7. Kết cấu đề tài
2.1.3. Nguồn gốc thuật phong thủy
Thuật phong thủy được hình thành từ rất sớm và gắn với những kinh nghiệm về sinh hoạt là khoét đá, đào hang cho đến làm nhà để tránh thú dữ, thiên tai và sự tấn công của chính con người.
Thời thượng cổ, du canh du cư là lối sống đặc trưng của con người và trải qua quá trình tiến hóa con người chuyển thành định canh định cư. Lúc này, con người mới chú ý đến nơi ăn chốn ở, chọn địa điểm cư trú cho tiện lợi rồi tới kiến tạo phòng ốc để ở cho ổn định, an lành và giàu có. Vì vậy, từ đời này sang đời khác những kinh nghiệm về cư trú được tích lũy là điểm khởi đầu của phong thủy.
Thời sơ kỳ, con người chọn đất làm nhà nhằm mục đích an toàn, cố định và vì thế thường chọn nơi đất ở nơi cao ráo vì sợ hồng thủy, thiên tai và mãnh thú tấn công. Mặt khác, con người chọn nơi ở còn chọn những vùng đất hướng về mặt trời và khuất gió.
Những kinh nghiệm đó được tích lũy dần dần cho đến lúc kết hợp với những cơ sở lý luận của học thuyết nguyên lý Âm Dương – Ngũ Hành, Kinh Dịch, học thuyết của Đạo gia trở thành một học thuyết phong thủy chứa đựng những yếu tố hợp lý song không tránh khỏi sự vận dụng sai dẫn đến những điều mê tín.
Thứ nhất, về học thuyết Âm Dương - Ngũ Hành. Học thuyết Âm Dương Ngũ Hành vốn là học thuyết về nguồn gốc, phương thức vận động của vũ trụ
được thể hiện đầy đủ và hoàn thiện trong tác phẩm kinh Dịch (một tác phẩm đứng đầu trong hệ thống tri thức và học thuật Trung Hoa).
Theo học thuyết Âm Dương, khởi thuỷ vũ trụ tồn tại ở thể khí trong trạng thái tĩnh lặng chưa có vận động gọi là Thái cực (còn gọi là thái hư, thái huyền), khi có vận động thái cực chia thành hai loại khí, khí tĩnh là Âm và khí động là Dương. Âm có tính chất tĩnh, đục, tối; Dương có tính chất động, nhẹ, trong sáng… Hai khí Âm và Dương liên tục vận động sinh ra bốn khí, bốn khí sinh ra tám khí… (thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái). Người ta dùng một vạch liền (-) để ký hiệu khái niệm Dương và vạch đứt (--) thể hiện khái niệm Âm. Âm Dương gọi là Lưỡng nghi – là hai nguyên lý. Từ Lưỡng nghi sẽ sinh ra Tứ tượng là 4 thể trạng (chồng hai vạch lên nhau):
Hình 1: Tứ Tượng
(Nguồn: Trung tâm nghiên cứu lý học phương Đông)
Sự tương tác và kết hợp giữa Âm - Dương tạo ra những yếu tố mới trong vũ trụ, song các yếu tố này tuân theo một logic nhất định ở hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất gồm ba vạch âm - dương kết hợp ngẫu nhiên tạo ra 8 quẻ (còn gọi là tám quẻ đơn) cụ thể trong vũ trụ (chỉ là ba vạch vì theo sự quan sát trực cảm, thế giới được cấu tạo thứ tự từ trên xuống dưới gồm Trời - Người - Đất) gồm: Càn (trời), Khảm (nước), Cấn (núi), Chấn (sấm), Tốn (gió), Ly (lửa), Khôn (đất), Đoài (ao hồ đầm lầy).
Hình 2: Bát quái
Tám quẻ đơn được sắp xếp trong hình vuông chia thành 9 ô vuông gọi là cửu cung, mỗi cung được quy ước với một con số trong hệ đếm từ 1 đến 9, thứ tự như sau: quẻ Khảm ứng với số 1 ở phương chính Bắc, quẻ Cấn ứng với số 8 ở phương Đông Bắc, quẻ Chấn ứng với số 3 ở phương chính Đông, quẻ Tốn ứng với số 4 ở phương Đông Nam, quẻ Ly ứng với số 9 ở phương chính Nam, quẻ Khôn ứng với số 2 ở phương Tây Nam, quẻ Đoài ứng với số 7 ở phương chính Tây, quẻ Càn ứng với số 6 ở phương Tây Bắc, ô ở giữa ứng với số 5 gọi là cung trung – trung tâm. Hình vuông 9 ô này còn gọi là hình ma phương có đặc điểm là kết quả của 3 ô cộng theo chiều bất kỳ nào cũng là 15 (hình ma phương này trong nhiều nền văn hoá khác còn được dùnh để làm những lá bùa hộ mệnh). Tám quẻ (Bát quái) xếp vào cửu cung là cơ sở hết sức quan trọng cho tất cả các thuật chiêm nói chung và của thuật phong thuỷ nói riêng.
