Vườn quốc giaXuân Thủy

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia Cúc Phương và Xuân Thủy (Trang 46 - 50)

a) Khái quát sự hình thành và điều kiện tự nhiên

Vườn quốc gia Xuân Thủy là một vùng bãi bồi ngập nước rộng lớn nằm ở phía nam cửa Sông Hồng; bao gồm một phần Cồn Ngạn (ở phía ngoài đê Vành L- ược), toàn bộ Cồn Lu và Cồn Xanh thuộc huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định; có tổng diện tích tự nhiên là 7.100 ha. Vườn được thành lập từ Quyết định số 01/QĐ- TTg ngày 02/01/2003 của Thủ Tướng Chính phủ về việc chuyển hạng Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy thành Vườn quốc gia Xuân Thủy; đây đồng thời cũng là Khu Ramsar quốc tế (từ tháng 01/1989) và vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng (từ tháng 12/2004).

Toàn bộ Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Địa hình tự nhiên được kiến tạo bởi quy luật bồi lắng phù sa của vùng cửa sông ven biển. Các bãi sa bồi rộng lớn nằm xen kẽ với các dòng sông tạo nên cảnh quan tự nhiên đặc thù của khu vực. Vật liệu cấu thành nên các cồn bãi bao gồm cả sét lẫn cát, đã định hình nên các đầm lầy (là nơi sinh trưởng của rừng ngập mặn, cũng là nơi ăn nghỉ của những loài chim nước và chim di trú). Phù sa biển hình thành nên các giồng cát cao ở má ngoài Cồn Lu, là nơi quần tụ của rừng phi lao chắn sóng, đồng thời là nơi cư trú của nhiều loài chim bản địa.

Phù sa màu mỡ của sông Hồng - con sông lớn nhất miền Bắc cùng với điều kiện tự nhiên trời phú đã tạo nên sự giàu có bậc nhất của tài nguyên môi trường ở khu vực về các giá trị đa dạng sinh học và các loại hình dịch vụ kinh tế khác. Đây cũng chính là những tiềm năng phong phú đáp ứng hữu hiệu cho việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế - xã hội của vùng nhằm sử dụng khôn khéo tài nguyên đất ngập nước, phát triển nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái.

38

b) Tài nguyên thiên nhiên cho phát triển du lịch sinh thái

Từ kết quả điều tra sơ bộ đã cho thấy ở Vườn quốc gia Xuân Thủy có trên 120 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có gần 20 loài thích nghi với điều kiện sống ngập nước hình thành nên hệ thống rừng ngập mặn rộng trên 3000 ha. Rừng ngập mặn đem lại những lợi ích quý giá và phong phú cho toàn khu vực. Ngoài giá trị bảo tồn cao, rừng ngập mặn còn là nơi ươm giống, cung cấp thức ăn và môi sinh yên lành cho các loài động vật thuỷ sinh tồn tại và phát triển bền vững. Hàng năm nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên của khu vực cho thu nhập tổng giá trị ước đạt tới hàng trăm tỷ đồng. Việc phát triển kinh tế của cộng đồng địa phương phần lớn dựa vào tài nguyên tự nhiên được bảo tồn tốt ở Khu dự trữ thiên nhiên quan trọng này.

Vườn quốc gia Xuân Thủy đã ghi nhận trên 220 loài chim, trong đó có trên 150 loài di cư, 50 loài chim nước và có tới 9 loài nằm trong sách đỏ quốc tế, đó là: Cò thìa (Platalea minor), Rẽ mỏ thìa (Calidrispygmeus), Choắt chân màng lớn (Limodromus semipalmatus), Cò trắng Trung Quốc (Egretta eulophotes), Te vàng

(Grey-headed Lapwing), Choắt mỏ vàng (Tringa guttifer), Mòng bể mỏ ngắn (Larus saundersi). Bồ nông (Penecanus Philippen sis). Số lượng chim lúc đông đúc lên tới 30-40 ngàn cá thể; ở Việt nam hiện nay hầu như chỉ có thể dễ dàng bắt gặp Cò thìa và Rẽ mỏ thìa ở Vườn quốc gia Xuân Thủy (có thời điểm số lượng cá thể Cò thìa ở đây đã chiếm tới 26% số lượng hiện còn của thế giới). Ở đây có trên 500 loài động thực vật thuỷ sinh (bao gồm thực vật nổi, động vật nổi và động vật đáy), trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: Tôm, Cua bể, Ngao, Rong câu chỉ vàng… đã đem lại nguồn thu nhập hàng trăm tỷ đồng/năm cho cộng đồng địa phương, từ đó đã góp phần tạo nên sự khởi sắc cho bộ mặt dân sinh kinh tế của cộng đồng vùng đệm ở Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Có trên một chục loài thú, trong đó có 3 loài thú quý hiếm ở nước gồm Rái cá (Lutra lutra), Cá Heo (Lipotes vexilifer) và Cá Đầu ông sư (Neophocaera phocaenoides) cùng với hàng trăm loài Bò sát, Côn trùng và Lưỡng cư khác đã tạo nên bức tranh về đa dạng sinh học rất độc đáo và vô giá của Vườn quốc gia Xuân Thủy.

39

c) Tài nguyên nhân văn cho phát triển du lịch sinh thái

Cùng với sự phong phú của tài nguyên du lịch tự nhiên, khu vực phụ cận của Vườn quốc gia Xuân Thủy có rất nhiều tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị có thể kết hợp trong các Tour du lịch.

