TÌNH CẢM ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC:

Một phần của tài liệu cao bá quát – lương tâm và khí phách qua thơ chữ hán (Trang 82 - 87)

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN:

3.2.2. TÌNH CẢM ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC:

Cao Bá Quát là một người có tài, ưa hoạt động, lại có thái độ chân thành nên ông có rất nhiều bạn. Đối với bạn, ông luôn tỏ ra là người thật thà, dễ dãi và sẵn lòng. Lúc ở trong nhà giam, một người tù vốn là ông chủ sự kho vũ khí, đến xin ông làm thơ về

82

cái gông, ông làm ngay bài "Trường giang thiên". Lúc sắp xuống thuyền đi hiệu lực, ông Tôn Thất Minh Trọng còn vội vã xin ông một bài thơ tạm biệt, ông cũng vui lòng làm tặng lại. Một số yêu cầu khác của bạn bè (nếu có thể được) ông làm ngay như đã đề tựa cho tập thơ của Miên Thẩm, đề tựa cuốn "Yên Đài anh ngữ" của Bùi Ngọc Quỹ, đề nhiều bức hoành phi cho các gia đình quen biết...

Ông vốn rất yêu quý bạn bè, "Một ngày trăm lần nhớ bạn" (Thù hữu nhân úy vấn). Ông nhớ Miên Thẩm, ví mình như Mao Toại đối với Bình Nguyên Quân. Ông nhớ Phương Đình, có đêm tưởng bạn đang ngồi một mình ngâm thơ trong một căn gác lạnh lẽo. Ông nhớ Tuần Phủ, người bạn đã tin ông, hiểu ông, nhìn ông bằng cặp mắt xanh, nên ông cũng đáp lại bằng một "tấm lòng son không bao giờ phai lạt" (Dư hốt ư mộng trung vãng thám Tuần Phủ, ám tưởng kinh trung cố nhân hoặc đương hữu niệm ngã giả, nhân ký tuần phủ kiêm trình Đôn Nhân Phạm tử).

Ngược lại, những cử chỉ của bạn đối với ông cũng rất cảm động. Họ vui vẻ đem tặng ông những cái mà ông thiếu như: chim câu nhà, chè hương và hoa thơm, đồ ăn thức uống (lúc túng cùng)... Họ ân cần thăm hỏi và chăm sóc ông lúc ông ốm đau hay bị tai vạ. Thời gian ngồi tù ở Huế, một số nho sĩ như Phạm Học Sĩ, Võ Ninh Phủ không quản khó nhọc, liên lụy, thường lui tới thăm nom... Sau khi ông chết trận, họ càng kính phục ông, tìm tòi gìn giữ, cất giấu thơ ca ông, truyền tụng hành vi nghĩa khí của ông... (mặc dù bị cấm đoán).

Trong thơ ca ông, có một phần nói lên quan hệ thầy trọ. Sở trường của ông không phải là thầy đồ, song trong đời ông có vài lần đi dạy. Ở đây ông cũng xây dựng được quan hệ thầy trò sâu sắc, cảm động. Đối với học trò ông hết lòng dìu dắt và có thái độ rộng lượng bao dung. Vì vậy học trò rất kính trọng thương yêu ông. Khi ông đi vào kinh dự thi hội, họ nhớ thương lưu luyến không dứt:

"Các học trò tiễn ta đi,

Cứ theo mãi không nỡ dừng chân. Đâu phải là vì tình nhi nữ,

Mà che mặt khóc sướt mướt."

(Phó Nam cung xuất giao môn biệt chư đệ tử) Khi ông từ Nam Ngãi trở lại Huế, học trò vùng ấy cũng không muốn cách biệt:

83 "Các anh vẫn chưa chịu chia tay, Cứ quấn quýt đi theo tôi mãi. Hết sớm lại chiều vẫn chưa thỏa, Lại còn tải rượu theo thuyền tôi."

(Châu hành há Thanh Khê, nhân cố nhân ký biệt, tòng du chư đệ tử) Quan hệ thầy trò gắn bó với nhau như thế, cho nên sau này trong hàng ngũ nghĩa quân, có nhiều người vốn là học trò cũ của ông.

Cao Bá Quát vốn có lòng thương người và luôn được sống trong tình thương như thế nên tâm hồn của ông ngày càng rộng lớn. Hàng ngày, có nhiều dịp tiếp xúc với đời sống nhân dân ông đã phải chứng kiến những cảnh túng thiếu đói rét, phải đi ăn xin, bị bắt phu, bắt lính... đã khiến ông rất đau xót, day dứt khôn nguôi để rồi nói lên nỗi xúc động của lòng mình trước những cảnh đời cơ cực của họ. Mỗi bài thơ là một lời tâm sự. Đây là mảng thơ mang đậm tình thương ở Cao Bá Quát.

