“Đạo” vượt trên cõi tự nhiên

Một phần của tài liệu Đề tài Tư tưởng triết học về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong Đạo gia và ý nghĩa của nó đối với kiến trúc phong thủy ở Việt Nam (Trang 28 - 33)

7. Kết cấu đề tài

1.2.4.“Đạo” vượt trên cõi tự nhiên

Học thuyết về “Đạo” của Đạo gia đã thể hiện vũ trụ quan, nhân sinh quan của các triết gia. Khẳng định “Đạo” là nguồn gốc hình thành vạn vật bằng sự quan sát con người và sự chuyển biến của vạn vật. Phạm trù “Đạo” là phạm trù khái quát và trung tâm của triết học Đạo gia khi đề cập đến vấn đề con người và tự nhiên trong mối quan hệ giữa chúng.

Phạm trù “Đạo” thời xưa đều mang hàm ý “nhân đạo” tức là đạo làm người nhưng cho đến khi sách của Lão Tử ra đời thì nó lại mang một ý nghĩa khác khi cho rằng trời đất và vạn vật đều sinh ra từ một “nguyên lý chung” (tổng nguyên lý) được gọi là “Đạo”. “Đạo” là cái sinh ra vạn vật.

Lão Tử viết:

“Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải. Chu hành nhi bất đã. Khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất tri kỳ danh; tự chi viết Đạo. Cưỡng vi chi danh viết Đại.”

(Có một vật hỗn độn mà nên, sinh trước trời đất; yên lặng, trống không; đứng một mình mà chẳng thấy hay; đi khắp nơi mà không mỏi. Có thể làm mẹ thiên hạ. Ta không biết tên, đặt tên chữ đó là Đạo; gượng gọi tên đó là Lớn.) [27; chương 25]

“Đạo” lúc đầu chưa phân chia, do đó cảm quan của con người không thấy được nhưng nó vẫn tồn tại tuyệt đối, vĩnh viễn, mạnh mẽ, bao khắp cả vũ trụ, có trước Trời đất và là cái từ đó vạn vật có danh tính, có hình thể được sinh ra.

Lão Tử viết:

“Đại Đạo phiếm hề, kỳ khả tả hữu. Vạn vật thị chi nhi sinh bất tử. Công thành bất danh hữu. Ái dưỡng vạn vật nhi bất di chủ.”

(Đại Đạo tràn lan bên phải, bên trái. Vạn vật nhờ đó nó mà sinh, nhưng nó không nói gì. Hoàn thành việc rồi nhưng nó không xưng là có. Thương yêu nuôi dưỡng muôn loài mà nó không làm chủ.) [27; chương 34]

Chỉ thuận theo tự nhiên chứ không có ý chí là tác dụng của “Đạo”. Như vậy, con người phải thuận theo tự nhiên để đạt được Đạo. Đạo thường không làm gì nhưng qua nó cái gì cũng làm được. Lão Tử viết:

“Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên.”

(Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời; Trời bắt chước Đạo; Đạo bắt chước tự nhiên.) [27; chương 25]

Giải thích đặc điểm của “Đạo”, Lão Tử cho rằng “Đạo” là bản chất sâu xa, tuyệt đối, là cơ sở do đó Trời đất và vạn vật sinh sống, vì thế nó giống với sự vật. Sự vật sinh ra từ “Đạo” vừa “Hữu” vừa “Vô”. “Vô” là cái thể của “Đạo” và không thể gọi tên được. “Hữu” là dụng của “Đạo” và có hình thể, có thể gọi tên được.

Lão Tử viết:

“Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh. Vô danh thiên địa chi thủy. Hữu danh vạn vật chi mẫu. Cố thường vô, dục dĩ quan lỳ diệu. Thường hữu, dục dĩ quan kỳ kiếu. Thử lưỡng giả, đồng xuất nhi dị danh. Đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền. Chúng diệu chi môn.”