Bản đồ du lịch VQG Xuân Thủy

Trước hết, trên đường đi đến thành phố Nam Định du khách có thể ghé thăm Phủ Dầy (Một di tích lịch sử nổi tiếng - nơi thờ Bà Chúa Liễu Hạnh ở huyện Vụ Bản - cách TP. Nam Định khoảng 15 km). Đến Thành phố Nam Định du khách tham quan cụm di tích lịch sử: Đền Trần, Chùa Tháp, Đền Bảo Lộc - là nơi lưu giữ những chứng tích hào hùng về một triều đại hưng thịnh vào loại bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Du khách cũng có thể ghé thăm tượng đồng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn uy nghi bên hồ Vị Xuyên. Trước khi rời TP Nam Định đến với Vườn quốc gia Xuân Thủy để có dịp tìm hiểu thêm về đất & người của nền văn hiến tỉnh Nam Định, du khách ghé thăm làng trồng hoa cây cảnh Vị Khê - Nam Điền (ở ngoại thành TP Nam Định). Đến đây du khách sẽ gặp những bất ngờ hết sức thú vị khi chứng kiến những cỏ cây hoa lá tự nhiên vô tri vô giác, nhưng dưới những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã trở thành các sinh vật có hồn, đẹp mắt và sống động lạ thường.

40

Xuôi tiếp xuống phía nam du khách có thể ghé thăm Chùa Keo-Cổ Lễ, nơi gắn liền với các truyền thuyết về Thánh sư Khổng Minh Không và những điển tích của Phật giáo kỳ thú, cùng với lối kiến trúc độc đáo và vẻ đẹp huyền bí, Chùa Keo như đưa con người về với cội nguồn của tiêu chí: "Chân, Thiện, Mỹ".

Đi xuôi xuống đất Xuân Trường du khách có thể ghé thăm một điểm văn hoá - lịch sử khác cũng rất có ý nghĩa, đó là Nhà lưu niệm của Cố Tổng bí thư Trường Chinh tại Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng. Đây là nơi đã gắn bó và còn lưu giữ lại những kỷ niệm thời thơ ấu của một danh nhân kiệt xuất, nơi đây cũng là cố hương của rất nhiều chính khách và doanh nhân nổi tiếng khác. Cách làng Hành Thiện không xa là Toà Thánh Phú Nhai và Trường dòng Bùi Chu. Đây còn là một Trung tâm lớn của Đạo thiên chúa giáo. Trường dòng Bùi Chu cùng với nhà thờ Phát Diệm là hai cái nôi đầu tiên của Thiên chúa giáo ở miền Bắc Việt Nam và cũng là nơi cung cấp cho chúng ta cái nhìn tổng quát về lịch sử phát triển và ảnh hưởng của thiên chúa giáo ở khu vực. Trên đường đến Vườn quốc gia Xuân Thủy, du khách có thể ghé thăm Toà thánh Phú Nhai ở huyện Xuân Trường - là một Nhà thờ lớn nhất Đông Nam Á được xây dựng từ những năm 30 của Thế kỷ trước. Những kiến trúc Tây phương hiện đại, bề thế đặt giữa làng quê trù phú sẽ tạo cho du khách cảm giác vừa lạ lẫm, vừa thi vị. Đến đây, du khách sẽ chiêm ngưỡng và cảm nhận được hết vẻ đẹp và sự kỳ vĩ của công trình kiến trúc đồ sộ này.

Rời đất Xuân Trường đến miền đất Giao Thuỷ (nơi giao nhau của 2 nguồn nước, nước đỏ phù sa của Sông Hồng và nước biển xanh ngắt của Biển Đông); Điểm hẹn đầu tiên của quý khách là Bãi tắm Quất Lâm. Đây là bãi tắm đẹp, tự nhiên cùng với ưu thế sinh thái đặc biệt đã tạo lên sức hút lớn đối với du khách đến từ mọi miền đất nước.

Sau khi nghỉ ngơi, tắm biển, những quý khách yêu quý thiên nhiên sẽ tiếp tục hành trình của mình đến với Vườn quốc gia Xuân Thủy. Khi đặt chân đến vùng đệm của Vườn quốc gia du khách đã có thể cảm nhận không khí mát mẻ thoáng đãng. Nhiều xóm làng xinh đẹp, trù phú được cấu trúc bởi các mô hình sinh thái nhân văn VAC, các công trình kiến trúc độc đáo như: Nhà Bổi, Chùa Chiền, Nhà thờ thiên

41

chúa giáo… pha trộn hài hoà giữa kiến trúc cổ truyền thống và kiến trúc hiện đại, cùng với tập quán nuôi trồng và khai thác quảng canh nguồn lợi thuỷ sản từ hệ thống đầm tôm và vây vạng rộng hàng ngàn héc ta, đã là những điểm tham quan khá lý thú. Các mô hình văn hoá vật thể và phi vật thể ở khu vực sẽ được kết nối để tạo nên một Tour du lịch khép kín và hấp dẫn. Nếu đi trọn Tour du lịch trên, du khách sẽ cảm nhận đầy đủ về mảnh đất và con người của một vùng quê hương văn hiến; từ đó mà trân trọng hơn truyền thống, góp phần sức lực nhỏ bé của mình để giữ gìn những giá trị vĩnh hằng của nền văn hoá vật thể và phi vật thể rất phong phú của địa phương, đồng thời cũng là những di sản quý giá của quốc gia và quốc tế.

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia Cúc Phương và Xuân Thủy (Trang 46 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)