Hình 3: Cửu cung
(Nguồn: Trung tâm nghiên cứu lý học phương Đông)
Giai đoạn thứ hai, tám quẻ này khi kết hợp với nhau tạo ra 64 quẻ (còn gọi là 64 quẻ kép) tượng trưng cho quá trình vận hành của vũ trụ ở các giai đoạn khác nhau.
Hình 4: Bảng tóm tắt và giải thích về sự hình thành và vận động của vũ trụ
(Nguồn: Trung tâm nghiên cứu lý học phương Đông)
Tóm lại, học thuyết Âm - Dương là học thuyết duy vật về sự hình thành và vận động của vũ trụ, mặt khác nó còn thể hiện tính chất biện chứng rất cao trong quan niệm về sự tồn tại của Âm – Dương (trong âm có dương, trong dương có âm) và quá trình chuyển đổi từ Âm sang Dương và ngược lại (âm cực thì dương sinh, dương cực thì âm sinh) và dựa theo nguyên tắc của sự chuyển đổi các mặt đối lập. Tất cả sự tồn tại của các sự vật và hiện tượng trong thể giới đều là sự kết hợp giữa Âm và Dương (nhất âm nhất dương chi vị đạo - một âm một dương là đạo), trong đó Âm là yếu tố sinh thành còn Dương là yếu tố phát triển (âm sinh dương trưởng).
Học thuyết Ngũ Hành là học thuyết về năm yếu tố cấu thành vũ trụ. Theo học giả Phùng Hữu Lan : “ngũ hành thường được quan niệm là 5 yếu tố nhưng không nên coi là 5 yếu tố tĩnh mà nên coi là 5 thế lực động có ảnh hưởng đến nhau. Từ “hành” có nghĩa là “làm”, “hoạt động” cho nên từ ngũ hành theo nghĩa đen có nghĩa là 5 hoạt động hay 5 tác nhân. Người ta cũng gọi là “ngũ đức” có nghĩa là 5 thế lực”.
Sự đề cập đầu tiên đến ngũ hành là ở tác phẩm “Kinh thư” - một bộ sử cổ nhất của nhân loại - trong phần về cửu trù hồng phạm, theo đó ngũ hành là: Thuỷ, Mộc, Thổ, Hoả, Kim; trong đó thuỷ là ướt và xuống, mộc là cong và
thẳng, hoả là cháy và lên, thổ là để gieo mạ làm mùa, kim là theo và đổi. Phải đến thể kỷ thứ 3 Tr. CN học thuyết Ngũ hành mới được hoàn thiện bởi nhà triết học Trâu Diễn.
Năm yếu tố ngũ hành được tổ chức theo hai chiều ngược nhau gọi là tương sinh và tương khắc: chiều tương sinh là: thuỷ sinh mộc, mộc sinh hoả, hoả sinh thổ, thổ sinh kim, và kim lại sinh thuỷ (đây là một vòng tròn khép kín); chiều tương khắc là: thuỷ khắc hoả, hoả khắc kim, kim khắc mộc, mộc khắc thổ và thổ khắc thuỷ (đây cũng là một vòng tròn khép kín). Học thuyết này ra đời trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm, những quan sát có tính trực quan của con người đối với thế giới khách quan, và do đó nó có tính ứng dụng thực tiễn rất cao trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Người ta dùng Ngũ hành để chia tất cả các sự vật hiện tượng trong tự nhiên và xã hội (ngũ âm, ngũ sắc , ngũ vị, ngũ nhạc, ngũ giác quan, ngũ đức, ngũ luân, ngũ thường…). Trong thuật phong thuỷ, các hình thế (kể cả phương hướng) đất đai, sông núi đều được phân chia theo ngũ hành, sau đó căn cứ sự sinh hay khắc của ngũ hành để quyết định cát hung.
Hình 5: Ngũ hành tương sinh tương khắc
(Nguồn: Trung tâm nghiên cứu lý học phương Đông)
Học thuyết Ngũ hành sau khi ra đời và hoàn thiện kết hợp với học thuyết Âm Dương trên cơ sở Ngũ hành hoá tám quẻ đơn nên thường gọi chung là học thuyết Âm Dương - Ngũ Hành.
