Việc quản lý các tài sản trí tuệ của một doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là việc xác lập các quyền SHTT một cách chính thức thông qua các cơ quan SHTT quốc gia. Các quyền đối với sáng chế và nhãn hiệu sẽ không có giá trị trừ khi chúng được khai thác một cách tương xứng. Hơn nữa, một số tài sản trí tuệ của công ty không bắt buộc phải đăng ký như thường lệ mà lại cần đến những biện pháp bảo hộ khác (ví dụ các hợp đồng bảo mật). Các doanh nghiệp có mong muốn khai thác đầy đủ giá trị từ bí quyết và sáng tạo của họ cần phải có những bước đi phù hợp để xây dựng một chiến lược SHTT cho việc kinh doanh của họ và cần phải đưa chiến lược sở hữu trí tuệ đó vào chiến lược kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là cần phải có những cân nhắc về SHTT khi phác thảo kế hoạch kinh doanh và chiến lược marketing. Một chiến lược SHTT cơ bản sẽ gồm có ít nhất những điều sau:
Một chính sách về xác lập quyền SHTT
Một sản phẩm hoặc dịch vụ đơn nhất có thể được bảo hộ dưới nhiều dạng quyền sở hữu trí tuệ khác nhau liên quan đến các khía cạnh khác nhau của sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Các SME phải xem xét đến cách bảo hộ trọn gói tốt nhất và đảm bảo rằng tất cả những quyền thông thường đều được xác lập sớm nhất (xem tài liệu “Làm thế nào để SME của bạn có thể đạt được và duy trì việc bảo hộ quyền SHTT”). Các SME cũng cần lưu ý rằng việc tạo lập một danh mục SHTT toàn diện có thể là một khoản đầu tư đáng cân nhắc, đặc biệt là đối với các sáng chế. Do đó, các SME cũng phải đánh giá cẩn thận các chi phí và lợi ích của việc yêu cầu cấp patent trong từng trường hợp và phát triển một chiến lược/chính sách về việc xác lập quyền đối với sáng chế phù hợp với ngân sách và các cơ hội thị trường của mình (để có được thông tin tổng quan về các chiến lược về patent, xem tại địa chỉ WIPO/IPR/MCT/99/5. ở định dạng Adobe PDF).
Một chính sách khai thác SHTT
Các tài sản SHTT có thể được khai thác theo nhiều cách khác nhau. Đó có thể là thương mại hóa các sản phẩm và dịch vụ SHTT được bảo hộ; ký kết các hợp đồng chuyển giao quyền SHTT hoặc nhượng quyền thương mại; bán các tài sản SHTT cho các hãng khác; thành lập các liên doanh; sử dụng SHTT để tiếp cận công nghệ của công ty khác thông qua các hợp đồng chuyển giao quyền SHTT trao đổi; hoặc sử dụng SHTT để có được nguồn đầu tư tài chính cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên quyết định cho từng trường hợp cụ thể cách thức
khai thác tốt nhất các tài sản SHTT của mình cả trong nước cũng như ở nước ngoài.
Một chính sách giám sát SHTT
Tham khảo các cơ sở dữ liệu sáng chế và nhãn hiệu một cách thường xuyên có ý nghĩa quan trọng để phát hiện những tiến triển của kỹ thuật hiện tại và các công nghệ mới, xác định đối tác mới cho việc chuyển giao quyền SHTT hoặc nhà cung cấp, các thị trường mới tiềm năng, theo dõi các hoạt động của đối thủ cạnh tranh, xác định những người có khả năng xâm phạm, và tránh việc xâm phạm các quyền của đối thủ cạnh tranh. Xem tài liệu “ Sử dụng thông tin sáng chế vì lợi ích của SME của bạn” và “Thực hiện tra cứu nhãn hiệu”.
Một chiến lược thực thi SHTT
Một chiến lược rõ ràng về thực thi SHTT là điều có ý nghĩa quyết định vì những thiệt hại có thể phải gánh chịu bởi sự xuất hiện hàng giả trên thị trường và phi phí tốn kém trong một số tranh chấp về SHTT. Xem tài liệu “SME của bạn cần làm những gì để giải quyết các tranh chấp liên quan đến SHTT”.
Mô tả về các công ty khác nhau với những trình độ công nghệ khác nhau có thể phát triển một chiến lược về SHTT phù hợp với nhu cầu của họ được đề cập trong tài liệu của WIPO có tiêu đề “Quản lý các quyền SHTT bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ” (xem WIPO/ACAD/E/93/12 sẵn có ở định dạng Adobe PDF).