TÌNH CẢM ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH:

Một phần của tài liệu cao bá quát – lương tâm và khí phách qua thơ chữ hán (Trang 78 - 82)

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN:

3.2.1. TÌNH CẢM ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH:

Tình cảm trong thơ Cao Bá Quát là tình cảm lớn mang tính nhân đạo sâu sắc, chứ không phải thứ tình cảm đóng khung trong khuôn khổ của lễ giáo, không bó hẹp trong quan niệm nhân ái của đạo Khổng, không phải thứ tình cảm của một kẻ bề trên rủ xuống ban ơn cho kẻ dưới. Những năm tháng lưu lạc sống xa nhà, một trong những tình cảm đằm thắm nhất hay trở đi trở lại trong sáng tác của Cao Bá Quát là tình yêu đối với quê hương, gia đình. Cao Bá Quát có nhiều bài thơ hết sức xúc động viết về cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè, về học trò, về làng xóm láng giềng...

Là một con người, ông rất hiểu nghĩa vụ làm con của mình và đó là một trong những nguồn gốc sinh ra sự quan tâm hết lòng, sự kính yêu hết mức, nhớ thương hết lẽ của ông đối với cha mẹ. Cho nên khi bị bắt giam, nỗi băn khoăn đầu tiên của ông là đối với cha mẹ:

"Cái mộng về cố hương biết bao giờ được? Ai là người đến mà an ủi cha mẹ ta?"

(Cửu nguyệt sơ thất nhật dĩ trường sự hạ Trấn Phủ ngục) [31; 64] Lúc ở nước ngoài, sự nhớ thương trước hết của ông cũng là đối với cha mẹ

"Ở nhà, cha mẹ tóc trắng tựa cửa trông hoài,

Nơi xa xôi, vợ con lại phải chịu cảnh như ngày nay. Cái gì xui khiến cho ta đi, ta đã biết là người có tội,

Tình cảm đời nào quên được, huống hồ mình lại mang tấm lòng ở đất khách." (Thuyền hồi quá Bắc Dữ giản Trần Ngộ Hiên nhị thủ II)

78

Khi đã chán ngán với triều đình nhà Nguyễn, sắp phải thực hiện nghĩa lớn, nỗi lo lắng riêng tư sâu xa nhất của ông là đối với mẹ già. Ông đã tranh thú về thăm mẹ già- biết đâu lại là lần cuối cùng! Bao năm nay, người mẹ già ấy đã héo hon đi quá nhiều trong cuộc sống cô đơn, trước những tin tức chẳng mấy tốt lành về hai đứa con yêu dấu, niềm hy vọng duy nhất lúc cuối đời của cụ. Rồi đây, khởi nghĩa khói lửa binh đao sắp tới, số phận của cụ sẽ ra sao? Ông còn lạ gì pháp luật dã man của bọn thống trị nữa... ! Cho nên nếu còn một điểm gì giờ đây vẫn day dứt trong tâm hồn ông, khiến nhiều đêm ông phải đầm đìa nước mắt, cũng chính là điểm này:

"Với thế giới này thân ta dù từ biệt, Một chết có tiếc gì.

Chỉ thương nỗi mẹ già còn đó, Hết sớm hôm tựa cửa trông hoài."

(Văn Phương Đễ Nguyễn ông đắc dĩ cố lý di Hưng Yên, thư thử vi tặng).

Suốt cả cuộc đời, Cao Bá Quát đều đối xử với cha mẹ theo một nếp như thế. Ở đây không hề thấy một người con "quen thói ngông cuồng", hư hỏng như Cao Bá Nhạ nói mà chỉ thấy một người chân thành và giàu lòng hiếu thảo đối với những người sinh ra mình.

Nếu đem cách sống trên của Cao Bá Quát so với cách sống mà Nho giáo yêu cầu thì rõ ràng là hai mặt khác biệt nhau, đối lập nhau. Một đàng thì tự nhiên, chân thật, lành mạnh, một đàng thì khắc nghiệt cứng đờ; một đàng thì nâng con người lên, còn cách sống của Nho giáo được căn dặn trong cuốn "Hiếu kinh" hoặc tô vẽ trong cuốn "Nhị thập tứ hiếu" mà Cao Bá Quát đã từng phải đọc, phải học.

