người sử dụng lao động và quyền lợi của người lao động.
Trong mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động, người sử dụng lao động vẫn là người chiếm ưu thế và giữ vai trò chi phối hầu hết mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của người lao động. Người sử dụng lao động có quyền quản lý, tổ chức, kiểm tra và giám sát quá trình lao động của người lao động. Trong quan hệ đó, người lao động chịu quá nhiều phụ thuộc vào người sử dụng lao động cả về mặt pháp lý và mặt kinh tế. Về mặt pháp lý, người lao động chịu sự quản lý, giám sát và điều hành của người sử lao động, đồng thời phải tuân theo những quy định do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động của doanh nghiệp. Còn về mặt kinh tế, đời sống của người lao động được đảm bảo bằng tiền lương và thu nhập do người sử dụng lao động chi trả. Vì thế, trong quan hệ với người sử dụng lao động, người lao động chịu rất nhiều áp lực và thường nhận phần thiệt hơn về mình.
Tuy vậy, trong quan hệ lao động, người lao động là chủ thể chiếm số đông, có vai trò quan trọng trực tiếp sản xuất ra của cải, vật chất, vận hành bộ máy, dây truyền sản xuất của doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động bình thường và có điều kiện phát triển. Cũng trong mối quan hệ đó, người sử dụng lao động là chủ thể quyết định hình thành mối quan hệ, trực tiếp quản lý và đảm bảo cho hoạt động của người lao động theo một trật tự và kỷ luật nhất định. Vì vậy, những quy định của pháp luật được ban hành theo hướng tạo ra sự cân bằng trong mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Để quyền của người lao động được tôn trọng và được thực hiện trong đời sống lao động, pháp luật thường có xu hướng ban hành những quy định bắt buộc đối với người sử dụng lao động. Bởi chỉ có như vậy, người sử dụng lao động mới thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với người lao động. Một khi quyền của người lao động được thực hiện, nhất là quyền có việc làm, đời sống của người lao động sẽ được đảm bảo, các chế độ phúc lợi xã hội của Nhà nước cũng có cơ sở để phát huy tốt hơn. Tuy vậy, để cho quan hệ lao động được phát triển bền vững, Nhà nước không chỉ quan tâm đến quyền lợi của người lao động mà đồng thời quyền và lợi ích của người sử dụng lao động cũng phải được đảm bảo để thực hiện.
Trong quan hệ về kỷ luật sa thải, người sử dụng lao động là chủ thể giữ vai trò quyết định, kỷ luật sa thải là quyền của người sử dụng lao động được sử dụng nhằm mục đích trừng phạt những hành vi vi phạm của người lao động ở mức độ nghiêm trọng, có tác động xấu tới ý thức chấp hành kỷ luật lao động của tập thể lao động. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp chủ doanh nghiệp sẽ có quyết định tuyển dụng người lao động hoặc có quyết định xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Người lao động có nghĩa vụ chấp hành và thực hiện quyết định xử lý kỷ luật của người sử dụng lao động. Nhưng do những đặc điểm đặc biệt của kỷ luật sa thải, đó là làm chấm dứt quan hệ lao động, người lao động mất việc làm cho nên những quy định này của pháp luật khá chặt chẽ. Từ khi Bộ Luật lao động năm 2012 ra đời đã thay thế Bộ Luật lao động năm 1994 sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006 và năm 2007 tuy nhiên, vẫn tiếp thu những quy định cũ và sự ra đời của các văn bản hướng dẫn thi hành, những quy định về kỷ luật sa thải ngày càng được hoàn thiện theo hướng đảm bảo điều hòa hợp lý giữa quyền có việc làm của người lao động với quyền và lợi ích của người sử dụng lao động trong doanh nghiệp.