Trong đoạn thứ 2, chúng ta làm rõ tên của ông bộ trưởng và thời điểm ông nói. Sử dụng từ "hôm
nay" vì phóng viên phát thanh truyền hình phải đưa tin đó ngay ngày mà nó xảy ra.
Trong đoạn thứ ba, từ "và" là cầu nối tới đoạn thông tin tiếp theo. Trong báo hình và báo nói, bắt đầu bằng từ "và" là một cách tốt để làm cho câu ngắn và đưa câu chuyện đi tiếp.
Trong đoạn thứ tư, một lần nữa lại dùng thì hiện tại để cho thính giả biết sự việc vẫn còn tiếp diễn.
Trong đoạn cuối cùng, dùng ít hoàn cảnh hơn trong bản tin in vì lý do thứ nhất là không có nhiều thời gian trong bản tin phát sóng và thứ hai là người nghe không thể nhớ nhiều chi tiết
BÀI ĐỌC THÊM
BÀI 1: Vài chỉ dẫn để viết tin phát thanh - truyền hình
Có một thực tế là nhiều phóng viên phát thanh-truyền hình viết bài như thể cho báo in. Việc "nhét" thêm vài đoạn âm thanh, hình ảnh vào bài, rồi có một đoạn phóng viên cầm micro tự nói không có nghĩa là đã biết làm một cái tin tiêu chuẩn cho loại hình báo chí này.
Phóng viên phát thanh-truyền hình đương nhiên cũng phải theo những nguyên tắc cơ bản của báo chí, nhưng rõ ràng có sự khác biệt quan trọng giữa báo in với báo nói và báo hình (nếu không thì người ta đã chẳng dùng những tên gọi khác nhau như thế).
Phóng viên báo in dùng câu chữ để vẽ nên một bức tranh về hiện trường xảy ra sự kiện. Phóng viên phát thanh-truyền hình thì nói với khán thính giả. Họ sử dụng băng âm thanh hoặc hình ảnh về những sự kiện tin để khán thính giả có thể nghe hoặc nhìn trực tiếp sự kiện, và phóng viên báo nói, báo hình giỏi thì không bao giờ miêu tả đoạn băng ghi âm, bức ảnh hay đoạn video đó. Họ chỉ giúp khán giả hiểu rõ chúng.