NHỮNG LO ÂU, BUỒN BÃ, CHÁN CHƯỜNG:

Một phần của tài liệu cao bá quát – lương tâm và khí phách qua thơ chữ hán (Trang 70 - 78)

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN:

3.1. NHỮNG LO ÂU, BUỒN BÃ, CHÁN CHƯỜNG:

Điều uất ức đối với Cao Bá Quát chính là ở chỗ ông biết rõ cái tài của mình, cái chí của mình không hề được giai cấp thống trị chấp nhận. Không những không chấp nhận, xã hội phong kiến còn cự tuyệt không cho ông một chỗ đặt chân. Xót xa tức tối đọng lại ở câu thơ "Song nghĩ lại trần ai không đếch chỗ." (Tài tử đa cùng phú).

Một lời chửi đổng, mà lại cũng đúng là tiếng kêu chua chát về một sự thực, đáng căm đáng ghét vô cùng.

Nội việc trường qui đã để lại bao nhiêu đau xót cho ông. Nó kéo dài từ thời đi thi cho đến khi được sung vào chân sơ khảo ở Huế khi ông:

70

"Tìm điều nhân chưa được đã mang tai họa đến, Cùng cảnh thương nhau lại để luỵ cho người."

(Cửu nguyệt sơ thất nhật dĩ trường sự hạ Trấn Phủ ngục) [25; 528]

Cũng như bất cứ ai trong trường hợp này, ông đã buồn đến nỗi suốt năm canh chỉ ngồi lặng lẽ với một ngọn đèn. Buồn cho thân phận của mình từ nay chỉ như sợi cỏ bồng phiêu dạt, buồn cho kiếp sống của mình từ nay chỉ còn là "kiếp sống thừa", buồn cho công sinh thành của cha mẹ, giờ đây trở thành uổng phí.

Người buồn cảnh vật xung quanh cũng hóa thành sầu thảm. Nhìn dãy núi xa mà tưởng như "vẻ lông mày rời rạc", trông bông hoa đẫm sương mà thấy như là "đẫm lệ", ngắm cảnh sắc mùa thu mà chỉ còn "những gió cùng mưa"...

Để rồi trong bài "Chinh nguyệt nhị thập nhất nhật di tống Thừa Thiên ngục tỏa cấm", nhà thơ thú nhận, trước kia mình là một người cứng rắn như thanh sắt luyện trăm lần "Ngang tàng làm một kẻ sĩ đầy hùng khí". Thế mà từ khi mắc vào lưới đời, khí phách hao mòn dần rồi "Đột nhiên tiếp xúc với những nỗi đau thương, khác nào như một chiếc lá quay cuồng trên sóng cả"

Sau khi được định tội, ông có dịp đi ra nước ngoài (làm chân phục dịch để giảm tội) đã thấy được nhiều điều, đã buồn lại buồn thêm khi so đất nước mình với những nước ông đã đi qua.

Ông thấy được học thuật nước nhà suy đốn, văn chương chỉ là trò "nhá chữ", vô giá trị. Ông luôn cảm thấy băn khoăn trước tình trạng tồi tệ của văn chương đương thời. Ý thức của một nhà thơ khiến ông lo lắng và thấy rõ trách nhiệm của mình:

"Đường lối văn chương mờ tối đã lâu, Thói tục học lại càng lệch lạc.

Hạng cao thì túng sinh đến tột bậc, Hạng thấp thì đi vào thấp hèn nhỏ mọn. Than ôi! ta biết theo ai,

Lôi kéo lại, không còn cách nào nữa chăng ?"

