Các hình tượng biểu thị thế giới tính không

Một phần của tài liệu ĐẶC SẮC THƠ THIỀN TUỆ TRUNG THƯỢNG sĩ (Trang 35 - 37)

Y cẩu phù vân biến thái đa

3.3.1. Các hình tượng biểu thị thế giới tính không

Không hay tính không là vấn đề trung tâm trong thế giới quan của Thiền học cũng như của Tuệ Trung Thượng sĩ. Các sự vật, hiện tượng thông thường không tự nó phát sinh, không tự nó hủy diệt, cũng không tự nó chuyển hóa. Sự vận động, biến hiện ở đó phải nương vào, tựa vào, tòng thuộc vào các quan hệ nhân quả giữa “cái này” và “cái kia” trong một chuỗi liên hệ duyên khởi lẫn nhau. Điều này một mặt cho thấy, trên phương diện tu tập, quán sát về thực tại, cảnh vật thường

không được các bậc Thiền gia nhìn nhận trong sự biệt lập, tách biệt hay đứng yên, nhưng mặt khác, hệ quả của cách nhìn như vậy lại tạo ra một thế giới – khách thể luôn vận động, biến đổi hết sức sống động. Đặc điểm này, khi đi vào các tác phẩm văn học Thiền, cụ thể ở đây là sáng tác của Tuệ Trung, bản thân nó lại trở thành một biểu hiện của cái đẹp, một loại giá trị thẩm mỹ, là cội nguồn cho việc kiến tạo loại hình tượng tương ứng:

“Sơn vân dã hữu xuất sơn thế, Giản thủy chung vô đầu giản thanh.

Tuế tuế hoa tùy tam nguyệt tiếu, Triêu triêu kế hướng ngũ canh minh.”

(An định thời tiết)

(Mây núi đã có cái thế bay khỏi núi,

Nước suối không tiếng nào không phải là tiếng gieo vào lòng suối. Hàng năm, hoa vẫn nở vào tháng ba,

Sáng sớm, gà vẫn gáy vào canh năm.)

Nhan đề bài thơ đề cập đến vấn đề thời tiết, nhưng đó không phải câu chuyện của giới tự nhiên, mà là câu hỏi về lai lịch con đường sống chết, vốn là nỗi ám ảnh chung thân của tất cả chúng sinh chưa giác ngộ. Điều đáng chú ý là, trong một tác phẩm có khuynh hướng diễn đạt Thiền lý, cùng với thái độ cho rằng sinh tử là vấn đề không cần phải bàn tới, Tuệ Trung lại xây dựng các hình tượng như là những gợi dẫn cho quan điểm của mình. Về mặt thi liệu, những hình tượng được ông sử dụng đều tương đối quen thuộc, thường xuất hiện trong cổ thi như hoa, kê, sơn vân hay giản thủy. Tuy nhiên, cách thể hiện thông qua cấu trúc ngữ pháp đặc biệt khiến cho ý nghĩa của chúng có phần khác biệt. Cùng sử dụng những hình ảnh thiên nhiên để dẫn dụ triết lý Thiền, nhưng “sơn vân” – “giản thủy” ở liên thơ trên không giống với “vân khởi thì” – “thủy cùng xứ” trong thơ

thơ Vương Duy hay “vân nhàn” trong thơ Trần Nhân Tông. Chúng không gợi nhắc đến một áng mây, một dòng suối cụ thể. Hai dòng thơ với nhiều động từ và cấu trúc ngữ pháp đặc biệt: sau “vô” phủ định có “một chữ Ngoại hay Biệt ngầm” khiến cho ý thơ cũng như hàm nghĩa của hình tượng thay đổi, đi đến diễn đạt cách nhìn đối với sinh tử như là quy luật của tự nhiên.

Ở cách thể hiện này, bên cạnh việc chuyển tải thái độ ứng xử với vấn đề sống – chết, bản thân hình tượng lại cho thấy dáng dấp của khách thể hàm tàng sự lưu chuyển, biến động không ngừng. Mây không ở trạng thái đứng yên hay “nhàn