Trong bài "Đạo phùng ngã phu", ông thương cảm cho một ông thầy lang bị đói, được ông cho ăn:

"Thong thả chứ! Đừng nuốt hấp tấp!

No vội quá, không làm cho khỏe người đâu !" [25; 542] thật đáng thương tâm.

Trong bài "Phụ tương tử", ông kể cảnh khổ của một người bị đẩy vào cảnh đói rét do sưu cao thuế nặng. Không nộp được thuế (vốn có mười mẫu ruộng), anh ta phải bỏ ra đi, ở làm công cho một nhà buôn, suốt ngày bị đánh mắng. Chủ thì ăn đủ thức ngon vật lạ mà mình thì ăn đói làm nhiều đến gầy xơ cả xương. Làm đã ba năm trời, được ít tiền đóng thuế thì sáng nay lại đánh vỡ chén của chủ.

Nhà thơ tả cảnh người tát nước trên đồng cao buổi sớm: "Trong sương mù, tay lôi chiếc gầu đôi thoăn thoắt, Bụng đói môi run mình khoác chiếc áo tơi ngắn."

(Hiểu lũng quán phu)

hay cảnh một cô gái nghèo, trời rét như cắt vẫn phải bán chiếc áo trên người để mua tạm cám về cho gia đình ăn "Trong sương gió cô thản nhiên bước qua cầu không biết rét"... vì lòng cô đã ấm lên, nghĩ đến những người thân đang tựa cửa chờ mình. Tình

84

thương của ông với người nghèo giản dị mà sâu sắc. Qua bài "Hàn dạ ngâm", nhà thơ kể lại một đêm đông buốt giá, nhà thơ không ngủ được, gọi chú bé giúp việc dậy thắp đèn để ông chữa những câu thơ vừa mới làm. Chú bé rét quá, không chịu dậy, cứ nằm rên hư hử, thế là nhà thơ vội vàng trở dậy lấy chiếu đắp thêm cho chú.

Về mùa đông rét mướt, trong nhà giam lạnh lẽo, thấy một người tù không có chăn chiếu, Cao Bá Quát đã động lòng thương, nhường một phần chăn cho người đó đắp:

"Gió quẩn thổi vào chiếc gối của người đã mỏi, Hơi bấc lạnh buốt bội phần.

Lấy chiếu bảo người đầy tớ đắp, Chia chăn cho khách mượn ngủ nhờ."

(Hàn dạ tức sự)

Đó là một biểu hiện của tinh thần đồng cam cộng khổ, của tư tưởng thương người như thể thương thân của chủ nghĩa nhân đạo cao cả.

Lịch sử tư tưởng các nước phương Đông đã từng chứng kiến nhiều tấm lòng cao đẹp, nhiều hoài bão muốn cứu vớt và che chở cho những người nghèo đói, rét mướt, song ở Cao Bá Quát vẫn thấy những nét thắm thiết hơn người đi trước.

Đỗ Phủ, nhà thơ lớn đời Đường ở Trung Quốc, vốn được ca ngợi là người có lòng nhân đạo cao quý. Trong bài "Mao ốc vi thu phong sở phá ca", ông ước:

"Ước gì được tòa nhà rộng muôn nghìn gian,

Che cùng thiên hạ cho kẻ sĩ nghèo được rạng rỡ tươi vui..." Sau đó là Bạch Cư Dị cũng với ước mong tương tự, đã nói:

"Ước gì được chiếc áo dài vạn dặm, Trùm lên cho khắp bốn cõi.

Để mọi người đều được ấm áp như ta, Thiên hạ không còn có người rét nữa."

(Tân chế bố cừu)

Tất cả mới chỉ dừng ở ước mong. Còn Cao Bá Quát lại thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực, khiến ta kính phục mến yêu và xúc động nghẹn ngào!

85

Những con người đau khổ, những tình cảnh lầm than tiếp tục đi vào thơ ông. Như hình ảnh một ông già đương thời được ông phác họa lên sau những lần đi vào những xóm nghèo khổ. Ông già này ở phường Phúc Lâm, Hà Nội vì bị triều Nguyễn bấy giờ áp bức bốc lột bằng binh dịch và phu thuế, đã thốt ra những lời than thở cùng Cao Bá Quát: "Năm nay có cuộc duyệt binh tuyển lính... quan lại đang ráo riết đi lùng... Nha lại thì đánh người như chặt tre!... Năm ngoái mất mùa, năm nay hỏng lúa, dân muốn bỏ đây mà đi, nhưng biết nương tựa vào đâu! Nhà bên Đông bị đói nằm dài, nhà phía tây thì xiêu dạt, những người cầm hơi thoi thóp thì đến một, hai phần mười...! Lấy bù thuế cũ, chúng tôi đã khó khăn; huống chi chiếu lệ lại tăng thêm thì đến chết mất! Năm tôi 55 tuổi, tăng một suất; đến năm 60 tuổi, lại tăng một suất!..." và rồi kết luận: chưa có đời nào mà vua lấy của dân và quan làm phiền dân như đời này cả. Cuối cùng ông lão trỏ bức tường đổ mà nói rằng: "Than ôi! tôi già rồi" (Phúc Lâm lão).

