Một điểm khác biệt giữa phát thanh viên truyền thanh với phát thanh viên truyền hình là những
yêu cầu ngoại hình đẹp, chiều cao, cân nặng… không phải là điều bắt buộc. Các phát thanh viên Hoàng Hiệp, Đông Quân… của Đài TNND TP.HCM đều không phải là những người “ăn hình”. Nhưng thính giả của Đài có thể nhận ra ngay giọng nói trầm ấm, truyền cảm của phát thanh viên Hoàng Hiệp trên Bản tin thời sự tổng hợp và của biên tập viên Đông Quân qua Làn sóng xanh. Chính nhờ sở hữu được giọng đọc “trời cho” ấy mà ngoài công việc chính tại Đài, các anh còn có thêm nghề tay trái là đọc quảng cáo cho các hãng sản xuất lớn, lồng tiếng cho phim, đọc thuyết minh cho các chương trình văn nghệ… Trong thế giới báo phát thanh, giọng đọc sẽ làm nên thương hiệu và tên tuổi của một phát thanh viên. Ở một chừng mực nào đó, việc chuyển tải cái hồn, cái thần của bản tin, của chương trình qua giọng đọc có thể coi là công việc của một người nghệ sĩ sáng tạo và nhiều phát thanh viên đã được Nhà nước phong hàm nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân…
Dẫn chương trình
Một lần đi xe buýt, tôi nghe được chương trình ca nhạc theo yêu cầu phát trực tiếp trên sóng FM 92,5 Mhz (của Đài Bình Dương). Dẫn chương trình là một giọng nữ khá tình cảm, trầm, ấm, giọng nói thoạt nghe tôi dễ có cảm tình.
Rất nhiều người gọi tới dù đang giờ hành chính. Có thính giả khi được đáp ứng yêu cầu rồi còn tranh thủ than là gọi đến chương trình thật khó.
Các chương trình PT trực tiếp ở nhiều đài cũng lâm vào tình trạng quá tải như vậy, cho thấy nhu cầu thưởng thức âm nhạc cũng như chia sẻ, thể hiện tình cảm của mình với người khác là có thật và khá lớn trong thính giả.
Dẫn chương trình PT – chuyện nhỏ?
Trên thực tế, có nhiều người dẫn chuyên nghiệp rất thích dẫn các chương trình PT. Đơn giản là yêu cầu đối với người dẫn chương trình trên sóng PT có vẻ nhẹ hơn nếu so với người dẫn trên sóng truyền hình: không lo về mặt sắc vóc, ngoại hình. Công tác chuẩn bị cho một buổi dẫn trên sóng phát thanh cũng đơn giản hơn.
Ở các đài PTTH địa phương, không ít trường hợp, khi nhạc hiệu chương trình trỗi lên rồi thì người dẫn, xướng ngôn viên mới lững thững vào phòng thu. Lắm khi, đó còn là niềm tự hào của các “đại ca” trong nghề.
Hầu như người dẫn trên sóng phát thanh ít bị “điều tiếng”. Thực tế này cũng còn do sóng phát thanh đang gần như là đi đến điểm cực âm trong sơ đồ phát triển của mình. Và tất nhiên là “điều tiếng” mà ít thì “tiếng tăm” cũng ít theo. Nhưng không sao, an toàn là trên hết!
Vâng, nếu xét về mặt an toàn và ở mức độ đáp ứng nhu cầu thôi, thì dẫn chương trình trên sóng phát thanh là tương đối dễ.
Tạo nên bức tranh bằng âm thanh
Trong tất cả các tác phẩm PT thì yêu cầu “phối âm” là rất quan trọng. Sự đan xen giữa giọng nam - nữ, già - trẻ, chất giọng Bắc – Trung – Nam, âm thanh hiện trường – âm thanh phòng thu, âm nhạc phù hợp… được nêu lên như những nguyên tắc vàng.
Với người dẫn chương trình PT, khó khăn của kẻ “độc diễn” sẽ trở thành cản ngại không thể vượt qua nếu không rèn luyện để có thể phối âm chỉ bằng chính giọng nói của mình.
Giống như có hoa hậu hoàn vũ ngồi cho mình ngắm từ ngày này sang ngày khác thì cũng phát ngấy lên, giọng đẹp đến mấy thì đẹp, nhưng đến nửa tiếng mà không thay đổi âm sắc thì người sành nghe sẽ cảm thấy chán.