Nếu như đối với cha mẹ Cao Bá Quát là người con có hiếu, thì đối với anh chị, Cao Bá Quát là người em biết ăn ở với trái tim nhạy cảm, biết đón trước mọi thứ lo âu, mong đợi.

Bài thơ "Đắc gia thư, thị nhật tác" là một niềm thương cảm mênh mông và cảm xúc trước cái chết đáng thương của bà chị nghèo bơ vơ ở quê nhà. Rồi sau đó, cảnh xót đau còn dai dẳng đến nỗi thư không muốn xem, nước mắt chảy hoài. Còn gì thương xót cho bằng cảnh đứng ngồi không yên, luôn đi ra hướng về phía quê nhà:

79

"Trời đã tối một mình trầm ngâm, Ba lần ra ngóng về phía bắc thành."

(Đắc gia thư thị nhật tác)

Đối với người anh sinh đôi với mình thì ngay từ nhỏ ông đã tự hào về hai anh em ông "Lúc nhỏ cùng với anh Văn Ngu, ý chí cùng xấp xỉ" (Bình sinh ngũ thập vận). Khi Cao Bá Đạt đỗ cử nhân, được cử vào làm quan ở Nông cống, Thanh Hóa, Cao Bá Quát đã đích thân đến thăm anh và cùng với anh đi dạo chơi sông núi quanh vùng. Khi ở quán trọ, bắt được thư anh, thông cảm với anh, ông xúc động sụt sùi:

"Ban đêm một mình rỏ lệ viết thư,

Cảm mối tình nhớ nhau ở nơi quê người. Trăm năm thân chỉ là khách,

Bốn bể có em biết anh."

(Mộ đắc xá huynh quán dạ giam thư kiến ký) Cuối cùng ông cứ day dứt mãi vì chuyện trước khi khởi nghĩa không về thăm anh được. Trong ông có dòng suy nghĩ: anh mình là một người đức độ và cần mẫn, sao cứ phải lận đận hoài ở một chốn phủ hẻo lánh...?

Như vậy, tình thương anh mến chị của Cao Bá Quát là tình thương mến chân thành thấm thiết. Tình cảm đó không thể nghi ngờ, càng không thể chê trách. Sau này nếu Cao Bá Quát hoạt động chống lại triều đình, nếu Cao Bá Đạt biết và ngăn cản, đến nỗi "anh ngăn bảo thì xé cả thư" và do đó "gia đình sinh bất mục" như Cao Bá Nhạ nói thì đó không phải là khuyết điểm của Cao Bá Quát, mà khuyết điểm thuộc về những người không hiểu bản chất thối nát của triều đình nhà Nguyễn và không thấy hành động cao cả của Cao Bá Quát.

Cao Bá Quát cũng dành nhiều thơ và tình thương đối với vợ con. Vợ ông để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc. Do đó tình cảm của ông đối với vợ con cũng là tình cảm sâu đậm nhất, chung thủy nhất. Mỗi lần nói tới vợ, ông đều nói với một giọng rất trìu mến. Lúc bị tù, khi bạn là Lưu Nguyệt Trì về quê, ông nhờ thăm vợ, nói với vợ về nỗi lòng thông cảm khổ đau:

80

"Nhân tiện nhắn bác thăm nhà tôi.

Trong buổi gió mưa này, ai mà chẳng nước mắt thấm áo." (Vãn Lưu Nguyệt Trì Bắc hành khuyết vi diện biệt, phụng ký II".

Có những đêm mưa, ông ngồi lạnh bên đèn, nghĩ đến vợ cũng đang nhớ mình để tự nhắc nhở mình:

"Chiếc gương nhỏ đã gửi vào tráp người đi xa, Tấm áo rét để lại trong phòng cũ.

Giữ những vật ấy để cùng tự an ủi, Không để cho đôi ta quên nhau."