Khi dân đói rét quá thì vua quan thường tổ chức phát chẩn. Cao Bá Quát đã chứng kiến một buổi phát chẩn và đã vô cùng buồn bực. Đáng thương cho những người ở xa phải bồng bế con cái đến từ hôm trước để chầu chực. Ông tự trách mình: "Tấc lòng mình thẹn cho mình xưa kia..." và cúi đầu dựa vào góc tường mà chẳng nói (Quan chẩn).

Lắm lúc ông tự hỏi: không biết bọn vua quan có biết tình cảnh này không? Hay họ giống như thằng bé con chăn con bọ ngựa, nó lấy dây tơ buộc chằng chịt lên mình bọ ngựa làm nó chết khô trên cành cây! Trách nhiệm của vua quan đáng lẽ phải thông cảm với nhân dân, phải hiểu được nỗi vui buồn của từng người "từ trên một nét mi của họ" (Đồng tử mục đường lang).

Ở vấn đề này ta không thể không nhắc đến Nguyễn Công Trứ vì ông vốn là một nhà thơ cũng quan tâm đến người nghèo. Ông đã có nhiều việc làm đem lại lợi ích thiết thực cho họ, cụ thể là vấn đề khẩn hoang. Ông đã được người dân nghèo ở các huyện Kim Sơn, Tiền Hải biết ơn như một vị cứu nạn. Xét cho cùng thì đó vẫn là quan niệm "ái dân" của đạo Khổng mà thực chất là quan niệm đạo đức của giai cấp thống trị. về cơ bản sâu xa của vấn đề thì Nguyễn Công Trứ xuất phát điểm từ lý trí chứ không phải từ tình cảm. Cho nên Nguyễn Công Trứ chỉ nói đến cuộc sống của dân nghèo trong những bản điều trần, trong những bài văn chính luận, còn trong thơ ca thì lại vắng bóng. Bởi thơ là cảm xúc, là tình cảm. Cho nên không thể biến lý trí thành

86

hồn thơ được... Thực tế đã có những lúc Nguyễn Công Trứ đứng về phía triều đình để đánh dẹp những cuộc khởi nghĩa nông dân một cách tàn khốc... Còn Cao Bá Quát thì không thế, ông xuất phát từ những xúc động sâu sắc trước những cảnh khổ nhục của con người. Từ cảnh đói, cảnh rét, cảnh ở đợ, ăn xin... để cảm thông với mọi niềm tâm sự. Đi qua miếu Mỵ Châu, ông phê phán Trọng Thủy và đồng cảm với nỗi oan của nàng Mỵ Châu năm xưa. Cao Bá Quát còn lên án, đả kích Ngô Phù Sai mà bênh vực cho Tây Thi - nạn nhân của chiến tranh phong kiến... Mỗi cảnh đời đều đi vào thơ ông một cách dung dị, đằm thắm, trữ tình... Tất cả đều là tấm lòng chân thành của ông với nhân dân.

Qua đó ta thấy Cao Bá Quát là người có lòng thương người tha thiết, có sự ăn ở tận nghĩa chí tình với người xung quanh. Ta cũng thấy ông luôn được mọi người thương yêu che chở. Điều đó khiến ông trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều lạc quan, tin tưởng và xốc tới.

Lòng thương yêu gia đình, sự quý trọng bạn bè, thái độ ân cần chăm sóc người hầu hạ và hành vi cứu giúp người hoạn nạn là những đức tính cao đẹp của Cao Bá Quát.

Tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa cao quý vẫn là một nét nhất quán trong con người và thơ văn Cao Bá Quát. Hình như càng chán ngán, khinh bỉ bọn thống trị bất tài, vô đạo bao nhiêu, thì ông lại càng thấy gàn gũi với những người bình thường, nhỏ bé trong xã hội bấy nhiêu.

"Có thể nói yêu thương là bản chất con người Cao Bá Quát. Hoài bão của nhà thơ xây dựng trên cơ sở ấy. Ông lên án gay gắt nền chuyên chế của nhà Nguyễn cũng trên cơ sở ấy, và cuối cùng, ông cầm đầu cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình cũng trên cơ sở ấy. Cao Bá Quát là nhà thơ đã kế thừa được truyền thống nhân đạo chủ nghĩa của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương." (Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thê kỷ XVIII- hết thế kỷ XIX, tr. 543).

Một phần của tài liệu cao bá quát – lương tâm và khí phách qua thơ chữ hán (Trang 82 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)