a) Những tồn tại
Bên cạnh những thành công đã đạt được nêu trên, quản lý dự án xây lắp dầu khí trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn bộc lộ một số tồn tại và hạn chế như sau:
- Một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý dự án xây lắp dầu khí còn chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn: còn có những văn bản chưa đúng thể thức pháp luật, chậm được ban hành, không kịp thời điều chỉnh những vấn đề nảy sinh trong thực tế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý dự án xây lắp dầu khí trên
địa bàn. Hệ thống những chính sách riêng, cụ thể nhằm quản lý các dự án xây lắp dầu khí trên địa bàn tỉnh còn thiếu và yếu. Hiện nay ngoài việc lập và ban hành quy hoạch phát triển các dự án xây lắp dầu khí, Thái Bình có rất ít chính sách ưu đãi hay hỗ trợ nào khác cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung và các nhà đầu tư là đơn vị thành viên của PVN nói riêng.
- Quy hoạch phát triển các dự án đầu tư xây lắp dầu khí trên địa bản tỉnh tuy đã hình thành nhưng việc xem xét phê duyệt các địa điểm trong quy hoạch còn tồn tại nhiều thủ tục hành chính rờm rà, gây nên tình trạng các dự án không được triển khai đúng tiến độ. Hơn nữa trong quá trình thực hiện, nhiều dự án đã triển khai còn chậm và tồn tại nhiều dự án triển khai không đúng với quy hoạch. Do đó, cần triển khai đồng bộ cần đảm bảo tính rõ ràng và minh bạch hơn trong công tác quy hoạch các dự án xây lắp dầu khí trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong thời gian sắp tới.
- Công tác tổ chức điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền có những mặt chưa hiệu quả; xử lý tình huống cụ thể của một số lãnh đạo địa phương còn lúng túng, nhất là trong việc giải quyết thu hồi đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, điều đó dẫn tới việc bàn giao mặt bằng cho phía bên chủ đầu tư để triển khai dự án gặp nhiều khó khăn và không đúng tiến độ.
- Công tác thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án xây lắp dầu khí còn phát sinh thủ tục và kéo dài thời gian so với quy định. Địa phương đã đặt ra hoặc yêu cầu chủ đầu tư phải làm những thủ tục trái với quy định của Luật Xây dựng, các Nghị định của Chính phủ. Bên cạnh đó, thời gian kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thời gian tham gia góp ý của các cơ quan có liên quan cũng bị kéo dài so với quy định.
- Việc kiểm soát thực thi các quy định quản lý dự án đôi khi còn lỏng lẻo chưa thường xuyên, vẫn còn tồn tại tình trạng có dự án triển khai dây dưa trong một thời gian dài, gây lãng phí. Bên cạnh đó các biện pháp xử phạt đối với các chủ thể của dự án chưa đủ mạnh, mang tính hình thức.
- Hệ thống pháp luật của nhà nước liên quan đến quản lý các dự án xây lắp dầu khí của nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Các chính sách phát triển dự án xây lắp dầu khí địa phương phải căn cứ vào hệ thống pháp luật chung vì vậy cũng còn nhiều hạn chế. Nhất là trong công tác cấp giấy phép đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án.
- Môi trường kinh tế - xã hội: trong những năm qua, Thái Bình đã gặt hái được nhiều thành công trong phát triển kinh tế hoà chung vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng bên cạnh đó cũng có những thách thức đặt ra như: xuất phát điểm thấp, nền kinh tế phát triển chưa toàn diện, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới còn ít, sức ép cạnh tranh khốc liệt. Ngoài ra, phải đối mặt với các vấn đề xã hội: tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn,…
- Năng lực quản lý của bộ máy quản lý nhà nước địa phương đối với các dự án xây lắp dầu khí còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các chủ thể của dự án. Cơ chế phối hợp giữa Sở công thương với các Sở, ban, ngành về quản lý dự án xây lắp dầu khí, nhằm khuyến khích đầu tư các dự án xây lắp dầu khí chưa tốt. Sự phối hợp giữa các cơ quan và các chủ thể của dự án chưa chặt chẽ, còn thiếu các cuộc họp giữa các bên liên quan nhằm kiểm điểm những việc đã triển khai, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án và xây dựng kế hoạch triển khai trong giai đoạn tiếp theo của các dự án, đảm bảo quản lý dự án có hiệu quả.
- Trình độ của các cán bộ quản lý trong các cơ quan quản lý nhà nước địa phương đối với các dự án xây lắp dầu khí của tỉnh Thái Bình: Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý tại một số cơ quan quản lý nhà nước địa phương đối với dự án xây lắp dầu khí chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chưa tinh thông nghiệp vụ, giải quyết công việc chưa có tính sáng tạo, kiến thức chuyên ngành chưa phù hợp lĩnh vực công tác, nhất là ở những địa bàn lớn, cán bộ quản lý ở xã, phường còn chưa đủ về số lượng, yếu kém về trình độ chuyên môn, lại phải kiêm nhiệm nhiều
việc và luôn thay đổi theo nhiệm kỳ của chính quyền cơ sở gây khó khăn cho các nhà đầu tư dự án, nhất là trong việc cấp giấy phép đầu tư cho dự án.
- Ý thức chấp hành pháp luật của các nhà thầu thi công, ban điều hành dự án, đội ngũ công nhân thi công các dự án xây lắp dầu khí trên địa bàn tỉnh Thái Bình chưa cao, công tác phòng chống cháy nổ, an toàn lao động còn mang tính hình thức. Trên một số công trường đã trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy, bình cứu hỏa nhưng vẫn sơ sài, chất lượng thấp. Hầu hết các nhà thầu đã trang bị bảo hộ lao động: mũ, quần áo bảo hộ, ủng cao su,… nhưng do ý thức của đội ngũ công nhân kém, thiếu kiến thức chuyên môn xây lắp dầu khí nên vẫn xảy ra tình trạng tai nạn lao động trên một số công trường.
Căn cứ vào những lý luận cơ bản về quản lý dự án xây lắp dầu khí cấp địa phương đã được trình bày ở chương 1, trong chương 2 đã đề cập đến thực trạng quản lý dự án xây lắp dầu khí trên địa bàn tỉnh Thái Bình thông qua việc phân tích cụ thể tình hình thực hiện quản lý một số dự án xây lắp dầu khí tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thái Bình từ đó đánh giá được những thành công cũng như những tồn tại và nguyên nhân của những thành công và tồn tại làm cơ sở để đề xuất một số giải pháp hoàn thiện quản lý dự án xây lắp dầu khí trên địa bàn tỉnh Thái Bình sẽ được trình bày ở chương 3.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ DỰ ÁN XÂY LẮP DẦU KHÍ