Sự tồn tại của các thể loại khác trong một văn bản thuộc một thể loại văn học nhất định là điều không xa lạ với các tác phẩm mang dấu ấn hậu hiện đại. Với lối kết cấu lồng ghép, mảnh đoạn có sự phân rã, nghiền nát cốt truyện thành từng mảnh vụn đã tạo điều kiện cho truyện ngắn “Tờ khai visa” của Hồ Anh Thái có xu hướng cấu trúc liên thể loại, được biểu hiện một cách rõ nét thông qua điểm kết nối, dung chứa trong bản thân nó nhiều thể loại khác nhau.
Thứ nhất, Tờ khai visa mang trong mình dáng vóc tiểu thuyết hóa với tầm vóc và sức chứa dung lượng tiểu thuyết. Là một truyện ngắn có sự lồng ghép, đan cài cốt
truyện, bao trùm lên toàn bộ tác phẩm là câu chuyện giấc mơ Mỹ, hàng ngàn con người tụ tập xếp thành một hàng dài trước cảnh cổng sứ quán. Hòa trong câu chuyện lớn về giấc mơ ấy là câu chuyện về con người, cuộc đời của những ông số Một, bà số Hai, cô số Ba, anh số Bốn, anh tên Phúc,…Thông qua lời kể của nhân vật tôi, cuộc sống và những mối quan hệ của những nhân vật mang tên những con số dần dần hiện ra. “Tờ khai visa” không còn là truyện ngắn viết về một lát cắt trong đời sống, cuộc đời và số phận của một nhân vật mà ở đó dung lượng của tác phẩm đã được tiểu thuyết hóa, sức chứa của tác phẩm đã được cơi nới vuông vức đầy đặn hơn với nhiều mảnh đời, nhiều chuyện gắn với những nhân vật khác nhau. Bên cạnh đó, tác phẩm còn tồn tại với một hệ thống nhân vật phức tạp gắn với cái tên là những con số, là cách gọi phiếm chỉ, vô định không có sự rõ ràng. Có mối quan hệ mật thiết với những nhân vật ấy là chuỗi các nhân vật khác nhau xuất hiện theo lời kể của nhân vật tôi. Chẳng ai biết và hình dung được “đối tác”, “cánh đồng nghiệp”, “anh chàng lễ tân” các nhân vật có mối liên hệ với ông số Một là ai, như thế nào, tất cả cứ hiện lên theo lời kể của nhân vật tôi và còn vô số những nhân vật khác với câu chuyện riêng của họ. Ở đây, “Tờ khai visa” thật sự mang dáng dấp của một tiểu
thuyết, bởi co nén trong dung lượng của một truyện ngắn là hệ thống các nhân vật khác nhau với những câu chuyện khác nhau. Không những mang trong mình tầm vóc, sức
chứa dung lượng tiểu thuyết, tác phẩm của Hồ Anh Thái còn thể hiện được tư duy tiểu thuyết đang sống bên trong vỏ bọc là một truyện ngắn. Sự tiểu thuyết hóa đã kéo
những con người bên trong Tờ khai visa quay lại cuộc sống hiện tại với biết bao ngổn ngang, bề bộn của nó với một giấc mơ là được sang Mỹ một đất nước nhân danh tự do - bác ái. Ở giữa đời thường con người được nhìn nhận trở nên gần gũi, thậm chí suồng sã với những vấn đề tình dục, bao cao su nhạy cảm hiển hiện trên trang văn của “Tờ khai visa”, con người bước ra trần tục với những yêu ghét khác nhau ví như giấc mơ thực hiện một thương vụ ngay trên đất Mỹ của ông số Một, nỗi hoang mang của bà số Hai dừng lại ở ô khai thông tin số 7 hay cuộc sống với bộn bề lo toan của anh số Bốn ngay trên đất Mỹ nơi mà ai cũng muốn tới.
Thứ hai, Tờ khai visa là một truyện ngắn mang dáng dấp nhật kí hóa. Tác phẩm như là một quyển nhật kí kể lại câu chuyện mắt thấy tai nghe về những gì đã diễn ra trong buổi đi đăng kí visa được ghi lại bởi nhân vật trong tôi. Tác phẩm như một quyển tư liệu với vô vàn những thông tin cần biết dành cho những ai có nhu cầu đăng kí visa xuất ngoại, ở đó, nhân vật tôi không chỉ kể lại, không chỉ hướng dẫn bạn đọc quy trình làm visa, phiếu khai thông tin gồm có bao nhiêu câu, sẽ hỏi về những vấn đề gì, mà nhân vật tôi còn ghi lại cho bạn đọc biết được những câu chuyện về các nhân vật mà mình đã mắt thấy tai nghe trong buổi đăng kí trước cổng sứ quán. Để rồi ta thấy, yếu tố kí được thể hiện rõ nét trong truyện ngắn của Hồ Anh Thái, thể kí đã đi vào cấu trúc của truyện tương tự như nghệ thuật truyện lồng truyện.
Thứ ba, Tờ khai visa được thể hiện như một kịch bản kịch hóa. Yếu tố kịch
hóa được thể hiện thông qua cốt truyện, đó là kiểu cốt truyện thể hiện trạng thái nhân thế, mối quan hệ giữa cuộc sống và con người. Trong “Tờ khai visa”, bối cảnh xã hội mà Hồ Anh Thái xây dựng là một xã hội với “tấn bi kịch” của cuộc sống thời hiện đại, không ít người đã lao vào những ham hố danh vọng, tiền tài. Trước hết là căn bệnh “vọng ngoại”, “sùng ngoại” của một bộ phận trí thức ta tiến tới các sứ quán (cửa ngõ đi nước ngoài). Có rất nhiều trí thức ta hoà vào dòng người nối đuôi nhau ngày này qua ngày khác mải miết
với việc chờ khai visa để đi Mỹ. Nhìn một cách tổng thể, tác phẩm của Hồ Anh Thái như một kịch bản với nhiều phân cảnh khác nhau của những ông số Một, bà số Hai, cô số Ba, anh số Bốn, anh tên Phúc,…dưới con mắt quan sát của nhân vật “tôi”. Nhà văn đã sử dụng chất liệu sự kiện là câu chuyện xin visa. Ở đó, người đọc theo dõi quá trình xin visa của nhân vật tôi, nhưng lại được quan sát thêm những câu chuyện xin visa của các nhân vật khác. Mỗi nhân vật như ông số Một, bà số Hai, cô số Ba, anh số Bốn, anh tên Phúc,… lại đến xin visa trong một tình huống và tâm thế khác nhau, từ đó, gợi mở ra nhiều câu chuyện không ai giống ai khiến cho tình tiết của các sự kiện thay đổi liên tục theo mỗi nhân vật để rồi cuối cùng quay lại với câu chuyện xin visa của chính nhân vật “tôi”.
Từ góc độ cấu trúc liên thể loại, truyện ngắn “Tờ khai visa” của nhà văn Hồ Anh Thái đã có sự dung nạp nhiều thể loại khác nhau trong một thể loại nhất định. Đường biên ranh giới giữa các thể loại được mở rộng, tác phẩm được nhìn nhận ở nhiều chiều kích khác nhau. Đây là một trong những điểm nổi bật của văn học hậu hiện đại: sự tương tác giữa các thể loại.
3.2. Ngôn ngữ