(Bình sinh ngũ thập vận) [31; 173; 174] Để rồi ông lại càng buồn cho bước đường đã qua của mình. Nhưng càng buồn hơn khi nhìn thấy bao nhiêu thế hệ sau mình vẫn còn cứ lao thân vào đây. Trong khi

71

Cao Bá Quát là một người để nhiều tâm huyết vào sự nghiệp văn chương, ông không muốn để văn chương mai một đi, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Cao Bá Quát mong muốn có được một nền văn hoa có cốt cách của giai đoạn Lý, Trần và Lê sơ:

"Thời Lý Trần văn tài tươi tốt,

Nhẹ nhàng sảng khoái như mũi tên sương. Gốc nho dấy lên ở Thanh Đàm,

Nghiêm chỉnh vượt họ Đổng, họ Giã. Thăng phủ thật là một đạo quân hùng dũng, Giới Hiên cũng là bá chủ một phương. Hùng tráng thay ông già Nhị Khê, Tài kiệt đáng là bậc vương tá."

(Bình sinh ngũ thập vận) [31; 173; 174] và nguyện vọng của ông là "Nguyện theo chân các bậc cao nhân. Lấy niềm vui trong cuộc gửi tâm tình vào văn chương" (Bình sinh ngũ thập vận) Vì đó là thời kỳ văn thơ phản ánh tinh thần chiến thắng, ý thức độc lập tự chủ và hào khí của dân tộc. Qua đó họ đã làm vẻ vang cho dân tộc, cho đất nước. Cho nên Cao Bá Quát nhận thấy nhà thơ không thể đứng ngoài xã hội mà phải có trách nhiệm với nó. Vì thế mà thơ ông sục sôi tính chiến đấu của thời đại, nó mang tư tưởng và tình cảm cao đẹp. Nhưng rồi chính ông lại thất vọng, vì thấy nó bị rẻ rúng, bạc bẽo: "Văn đã không được đánh giá đúng, vì nghèo lại rẻ thêm" (Tiểu ẩm hý bút). Tâm sự với bạn thân là Phương Đình, tiếng nói thân thiết của ông bỗng trở thành chua chát:

"Cái giá cũ văn chương bạn đã biết chưa,

Chúng ta hối rằng trót đem hư danh nhỏ mọn mà đi theo trò đời." (Ẩm trung giản Phương Đình) [37; 29] Không những thế, văn chương còn không đem lại ích lợi thiết thực gì cho đời "Mười năm cầm bút phí cả thì giờ" (Phục giản Phương Đình). Ồng ân hận "Một đời phụ cả năm xe sách"; và tự thắc mắc tại sao có lúc lại muốn làm một nhà thơ: "Thử thân hà sự tác thi ông !" (Thứ vận Thận Tư phóng quan Nhị hà đồng Di Xuân, Hòa Phủ).

72

Buồn của Cao Bá Quát cũng chính là cái buồn sâu sắc của cả một tầng lớp sĩ phu lúc ấy.

Bên cạnh đó, việc các nước phương Tây lăm le xâm lược Trung Quốc hồi đó khiến ông băn khoăn suy nghĩ. Ông có viết một bài thơ tâm tình: "Ta chính là nhân vật cũ của Trung Quốc đây, bởi ta làm công việc của Trương Khiên đi tìm hiểu tình hình nước ngoài, nhưng lại mang tâm sự của Ngũ Viên trước nguy cơ mất nước". Ngũ Viên, trước nguy cơ mất nước, đã khuyên răn vua Ngô mà không được, cho nên trước lúc chết dặn con khoét mắt mình treo ở cửa thành để nhìn quân Việt mai đây sẽ vào xâm chiếm. Cao Bá Quát đau lòng, bởi đôi mắt của mình như đôi mắt Ngũ Viên, ông đã nhìn thấy trước cảnh mất nước mà triều đình Huế là kẻ chịu ừách nhiệm.

Thấy người rồi xét lại mình, Cao Bá Quát bất giác kinh hoàng và lo lắng cho vận mệnh của dân tộc và của các nước phương Đông khác trước sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản phương Tây và trước sự lạc hậu cổ hủ của các triều đình phong kiến phương Đông, cho nên "Quay đầu nhìn ngọn gió Tây mà lệ rơi lã chã" ( Dữ Hoàng Liên Phương ngữ cập hải ngoại sự, triếp hữu sở cảm, tẩu bút dữ chi).

