Trong quá trình xét duyệt cho vay, việc kiểm tra trước khi cho vay là điều kiện cần thiết. Tuy nhiên, sau khi giải ngân thì cán bộ tín dụng cũng cần kiểm tra việc sử dụng tiền vay nhằm đảm bảo khách hàng sử dụng đúng mục đích vay vốn như đã nêu trong hợp đồng tín dụng.
Theo dõi sau khi cho vay là khâu quan trọng trong quy trình đảm bảo an ninh tín dụng, hạn chế rủi ro cho Ngân hàng. Theo dõi sau khi cho vay tập trung vào việc theo dõi hoạt động của khách hàng nhằm phát hiện những dấu hiệu khó khăn trong vấn đề trả nợ của khách hàng.Từ những phát hiện này,
giúp cho NASB Hà Nội có thể đưa ra các biện pháp thích hợp và kịp thời để đảm bảo an ninh tín dụng cho chi nhánh.
- Sau khi giải ngân, các cán bộ tín dụng phải tiến hành theo dõi sau khi cho vay trên cơ sở định kỳ. Tần suất theo dõi phải được xác định cho phù hợp với từng loại khách hàng, quy mô khoản vay và mức độ rủi ro liên quan đến khoản vay. Các nội dung kiểm tra chính bao gồm: kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay, kiểm tra việc thực hiện phương án kinh doanh, kiểm tra tình hình hoạt động của khách hàng và kiểm tra tình trạng tài sản thế chấp. Kết quả kiểm tra phải được ghi rõ trong phiếu theo dõi sau khi cho vay. Trường hợp phát hiện các dấu hiệu không tuân thủ cam kết như trong hợp đồng tín dụng (các yếu tố chủ quan của người vay) hoặc các dấu hiệu xấu đi trong hoạt động của khách hàng (các yếu tố khách quan do môi trường) thì phải có biện pháp xử lý kịp thời.
- Theo dõi sau khi cho vay cần tập trung vào việc phát hiện và theo dõi các dấu hiệu báo động về khả năng chất lượng của khoản vay. Những dấu hiệu này có thể là các dấu hiệu tài chính hay phi tài chính, có thể là nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố bên ngoài hay bên trong hoạt động của khách hàng. Đặc biệt khi có dấu hiệu chậm trả lãi vay và chậm trả nợ vay, cán bộ tín dụng phải có ngay biện pháp tiếp xúc khách hàng trong vòng tối đa không muộn hơn 3 ngày kể từ ngày khoản lãi vay hoặc nợ vay đến hạn trả, để xem nguyên nhân và tìm ngay biện pháp giải quyết với khách hàng.
- Khi phát hiện thấy những dấu hiệu khoản vay có vấn đề, thì dù cho là nguyên nhân nào đi chăng nữa, cán bộ tín dụng phải có ngay biện pháp khắc phục kịp thời. Các khoản vay khác nhau thì có những vấn đề khác nhau, tuy nhiên cán bộ tín dụng khi phát hiện các khoản vay có vấn đề có thể thực hiện các công việc: Phân tích, làm rõ vấn đề của khách hàng; Báo cáo với lãnh đạo cấp trên; Tiến hành phân loại lại khoản vay cho phù hợp; Xem lại toàn bộ dư nợ của chi nhánh với khách hàng; Xem xét lại hồ sơ vay vốn, bảo lãnh, tài sản đảm bảo; Lên phương án khắc phục vấn đề.