trôi” mà đã có thế bay khỏi núi; nước khe không tĩnh tại ở “nơi tận cùng của dòng nước”, mà “không tiếng nào không đổ vào lòng suối”. Trong khi đó, ở liên thơ còn lại, cặp hình tượng “hoa” – “kê” được thể hiện trong sự đăng đối cả ể. Sự xuất hiện của “tuế tuế” – “triêu triêu” ở đầu mỗi dòng gợi nhắc những sự kiện lặp lại theo quy luật dường như không đổi: hoa vẫn nở vào tháng ba, gà vẫn gáy vào buổi sáng. Nhưng hoa nở, gà gáy ở đó là “tùy” vào các nhân tố nhiệt độ, ánh sáng, thời tiết – những điều kiện bên ngoài thuận lợi cho hoạt động của chúng – còn bản thân chúng cũng như việc nở, việc gáy là không có tự tính. Sự vận động của chúng chỉ đơn giản là “pháp tự nhiên” mà chuyển hóa thuận theo quy luật của vũ trụ. Như vậy, có thể thấy rằng, các thế giới hiện tượng là rất động, nhưng cái nguyên lý, luật tắc của vũ trụ là tĩnh tại, là không thay đổi. Ở đó, việc thể hiện chúng thông qua các hình tượng lại cũng hàm chứa một cách nhìn, một thái độ của bậc Thiền gia đối với các vấn đề của thế giới, của đời sống, mà nổi bật là sinh tử.

Ở một phương diện khác, các Thiền sư nói chung, Tuệ Trung Thượng sĩ nói riêng thường đi đến trình bày một quan niệm khác về thế giới. Theo đó, đối với sự hiện hữu của vạn pháp, mặc dù về bản chất chúng là không chân thực, nhưng về mặt

hiện tượng, người ta vẫn nhận thấy chúng là có hiện hữu. Cách nhìn này khi đi vào văn chương, nghệ thuật Thiền tạo thành một loại lý luận đặc biệt, được các nhà Thiền học ví như “hoa trong gương, trăng nơi đáy nước” hay“kính hoa thủy nguyệt”:

“Tùng phong thủy nguyệt minh, Vô sắc diệc vô hình. Sắc thân như các thị, Không không tầm hưởng thanh.”

(Tô Minh Trí – Tầm hưởng)

(Gió trên cành thông, trăng sáng ở dưới nước, Không có bóng cũng không có hình.

Sắc than cũng như thế đó,

[Muốn tìm nó có khác chi] tìm tiếng vang ở trong khoảng không trung.)

Ở đây, “tùng phong”, “thủy nguyệt” vẫn là có, nhưng là cái có ở trạng thái không bóng, không hình. Do vậy, đối với nhu cầu nhận thức, tri giác của chúng sinh, chúng không phải hư vô nhưng cũng không dễ nắm bắt. Tuy nhiên, chính bởi đặc điểm này mà việc thể hiện chúng lại là khiến cho hình tượng thơ Thiền trở nên hết sức biến ảo, sống động và tràn đầy âm sắc. Ở đây, “bóng trăng in nơi đáy nước, hình ảnh trong mặt gương” là không thực có, là huyễn ảo, nhưng cái huyễn ảo đó vẫn rất đẹp, vẫn giàu âm sắc, phong vị và xuất hiện đầy mỹ cảm trong thơ.

Cũng như nhiều tác gia đương thời, đối với vấn đề “kính hoa thủy nguyệt” với tư cách như một loại mỹ học về trạng thái không chân thực của khách thể, Tuệ Trung Thượng sĩ cũng chú ý thể hiện nó ở hai dạng thức. Trong khi dạng thức thứ nhất chủ yếu là việc so sánh các vấn đề của tồn tại như thân, nghiệp, tâm, tính…với huyễn kính, ảnh:

“Thân như huyễn kính nghiệp như ảnh, Tâm nhược thanh phong tính nhược bồng.”

(Vạn sự quy như)

(“Thân” như gương ảo, “nghiệp” như bóng, “Tâm” như gió mát, “tính” như cỏ bồng.)

thì ở dạng thức thứ hai, khách thể lại được thể hiện đằm sâu trong các hình tượng hư huyễn, biến ảo:

“Sương dung tẩy hạ hà phương trạm, Phong sắc lai xuân mai dĩ hoa, Tây nguyệt trầm không nan phục ảnh,

Đông lưu phó hải khởi hồi ba.”

(Thế thái hư huyễn)

(Vẻ sương tắm hạ, sen mới đâm bông, Sắc gió vời xuân đến, mai đã nở hoa.

Mặt trăng phương Tây đã chìm xuống chân trời thì bóng trăng khó quay trở lại, Dòng Đông đã ra tới biển thì sóng nước há có thể trở về.)

