Y cẩu phù vân biến thái đa
3.3.2. Các hình tượng gợi dẫn và biểu trưng cho thế giới bản thể
Trong hệ thống các hình ảnh, hình tượng biểu trưng cho bản thể trong thơ Tuệ Trung, hoa – trăng là những hình ảnh gây chú ý cả về tần suất xuất hiện lẫn mức độ đa dạng về hình thức và nội dung biểu đạt. Ở đó, vẫn là ánh trăng quen thuộc trong cổ thi, nhưng được Thượng sĩ nắm bắt ở các trạng thái của “bóng trăng xưa” (cổ nguyệt), “vầng trăng cô đơn” (cô luân nguyệt), “bóng trăng mùa thu” (thu nguyệt) hay “trăng đêm qua – trăng đêm nay” (tạc dạ nguyệt – kim dạ nguyệt), khiến cho bản thân hình tượng trở nên mới mẻ hơn, mở rộng khả năng biểu đạt, đi đến diễn đạt những phương diện khác nhau của thế giới bản thể:
“Thanh tịnh tâm phi trần phi cấu, Kiên cố thân vô hậu vô tiền, Xuân hoa sắc đóa đóa hồng tiên, Thu nguyệt ảnh đoàn đoàn viên diệu”
(Trữ từ tự cảnh văn)
(Tâm thanh tịnh không bụi không nhơ, Thân kiên cố không sau không trước.
Sắc hoa xuân đóa đóa tươi hồng, Bóng trăng thu tròn đầy viên diệu.)
Đoạn thơ bắt đầu bằng bằng một chữ “không” với một loạt các phó từ phủ định (phi, vô) nhằm diễn đạt các phẩm tính của “cái tâm trong sạch, không bụi bặm, là cái chân tâm vốn có của chúng sinh” hay cái “thân kiên cố” – chỉ pháp thân kim cương bất hoại - không biện biệt trước sau, nhưng lại kết thúc bằng một chữ “hữu” trong trạng thái tròn đầy, viên mãn của sắc hoa xuân, của bóng trăng thu. Ở đây, hai câu thơ cuối có sự “mờ” về nghĩa, đưa đến nhiều cách hiểu. Thích Thanh Từ giải thích: “Mùa xuân từng đóa hoa sắc hồng tươi thắm, mặt trăng thu tròn sáng thật màu nhiệm. Người tu hành khi nhận ra tâm thể thanh tịnh không chút bợn nhơ, đó là thể nhập được Pháp thân, không còn bị thời gian ngoại cảnh chi phối. Lúc ấy nhìn thấy muôn vật trước mắt đẹp tươi sáng sủa không còn u tối nữa”. Cách hiểu như vậy rõ ràng phát xuất từ con mắt của chủ thể – người tu tập – đối với hiện tượng ngoại giới. Tuy nhiên, từ góc độ của việc thể hiện khách thể, chúng tôi cho rằng, cũng giống như “sơn hoa – giản thủy” trong công
án của Thiền sư Đại Long, “xuân hoa sắc – thu nguyệt ảnh” trong thơ Tuệ Trung là những hình ảnh biểu thị trạng thái của thế giới hiện tượng đang tồn tại. Nhưng thế giới hiện tượng này lại được soi chiếu và đạt được trong cái nhìn vô biệt đối với sắc thân hay pháp thân, thanh tịnh hay trần cấu của chủ thể thẩm mỹ. Do vậy, thực chất chúng lại gợi dẫn đến trạng thái viên mãn, nhất như, siêu xuất đối đãi nhị biên của Tâm bản thể. Ở đó, Không cũng chính là Hữu, cái sắc màu của hoa xuân, của trăng thu cũng chính là “thể tính tuyệt đối” của chư pháp.
Tương tự như hình ảnh trăng, “hoa” xuất hiện trong thơ Thiền Tuệ Trung cũng được nắm bắt ở nhiều trạng thái khác nhau của “hoa năm mới – hoa năm cũ” (tân niên hoa, cố niên hoa) hay “trăm hoa như cũ” (bách hoa y cựu). Điều đáng chú ý là, hoa, cùng với hình ảnh trăng, cho dù diễn đạt những phương diện khác nhau, ở những ngữ cảnh khác nhau, nhưng luôn được mô tả như là cái gì đó “cổ”, “cựu”, “cô”…
“Tự đắc nhất triêu phong giải đống, Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài.”
(Nhập trần)
(Một sớm gió đông thổi tan băng giá, Trăm hoa như cũ reo trước gió xuân.”
