Pháp luật về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh của Cộng hoà Pháp được xây dựng trên nguyên tắc hợp lý (Rule of Reason). Theo đó, nguyên tắc hợp lý được áp dụng căn cứ vào một số tiêu chí như tính chất của loại hành vi phản cạnh tranh hoặc vai trò không đáng kể trên thị trường của các chủ thể thực hiện hành vi đó.
Phạm vi điều chỉnh về hành vi phản cạnh tranh được xác định đối với mọi hoạt động sản xuất, phân phối hoặc dịch vụ, bao gồm cả hoạt động của các pháp nhân công, đặc biệt là các hoạt động được tiến hành trong khuôn khổ các hợp đồng uỷ thác dịch vụ công và phạm vi áp dụng về mặt lãnh thổ là chỉ cần xác định có hệ quả đối với cạnh tranh trên thị trường trong nước của Pháp. Đối tượng áp dụng về hành vi phản cạnh tranh được xác định đối với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.
Để có cơ sở cho việc xác định các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, Bộ luật Thương mại Cộng hoà Pháp xác định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, đó là các
43
hành vi phối hợp hành động, các thoả ước, thoả thuận công khai, thoả thuận ngầm hoặc liên minh. Như vậy, theo quy định này thì hình thức pháp lý của sự thoả thuận và thống nhất ý chí không có ý nghĩa đối với việc xác định hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (thoả thuận phản cạnh tranh). Điều kiện để xác định hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là: sự thoả thuận giữa một số bên độc lập với nhau và thoả thuận đó có mục đích hoặc có hệ quả hạn chế cạnh tranh. So sánh với quy định trong Luật Cạnh tranh của Việt Nam, pháp luật của Việt Nam cũng không xác định hình thức biểu hiện của sự thoả thuận là tiêu chí để xác định thỏa thuận hạn chế cạnh tranh .
Về nguyên tắc mọi cam kết, thoả thuận, điều khoản hợp đồng liên quan đến các hành vi bị cấm sẽ bị coi là vô hiệu. Tuy nhiên, pháp luật cũng đưa ra những giới hạn nhất định đối với các hành vi này. Sở dĩ pháp luật của Cộng hoà Pháp quy định về những giới hạn đối với phạm vi áp dụng quy định cấm thoả thuận phản cạnh tranh vì các nhà làm luật cho rằng xác định thoả thuận phản cạnh tranh càng rộng thì pháp luật càng gây ra sự mất an toàn pháp lý, các doanh nghiệp, công đoàn, người quản lý càng có nguy cơ bị liên quan mà không biết và cơ quan quản lý càng có nguy cơ bị quá tải vì phải giải quyết quá nhiều vụ việc. Trên cơ sở đó, pháp luật xác định các cam kết, thoả thuận, liên minh... sẽ không thuộc trường hợp pháp luật cấm [17].