BGĐT có thể được xây dựng theo quy trình gồm 6 bước sau:
Hình 2.1. Sơ đồ quy trình thiết kế BGĐT
Dưới đây là nội dung cụ thể của từng bước
− Bước 1: Xác định mục tiêu bài học
Theo PGS. TS. Trịnh Văn Biều, nội dung đầu tiên của mỗi giáo án là xác định mục tiêu của bài giảng. Đây là định hướng cho mọi hoạt động của thầy và trò, là cái đích cần đạt được của tiết học[2].
Do đó, bước đầu tiên khi thết kế một BGĐT hay một bài giảng thông thường thì GV phải xác định mục tiêu bài học, tức là phải chỉ rõ sau khi học xong bài, HS phải có những kiến thức, kĩ năng, thái độ gì và ở mức độ như thế nào.
Theo Lê Công Triêm, đọc kĩ SGK kết hợp với tài liệu tham khảo để tìm hiểu nội dung của mỗi mục trong bài và cái đích cần đạt tới của mỗi mục. Trên cơ sở đó xác định mục tiêu cần tới của cả bài về kiến thức, kĩ năng, thái độ. Đó chính là mục tiêu của bài học. Hiện nay, Bộ GD & ĐT đã đưa ra hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông, GV có thể dựa vào đó để xác định mục tiêu của từng bài học.
− Bước 2: Lựa chọn kiến thức cơ bản , xác định đúng những nội dung trọng
tâm
Khi lựa chọn kiến thức đưa vào BGĐT cần phải bám sát vào chương trình dạy học và SGK bộ môn vì những nội dung trong SGK đã được chọn lọc từ khối lượng tri thức đồ sộ của khoa học bộ môn, được sắp xếp một cách logic, khoa học, đảm bảo tính sư phạm và tính thực tiễn cao. Tuy nhiên, GV cũng cần phải đọc thêm tài liệu, sách, báo tham khảo để mở rộng hiểu biết về vấn đề cần giảng dạy và tạo khả năng chọn đúng kiến thức cơ bản.
Để xác định kiến thức trọng tâm, GV có thể dựa vào:
+ Những kiến thức cốt lõi, bản chất của sự vật, hiện tượng hay vấn đề nghiên cứu.
+ Có ý nghĩa nền tảng, liên quan đến nhiều kiến thức khác.
+ Giải quyết được nhiều vấn đề về lý luận hoặc thực tiễn.
+ Sử dụng thường xuyên.
+ Ngoài ra, có thể dựa vào hướng dẫn chương trình của Bộ, các câu hỏi cuối mỗi bài.
Việc xác định kiến thức cơ bản của bài dạy có thể gắn liền với việc sắp xếp lại cấu trúc của bài để làm nổi bật mối quan hệ giữa các học phần kiến thức của bài, từ đó là rõ thêm trọng tâm của bài.
− Bước 3: Multimedia hóa từng đơn vị kiến thức
Đây là bước quan trọng cho việc thiết kế BGĐT, là nét đặc trưng của BGĐT so với bài giảng truyền thống. Việc multimedia hóa kiến thức được thực hiện qua các bước:
- Dữ liệu hóa thông tin kiến thức.
- Phân loại kiến thức được khai thác dưới dạng văn bản, bản đồ, hình ảnh, đoạn phim…
- Tiến hành sưu tầm hoặc xây dựng mới nguồn tư liệu sẽ sử dụng trong bài học. - Lựa chọn các phần mềm dạy học cần dùng trong bài học để đặt liên kết.
- Xử lí các tư liệu thu được để nâng cao chất lượng, hình ảnh, âm thanh…
− Bước 4: Xây dựng thư viện tư liệu
Sau khi có đầy đủ tư liệu cần dùng cho BGĐT, phải tiến hành sắp xếp, tổ chức lại thành thư viện tư liệu, tức là tạo được cây thư mục hợp lí. Cụ thể là:
Hình 2.2. Sơ đồ thư viện tư liệu trong BGĐT
Cây thư mục hợp lí giúp quá trình thiết kế BGĐT nhanh chóng hơn và giữ được các liên kết trong bài giảng đến các tập tin âm thanh, đoạn phim… khi sao chép từ máy này sang máy khác.
− Bước 5: Xây dựng BGĐT
Sau khi đã có thư viện tư liệu, GV cần lựa chọn ngôn ngữ hay phần mềm trình diễn thông dụng để tiến hành xây dựng BGĐT.
Trước tiên, cần chia quá trình dạy học trong giờ lên lớp thành các hoạt động nhận thức cụ thể, dựa vào các hoạt động đó để định ra các slide (trong Powerpoint).
Sau đó xây dựng nội dung trong các slide, tùy vào từng nội dung cụ thể mà nội dung trên các slide có thể là văn bản, hình ảnh, đoạn phim… thích hợp. Hiện nay, để xây dựng BGĐT GV có thể áp dụng các phần mềm căn bản như: Microsoft PowerPoint, Macromedia Flash, LectureMaker, Violet…
Nội dung kiến thức cần phải cô động, cấu trúc rõ ràng làm nổi bật nội dung chính. Chọn font chữ phổ biến, thân thiện, thống nhất, giao diện; phông nền có sự phối hợp hài hòa giữa các màu trong cùng một slide; hiệu ứng phù hợp, không chọn những hiệu ứng phức tạp làm HS phân tán, không chú ý đến nội dung bài học.
Cuối cùng là thực hiện các liên kết (hyperlink) hợp lí, logic lên các đối tượng trong bài giảng. Đây là ưu điểm nổi bật của BGĐT.
− Bước 6: Chạy thử chương trình, chỉnh sửa và hoàn thiện
Sau khi thiết kế xong phải tiến hành chạy thử chương trình, kiểm tra các sai sót, đặc biệt là các liên kết để tiến hành chỉnh sửa và hoàn thiện.