Sau chuyến đi hiệu lực vất vả này, Cao Bá Quát được tha tội, phục chức, nhưng thải hồi, trở về quê quán.

Những ngày nằm lại ở kinh đô để chờ quyết định của nhà vua cũng là những ngày hết sức buồn tẻ. Những tư tưởng tiêu cực đôi lúc len lỏi vào trong tâm trí ông, ông còn tỏ rõ ý nghĩ muốn buông xuôi tất cả.

"Xin bạn rót đi, rót nữa đi, uống cho thật nhiều.

Há chẳng thấy: chim hồng, chim hộc bay tít tận mây xanh, Chim hạc đen ngủ một mình bên sườn núi.

Còn những con chim vàng thì về chỗ kiếm ăn, Xưa nay không bên nào dám chống bên nào."

(Đông Tác Tuần Phủ tịch thượng ẩm) Đó là những cách sống tự do lựa chọn: có thể nuôi chí lớn bay cao muôn dặm như giống chim hồng chim hộc; có thể cứ sống ẩn dật như chú hạc đen; hay thậm chí có thể chỉ sống tầm thường như loài chim vàng đi kiếm ăn quanh. Mặc! cần chi phải tranh biện nhau, cũng giống như giống chim kia không bao giờ chống chọi nhau.

73

Để rồi ông chia sẻ cuộc sống của ông với gia đình, làng xóm ở quê hương Phú Thị, với bạn bè ở Thăng Long và trải hồn mình với những cảnh đẹp của đất nước trong mấy năm về vườn.

Nhưng rồi chính cuộc sống ấy lại đem đến cho ông những nỗi buồn, trăn trở khác, khiến cho ông nhiều đêm không ngủ được. Đó là nỗi buồn của sự cô đơn, của sự bất lực. Trong một đêm thanh vắng nhân ngâm lại mấy bài thơ trong "Kinh Thi" nói lên lòng luyến tiếc đối với vua nhà Tây Chu biết dùng người có tài có đức, ông lại thấy nổi lên trong lòng nỗi day dứt khó tả:

"Trời cao đêm mịt mờ, Dưới có người không ngủ.

Trên có vì sao muốn rơi, Loại cây bồ kết thì tốt um. Cây lan đơn độc, thơm không ai biết,

Cứ ngâm vọng ra ngoài trời.

Tiếng vang trong đêm tối định để ai nghe? (Độc thi)

Vả lại cuộc sống khá túng thiếu nhiều khi cũng đặt ông vào những hoàn cảnh khó xử. Sự thật thì từ nhỏ Cao Bá Quát đã nếm trải mùi bần hàn. Nào là "Áo Trọng Do bạc thếch, cơm Phiếu Mẫu "hẩm xì", nào lều rách mái dột, nào là chị kêu ca, vợ than thở (Tài tử đa cùng phú). Có lúc đòi bán cái nghèo, đuổi cái nghèo, tiễn cái nghèo đi (Tài tử đa cùng phú), nhưng quanh quẩn vẫn có khi phải than thở: "miếng ăn khi túng khổ thân nhiều" (Thương Sơn công hữu sở quỹ vật kiêm trí hao thi, bộc phương nhiễu vu thất tử chi thích, cảm thế giao khẩn tình hiện hồ từ). Lắm lúc cảnh nghèo đẩy ông đi không biết rồi sẽ đến đâu:

"Không bao lâu tôi cũng sẽ từ giã chốn này Bấy giờ sẽ đi xa biền biệt ở phương trời"

(Khách chí) [33; 343]

Và thường xuyên thì thấy ông phiêu linh đây đó, khi thì lên núi Vệ Linh nhận mình vốn là khách giang hồ, khi thì tiễn người anh họ mà bùi ngùi cho tấm thân lưu lạc đất khách. Đây thật sự là sự phiêu bạt chứ không phải là chuyện giang hồ, "xê dịch" cho nên khi nghe Cao Bá Quát than về cách sinh nhai bằng lưỡi thuổng lúc bước

74

sang năm mới, hay mô tả cảnh giữa đường phải dùng sức nóng thừa của cái điếu cày để hơ áo rét hoặc tường thuật cảnh gia đình dắt díu nhau đi tìm nơi nương tựa... chúng ta đều thấy đó là những nỗi niềm chân thật của một tấm lòng từng biết cay đắng vì túng nghèo.