(Hễ Đạo mà có thể gọi được, thì nó không phải là Đạo bất biến. Hễ tên mà có thể gọi được, thì nó không phải là tên bất biến. Không tên là gốc của Trời đất, có tên là mẹ của muôn vật. Cho nên, về cái Vô bất biến, ta muốn thấy chỗ vi diệu của nó. Về cái Hữu bất biến, ta muốn thấy chỗ giới hạn của nó. Hai cái đó cùng một nguồn gốc, nhưng tên khác nhau, đều gọi là Huyền. Huyền rồi càng huyền, nó chính là cửa nẻo sinh ra mọi điều huyền diệu.) [27; chương 1]

“Đạo” là nguyên lý chung sinh ra vạn vật chứ không phải là sự vật cụ thể. Lão Tử nói “Đạo thường vô danh” [27; chương 32] nhưng cũng nói “Đạo ẩn vô danh” [27; chương 41] cho thấy “Đạo” chuyển hóa không ngừng. Nếu “Đạo” là nguyên lý chung sinh ra vạn vật thì “Đức” là nguyên lý sinh ra một vật. Cho nên Lão Tử viết:

“Khổng đức chi dung, duy Đạo thị tùng.”

(Hình dạng của Đức lớn chỉ tuân theo Đạo.) [27; chương 21] Vì thế, Lão Tử cho rằng vạn vật đều tôn theo Đạo và quý Đức:

“Đạo sinh chi, đức sinh súc chi, vật hình chi, thế thành chi. Thị dã vạn vật mạc bất tôn Đạo nhi quý Đức. Đạo chi tôn, Đức chi quý, phù mạc chi mệnh, nhi thường tự nhiên.”

(Đạo sinh, Đức dưỡng, vật chất cho mình, hoàn cảnh tác thành vạn vật. Cho nên vạn vật đều tôn Đạo, quý Đức. Sự cao trọng của Đạo và Đức chẳng nhờ ai ban, vì Đạo và Đức tự nhiên vốn đã cao trọng.) [27; chương 51]

Lão Tử còn đưa ra học thuyết “Đạo pháp tự nhiên” để giải thích căn bản của “Đạo”. “Đạo” theo Lão Tử không làm chúa tể chi phối vạn vật mà thuận theo sự phát triển tự nhiên của vạn vật [27; chương 5]. Ông cố gắng tìm ra quy luật khách quan của sự vận động – biến hóa và dạy mọi người hành động theo quy luật tự nhiên. Con người chỉ có thể thích ứng với tự nhiên một cách bị động và đứng trước tự nhiên không cần làm gì cả. Lão Tử đã dẫn con người tới việc phủ nhận đấu tranh.

“Đạo” theo Lão Tử còn là con đường, là quy luật sinh thành, biến hóa của vạn vật trong vũ trụ. Ông cho rằng: trên thế giới không có vật gì vĩnh viễn không thay đổi, có những vật tiến lên phía trước, có những vật lùi lại đằng sau, có những vật đang hình thành, có những vật đang đi tới sự tiêu diệt. Sự vận động của vạn vật không phải hỗn độn mà tuân theo những quy luật tất yếu, tự nhiên nghiêm ngặt, không sự vật nào đứng ngoài quy luật đó, kể cả trời đất, thần linh. [27; chương 37]

Theo Lão Tử, toàn thể vũ trụ bị chi phối bới hai quy luật phổ biến đó là luật quan bình và luật phản phục. Luật quân bình luôn giữ cho vận động được thăng bằng theo một trật tự điều hòa tự nhiên, không thái quá, bất cập và không mất cân bằng. Và “cái gì khuyết ắt được tròn đầy, cái gì cong sẽ được thẳng, cái gì cũ thì mới lại, cái gì ít sẽ được, nhiều thì mất” [27; chương 22]. Luật phản phục là cái gì phát triển đến tột đỉnh sẽ trở thành cái đối lập với nó, đó là “vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản” hay “phản giả đạo chi động” [27; chương 40]. Vạn vật biến đổi theo một vòng tuần hoàn được Lão Tử gọi là “Thiên quân”. Phản phục có ý nghĩa là trở về với Đạo tự nhiên – “Vô vi”. Trở về với Đạo tự nhiên vô vi là trở về với cái gốc của mình, lâu dài.

Nói đến phản phục, trong Kinh Dịch ở hào Từ của quẻ Thái có câu:

“Vô hình bất bí, vô vãng bất phục” [11; tr. 262]

Vạn vật không bao giờ có sự phẳng lặng, sự nghiêng lệch. Hệ từ có viết về sự biến hóa tức là cái hiện tượng tiến rồi lùi, chứ không phải cứ một chiều mà đi tới mãi:

“Biến hóa giả; tiến thoái chi tượng giả.”

Có thể thấy, vạn vật trên đời luôn động. Động nên mất quân bình nhưng là tạm thời để tìm lại quân bình. Luật quân bình chi phối tất cả sự vật và “cái Tịnh là gốc của cái Động” [2; tr. 78]. Vì vậy, Lão Tử mới khẳng định “Hữu sinh ư vô” thông qua luật quân bình giống như tình trạng của hư vô, nó lại là nguồn gốc của vạn hữu.

