Về các thành tựu và nguyên nhân

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh yên bái lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông từ 1996 den nam 2010 (Trang 91 - 97)

3.1.1.1. Các thành tựu

15 năm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết TW 2 (khóa VIII) của Đảng nhằm phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH đất nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, sự nghiệp giáo dục phổ thông của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu mới rất đáng khích lệ, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ phát triển cho các chương trình kinh tế- xã hội, đẩy mạnh công cuộc CNH- HĐH tỉnh Yên Bái. Có thể khái quát những thành tựu mà Đảng bộ tỉnh Yên Bái đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1996- 2010 như sau:

Thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, giáo dục phổ thông Yên Bái đã đạt được thành tựu nổi bật về XMC và trong triển khai thực hiện phổ cập giáo dục các cấp. Từ chỗ tỷ lệ người biết chữ còn rất thấp, Yên Bái đã đạt chuẩn quốc gia về XMC và PCGD tiểu học năm 1997. Từ sau năm 1997, công tác PCGD tiểu học tiếp tục được tăng cường, nhất là ở các xã vùng khó khăn với các giải pháp đồng bộ, toàn tỉnh đảm bảo giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng theo hướng PCGD tiểu học đúng độ tuổi; năm 2001 từ chỗ chưa có đơn vị xã, phường nào đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi, tháng 12/2009 tỉnh được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi, hoàn thành mục tiêu trước 1 năm. Kết quả đạt được trong XMC và PCGDTH đã tạo tiền đề vững chắc cho ngành triển khai thực hiện công tác PCGD THCS. Năm 2007 tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD THCS; từ năm 2007 đến 2010 tiếp tục củng cố và duy trì PCGD THCS theo hướng bền vững và nâng cao chất lượng, phấn đấu đến đầu năm 2011 có 100% xã đạt chuẩn PCGD THCS tạo tiền đề tiến tới PCGD THPT.

Có thể nói, đây là một thành tựu to lớn của ngành giáo dục Yên Bái nói riêng và của tỉnh nói chung. Trong điều kiện tỉnh còn rất nhiều khó khăn, quá trình thực hiện mục tiêu XMC-PCGDTH cũng như quá trình tiến hành PCGD THCS đã phải trải qua những bước dò đường chồng chất trở ngại, lúng túng. Nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ngành đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu XMC- PCGDTH và PCGD THCS (Xem thêm phụ lục số 8, 9, 10; trang 176, 177, 178- Tình hình phát triển giáo dục tiểu học, THCS, THPT của tỉnh Yên Bái).

Thứ hai, quy mô giáo dục phổ thông đã đi vào ổn định và có những bước phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân. Tỷ lệ huy động học sinh đến lớp ở các bậc học đều tăng. Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi lớp 1 luôn đạt trên 90%, tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học được tuyển vào THCS đạt trên 95%. Mạng lưới trường, lớp đã phủ kín tới thôn bản, với hình thức đa dạng hơn. Giáo dục vùng cao, vùng sâu, vùng xa tiếp tục được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện có 07 trường THCS, 02 trường THPT DTNT; huy động 4,75% học sinh THCS và 6,93% học sinh THPT là người dân tộc của bậc học, nhờ đó từng bước khắc phục sự chênh lệch giữa giáo dục vùng thấp với giáo dục vùng cao, đưa lại cơ hội học tập cho học sinh dân tộc thiểu số, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục (Xem thêm phụ lục số 12, trang 180- Tổng hợp số liệu Trường PTDTNT vùng cao Yên Bái).

Thứ ba, chất lượng giáo dục phổ thông đã có những chuyển biến tích cực ở cả giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn và giáo dục toàn diện. Đối với giáo dục đại trà, ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 40/2000/QH 10 của Quốc hội về đổi mới chương trình, triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa mới ở bậc tiểu học và cấp THCS đúng tiến độ, đồng thời thực hiện đổi mới phương pháp dạy- học theo hướng lấy người học làm trung tâm, tăng cường hoạt động của học sinh, phát huy tính tích cực và chủ động của người học. Nhờ đó, duy trì và nâng cao tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi; hạnh kiểm khá, tốt ở

