1.2.1.1. Phát triển quy mô giáo dục
Được sự quan tâm và chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố mở rộng quy mô, mạng lưới trường lớp theo hướng đa dạng hóa loại hình, xã hội hóa nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục. Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái trên tinh thần NQ 04- CTHĐ/TU ngày 14/4/1997 của Tỉnh ủy đã đặt ra nhiệm vụ chung như sau: tiếp tục đẩy mạnh công tác XMC- PCGDTH, phát triển thêm loại hình bán công, dân lập, bán trú; củng cố, phát triển các trường PTDTNT; thực hiện tốt thí điểm trung học phân ban,…
Đi liền với nhiệm vụ chung đề ra, trong từng năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có văn bản chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể cho từng năm của bậc học phổ thông; tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển mạng lưới quy mô của bậc học phổ thông. Cụ thể:
- Đẩy mạnh công tác XMC- PCGDTH, phấn đấu đến năm 1997 đạt chuẩn Quốc gia XMC- PCGDTH; tiến tới PCGDTH đúng độ tuổi.
- Huy động tối đa trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 với tỉ lệ 80%. Huy động trẻ em trong độ tuổi đã bỏ học hoặc chưa được học đến trường. Chống bỏ học giữa chừng và lưu ban, nhất là ở các lớp 1,2,3.
-Phát triển trường lớp, chú trọng loại hình bán công, dân lập. Trong năm 1999 Sở đã trình và được UBND tỉnh cho thành lập 8 trường THPT, trong đó có 5 trường bán công (theo Quyết định số 162/1999/QĐ/UB ngày 2/7/1999). Năm 2000, thành lập thêm trường THPT Nguyễn Lương Bằng ở huyện Văn Yên (theo Quyết định số 161/1999/QĐ/UB ngày 2/7/1999).
Nhờ đó, sau 4 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và NQ 04- CTHĐ/TU của Tỉnh ủy, quy mô và mạng lưới của bậc học phổ thông trên toàn tỉnh đã đạt được những kết quả:
Toàn tỉnh đến năm học 1999- 2000 đã có 339 trường (trong đó có 78 trường PTCS, 5 trường PTLC 2+3), 5.552 lớp, 167.579 học sinh [51, tr.4], tăng 31 trường (gấp 1,1 lần) so với năm học 1996- 1997.
Giáo dục tiểu học: có 162 trường, 3.782 lớp, 101.484 học sinh. So với năm học 1996- 1997 giảm 1.020 học sinh (chiếm tỷ lệ gần 2%), nguyên nhân giảm theo hướng tích cực do thực hiện PCGDTH đúng độ tuổi, do xu hướng giảm dân số độ tuổi, một phần do học sinh bỏ học. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 78% [51, tr.4].
Giáo dục trung học tiếp tục phát triển về quy mô trường lớp, học sinh: - Cấp trung học cơ sở: có 75 trường, 1.404 lớp, 49.399 học sinh [52, tr.4]. So với năm học 1996- 1997 tăng 8.848 học sinh (khoảng 17,9%). Số học sinh tăng do thực hiện tốt, nghiêm túc PCGD THCS.
- Cấp trung học phổ thông: có 19 trường (trong đó có 6 trường bán công), 366 lớp, 16.576 học sinh [51, tr.5]; tăng 7 trường, 146 lớp, 7.498 học sinh so với năm 1996.
Hệ thống trường PTDTNT được duy trì, củng cố và phát triển. Toàn tỉnh có 6 trường PTDTNT, trong đó có 3 trường PTDTNT Yên Bình, PTDTNT Lục Yên, PTDTNT Trấn Yên được thành lập trong giai đoạn 1996- 2000 theo quyết định của UBND tỉnh Yên Bái.
Với những kết quả nêu trên, quy mô giáo dục phổ thông của tỉnh đã mở rộng, phát triển hơn so với thời kỳ trước, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và nhu cầu học tập của nhân dân. Thành tựu đó là kết quả của sự chỉ đạo cụ thể của Tỉnh ủy đối với chính quyền, đoàn thể và ngành trong việc định hướng và tạo điều kiện để giáo dục phổ thông phát triển. HĐND Tỉnh, UBND Tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có nghị quyết, kế hoạch nhằm mở rộng quy mô giáo dục. Song bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều tồn tại cần khắc phục: sự phân bố các trường học không đều; đặc biệt ở vùng cao, vùng sâu do địa bàn rộng, phức tạp, kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên việc mở trường lớp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế (đến năm 2000, vẫn còn 33 xã chưa có trường, lớp THCS) . Số học sinh trong độ tuổi chưa đến trường, bỏ học còn cao…Do
đó, phát triển quy mô bậc học phổ thông cần nhiều sự đầu tư, quan tâm thích đáng hơn nữa để xứng tầm với vị trí bậc học này trong nền giáo dục quốc dân.
