Giải pháp về phía Nhà nước

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng hoá của việt nam sang thị trường EU luận văn ths kinh tế 60 31 07 pdf (Trang 92 - 99)

- Thuế MFN 17% Mức ưu đãi = 70% thuế MFN

3.1. Giải pháp về phía Nhà nước

3.1.1 Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý

Bộ Thương mại là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thương mại trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu. Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu nhất là hoạt động xuất khẩu sang thị trường EU, Bộ Thương mại cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình. Cụ thể là:

- Thường xuyên cập nhật thông tin từ các đại diện thương mại tại EU, phân tích và xử lý thông tin để đưa ra dự báo sau đó qua website của Bộ Thương mại thông tin cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu biết nhu cầu của từng thị trường cụ thể, giúp các doanh nghiệp chủ động trong việc tiếp cận thị trường và chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu thích hợp.

- Xây dựng một trang web giới thiệu về hệ thống luật pháp chung của EU và hệ thống luật của từng quốc gia thành viên trong EU. Xây dựng một đội ngũ luật sư giỏi chuyên tư vấn về luật cho các doanh nghiệp xuất khẩu tránh những thiệt thòi không đáng có trong tham gia thương mại quốc tế do thiếu hiểu biết về luật.

- Hướng dẫn, tổ chức và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm tại các nước thành viên EU. Mỗi năm EU tổ chức hàng nghìn hội chợ, triển lãm thương mại lớn nhỏ do vậy Bộ thương mại nên hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam tham gia những hội chợ chuyên về xuất nhập khẩu như Expo Hannover, hội chợ Pari, Europartenriat, Frakfurt để tránh lãng phí mà lại có hiệu quả cao.

3.1.2. Hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho xuất khẩu

- Rà soát lại hệ thống luật để điều chỉnh các quy định không còn phù hợp hoặc chưa rõ ràng trước hết là Luật thương mại. Đảm bảo ổn định môi trường pháp lý để tạo tâm lý tin tưởng cho doanh nghiệp, khuyến khích họ chấp nhận bỏ vốn đầu tư lâu dài. Hoàn thiện chính sách thuế, đặc biệt là chính sách thuế xuất nhập khẩu theo định hướng nhất quán để không gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tính toán hiệu quả kinh doanh.

- Thay đổi về căn bản phương thức quản lý xuất nhập khẩu: tăng cường sử dụng các công cụ phi thuế “hợp lệ” như hàng rào kỹ thuật, hạn ngạch; khắc phục triệt để những bất lợi trong chính sách bảo hộ, cân đối lại đối tượng bảo hộ theo hướng chú trọng bảo hộ mặt hàng nông sản; sửa đổi thuế và cải cách công tác thu thuế để giảm dần và tiến tới xoá bỏ chế độ tính thuế theo giá tối thiểu.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thương mại theo hướng xoá bỏ các thủ tục phiền hà tránh làm mất thời gian và lỡ thời cơ của các doanh nghiệp.

- Cần đơn giản hóa các mức thuế xuất, nhập khẩu tiến tới bãi bỏ thuế xuất khẩu, giảm dần thuế nhập khẩu, mở rộng khoảng cách giữa các mức thuế; tiến hành thực hiện xác định giá trị hải quan theo quy định của GATT/WTO, giá tính thuế nhập khẩu nên xác định trên cơ sở hợp đồng ngoại thương.

- Tiếp tục hoàn thiện chính sách, quy định về quản lý thương mại. Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu lực thực thi các quy định pháp luật về thương mại, đảm bảo thực hiện nghiêm minh, hạn chế mức cao nhất những vi phạm pháp luật thương mại.

3.1.3 Đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương với từng thành viên EU

Tuy thị trường EU là thị trường cấp liên minh nhưng từng quốc gia thành viên vẫn có quyền quyết định riêng nên Việt Nam không những phải đạt được thỏa thuận với Ủy ban Liên minh Châu Âu mà còn phải tiến hành đàm phán để đi đến ký kết hiệp định song phương với từng quốc gia để được hưởng thêm những ưu đãi mà chưa đạt được ở cấp liên minh.

3.1.4 Hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU

Nhà nước cần có những chính sách cụ thể để phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU như hỗ trợ về vốn, công nghệ, ưu đãi về thuế, hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu…

Đối với 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (chiếm 1/2 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU) là giầy dép và dệt may, do có đặc thù riêng trong sản xuất và xuất khẩu (chủ yếu là gia công cho nước ngoài) nên hiệu quả xuất khẩu rất thấp (25 - 30% doanh thu). Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam luôn ở thế

bị động cả trong sản xuất lẫn tiêu thụ. Bởi vậy nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường EU; tăng cường xuất khẩu theo phương thức xuất khẩu trực tiếp hoặc liên doanh, giảm dần phương thức gia công xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu làm tăng tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm tiến tới xuất khẩu sản phẩm 100% nguyên liệu trong nước. Trước mắt nguồn cung cấp nguyên phụ liệu trong nước chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất để xuất khẩu, nhà nước nên miễn, giảm thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp.

Đối với các mặt hàng xuất khẩu mới, được thị trường EU ưa chuộng như hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng, đồ dùng phục vụ du lịch, đồ chơi trẻ em, hàng điện tử và hàng thuỷ sản, nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vốn và công nghệ hiện đại để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; nghiên cứu mẫu mã, bao bì sản phẩm; đầu tư tiếp thị và quảng bá sản phẩm nhằm tăng khối lượng và nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Đối tượng áp dụng của chính sách này là những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, những doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu mới và có triển vọng phát triển.

