Âu vẫn đưa ra một định nghĩa khái quát nhất về cạnh tranh sau đó đưa ra các hành vi cụ thể. Trong trường hợp này, danh sách các hành vi đó là một danh sách mở trong khi quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam đó là một danh sách đóng. Chính vì thế, đây cũng là một lỗ hổng mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể "lách luật" khi họ thực hiện các hành vi phản cạnh tranh nhưng không được liệt kê trong danh sách nêu trên.