Như vậy, “Đạo” theo quan điểm của Lão Tử là phạm trù khái quát và nó không chỉ một sự vật, hiện tượng cụ thể hữu hình nào mà là chỉ tất cả mọi thứ từ đó sinh ra, tồn tại vĩnh viễn, bất biến. “Đạo” vừa duy nhất, vừa thiên hình vạn trạng, vừa biến hóa và bất biến. Vì thế, Lão Tử chống lại quan điểm Trời sáng tạo ra thế giới và cho rằng Trời không phải là căn cứ tồn tại của “Đạo” và “Đạo” có trước thần linh. Lão Tử đã khẳng định “Đạo” vượt trên cõi tự nhiên, cõi người và cõi thần. Ông viết: “Trời được một mà trong, đất được một mà yên, thần được một mà linh” [27; chương 30].

“Đạo” theo Trang Tử cũng phần nào giống “Đạo” của Lão Tử và vượt trên cõi tự nhiên. “Đạo” là tổng nguyên lý sinh ra trời đất và vạn vật; hễ có vật thì có Đạo, nên Đạo ở khắp nơi “vô sở bất tại” nên “tự nó là gốc của nó”, tồn tại vĩnh viễn mà không có đầu, có cuối. Vạn vật trong trời đất cứ y theo Đạo mà sinh hóa không ngừng. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Trang Tử không những phủ nhận giới tự nhiên tồn tại mà còn cho rằng toàn bộ giới tự nhiên chẳng qua chỉ là khí mà thôi: “Toàn bộ tự nhiên, vạn vật là khí này từ Đạo mà ra” hay “Đạo là cái gì có trước trời đất”.

Tác dụng của “Đạo” có tình chất tự nhiên vì thế Trang Tử cho rằng “Đức gắn với Đạo, Đạo gắn với Thiên” (“Thiên” ở đây có nghĩa là “tự nhiên”) và “Vô vi mà làm gọi là Thiên”, “Thiên (sự tự nhiên) thì ở trong, nhân (sự nhân tạo) thì ở ngoài”. Quan điểm này giống với quan điểm “Đạo pháp tự nhiên” của Lão Tử.

“Đạo” theo Trang Tử biểu hiện trong vạn vật, nên vạn vật tự sinh tự trưởng, tự hủy tự diệt. “Đạo” làm và vạn vật tự làm.

Trang Tử nói:

“Ngô hà vi hồ? Hà bất vi hồ? Phù cố tương tự hóa.”

(Ta làm gì? Ta không làm gì? Vạn vật tự chuyển hóa mà thôi!) [28; Thu Thủy]

Trang Tử cũng chịu ảnh hưởng của Lão Tử và khẳng định rằng “Đạo Trời là tự nhiên” vốn có, không ai sinh ra nó mà nó tự bản, tự căn, vô cùng vô hạn, là bản thể đầu tiên của vũ trụ, có trước Trời đất, quỷ thần. Ông cho rằng vạn vật sinh ra từ “Đạo” đều biến hóa một cách tự nhiên và sự sống chết là quá trình tất yếu của tự nhiên, “con người sinh ra là do khí tụ lại, tụ thì sống, tan thì chết” [28; Tri Bắc du].

Trang Tử chủ trương không cần cải biến sự vật, không lấy người hại người, không lấy việc hại mệnh và cho rằng con người đều không làm gì được trước mọi biến hóa của sự vật khách quan, chỉ có thể tuyệt đối phục tùng tính chất tất nhiên biến hóa của thế giới vạn vật.

Như vậy, với học thuyết về “Đạo” đã thể hiện vũ trụ quan của các nhà triết gia thuộc trường phái Đạo gia. Học thuyết “Đạo” được các triết gia quan niệm là bản nguyên của vũ trụ, bản nguyên của vạn vật và có trước mọi thứ kể cả Trời đất, thần linh. Từ đó, “Đạo” vượt trên cõi người, vượt trên cõi tự nhiên và khuyên răn con người sống đúng “Đạo”, sống hài hòa với tự nhiên không thái quá, bất cập bằng luật quân bình, luật phản phục.

Một phần của tài liệu Đề tài Tư tưởng triết học về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong Đạo gia và ý nghĩa của nó đối với kiến trúc phong thủy ở Việt Nam (Trang 28 - 33)