buổi phỏng vấn: chủ động tạo không khí thân mật, thoải mái cho buổi phỏng vấn, chủ động giữ micro, chủ
động đưa ra câu hỏi lái câu chuyện theo hướng có lợi cho mình… Và tất nhiên, sự chủ động chỉ có thể có khi phóng viên đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiêm túc.
Biên tập viên:
Biên tập viên là những người chịu trách nhiệm chính về nội dung của chương trình phát sóng, và bởi vậy, họ hay được các đồng nghiệp gọi đùa là “phóng viên cổ cồn trắng”, tức là không trực tiếp lăn lộn, thu thập tin tức song lại có quyền lực tương đối mạnh đối với chương trình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, trong phát thanh hiện đại, ranh giới giữa phóng viên và biên tập viên không có sự rạch ròi hoàn toàn. Ở nhiều trường hợp, biên tập viên đảm nhận luôn vai trò của một phóng viên trong việc khai thác trực tiếp nguồn thông tin thô để xây dựng chương trình như biên tập viên Phan Hà và Bích Liên của Ban thời sự - Đài TNND TP.HCM trong chương trình “Đối thoại cùng lãnh đạo chính quyền thành phố” với những câu hỏi chủ động đưa ra cho khách mời bên cạnh phần đối thoại giao lưu của thính giả. Điều này cũng rất dễ thấy qua công việc của các biên tập viên ở Ban thư ký biên tập – Đài TNND TP.HCM. Buổi chiều ngày 27.10.2007, một phiên chất vấn các bộ trưởng trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XXII đang được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 của Đài truyền hình Việt Nam. Biên tập viên Hoàng Lâm ngồi bên chiếc máy ghi âm được nối thu trực tiếp từ chương trình chất vấn đang phát trên TV. Anh đang chọn lọc những ý chất vấn hay, phản ánh được những vấn đề đang được nhân dân nói chúng người dân thành phố nói riêng quan tâm. Những thông tin này được anh biên tập, xử lý và phát trong bản tin thời sự lúc 17h30 trên sóng AM 610 KHz với nội dung điểm lại những nội dung quan trọng của phiên họp Quốc hội trong ngày.
Công việc biên tập tại Đài TNND TP.HCM chia thành hai cấp độ chính. Trưởng các ban nội dung như Ban Thời sự, Ban Nông thôn, Ban Kinh tế, Ban Khoa giáo, Ban văn nghệ chịu trách nhiệm biên tập cấp độ một. Nhận tin bài của phóng viên gửi lên, trưởng ban kiểm tra, đánh giá nội dung bản tin, làm việc hoặc liên lạc với tác giả bản tin để chỉnh sửa, thống nhất nội dung đáp ứng yêu cầu tính chất chương trình. Sau đó, trưởng ban tổng hợp các tin bằng các tựa chính và chuyển toàn bộ bài viết, đĩa ghi âm sang cho Ban thư ký biên tập tiếp tục biên tập cấp độ hai (biên ủy). Các biên tập viên có trách nhiệm xem xét lại nội dung, bố cục của bản tin, chương trình từ các ban chuyển sang, kiểm tra các nguồn tham khảo có liên quan đến bản tin, chương trình phát sóng như số liệu, ngày tháng, các thống kê, kiểm tra lại lỗi đánh máy, lỗi thu âm.. trước khi chuyển lên bộ phận kỹ thuật và phòng thu của Đài để ghi âm và phát sóng. Một biên tập viên của Ban được phân công sẽ sắp xếp danh mục các chương trình đã biên tập và đánh dấu trên lịch phát sóng trong ngày trên một tấm bảng lớn đặt trong văn phòng của Ban thư ký biên tập. Các biên tập viên của ban được phân công làm việc theo ca và theo từng mảng nội dung phụ trách như thời sự tổng hợp, nông thôn, kinh tế, khoa giáo, văn nghệ… Đó là những nhà báo có kinh nghiệm, kiến thức xã hội rộng, có năng lực cảm nhận ngôn ngữ, khả năng viết, khả năng biên tập thuần thục và sử dụng khả năng đó để thẩm định bản tin, chương trình trước khi được phát tới thính giả.
Kỹ thuật viên:
Đây là đội ngũ ít xuất hiện trước công chúng, làm việc âm thầm, ít được thính giả biết đến nhưng lại giữ vai trò không thể thiếu được trong mọi chương trình phát thanh. Kỹ thuật viên âm thanh đảm nhiệm việc phát sóng chương trình – mắt xích cuối cùng trong ê kíp thực hiện và mang tính quyết định đến số phận của bản tin, chương trình. Nếu cả bộ máy thực hiện từ người dựng chương trình, đạo diễn, phóng viên, dẫn chương trình cho đến phát thanh viên, hoàn thành công việc tốt đến đâu chăng nữa mà người kỹ thuật viên lơ là, không tập trung, thao tác không đúng thì công sức của cả tập thể sẽ biến thành con số không tròn trĩnh. Chính vì vậy, kỹ thuật viên phải có sự tập trung cao độ cũng như sự chính xác, sự nhịp nhàng, ăn ý với phát thanh viên, phóng viên. Thông thường, để đảm bảo chất lượng chương trình phát sóng, kỹ thuật viên phải nắm vững kịch bản chương trình, luôn bao quát được tình hình công việc cũng như kiểm soát được qui trình công việc. Ví dụ, khi phát thanh viên đọc xong thì kỹ thuật viên sẽ phải thao tác ăn ý bằng cách đưa phần nhạc vào, đồng thời tắt micro hoặc khi làm việc với phóng viên, kỹ thuật viên phải phối hợp chặt chẽ với họ để có thể chọn nhạc nền, chọn âm thanh minh họa cho phù hợp.
Đội ngũ kỹ thuật viên của các đài phát thanh được tuyển dụng từ các kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật chuyên ngành điện, điện tử và công nghệ thông tin. Đội ngũ thầm lặng này có trách nhiệm điều hành, bảo trì, bảo dưỡng các máy móc, thiết bị của đài như máy thu âm, micro, nắm vững đặc tính kỹ thuật của từng