Qua một năm học ấp ủ, hình thành ý tưởng và thực hiện việc dạy học tích hợp liên môn KHXH trong chương trình Ngữ Văn 10, tôi thu nhận được những kết quả trong việc dạy và học như sau:
- Dự án về việc dạy học tích hợp liên môn KHXH trong từng giờ giảng các tác phẩm văn học trung đại là một dự án thiết thực, có tính khả thi, vừa giảng dạy cho HS những giá trị văn học, thẩm mĩ thời xưa, vừa mang tính thời sự, đặc biệt trong tình hình đất nước ta hiện nay.
- Kết quả thu nhận được trong dạy học tích hợp liên môn giúp GV có điều kiện tìm hiểu những kiến thức của môn học khác, biến môn Ngữ Văn từ môn có kết cấu đóng, trở thành môn có kết cấu mở, giáo án linh hoạt, các tiết dạy hiệu quả hơn.
- Quan trọng hơn, trong mỗi giờ học văn, đặc biệt là trong giờ học đọc – hiểu những tác phẩm văn học trung đại, HS không còn tâm lí sợ hãi hay chán học nữa, mà trở nên thoải mái với nhiệm vụ học văn. HS có thể hiểu được bối cảnh lịch sử của văn bản, tìm hiểu mối liên hệ giữa lịch sử và tác phẩm văn chương các em được học. Không chỉ thế, các em còn có hứng thú chuẩn bị bài ở nhà, hoạt động nhóm thực sự thường xuyên và hiệu quả hơn. Sự sáng tạo cũng không hề chấm dứt khi tiết học kết thúc, nó được kéo dài và nhân lên khi HS được tham gia vào đề tài sau khi học, thảo luận, và đưa tác phẩm VHTĐ trở thành nhận thức sống.
- Khi HS thiết lập được mối liên hệ giữa các môn học trong nhà trường, đặc biệt môn Ngữ Văn, môn Lịch sử và môn Địa lí, GDQP và GDCD, các em sẽ có tinh thần học tập thoái mái, hăng say hơn với tất cả các môn học ở trường THPT. Điều quan trọng hơn là các chủ đề tích hợp, liên môn giúp cho học sinh không phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau.
Tuy nhiên trong quá trình sử dụng sơ đồ tôi thấy vẫn còn những hạn chế mà giáo viên cần có biện pháp khắc phục:
- Không nên gò bó kiến thức liên môn là một kiến thức bắt buộc, gây nặng nề cho tiết học. Môn Văn là mộn kích thích sự tư duy, cảm nhận và tưởng tượng, nên tạo bầu không khí thoải mái nhất có thể trong một tiết học.
- Giờ học liên môn sẽ thay đổi kế hoạch dạy học vốn có và thay đỏi nội dung mạnh mẽ. Chính vì thế, chúng ta cần xem xét xây dựng những kế hoạch dạy học phù hợp, chú ý hướng phát triển năng lực của học sinh.
- Dạy học là một quá trình truyền thụ tri thức mới, mở ra chân trời hiểu biết cho con trẻ. Với cách dạy hiện nay, một số GV ngại đổi mới, khuôn mẫu vô hình trung đã đóng cánh cửa của quá khứ tới HS. Đã đến lúc, chúng ta cần sự đam mê, sáng tạo và sự đổi mới trong nội dung dạy học, dạy học theo các chủ đề liên môn không những giảm tải cho giáo viên trong việc dạy các kiến thức liên môn trong môn học của mình mà còn có tác dụng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kĩ năng sư phạm cho giáo viên, góp phần phát triển đội ngũ giáo viên bộ môn hiện nay thành đội ngũ giáo viên có đủ năng lực dạy học kiến thức liên môn, tích hợp. Thế hệ giáo viên tương lai sẽ được đào tạo về dạy học tích hợp, liên môn ngay trong quá trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm.