loại thiết bị; bố trí máy móc khoa học, hợp lý. Hầu hết hệ thống máy thu, hoà âm tại các studio của Đài bố
trí theo hình chữ U với bàn trộn (mixer) đặt ở giữa, các thiết bị khác như máy cassette, vi tính… đặt ở hai bên. Cách bố trí này rất thuận tiện cho các kỹ thuật viên thao tác. Được các đồng nghiệp khác trong Đài mệnh danh là “những thầy phù thuỷ về máy móc”, một kỹ thuật viên phát thanh không những cần kiến thức và kỹ năng thao tác thuần thục của một chuyên gia kỹ thuật hay công nghệ thông tin, mà còn phải hiểu rõ đặc điểm của các loại hình báo phát thanh cùng khả năng cảm nhận âm nhạc, tiếng động tinh tế.
Các kỹ thuật viên làm việc không theo giờ hành chính mà theo sự phân công thành các ca kíp. Một kỹ thuật viên khi mới vào nghề thường được giao đảm nhận việc thu âm cho các phát thanh viên tại phòng thu. Sau một thời gian làm quen với công việc của mình, tích lũy được nhiều kiến thức về thế giới báo phát thanh, nâng cao trình độ chuyên môn, các kỹ thuật viên sẽ được giao cho những mảng công việc khó hơn, nhiều thách thức hơn như hòa âm, lồng nhạc, lồng tiếng… Tất nhiên, mảng công việc mới này đòi hỏi một kỹ thuật viên kỹ năng thuần thục hơn, năng lực cảm nhận âm nhạc, tiếng động tinh tế hơn.
Trong quá trình thực hiện các chương trình phát thanh trực tiếp, bộ phận kỹ thuật cần thực hiện tốt những yêu cầu của đạo diễn, phải biết kịch bản để kiểm tra lại hệ thống thiết bị theo các khả năng kỹ thuật và bổ sung các thiết bị khi cần thiết. Chẳng hạn: xem xét các tư liệu dùng cho chương trình: băng cassette, đĩa CD, DAT, MD, HD nếu phòng thu dựa trên cơ sở máy tính hoặc được nối mạng. Kỹ thuật viên phải chuẩn bị đủ và đúng các thiết bị dùng để phát các băng tư liệu, nhạc cắt và tiếng động. Trong các chương trình phát thanh trực tiếp, kỹ thuật viên thường có mặt từ rất sớm, kiểm tra lại kịch bản chương trình, cho vận hành thử bàn trộn âm thanh, chạy nhạc hiệu, nhạc cắt và phần quảng cáo giữa chương trình, kiểm tra số lượng, bố trí hợp lý hệ thống các micro, máy ghi âm, CD, máy vi tính, telephone Hybrid, hệ thống kiểm thính bằng loa và tai nghe, hệ thống kết nối tín hiệu điện thoại của thính giả đến phòng thu, cho ghi lại âm sắc giọng đọc của người dẫn chương trình các vị khách mời của chương trình, lưu vào bộ nhớ của bàn trộn để “gọi” lại khi chương trình phát sóng. Nhờ thao tác này mà suốt chương trình phát sóng, kỹ thuật viên chỉ cần tập trung thao tác cho khớp với kịch bản mà không cần lưu tâm đến việc điều chỉnh âm sắc cho hợp lý nữa.
Phát thanh viên:
Phát thanh viên cùng giọng đọc của mình là một phần không thể thiếu của các đài phát thanh. Radio là hình thức truyền thông tin đến thính giả qua sóng âm thanh. Vì vậy để truyền đạt hết được ý nghĩa của bản tin, chương trình, phát thanh viên phải biết cách chuẩn bị tốt, diễn đạt truyền cảm, phù hợp với nội dung từng chương trình. Những phát thanh viên chuyên nghiệp chịu trách nhiệm đọc bản tin thời sự, tin thể thao, tin thời tiết, tin kinh tế, thương mại… Đây là một công việc tưởng chừng ít dụng công nhất, ít phức tạp nhất trong một ê kíp thực hiện chương trình phát thanh nhưng thực tế, để thực hiện tốt công việc của một phát thanh viên lại là điều không hề đơn giản. Khi bước chân vào phòng thu, người phát thanh viên phải có thần kinh vững vàng, dồn tất cả tập trung vào bài đọc. Chỉ cần một sai sót, vấp váp, người phát thanh viên sẽ dễ dàng mất điểm trước hàng triệu bạn nghe đài.
Trước khi ngồi vào bàn thu theo hiệu lệnh của kỹ thuật viên, mặc dù là người có rất nhiều kinh nghiệm và có tuổi nghề lâu năm nhưng phát thanh viên Hoàng Hiệp của Đài TNND TP.HCM vẫn cầm bản tin đọc đi đọc lại nhiều lần để hình dung và nắm bắt được nội dung của bản tin. Vị trí, tư thế ngồi trong phòng bá âm cũng được phát thanh viên Hoàng Hiệp cân nhắc kỹ lưỡng để luồng hơi phát ra hướng thẳng vào micro, tạo ra âm thanh chuẩn và đồng đều. Khi nhận được hiệu lệnh của kỹ thuật viên, anh cất giọng đọc chậm rãi, rõ ràng, mạch lạc nhưng truyền cảm với những đoạn nhấn âm và ngắt hơi chính xác. Toàn bộ con người anh thể hiện sự tập trung cao độ: miệng đọc, tai nghe, mắt nhìn văn bản và bộ não luôn hoạt động để kiểm tra xem mình đọc có chuẩn xác không, diễn đạt câu có trôi chảy, chính xác không, giọng đọc có phù hợp với nội dung bài viết không.
Phát thanh viên Hoàng Hiệp cho biết: một phát thanh viên chuyên nghiệp không được ỷ i chỉ dựa vào mỗi giọng đọc tốt thiên phú mà phải không ngừng học hỏi và trau dồi kinh nghiệm làm việc của bản thân mình. Những phát thanh viên mới vào nghề phải kiên trì tập đọc từng câu một từ dấu chấm này đến dấu chấm kia, từ đoạn này sang đoạn kia, từ đầu đến cuối bài sao cho nhuần nhuyễn, không sai, không vấp rồi mới đi sâu vào tập cách đọc diễn tả được cái thần khí của bài. Việc luyện đọc trước một tấm gương lớn cũng giúp cho các phát thanh viên nhanh chóng dạn dĩ và chuyên nghiệp.