Không gian vô thường, biến ảo

Một phần của tài liệu ĐẶC SẮC THƠ THIỀN TUỆ TRUNG THƯỢNG sĩ (Trang 34)

Y cẩu phù vân biến thái đa

3.2.2.1 Không gian vô thường, biến ảo

Tương tự như quan niệm về thời gian, không gian dưới cái nhìn của các nhà Không tông Đại thừa và các nhà Thiền học, nhìn chung, cũng là một hình thái hư ảo.

“Y cẩu phù vân biến thái đa, Du du đô phó mộng Nam Kha”

(Thế thái hư huyễn)

(Cuộc đời như đám mây nổi luôn luôn đổi thay nhiều vẻ, Mơ màng đành phó cho giấc mộng Nam Kha.)

Trong liên thơ trên, “y cẩu phù vân” vốn là ý thơ rút ra từ hai câu mở đầu bài thất ngôn cổ phong “Khả thán” của Đỗ Phủ, được người đời sau vay mượn, tạo thành thành ngữ “bạch y thương cẩu” hay “bạch vân thương cẩu” để nói về lẽ biến hóa vô thường của cõi thế . Trong khi đó, “mộng Nam Kha” là một điển cố khác có nguồn gốc từ “NamKha Thái thú truyện” trong Nam Kha ký của Lý Công Tá (đời Đường) đề cập đến giấc mộng của Thuần Vu Phần dưới gốc cây hòe, đại ý cũng nhằm ám chỉ cuộc đời như là mộng ảo, ngắn ngủi. Từ đó cho thấy hàm ý của Tuệ Trung ở đây là diễn đạt sự cảm nhận của con người đối với thực tại nhân sinh trong sự chuyển biến vô thường của chính thực tại đó. Ông đã kiến tạo một không gian đầy biến động, không chỉ ở sự biến hóa của những hình ảnh mang tính biểu tượng như “phù vân”, “y cẩu”, mà bao gồm cả trạng thái vận động không ngừng của các hiện tượng ngoại giới trước sự chuyển vần, đổi thay của các điều kiện nhân duyên. Ở đó, không gian được thể hiện, về mặt hình tướng, là dựa trên sự hiện hữu và vận động của các tồn tại duyên sinh, và do vậy, có thể coi nó là hệ quả của quá trình sinh diệt do duyên của thế giới. Nói cách khác, không gian trong thơ Tuệ Trung, ở góc nhìn này, vừa được kiến tạo và mang các đặc tính biến ảo, vô thường của đời sống nhân sinh, vừa là sự cảm nhận cũng như ngoại hóa cái nhìn của chủ thể đối với đời sống nhân sinh đó.

Trong các sáng tác của Tuệ Trung , sự biểu hiện của không gian thông thường nắm bắt và phản ánh thông qua tính phương hướng cũng như tình trạng chuyển động hay đứng yên của vật thể, của hình tượng – giống với văn học trung đại. Tuy nhiên, ở những trường hợp cụ thể, sự biểu hiện của không gian còn chịu tác động của nội tâm, tinh thần chủ thể

“Thiều thiều khoát bộ nhập trần lai, Hoàng sắc my đầu đỉnh đỉnh khai.

Bắc lý tru du đầu mã phúc, Đông gia tán đản nhập lư thai.

Kim tiên đả sấn nê ngưu tẩu, Thiết sách khiên trừu thạch hô hồi. Tự đắc nhất triêu phong giải đống, Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài.”

(Nhập trần)

Xăm xăm rộng bước đi vào chốn cát bụi, Lông mi sắc vàng mạnh mẽ giương lên.

Xóm Bắc nhở nhơ rơi vào bụng ngựa, Nhà Đông tản mạn rúc vào thai lừa.

Roi vàng đánh đuổi con trâu đất đi, Giây sắt dắt con hổ đá về. Một sớm gió đông thổi tan băng giá, Trăm hoa như cũ reo trước gió xuân.)

Bài thơ mở ra một không gian trầm luân “xăm xăm rộng bước vào chốn cát bụi” với mật độ đậm đặc các động từ mang sắc thái mạnh mẽ, dứt khoát.“Mã phúc”, “lư thai”, là một công án mô tả về sinh tử, luân hồi của bậc Thiền gia lừng lẫy trong giới Thiền môn, được Tuệ Trung rút gọn trong thơ, một mặt cũng nhằm diễn đạt cái tư thế đĩnh đạc của chủ thể nhưng mặt khác cũng đề cập đến những giới hạn sinh diệt đối với kiếp sống con người. Ở đó, không gian luân hồi là chật hẹp, là hữu hạn, là biến động không ngừng. Mở đầu là trầm luân nhưng kết thúc lại bằng cái duy nhất, tuyệt đối, tĩnh tại của thế giới bản thể, của tinh thần con người khi đã hàng phục bản tâm. Qua đó có thể thấy Tuệ Trung lấy động để nói tĩnh, thể hiện các trạng thái chuyển của không gian từ: mã phúc, thư lai đến triêu phong, bách hoa cũng ngầm nói đến quá trình chuyển hóa trong tinh thần của chủ thể từ mê đến ngộ, nhưng mặt khác lại cũng một phương thức, một cách nhìn về thế giới mà trong đó, cái động loạn chỉ là tạm thời.

Một phần của tài liệu ĐẶC SẮC THƠ THIỀN TUỆ TRUNG THƯỢNG sĩ (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(42 trang)
w