Có thể nói bốn năm nằm nhà bắt buộc này cũng là thời gian khủng hoảng khá sâu sắc trong tâm hồn Cao Bá Quát. Những tư tưởng, những tình cảm tích cực và tiêu cực cứ nối tiếp nhau, xô đẩy nhau, vật lộn nhau trong ông. Rốt cuộc, dù làm việc gì, dù đi đến đâu nữa... ông vẫn chưa thể thoát được tâm trạng cô đơn, với tấm lòng "lo trước thiên hạ", như hạt sen uống tấm lòng đắng ngắt, chỉ một mình mình biết, một mình mình hay rồi "nghĩ đến thói đời những gạt thầm hai hàng nước mắt" (Thuật hoài).

Đây đó trong tác phẩm của Cao Bá Quát có cái nhìn hư vô, có thái độ buông xuôi, có tiếng thở dài não ruột biểu lộ những nét của tâm trạng chán chường trước thời thế, trước lịch sử.

Đứng trên ngọn Côn Sơn, nhìn về phía sông Lục Đầu, nơi đã từng diễn ra những chiến thắng vẻ vang của quân Trần chống quân Nguyên năm xưa, ông có cảm nghĩ buồn buồn, mất mát:

"Dưới thành Cổ Phao, bến sông Lục Đầu,

Anh hãy quay về phía bắc mà nhìn người thuở trước!

Trên khoảng non sông từng qua trăm trận đánh, nay chỉ thấy một chiếc thuyền câu,

Bao khách anh hùng muôn thuở, nay chỉ là một đám bụi! Rót đi! rót nữa đi! xin đừng từ chối.

Cõi đời buồn hay vui từng lúc khác nhau.

Nơi người này vui ngẫm lại là nơi người sau ngậm ngùi, Tắt hết tâm cơ, hiểu làu nghĩa lý, thực như là ngây."

(Dữ thi hữu Phan Long Trân chi Côn Sơn nhân tác Côn Sơn hành vân) Ở Cao Bá Quát quả có mang tâm sự mà khó nói lên lời. Ông đã thổ lộ:

"Gió chiều, bóng xế, vẫn không trở về,

Xõa tóc đứng trên cầu cao, mỉm cười chỉ tự mình biết vậy." (Đề Trấn Vũ quán thạch bi)

75

Hình ảnh mái tóc rối bời được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần trong thơ ông. Thực ra, đó là hình ảnh bề ngoài của tâm trạng rối bời trong ông, đến độ nhìn cuộc đời vẫn thấy bế tắc như tấm bia không chữ đầy bí ẩn. Ông cố công tìm hiểu những uẩn khúc chưa hiểu nổi và chính điều đó đang dày vò ông.

Ông tiếc những anh hùng xưa không còn để cứu nước. Chơi núi Nam Tào nhìn vào đền thờ Trần Hưng Đạo và nơi ẩn dật của Chu Văn An, ông viết:

"Xuân trên dòng Kiếp dồn cả vào miếu của vị vương lừng tiếng, Mây ở núi Phượng phủ kín ngôi nhà của bậc ẩn dật thuở xưa. Đứng hướng về thành Cổ Phao mà nhìn ngắm nữa,

Chuyện cũ của các khách anh hùng đã gửi cả cho làn sóng biếc." (Du Nam Tào sơn tự, Lâu thượng ký vọng đề bích trình Thúc Ninh) "Non sông như thế còn mình thì sao đây?" Mình thì "Cây đàn thanh kiếm bao năm đã đi lầm đường... ngày nay một manh áo vải đứng giữa trời đất bao la!" (Nhật mộ)

Cao Bá Quát luôn có một niềm mong muốn thiết tha nhất là thấy nhân dân sống yên vui:

"Tấc lòng những lo cho đời đục, Mỏi mắt trông đợi sông trong."

