Giọng điệu giễu nhại, phi thiêng hóa

Một phần của tài liệu DẤU ấn hậu HIỆN đại TRONG TRUYỆN tờ KHAI VISA hồ ANH THÁI (Trang 35 - 38)

Một trong những yếu tố làm nên sự đổi mới giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết đương đại là giọng giễu nhại. Giễu nhại là bắt chước để cười. Xét từ phương diện cấu trúc câu, giọng điệu giễu nhại thường xuất hiện ở kiểu câu có thành phần giải ngữ. Theo Từ điển Tu từ - Phong cách – Thi pháp học: “Giải ngữ là biện pháp tu từ dùng một từ, một

cụm từ hay một câu, một chuỗi câu xen vào câu chính để lí giải, nhấn mạnh hoặc bổ sung một giọng điệu khác với giọng điệu kể hay giọng trình bày các lập luận”

Một trong những hiệu quả thẩm mỹ của giọng điệu giễu nhại là khả năng đem đến tính bất ngờ. Ở những trường hợp này, người kể chuyện thường giả vờ nghiêm trang thuật lại mọi chuyện để rồi “lỡm” độc giả bằng những bình luận sắc sảo, chua cay. Độc giả, nhiều khi đến cuối câu chuyện mới bật ngửa ra trước cái hài hước mà người kể chuyện đã đem đến.

Nguyễn Đăng Điệp phân chia giọng điệu thành hai dạng: giọng điệu cá nhân và giọng điệu thời đại. Theo tác giả: “Ở đây, diễn ra sự tương tác hai chiều: một mặt, giọng điệu cá nhân chịu sự quy định/ ảnh hưởng của giọng điệu thời đại, mặt khác, giọng điệu cá nhân, nhất là những cá nhân tài năng, góp phần làm phong phú, thậm chí thay đổi cấu trúc giọng điệu thời đại”. Có thể xem Hồ Anh Thái là hiện tượng tương tác hai chiều như vậy. Hồ Anh Thái là một trong những nhà văn có phong cách riêng. Nếu xem giọng điệu là một yếu tố cơ bản của phong cách nghệ thuật (M.B. Khravchenko), là một trong những tiêu chí xác định phong cách tác giả thì Hồ Anh Thái là nhà văn có giọng. Tiểu thuyết (kể cả truyện ngắn) Hồ Anh Thái đa giọng điệu. Tuy vậy, một trong những giọng chủ của tiểu thuyết Hồ Anh Thái là giọng hài hước - giễu nhại.

Truyện ngắn Tờ khai visa được mở đầu bằng câu nói mang tính khẳng định “Tôi có nhu cầu đi Mỹ”, một câu nói thể hiện sự riêng tư, nhưng lại là một thông báo cho người đọc chuẩn bị tiếp nhận tình huống gây cười được triển khai. Tiếp theo thông báo, “Tôi” được có lý do để “đứng vào cái hàng người tự quản trật tự lịch sự ở ngõ số 7 Láng Hạ”, và cái hàng người ấy được định danh theo số thứ tự: “Số một”, “Số hai”, “Số ba”. “Số bốn” – anh chàng có cái tên thường gọi là Phúc, nhưng hắn cũng đã chuẩn bị sẵn cho mình một cái tên nghe rất ngoại quốc “Frank”. Tình huống giễu nhại được bắt đầu từ chi tiết mỉa mai này: “hàng người tự quản lịch sự” ở một thành phố mà việc chen lấn mới là “phong cách” đích thực. Bởi vì, ở ta thế nào cũng xong, nhưng sang bên Tây thì phải lịch sự, phải là “người văn hóa”. Cho nên cần chuẩn bị cái tinh thần văn hóa từ khi còn ở trong nước, cho nó quen dần! Tình huống hài hước được phát triển khi nhà văn mở rộng miêu tả đối tượng, cụ thể hóa cái hàng người chờ làm visa. Mỗi con người là một phiến

đoạn, nhưng chúng gặp nhau ở điểm là hướng tới nước Mỹ để được đổi đời, giàu sang phú quý. Cái hàng người xếp hàng làm visa đó diễu qua trước mắt người đọc với đủ sự lố bịch, kệch cỡm dù cố tỏ vẻ lịch sự, văn minh. Điều mà nhà văn xoáy vào đó là việc chỉ ra sự dốt nát, nông cạn, trống rỗng, tham lam trong những con người ích kỷ, vụ lợi này.

Hay trong truyện, nhân vật tôi đã đưa ra một số câu chuyện dân gian xưa “Ngày xưa bà Man Nương nằm ngủ trước thềm chùa, một vị cao tăng chỉ vô ý bước qua người bà để vào bên trong chùa mà làm cho bà Man Nương mang thai, màn kịch đem con bỏ trước chùa diễn ra hệt như trong chuyện Thị Mầu đem trả con cho Thị Kính đi tu mà chẳng thoát. Không phải là tôi bịa ra chuyện này, nói có sách, vị cao tăng ấy tên là Tì Ni Đa Lưu Chi, tôi hỏi nhà văn Hồ Anh Thái bạn của bố tôi được hẳn hoi cái tên nhà sư đọc theo tiếng Phạn là Vinitaruci. Chỉ có cao tăng mới bước qua người mà làm cho người đàn bà con gái mãn nguyện khai hoa” để ví cái tình thế của bản thân hiện tại đang phải đứng xếp hàng đợi tới lượt mình. Nhân vật tôi nghĩ cái bóng của mình đổ lên người bà “Số hai” giống với tích xưa. Anh "Số một” cũng thật biết liên tưởng khi dẫn chứng tác phẩm “Tắt đèn” trong lúc đang đi trong ruột tượng nữ thần: “Hai mươi tầng cơ à, đến đâu rồi nhỉ sao lại tối như cái tiền đồ của chị Dậu thế này”. Và đâu đó trong câu nói của nhân vật tôi khi nói về anh “Số bốn”: “Bảy năm ở Mỹ, ba năm trước đó ở Tiệp, thấm thoắt mười năm chàng mới trở về thăm quê. Mười năm một khúc đoạn trường.”, ta thấy có dáng dấp của nàng Kiều (Truyện Kiều - Nguyễn Du) mười lăm năm lưu lạc, đoạn trường. Nàng Kiều vì cứu gia đình mà phải lưu lạc đoạn trường còn ở đây, anh chàng “Số bốn” vì muốn đi Tây, đi Mỹ “muốn thành đạt sự nghiệp phải đi ra đất khác” nhưng cũng xem là đoạn trường. Một dấu ấn của hậu hiện đại rõ rệt trong tác phẩm của Hồ Anh Thái đó là liên văn bản với giọng điệu giễu nhại

Qua đó có thể thấy giọng điệu giễu nhại không chỉ bộc lộ qua cảm hứng mà thể hiện rõ qua việc cấu tạo ngôn ngữ, cấu trúc câu. Chất giễu nhại làm nổi bật lên hai mảng đối lập: một thế giới của văn hóa và một thế giới lộn nhào mọi giá trị, lố bịch và kệch cỡm. Chính sự dung hợp giữa chất trào tiếu dân gian và chất suy tưởng bác học ấy đã khu biệt giọng điệu Hồ Anh Thái trong bản hợp xướng nhiều bè của tiểu thuyết Việt Nam đương đại Việt Nam.

Một phần của tài liệu DẤU ấn hậu HIỆN đại TRONG TRUYỆN tờ KHAI VISA hồ ANH THÁI (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(42 trang)
w