các cấp học, năm học 2009- 2010 đạt tỷ lệ 27,06% học lực khá, giỏi ở các cấp học, tăng 5,45% so với năm học trước; học sinh tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ cao và ổn định trong nhiều năm, năm học 2007- 2008 là 73%, năm học 2009- 2020 là 98,18% [66, tr.9]. Chất lượng mũi nhọn đã được chú trọng, quan tâm đầu tư bồi dưỡng đạt được những thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi, thi tuyển đại học; trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thứ hạng của tỉnh Yên Bái từng bước được cải thiện, năm học 2008- 2009 xếp thứ 36/63 tỉnh, thành toàn quốc (so với năm học trước tăng 14 bậc), xếp thứ 5/11 các tỉnh miền núi phía Bắc. Số học sinh đỗ vào các trường đại học hàng năm tăng lên (năm 2006 đạt 13%, năm 2010 tăng lên 25,4%) [66, tr.10], nhiều em năng lực vượt trội đã và đang rất nỗ lực học ở học viện, các trường đại học trong nước, ngoài nước. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, thể hiện trong nội dung chương trình, phương pháp dạy học. Ngành GDPT đã quan tâm chỉ đạo các trường học giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua chẳng hạn như cuộc vận động „Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở các nhà trường. Mặt khác, ngành đã đẩy mạnh hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, vệ sinh môi trường, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông, phòng chống HIV, tệ nạn xã hội xâm hoại môi trường giáo dục trường học. Qua đó, ngành đã từng bước khắc phục tình trạng thiên về dạy kiến thức, lơi lỏng dạy người, giáo dục nhân cách cho học sinh. Chất lượng giáo dục được nâng cao là kết quả của sự quan tâm đầu tư xây dựng các điều kiện đảm bảo cho giáo dục phổ thông phát triển bền vững của tỉnh, tập trung vào công tác tăng cường đội ngũ giáo viên, phát triển cơ sở vật chất, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đổi mới quản lý giáo dục (Xem thêm phụ lục số 14, trang 182- Hiệu quả giáo dục phổ thông năm học 2009 - 2010).

Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đã đáp ứng đủ về số lượng, 95% trở lên đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn ở tất cả các bậc học

(năm 2010, trình độ đội ngũ giáo viên đạt chuẩn là gần 98%) [66, tr.12]. Việc ưu tiên biên chế cho vùng đặc biệt khó khăn được thực hiện nghiêm túc, đã điều động được một bộ phận sinh viên mới ra trường nhận công tác ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc. Tỉnh cũng đã có giải pháp đào tạo giáo viên tại chỗ, phát triển đội ngũ giáo viên người dân tộc, chấm dứt tình trạng thiếu giáo viên ở vùng cao. Năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm hầu hết đáp ứng được với yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn có trình độ chuyên môn sư phạm, bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt; một bộ phận đáp ứng yêu cầu tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai đường lối của Đảng, Nhà nước, triển khai các nhiệm vụ phát triển giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của địa phương. Tỉnh đã quan tâm và có chính sách thu hút, đãi ngộ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là cán bộ, giáo viên đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên phấn khởi, yên tâm công tác (Xem thêm phụ lục số 11, trang 179 - Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, CNV ngành Giáo dục và Đào tạo).

Thứ năm, cơ sở vật chất trường học đã được quan tâm đầu tư theo hướng hiệu quả và hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý, đổi

mới phương pháp dạy học. Bằng nhiều nguồn vốn, chương trình dự án tỉnh đã

đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo hàng trăm phòng học; nhờ vậy đã triệt để xóa hẳn tình trạng học 3 ca, tỷ lệ phòng học kiên cố tăng lên đạt gần 90%, các nhà trường cơ bản đáp ứng phòng học 2 ca [66, tr.13]. Nhiều trường đã có phòng học bộ môn, thư viện, thí nghiệm. Sách giáo khoa, thiết bị dạy học được đáp ứng phục vụ đổi mới chương trình giáo dục tiểu học, THCS, THPT; việc triển khai dạy môn tin học bắt buộc trong trường trung học phổ thông từng bước đảm bảo yêu cầu, toàn ngành đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy. Hệ thống trường chuẩn quốc gia đã hình thành ở các bậc học, phát triển mạnh ở bậc tiểu học (Xem thêm Phụ lục số 13, trang 181: Tổng hợp số liệu ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo tỉnh Yên Bái 2001 - 2005).

Thứ sáu, Đảng bộ đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường các nguồn lực phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Qua đó, nhận thức chủ trương về xã hội hóa giáo dục đối với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục chuyển biến; do vậy đã quan tâm hơn cả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện cũng như tăng cường đầu tư nguồn lực đáp ứng nhu cầu dạy, học cho các nhà trường. Nhận thức yêu cầu học tập của toàn xã hội (đặc biệt đối với nhân dân vùng cao, vùng sâu) đã có sự chuyển biến tích cực rõ rệt; mang lại hiệu quả cao trong huy động con em đồng bào vùng cao đi học đảm bảo trên 95% kế hoạch số lượng đã giao cho các nhà trường. Từ sự chuyển biến về nhận thức, đã duy trì bền vững kết quả PCGDTH theo hướng nâng cao chất lượng PCGDTH đúng độ tuổi và đạt chuẩn quốc gia PCGD THCS. Vận dụng phương châm “Nhà nước, nhân dân cùng làm” trong việc triển khai xây dựng kiên cố, xóa phòng học tạm, Tỉnh đã huy động các doanh nghiệp, các cấp các ngành cùng với nhân dân tham gia đóng góp công sức san tạo mặt bằng, vận chuyển vật liệu, hiến đất làm trường, cung cấp vật liệu sẵn có của địa phương xây dựng các công trình trường học. Con số gần 90% tỷ lệ phòng học kiên cố là thành quả to lớn của công tác đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đem lại hiệu quả thiết thực đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm thông qua các hoạt động của Hội khuyến học các cấp trong tỉnh, thực hiện tốt mục tiêu xây dựng xã hội học tập.