(Khiếm đề mục)

Ý nghĩ về nước sông Hà chẳng trong dường như cứ day dứt mãi tâm trạng của nhà thơ. Trách nhiệm làm một "kẻ sĩ", trách nhiệm "vào đời" cũng không thôi ám ảnh Cao Bá Quát. Có lúc Cao Bá Quát thấy xấu hổ cho mình:

"Đã mười năm nay cầm bút làm văn phao phí mất bao nhiêu thì giờ Chỉ ôm ấp hoài tấm lòng "lo trước vui sau"."

(Phục giản Phương Đình)

Có lúc suốt đêm ông ngồi một mình suy nghĩ về đời sống của nhân dân và trách nhiệm của mình. Lời thơ trở nên uất ức kêu thương:

76

"Một mảnh vườn vừa ồn vừa thấp ở nơi thành thị, Một con người vừa già vừa ốm ở giữa trời đất! Đem thân ra đời đã thành người thừa,

Náu vết hãy chịu lầm than vậy.

Nhưng nạn rét nạn lụt cứ phát sinh liên tiếp, Huống chi dân đen bị tai nạn chưa được hồi phục. Không có lấy một sách lược gì làm cho đời thái bình, Thẹn mình là một nhà nho mà lại tầm thường đến thế!"

(Độc dạ)

Làm gì được đây? Ngồi chải đầu, ông cảm thấy tâm sự mình cũng rối bời như mớ tóc (Sơ đầu).

Tuổi thì mỗi ngày một già, lắm lúc ông thấy cô đơn giữa một trời chiều man mác:

"Mặt trời tà, hai mái tóc rối bung giữa khoảng trời đất, Cảnh xuân êm lặng, một con âu trắng trên mặt sông hồ."

(Họa Thận Tư xuân nhật đồng chư hữu đăng Lâu quán vọng hồ kiến ký thứ vận) Để rồi cuối cùng ông đành từ bỏ con đường công danh mà mình đã từng đeo đuổi. Thực ra, đã từ lâu ông coi công danh và được mất của cá nhân chỉ còn là câu chuyện "chõ rơi bị vỡ" của người mà thôi: "Chõ đã vỡ rồi thì phỏng có ích gì?". Cuộc đời ông, ông chả còn biết nên sử dụng như thế nào nữa, buông thả cho nó tự trôi đi đến đâu thì đến.

Có những lúc ông tự đay nghiến mình, dằn vặt mình một cách ghê gớm, như muốn vứt bỏ, muốn tung phá một cái gì đó mà chưa thể làm được:

"Một chút danh cứ ràng buộc mãi thế này!

Than ôi! Một chút danh cứ ràng buộc mãi thế này! Bạc đầu với chiếc áo xanh. Ta già mất rồi!"

(Đề Sát viện Bùi công Yên Đài anh ngữ khúc hậu) Để rồi từ nay, ở chốn xa xăm ấy, lòng ông lạnh lẽo và đơn độc như một dòng nước bạc. Làm bạn với ông, họa chăng còn mảnh trăng kia mà thôi.

77

"Ngoảnh đầu lại thấy mây bay lững lờ. Đáng yêu một mảnh trăng kia,

Cứ đêm đêm soi hoài trên dòng bạc."

(Châu hành há Thanh Khê, nhân cố nhân ký biệt tòng du chư đệ tử).

Sống giữa đường trần mà ông luôn cảm thấy cô đơn, trói buộc! Một nỗi đau đời luôn đeo bám ông, làm cho tâm can ông luôn day dứt trăn trở. Qua đó ta cũng như hiểu thêm về "tấm lòng lo trước, vui sau" của ông.

Một phần của tài liệu cao bá quát – lương tâm và khí phách qua thơ chữ hán (Trang 70 - 78)