1.2.1.2. Nâng cao chất lượng giáo dục
Từ những nhiệm vụ chung do Tỉnh ủy đề ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã nhanh chóng triển khai vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông với nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp học.
Vớigiáo dục tiểu học:
- Đẩy mạnh PCGDTH, đến năm 1997 đạt chuẩn quốc gia về XMC- PCGDTH. Cụ thể toàn tỉnh phải có 145 đơn vị xã phường (81,5%) và 7 huyện, thị đạt chuẩn quốc gia XMC- PCGDTH. UBND tỉnh cũng đã ban hành chỉ thị 07/CT- UB (30/3/1998) yêu cầu tăng cường nâng cao chất lượng XMC- PCGDTH theo hướng PCGDTH đúng độ tuổi, giao chỉ tiêu pháp lệnh hàng năm phấn đấu tăng thêm số xã, số huyện đạt chuẩn.
- Bảo đảm dạy đủ 9 môn, tích cực đổi mới phương pháp dạy và học. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Với giáo dục trung học phổ thông:
- Công tác phổ cập giáo dục THCS tiếp tục xúc tiến ở các thị xã, thị trấn; mục tiêu đến năm 2000 có 15 đơn vị xã phường đạt chuẩn PCGD THCS. - Đổi mới phương pháp dạy học và các hoạt động giáo dục; đẩy mạnh phong trào thi giáo viên dạy giỏi; phát huy thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục ở các trường PTDTNT vùng cao. Tổ chức cho học sinh THPT học nghề từ lớp 10.
- Thực hiện giáo dục toàn diện cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ- thể thao…
- Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức trong nhà trường theo Nghị định 36/CP và 87/CP của Chính phủ về phòng chống tệ nạn xã hội và ma túy xâm nhập vào nhà trường.
Cụ thể hơn, Sở đã đặt ra chỉ tiêu về chất lượng trong từng năm học. Ví dụ như năm học 1999- 2000:
- Tỉ lệ tốt nghiệp THPT: 75%
- Tỉ lệ xếp loại yếu kém về đạo đức: không quá 6% với THPT và 4% với THCS [51, tr.7].
Những nhiệm vụ đề ra của Sở dưới sự giám sát, kiểm tra của Tỉnh ủy và UBND tỉnh thông qua các báo cáo hàng năm đã nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trong những năm đầu thực hiện Nghị quyết TW 2 khóa VIII và triển khai NQ 04- CTHĐ/TU ngày 14/4/1997 của Tỉnh ủy. Cụ thể:
Yên Bái đã đạt chuẩn Quốc gia về XMC- PCGDTH vào năm 1997 với tổng số trẻ tốt nghiệp tiểu học đạt 78%, số người từ 15 đến 25 tuổi đạt trình độ xóa mù chữ trở lên là 90%, số xã phường đạt chuẩn XMC- PCGDTH so với tổng số xã phường của tỉnh đạt 82,5%. Công tác PCGDTHCS cũng đạt được những thành tựu đáng khích lệ với 38 xã, phường đạt chuẩn [59, tr.178- 183].
Chất lượng giáo dục đại trà được nâng cao một bước. Điều này được thể hiện qua các con số báo cáo hàng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái. Trong những năm 1996- 2000, tỷ lệ học sinh xếp loại đạo đức khá- tốt tăng, cấp tiểu học hơn 90%, cấp THCS 89% và THPT 83%. Số học sinh bỏ học và lưu ban ở các cấp học giảm từ trên 10% những năm trước xuống còn khoảng 5%. Học sinh các cấp đỗ tốt nghiệp với chất lượng ổn định trên 80%. Số lượng học sinh trúng tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp hàng năm đều tăng.