Thứ bảy, công tác quản lý đã có nhiều đổi mới, từng bước thực hiện phân cấp quản lý, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của các cơ sở, trường học. Thực hiện công khai các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; công khai thu, chi tài chính; thực hiện tốt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước cho giáo dục. Công tác thanh tra được duy trì thường xuyên, có nhiều nét mới; tập trung vào thanh tra chuyên môn, khắc phục những thiếu sót sơ hở và bệnh thành tích trong khâu đánh giá, thi cử. Công tác thi đua

khen thưởng của ngành đã có những chuyển biến rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; trong các đợt xét khen thưởng, Sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định đảm bảo chính xác, công bằng, không chạy theo số lượng. Công tác thông tin báo cáo những năm gần đây được thực hiện chủ yếu thông qua hệ thống thư điện tử; các hệ thống thông tin và cơ sở hạ tầng đáp ứng khá tốt, trình độ khai thác công nghệ thông tin về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Tóm lại, từ năm 1996 đến năm 2010, Đảng bộ Yên Bái đã lãnh đạo, chỉ đạo đưa sự nghiệp giáo dục phổ thông của tỉnh có những bước phát triển mạnh và bền vững trên tất các các mặt quy mô, mạng lưới trường, lớp và chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn, giáo dục toàn diện; đội ngũ cán bộ, giáo viên; cơ sở vất chất; xã hội hóa giáo dục và công tác quản lý. Xét trên nhiều bình diện, tuy đời sống còn nhiều khó khăn, song với tinh thần hiếu học, sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành đối với thế hệ trẻ, giáo dục phổ thông Yên Bái đã có những bước tiến đáng ghi nhận cả về lượng và chất, tạo điều kiện để tỉnh tiếp tục thực hiện chiến lược giáo dục 2010- 2020 và đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

3.1.1.2. Nguyên nhân của thành tựu

Sự lãnh đạo, chỉ đạo phát triển giáo dục phổ thông của Đảng bộ tỉnh Yên Bái đạt được những thành tựu nêu trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến các nguyên nhân chủ yếu sau:

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chủ trương phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng (Nghị quyết TW 2 khóa VIII, Kết luận Nghị quyết TW 6 khóa IX), Đảng bộ tỉnh Yên Bái ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển của xã hội. Vì vậy, Đảng bộ thường xuyên quan tâm chỉ đạo ngành, tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục phát triển. Từ năm 1996 đến năm 2010, Tỉnh ủy đã ra các Nghị quyết chương trình hành động như Nghị quyết số 04-CTHĐ/TU (1997), Nghị quyết số 20-Ctr/TU (2002), Nghị quyết số 10/NQ-TU (2008) nhằm phát triển giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương; đồng thời chỉ đạo các Đảng bộ cơ sở lãnh đạo các

cấp, các ngành triển khai thực hiện. Các Nghị quyết về chương trình hành động phát triển giáo dục của Tỉnh ủy chính là cơ sở định hướng để các địa phương, đơn vị triển khai với những đề án, kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm, chương trình cụ thể và thực hiện có hiệu quả.

Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng các đề án tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục phát triển.

Những thành tựu đạt được trên đây là kết quả của quá trình kiên trì nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng bộ, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhờ đổi mới, kinh tế- xã hội Yên Bái đã có những thay đổi tích cực, từng bước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; đời sống của nhân dân được cải thiện, nhu cầu học tập của người dân không ngừng tăng lên. Nhân dân và toàn xã hội đã quan tâm đóng góp nhiều công sức xây dựng trường lớp, chăm lo sự nghiệp giáo dục. Ngành giáo dục phổ thông đã có nhiều cố gắng trong việc phát huy nội lực, tận dụng thời cơ để phát triển quy mô, nâng cao chất lượng ở cả giáo dục đại trà và mũi nhọn, cải thiện cơ sở vật chất…Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và đa số học sinh có nhiều cố gắng. Phần lớn các thầy, cô giáo có tâm huyết, trách nhiệm và gắn bó với nghề. Công tác quản lý giáo dục có nhiều đổi mới.

Cuối cùng, Yên Bái là một tỉnh có truyền thống hiếu học, khuyến học. Đây là cơ sở, cội nguồn tạo lập nên nền dân trí vững bền, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập.

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh yên bái lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông từ 1996 den nam 2010 (Trang 91 - 97)