Đối với một số mặt hàng nông sản có khả năng xuất khẩu sang thị trường EU như cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều, cao su, rau quả ... , nhà nước cần quy hoạch, chọn lựa và có chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư về vốn tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt, đồng đều, giá thành hạ. Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ hiện đại phục vụ khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch nhằm làm tăng phần giá trị gia tăng của sản phẩm.

Đồng thời, nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp chế tạo đầu tư theo chiều sâu để nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu sang thị trường EU. Riêng đối với doanh nghiệp lớn của nhà nước thuộc những ngành có hàm lượng công nghệ cao như điện tử, công nghệ thông tin, nhà nước cần có sự hỗ trợ về vốn để khuyến khích họ tập trung cho nghiên cứu và triển khai (R & D) nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ cao.

3.1.5. Gắn nhập khẩu công nghệ nguồn với xuất khẩu trong chiến lược xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU

Từ trước đến nay Việt Nam chủ yếu nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ của châu Á với giá rẻ nhưng không bền. Trong khi đó, quan hệ thương mại Việt Nam - EU, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu do vậy nên gắn nhập khẩu công nghệ nguồn với xuất khẩu trong chiến lược xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU nhằm làm cân bằng cán cân thương mại song phương.

Đồng thời, việc nhập khẩu máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại từ EU để phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu sẽ làm tăng chất lượng và uy tín của sản phẩm. Mặt khác, còn tránh được những lãng phí không đáng có do sử dụng công nghệ cũ và tránh trở thành bãi thải công nghệ của các nước phát triển trong khu vực.

Tuy nhiên nhập khẩu công nghệ của EU giá rất đắt vì vậy là thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Giải pháp đặt ra đối với các doanh nghiệp là liên doanh với các công ty xuyên quốc gia của EU dưới hình thức các công ty này sẽ góp vốn, công nghệ, cung cấp chuyên gia cho các doanh nghiệp Việt Nam. Lợi nhuận sẽ được chia theo tỷ lệ góp vốn hoặc theo hình thức trả bằng sản phẩm mà doanh nghiệp đã sản xuất được.

Để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện được điều trên, nhà nước lên có những chính sách ưu đãi nhất định về thuế, tín dụng…

3.1.6. Hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU

Đại bộ phận các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đều có quy mô vừa và nhỏ nên khả năng cạnh tranh và hiệu quả xuất khẩu không cao. Vì thế, để đẩy mạnh mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả xuất khẩu sang thị trường này, nhà nước cần có sự hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn thông qua hệ thống ngân hàng. Để triển khai hoạt động hỗ trợ này nhà nước nên thực hiện một số biện pháp sau:

- Sử dụng có hiệu quả quỹ hỗ trợ xuất khẩu để các doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất thấp; giải quyết khó khăn về vốn lưu động và vốn đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ; bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường EU.

- Đảm bảo sự bình đẳng thực sự trong quan hệ tín dụng ngân hàng trên cơ sở pháp luật giữa các thành phần kinh tế (hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khu vực tư nhân không được lấy giá trị quyền sử dụng đất đai để thế chấp khi vay vốn). Mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng cũng như các định chế tài chính. Đơn giản hoá thủ tục vay vốn và yêu cầu thế chấp tài sản của ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

- Mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhà nước cần thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng. Quỹ này thực hiện bảo lãnh cho các doanh nghiệp có khả năng phát triển nhưng không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn. Quỹ được thành lập dưới nhiều hình thức là một tổ chức tài chính của nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, kinh doanh xuất khẩu có hiệu quả được vay vốn theo phương thức tự vay, tự trả.

- Thực hiện lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, kinh doanh xuất khẩu sang EU có hiệu quả, sản xuất sản phẩm mới hoặc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ mới.

- Thông qua ngân hàng, linh hoạt hạ mức lãi suất để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU. Ngân hàng thực hiện chiết khấu các kỳ phiếu và hối phiếu chưa đến hạn thanh toán trong trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu bị thiếu vốn. Nếu lãi suất chiết khấu hạ thì giá hàng hoá xuất khẩu cũng hạ do đó khả năng cạnh tranh hàng hoá xuất khẩu Việt Nam tăng lên.

3.1.7. Hợp tác với EU chống gian lận thương mại, giữ uy tín hàng hoá Việt Nam

Hiện nay, EU đang áp dụng hệ thống kiểm tra kép đối với mặt hàng giầy dép nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này đã gây ra nhiều rắc rối cho cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam khi buộc phải hoàn thành thêm một thủ tục hành chính nữa mới được xuất hàng. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho EU, đồng thời tránh mất uy tín cho Việt Nam, nhà nước cần hợp tác với EU trong việc chống gian lận thương mại. Cụ thể, nhà nước cần đề nghị EU gộp chứng thư xuất nhập khẩu với C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá) và thường xuyên cung cấp trực tiếp cho cơ quan thẩm quyền của EU những thông số của giấy chứng nhận xuất xứ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp, để cơ quan hữu trách đối chiếu với C/O do nhà nhập khẩu xuất trình.

Bên cạnh đó, nhà nước cần phải tiến hành việc cấp giấy chứng nhận xuất khẩu (E/C), giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) đối với mặt hàng dệt may, giày dép, ngăn chặn việc cấp chứng thư giả về hạn ngạch nhằm giữ uy tín của hàng Việt Nam.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng hoá của việt nam sang thị trường EU luận văn ths kinh tế 60 31 07 pdf (Trang 92 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)