Vẫn với cách sử dụng mật độ đậm đặc các động từ, Tuệ Trung tạo một cảm giác về sự vận động không ngừng của hình tượng trong nội bộ các dòng thơ. Sương vừa tắm hạ, sắc gió xuân vừa đến – thời tiết, khí hậu thay đổi – thì các loài hoa đã chuyển trạng thái. Mặt trăng đã xuống ở phương Tây, dòng Đông đã ra tới biển đều khó quay trở về. Tất cả đều thường chuyển, hư huyễn trong một không gian không thường, biến ảo. Ở đó cũng có sen, có mai nhưng chúng hiện hữu vừa thực, vừa ảo, trong vô có hữu, trong không có sắc. Người ta vẫn hình dung được đường nét, hình khối hay màu sắc, hoặc nhận biết được sự hiện diện của chúng

nhưng lại không thể nắm bắt, không thể tư duy mà chỉ có thể cảm nhận ở cảnh giới triệt ngộ về thế giới tính không, thế giới bản thể.

Và sự thưởng thức thẩm mỹ đối với vẻ đẹp của chúng không đơn thuần là cảm giác về sự hài hòa của hình khối, tỷ lệ mà là cái nhìn như thực về tình trạng không chân thực của hiện tượng – như chúng vốn là, cũng như sự hư huyễn của đời người, của thế thái:

“Quân khan Vương, Tạ lâu tiền yến, Kim nhập bình thường bách tính gia.”

(Anh hãy xem đàn én trước lầu họ Vương, họ Tạ, Nay xuống đỗ ở nhà trăm họ bình thường.)

Hai câu kết của bài thơ sử dụng điển cố rút từ tác phẩm “Ô Y hạng” của Lưu Tích Vũ đời Đường – vốn được nhiều tác gia đời sau sử dụng để diễn đạt về sự biến hóa bể dâu của đời sống nhân sinh – nhưng không phải để thể hiện sự cảm thán của chủ thể như thường thấy. Sự xuất hiện của cụm từ “quân khan” ở đầu câu thơ cho thấy rõ nét ý hướng “chỉ rõ”, khuyên nhủ chúng sinh hãy thấu suốt về bản chất không thường, biến ảo của đời người, của tồn tại. Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù xây dựng các hình tượng đầy màu sắc, sống động, nhưng mục tiêu của Tuệ Trung không phải là việc mô tả khách thể nói chung, mà ở đó cũng hàm chứa một nhãn kiến về thực tại, trong sự thấu triệt về sắc không, về tính không chân thực và thường chuyển của thế giới.

Những hình ảnh ám chỉ tới chuyện sinh tử, sắc thân bại hoại như điện chớp, “dĩ đồi thì”, “dĩ lão thiếu niên đầu” là những ảnh thường xuyên xuất hiện trong thơ Thiền cũng như thơ của Tuệ Trung Thượng sĩ. Tuy nhiên, cũng như sự thể hiện những hình tượng biểu hiện thế giới vô tự tính, “kính hoa thủy nguyệt”, sự diễn đạt về quan niệm thế giới vô thường không phải đi đến

bộc lộ sự cảm thán của con người về tình trạng “bãi bể nương dâu” mà thực chất nhằm đạt được “tri kiến vô thường” để làm cơ sở cho việc ứng xử với thực tại với tất cả những đặc tính của nó:

“Phong thủy đáo thì ba hốt động, Hỏa tân giao xứ diệm tài sinh. Phương tri tứ đại nguyên vô tế, Nhất nhậm duyên lưu Kiếm Các hành”

(Vấn Phúc Đường Đại sư tật) (Khi nước gặp gió thì sóng bỗng nổi dậy,

Nơi củi gặp lửa thì sự cháy bùng lên. Thế mới biết tứ đại vốn là hư ảo,

Hãy phó mặc cho nó men theo đường Kiếm Các mà đi.)

Hiện thực cũng như sự tồn tại của con người về bản chất là sự hội hợp giữa các điều kiện nhân duyên: đất, nước, gió, lửa. Do vậy, sự sống chết cũng tùy thuộc vào sự hợp tan không thường, biến ảo của chúng mà không phải một tồn tại tự thân, chân thực. Tuy nhiên, trước “hiện thực” như vậy, phản ứng của bậc Thiền gia không phải là sự cảm thán hay sợ hãi như chúng sinh chưa giải thoát, mà chỉ tùy duyên nhậm vận mà hành xử, thực chất đã vượt ra ngoài những tác động của giới hạn nhân sinh thông thường.

Một phần của tài liệu ĐẶC SẮC THƠ THIỀN TUỆ TRUNG THƯỢNG sĩ (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(42 trang)
w