Thứ hai, “Khí” và “Đạo” hai khái niệm quan trọng trong thuật phong thuỷ. Đây là hai khái niệm mà tất cả các học phái triết học, nghành y học,
thiên văn học, lịch số… đều sử dụng một cách phổ biến và rộng rãi, có nội hàm rất rộng và qua các thời đại khác nhau chúng liên tục được bổ xung và mang nhiều nghĩa.
Trước hết khái niệm “Đạo”, đây là khái niệm trung tâm trong truyền thống triết học Trung Quốc, đặc biệt là triết học Đạo gia. “Đạo” trước hết là con đường và cao hơn nó là quy luật tất yếu của thể giới, là nguyên tắc cấu trúc và biến hoá của sự vật, hơn nữa nó còn là bản thể của thế giới (Đạo là cội nguồn của muôn vật), Đạo là siêu thời gian, siêu không gian. Để nhận thức được Đạo người ta phải vận dụng tư duy lý tính, người nhận thức hết được đạo là thánh nhân với nguyên tắc “vạn vật nhất thể” và thể giới cấu trúc theo ba tầng (Thiên - Địa - Nhân) thì sẽ có Thiên đạo, Địa đạo và Nhân đạo. Trong đó, thiên đạo là Âm - Dương, là sự vận hành của các thiên hà, thiên hệ, tinh tú vận động trong khoảng không bao la theo một trình tự nhất định; địa đạo là thuỷ - hoả - phong vận động khắp mặt đất làm nên sự sinh hoá và nuôi dưỡng vạn vật; nhân đạo là tinh tuý của thiên địa, là luân thường đạo lý của con người, hướng con người tới chân - thiện - mỹ.
“Khí” là khái niệm hết sức phức tạp, trước hết đó không phải là không khí nói chung, mà là nguồn năng lượng vũ trụ có ở khắp nơi, ở tất cả vật thể, đất, nước, con người, cây cỏ. Tóm lại, khí tồn tại cả ở thể giới vô hình và thế giới hữu hình. Tất cả mọi sự vật sinh ra hay mất đi đều là sự tụ lại hay tan đi của khí, khí là bản thể cao nhất tồn tại dưới hai dạng khí Âm và khí Dương.
Trong lý luận cơ bản của thuật phong thuỷ, khí là yếu tố hết sức quan trọng nó tồn tại dưới các tên gọi: thừa khí, tụ khí, đắc khí, ngoại khí, nội khí, cát khí, hung khí, thực khí, hư khí… và quan trọng nhất là sinh khí. Theo phong thuỷ học, âm khí bốc lên gọi là mây, dương khí giáng xuống gọi là mưa, khí tiềm ẩn dưới lòng đất gọi là sinh khí. Sinh khí vận hành tuỳ theo lòng đất, đất là mẹ của khí có đất tất có khí, “Đất có khí tốt, đất tuỳ khí mà
lên, thành hình ở bên ngoài”. Biểu hiện của sinh khí có thể là các ngọn núi, mạch đất nhô cao, gặp nước thì dừng lại, gặp gió thì tản ra bốn phía.
Ở Trung Quốc, sự ra đời của phong thủy đã từ đời nhà Chu. Con người đã biết chọn đất xây nhà ở những nơi có địa hình tốt. Cho đến đời nhà Tần, các hình thức bói toán dự đoán cát hung đã thịnh hành gắn liền với hoạt động xây dựng nhà cửa và mai táng do trình độ khoa học còn thấp nên yếu tố mê tín được truyền bá.
Phong thủy cần đến những cơ sở triết học để phát triển và mang lại những yếu tố khoa học. Vì thế, thời Lưỡng Hán đã xuất hiện các học thuyết về phong thủy như “Cung trạch địa hình”, “Kham dư kim quý”. Mối quan hệ giữa con người với nơi ở, mồ mả trở lên mật thiết. Đến thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, quan niệm trên được truyền bá rộng rãi và người dân hoàn toàn tin vào thuật phong thủy.
Tại Việt Nam, phong thủy có từ thời vua Hùng gắn với các cung điện, đền thờ đều được xây dựng với sự gắn kết với phong thủy. Phong thủy là một khoa học, nó mang lại những yếu tố huyền bí những lại rất thực tế và chứng minh cho kinh nghiệm trở thành học vấn. Vì vậy, ứng dụng phong thủy vào các lĩnh vực của đời sống là cần thiết và mang lại những giá trị, đóng góp to lớn cho con người.