(Tự quân chi xuất hỹ)

Nhận được tấm áo bông của vợ gửi cho, ông cảm động trước tình yêu thương của vợ trong từng mũi chỉ đường kim: "Một phong thư đọc dưới ánh đèn, muôn hàng lệ chảy. Đêm nay mảnh hồn tàn trở về quanh quẩn chốn buồn thêu". (Tiếp nội thư tính ký hàn y, bút điều sổ sự).

Ông thương vợ sống trong cảnh nghèo khổ và tưởng tượng lúc trở về gia đình bước qua cửa vào nhà, có lẽ chính là lúc vợ đi giã gạo thuê cho hàng xóm. Vợ ông một người phụ nữ tảo tần, chịu thương, chịu khó suốt đời lo cho chồng con; mẫu người phụ nữ của xã hội phong kiến Việt Nam.Thời gian đi dương trình hiệu lực, lúc ở Ba- ta-vi-a, Cao Bá Quát trông thấy đôi vợ chồng người Anh bày tỏ tình cảm quan tâm với nhau, ông đã không lên giọng đạo đức phong kiến để phê phán mà còn nói "Các người yêu nhau, đâu biết ta đang ở cảnh biệt ly" (Dương phụ hành). Lâu năm xa cách vợ, có lúc khiến ông nhớ thương đến đứt ruột.

"Mưa bụi lất phất, ban đêm đóng cửa,

Ngọn đèn côi quạnh lúc tỏ lúc mờ, im lặng chẳng nói năng gì. Kẻ ở chân trời và người ở chốn phòng khuê,

Đã nhớ nhau thì ai ở đâu mà tâm hồn chẳng tan tác." (Trệ vũ chung dạ cảm tác)

Nhớ thương vợ, ông càng không thể quên được tình nghĩa thủy chung. Đó là lý do mà ông thường nói đến sự chung thủy. Ông muốn người ta nên bắt chước Tràng

81

Khanh, hát khúc "Bạch đầu ngâm" ở lại với người vợ già còn hơn là đi đeo đuổi những mối tình không chính đáng.

Âu cũng là tấm lòng đáng trọng của Cao Bá Quát với những lời tri âm, tri kỷ dành cho vợ!

Là người cha, Cao Bá Quát rất thương con và luôn nghĩ đến trách nhiệm. Thấy con người ta, ông nhớ đến con bé nhỏ của mình và cảm thấy ấm ức xót thương (Hữu sở tử). Có khi tình thương đó thốt lên một cách trực tiếp:

"Với con cái thì rất đỗi nhớ thương, Với kinh sách thì đã quên lâu rồi."

(Tích viễn)

Ông có một đứa con gái chết lúc còn thơ ấu. Việc này khiến ông đau xót dằn vặt khá lâu. Đến nỗi chiêm bao thấy đứa con ấy hiện về, quần áo xác xơ, vẻ mặt buồn rầu, nước mắt ông giàn giụa (Mộng vong nữ).

Cách cư xử và tình cảm của Cao Bá Quát đối với vợ con chứng tỏ ông là một người chồng thủy chung, nhân hậu; một người cha hiền từ, nhân ái, độ lượng. Ông luôn coi vợ con là điểm tựa tinh thần cho mình (điều mà ít nhà nho cùng thời với ông có được). Nó không hề có chút gia trưởng, cũng không hề thấy dấu vết nào là biểu hiện của ý thức "Tam cương", "Tam tòng tứ đức". Một lần nữa ta thấy ông đã vượt ra khỏi khuôn khổ khắc nghiệt của Nho giáo.

Cách cư xử và tình cảm của ông đối với những người thân trong gia đình đã vượt ra khỏi sự chi phối của lễ giáo phong kiến. Phần nào cũng là do ảnh hưởng từ cuộc sống gần gũi với đời sống của những gia đình nông dân. Cao Bá Quát đã hấp thụ cách sống và tình cảm của những người lao động. Và muốn đem đến những điều tốt đẹp hơn cho họ - nên ông đã khởi nghĩa lật đổ triều đình nhà Nguyễn. Cái án "Tru di tam tộc" tàn khốc chính là sự hy sinh bản thân và gia đình cho một đạo làm người cao cả.

Một phần của tài liệu cao bá quát – lương tâm và khí phách qua thơ chữ hán (Trang 78 - 82)