Về các hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh yên bái lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông từ 1996 den nam 2010 (Trang 97 - 101)

3.1.2.1. Các hạn chế

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn của một tỉnh miền núi, những thành tựu đạt được của giáo dục và đào tạo Yên Bái nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng là rất đáng ghi nhận. Song bên cạnh những thành quả đạt được, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ đối với giáo dục phổ thông Yên Bái còn bộc lộ khá nhiều yếu kém, hạn chế.

Một là, chất lượng giáo dục có chuyển biến song còn chậm, so với các tỉnh trong khu vực và mặt bằng chung của cả nước còn thấp, chưa đáp ứng

được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH. Đặc

biệt là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn có sự chênh lệch lớn so với vùng thấp; việc thực hiện tỷ lệ chuyên cần gặp rất nhiều khó khăn. Việc đổi mới phương pháp dạy học hiệu quả chưa cao, ở nhiều nơi còn mang tính hình thức. Cách dạy và học vẫn mang nặng tính lý thuyết, chưa gắn kết chặt chẽ với thực hành, thí nghiệm. Kỹ năng sống cho học sinh trong những năm gần đây đã được triển khai trong trường học, song còn quá ít. Một số trường học chưa thực sự quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Xu hướng học sinh vi phạm đạo đức, pháp luật, nhất là nạn bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng. Công tác hướng nghiệp dạy nghề chưa được chú trọng thực sự, hầu hết học sinh chưa được định hướng và còn mơ hồ về nghề nghiệp của mình.

Hai là, đội ngũ giáo viên ở một số ngành học vừa thiếu, vừa thừa,

mất cân đối theo vùng miền và theo cơ cấu môn ban. Tình trạng giáo viên

dạy chéo môn, dạy kê ở một số bộ môn mới trong chương trình thay sách như Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục quốc phòng, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học và các môn nghề phổ thông vẫn còn, nhất là ở các trường ở các xã vùng cao, vùng sâu của tỉnh. Một bộ phận giáo viên được đào tạo dưới hình thức nâng chuẩn qua nhiều giai đoạn với nhiều hình thức tại chức, từ xa chưa thực sự đạt chuẩn nghề nghiệp, chưa đáp ứng với yêu cầu giảng dạy theo chương trình và phương pháp mới. Một số giáo viên còn có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chưa làm tròn trách nhiệm bổn phận. Cán bộ phụ trách thí nghiệm, thư viện, phòng thiết bị vừa thiếu và cơ bản là không được đào tạo đang là một hạn chế lớn trong việc phát huy hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học trong trường học.

Ba là, công tác quản lý giáo dục hiệu quả còn thấp, nhất là công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chưa đáp ứng với yêu cầu của

công tác đổi mới giáo dục. Một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý thiếu coi trọng công tác dự báo, xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chiến lược trong phát triển giáo dục, dẫn đến công việc điều hành, chỉ đạo luôn bị động, không chủ động giải quyết được những tình huống phát sinh trong thực tiễn. Một số vấn đề như dạy thêm, học thêm không đúng quy định, tình trạng lạm thu ở một số cơ sở giáo dục chậm được khắc phục.

Bốn là, cơ sở vật chất cho giáo dục còn rất thiếu, chưa đáp ứng đầy đủ cho các hoạt động giáo dục toàn diện. Một bộ phận cơ sở trường học chưa đủ quỹ đất, chưa được giao quyền sử dụng đất; nhiều trường thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, thiếu sân chơi, bãi tập theo quy định. Tốc độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia chậm, nhất là ở bậc trung học và không đồng đều giữa các địa phương nên chưa gắn kết được quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia với việc nâng cao chất lượng giáo dục. Mục tiêu có trên 20% số trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia vào năm 2010 chưa đạt được. Công tác xã hội hóa giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục còn hạn chế; một số nơi còn có biểu hiện chông chờ vào Nhà nước, vào cấp trên. Sự phối hợp quản lý học sinh giữa gia đình và nhà trường ở một số địa phương chưa chặt chẽ.

3.1.2.2. Nguyên nhân của hạn chế

Những hạn chế nêu trên trong lãnh đạo phát triển giáo dục phổ thông của Đảng bộ Yên bái do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Có thể khái quát thành những nguyên nhân chính như sau:

Quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” chưa được được nhận thức thật sự đầy đủ ở cấp ủy Đảng, chính quyền của một số địa phương dẫn đến việc triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy có lúc còn chậm, sự quan tâm đến giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng chưa thường xuyên. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn chủ quan, chưa tăng cường đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện các chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác giáo dục phổ thông.

Công tác quản lý Nhà nước về giáo dục còn nhiều bất cập. Việc phân cấp quản lý hệ thống giáo dục chưa hoàn thiện, có mặt chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho hoạt động của ngành. Việc quản lý chương trình, nội dung chất lượng dạy học chưa chặt chẽ. Chưa có những biện pháp hữu hiệu để phát hiện, xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực trong giáo dục.

Nội dung giáo dục chưa thực sự gắn với cuộc sống. Công tác giáo dục chính trị- tư tưởng, đạo đức và nhân cách cũng như việc giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục kỹ năng sống chưa được đặt đúng vị trí quan trọng của môn học trong giáo dục toàn diện học sinh. Giáo dục hướng nghiệp dạy nghề chưa được chú ý đúng mức. Tư duy giáo dục ở một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là phụ huynh học sinh còn chậm đổi mới, nặng về tâm lý khoa cử, chạy theo thành tích.

Đầu tư cho giáo dục được tăng cường, kinh phí đầu tư có tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của giáo dục phổ thông. Việc khuyến khích các nguồn lực đầu tư từ các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và đóng góp của nhân dân chưa có giải pháp thu hút hiệu quả.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, giáo dục phải chịu nhiều tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, cũng như sức ép khi nhu cầu học tập của nhân dân và đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng cao, trong khi khả năng đáp ứng của ngành và trình độ phát triển kinh tế của đất nước, của tỉnh còn hạn chế.

Những yếu kém của giáo dục phổ thông Yên Bái nêu trên nếu không sớm được khắc phục, không những sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của giáo dục, mà còn góp phần làm gia tăng nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các tỉnh trong khu vực và trên cả nước. Trên cơ sở khắc phục những hạn chế còn tồn tại và phát huy những thành tựu mà giáo dục phổ thông của tỉnh đã đạt được, tin tưởng rằng trong các năm tới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, sự nghiệp giáo dục phổ thông của tỉnh sẽ có những bước tiến mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời kỳ tăng cường hội nhập quốc tế.

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh yên bái lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông từ 1996 den nam 2010 (Trang 97 - 101)