Giáo dục mũi nhọn đạt nhiều thành tích với số lượng học sinh giỏi ở nhiều môn học:
Năm 1997: có 46 giải quốc gia, trong đó có 5 giải nhì, 16 giải ba. Năm 1998: 70 giải, trong đó có 2 giải nhất, 11 giải nhì, 25 giải ba. Năm 1999: 41 giải, trong đó có 6 giải nhì, 21 giải ba.
Năm 2000: 42 giải, trong đó có 5 giải nhì, 23 giải ba. [59, tr.472]
Bên cạnh đó, các hoạt động Đoàn, Đội, hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo dục về an toàn giao thông, phòng chống các tệ nạn xã hội, các cuộc thi viết thư về các chủ đề mang tính xã hội và thời sự…được quan tâm tổ chức đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Như vậy, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, chất lượng giáo dục phổ thông từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều tồn tại cần khắc phục. Tỉnh đã hoàn thành XMC- PCGDTH nhưng các tiêu chuẩn mới cập ở mức tối thiểu, thấp, bấp bênh, nên chưa vững chắc. Tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban có giảm nhưng còn ở mức cao. Các hoạt động giáo dục toàn diện học sinh còn ít, chưa phát huy hiệu quả…
1.2.1.3. Đổi mới công tác quản lí
Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và Nghị quyết 04- CTHĐ/TU, công tác quản lý nhà nước về giáo dục có sự đổi mới ở tất cả các cấp học, nhờ đó duy trì và tăng cường nề nếp, kỷ cương trong dạy- học và các hoạt động giáo dục.
Về công tác tham mưu, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành những Nghị quyết, Quyết định, xây dựng những dự án nhằm phát triển giáo dục phổ thông phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của địa phương; tham mưu với tỉnh ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị, tuyển dụng biên chế, hợp đồng giáo viên…Sở cũng đã hướng dẫn các phòng ban, cơ sở giáo dục sắp xếp lại đội ngũ, bổ nhiệm cán bộ quản lý, luân chuyển cán bộ, giáo viên…đảm bảo công khai, dân chủ đúng quy định.
Việc tổ chức dạy thêm, học thêm đã được chấn chỉnh theo tinh thần tự nguyện, phát huy tính tích cực của hoạt động này. Sở đã phối hợp với các trường học quản lý chặt chẽ đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy, nội dung chương trình dạy thêm, học phí; xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm…Vì vậy, hoạt động dạy thêm, học thêm tương đối quy củ; hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan giảm bớt.
Các khoản thu- chi hàng năm của các trường học đều đảm bảo tính công khai tài chính. Đối với các khoản thu từ sự đóng góp của nhân dân theo tinh thần xã hội hóa giáo dục (chủ yếu là khoản thu xây dựng đầu năm) đảm bảo đúng quy định, sử dụng hợp lý, công khai rõ ràng với phụ huynh học sinh. Sở Giáo dục cũng đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về việc công tác quản lý tài chính.
Chất lượng giáo dục được tăng cường kiểm định thông qua các hoạt động thanh tra thường xuyên và định kỳ. Công tác thi cử được quản lý chặt chẽ và đánh giá nghiêm túc. Sở Giáo dục đã tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo việc thực hiện xóa bỏ trường chuyên, lớp chọn ở THCS và lớp chọn ở THPT để tránh gây căng thẳng cho học sinh và dư luận xã hội.
Ngành giáo dục đã tổ chức thực hiện dân chủ, công khai đưa những chủ trương chung của toàn ngành, công việc cụ thể của từng đơn vị quán triệt đến từng cán bộ, giáo viên. Ngành đã có những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện Nghị định của Chính phủ về thực hiện dân chủ ở cơ quan như: công khai ngân sách giáo dục, công khai chủ trương thi cử và tuyển sinh…Ở nhiều đơn vị đã tạo được nề nếp sinh hoạt dân chủ, bình đẳng, phát huy trí tuệ tập thể.
Những kết quả đạt được nêu trên là nỗ lực của ngành trong quản lý giáo dục phổ thông Yên Bái. Song vẫn còn những yếu kém, bất cập cần sửa chữa: công tác quản lý cán bộ, đội ngũ giáo viên nhiều nơi chưa được quan tâm chặt chẽ; bộ máy quản lý đôi chỗ vẫn chưa được quan tâm thích đáng với trách nhiệm và nhiệm vụ họ phải làm…Do đó, công tác quản lý giáo dục phổ thông vẫn còn cần nhiều đổi mới trong chỉ đạo ở những giai đoạn tiếp theo.