Sự mê lầm khiến chúng sinh phải luân chuyển không ngừng trong các kiếp sống đầy đau khổ. Nhưng khi đã bỏ được thái độ đối đãi, biện biệt, hàng phục bản tâm thì sẽ đạt được sự chứng ngộ, vốn thường được các bậc Thiền gia mô tả như là trạng thái chuyển mạnh mẽ, toàn thể, đột ngột ở tinh thần chủ thể, như hoa reo trước gió xuân. Tuy nhiên, điều đáng chú ý, hoa ở đây không phải bông hoa mùa xuân thông thường mà là “bách hoa y cựu” (trăm hoa như cũ). Đặc điểm này của hình tượng gợi nhắc đến một ý thơ tương tự của Thôi Hộ:
“Khứ niên kim nhật thử môn trung, Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ, Đào hoa y cựu tiếu đông phong.”
(Đề Đô Thành Nam trang) (Ngày này năm trước tại cửa này, Nhân diện cùng đào hoa cùng ánh sắc hồng. Gương mặt người xưa không biết đi về nơi nào, Chỉ thấy hoa đào như cũ vẫn cười cùng gió đông.)
Đặc tính “cổ”, “cựu” của hoa, một mặt là dấu hiệu cho thấy tư duy phi logic của Thiền – phổ biến trong lối nói nghịch của sinh hoạt công án – mặt khác, thực chất lại đi đến biểu đạt tính duy nhất hiện hữu, duy nhất chân thực của thế giới bản thể.
Bên cạnh hình ảnh “hoa”, “trăng”, nhằm biểu đạt đầy đủ các thuộc tính của “thực tại toàn vẹn”, trong các tác phẩm của mình, Tuệ Trung cũng sử dụng các loại hình ảnh gió, ánh sáng cùng cảm hứng soi chiếu, thấu suốt rất đáng chú ý:
“Hưu tầm Thiếu Thất dữ Tào Khê, Thể tính minh minh vị hữu mê. Cô nguyệt chiếu phi quan viễn cận,
Thiên phong xuy bất giản cao đê. Thu quang hắc bạch tùy xuyên sắc,
Liên nhị hồng hương bất trước nê. Diệu khúc bản lai tu cử xướng, Mạc tầm Nam Bắc dữ Đông Tê (Tây).”
(Thị chúng)
(Đừng có tìm Thiếu Thất với Tào Khê, Thể tính vằng vặc, chưa có mê lầm. Mặt trăng xưa soi nào kể gì xa hay gần, Gió trời thổi nào chọn nơi cao hay thấp.
Ánh sáng mùa thu lúc đen lúc trắng, tùy theo duyên sắc, Nhị sen đỏ thơm, chẳng nhuốm bùn.
Khúc kỳ diệu “bản lai” nên cất giọng hát, Chẳng phải tìm ở Nam Bắc với Đông Tây.)
Một loạt những hình ảnh “cổ nguyệt”, “thiên phong”, “thu quang”, “liên nhị hồng” hiện diện trong bài với tư cách như là những minh chứng cho quan niệm về con đường tu tập không phải là việc truy cầu bên ngoài, cho dù là thánh địa giải thoát của Thiền tông, mà là quá trình quay trở về, tìm kiếm “của báu” nơi mình. Bởi thể tính tuyệt đối là sẵn có, đầy đủ, bình đẳng, sáng rõ, chưa từng mê lầm trong mỗi chúng sinh. Ở đó, nhìn từ phía khách thể, cách hình dung về bản thể của Tuệ Trung là sự soi chiếu, thấu suốt của thể tính đối với thế giới tinh thần. Nhưng nhìn từ phía bản thể, trong khoảnh khắc cất giọng hát “khúc bản lai” thì sự soi chiếu của nó lại gián tiếp biểu thị cách trực cảm, trực ngộ, thấu triệt của chủ thể đối với thể tính của vũ trụ. Khúc kỳ diệu ở cuối bài thơ do vậy cũng là sự hoan hỉ trong lạc thú giải thoát.
Như vậy, nhìn chung, đối với việc thể hiện thế giới bản thể thông qua các hình tượng, Tuệ Trung có xu hướng sử dụng các hình ảnh của tự nhiên nhằm gợi dẫn, ẩn dụ cho cái “thể tính tuyệt đối” của tồn tại. Nhưng khác với sự biểu hiện thế giới tính không, ở đây, các hình tượng tuy vẫn được thể hiện khá sống động, tươi tắn nhưng thường xuất hiện ở trạng thái “cô”, “cựu”, “nhất”…, cùng với xu hướng biểu tượng hóa cho thấy xu hướng quy tĩnh, hướng tĩnh của thế giới bản thể. Mặt khác, việc mở rộng việc biểu đạt th