Nguy hiểm hơn, một giọng nói rất biểu cảm nhưng không thay đổi cung bậc, sắc thái thì dễ gây ra cảm giác giả tạo, chán chường, mệt mỏi đối với người nghe. Các cụ nhà ta có sự phân biệt rất tinh tế khi dùng hai từ: “ngọt ngào” và “ngọt xớt”. Cũng có thể suy nghĩ về sự khác biệt này khi dẫn các chương trình PT.
Quan tâm đến người nghe
Hệ thống những câu hỏi và những câu hỏi nảy sinh trong quá trình lắng nghe – quan trọng hàng đầu.
Điều rất dễ nhận thấy là trong tất các các chương trình tư vấn và ca nhạc theo yêu cầu, người dẫn thường hỏi những câu hỏi theo công thức: Ví dụ bạn tên gì? Ở đâu? Yêu cầu gì? Và có nhắn gửi gì? Với chừng ấy thông tin thì người nghe dù thích nhạc hoặc muốn được tư vấn nhưng vẫn sẽ ngán chương trình.
Cách trò chuyện sẽ thể hiện rất rõ sự ân cần, tinh tế, nhạy cảm của người dẫn. Một sự ngập ngừng, nghẹn ngào trong giọng nói của thính giả có thể làm người dẫn nảy sinh những mối quan tâm về
39 8/17/2010
hoàn cảnh, tâm trạng. Cách chọn bài hát của thính giả cũng khiến người dẫn hình dung được vị trí xã hội, trình độ văn hoá, “gu” thẩm mỹ, để có những câu giao lưu phù hợp. Đối tượng được thính giả gửi tặng bài hát cũng cho thấy mức độ sâu sắc, quan hệ xã hội, thậm chí là cả một phần tính cách của thính giả… Tất cả những dấu hiệu đó đều có thể khai thác để làm phong phú thêm cho cuộc trò chuyện với thính giả nói riêng và chương trình nói chung. Và khi được quan tâm sâu sắc thì thính giả sẽ không chỉ nhớ đến chương trình khi có nhu cầu giải toả những vấn đề của bản thân mà sẽ luôn quan tâm đến chương trình như một tri âm – tri kỷ.
Lại trở lại chương trình mà tôi đã đề cập ở đầu bài viết, có những tình huống người dẫn mời thính giả giới thiệu về bản thân, khi thính giả ngập ngừng hơi lâu, người dẫn mời như sau “bạn nói tiếp đi”. Đó là một lời mời khá vô cảm và không hiệu quả.
Chúng ta đều biết, khi ngừng nói có nghĩa là thính giả đang bí. Nó là một thứ thông tin ngoài lời. Nếu khoảng lặng dài ở mức độ không chấp nhận được thì người dẫn phải khơi gợi bằng một câu hỏi chứ không nên mời họ “nói tiếp đi”. Nếu mời như vậy thì nhiều khả năng là thính giả sẽ tiếp tục… im lặng hoặc… ngập ngừng. Và mời như vậy cũng chỉ thể hiện một điều là, người dẫn chẳng quan tâm gì mấy đến tâm trạng của thính giả.
Có quá nhiều điều để bàn về kỹ năng dẫn chương trình nói chung và dẫn chương trình trên sóng phát thanh nói riêng. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng thống nhất là, sự kết hợp giữa các độ cao, tốc độ phát âm, việc sử dụng các thán từ, tiết chế các khoảng lặng, bên cạnh đó là sự cảm nhận – quan sát – khả năng miêu tả một cách tinh tế sẽ làm nên sự thành công của những người dẫn trên sóng phát thanh.
(Cù Thị Thanh Huyền, Cải thiện dẫn chương trình phát thanh trực tiếp ở Việt Nam, – CĐ PTTH 2)
CHƯƠNG 4: CÁC THỂ LOẠI BÁO CHÍ PHÁT THANH
Yêu cầu dành cho học viên để học tốt chương này: Cần trang bị và rèn luyện nhuần nhuyễn các kỹ năng
viết tin, bài phỏng vấn, phóng sự, tường thuật, ghi nhanh, bình luận… nói chung và BIẾT VẬN DỤNG
các thể loại báo chí ấy phù hợp với đặc trưng và các nguyên tắc viết của báo phát thanh