Vấn đề sử dụng từ ngữ trong văn xuôi và trong truyện kí

Một phần của tài liệu tìm hiều đặc trưng ngôn ngữ trong truyện kí của nguyễn tuân (Trang 33 - 35)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Vấn đề sử dụng từ ngữ trong văn xuôi và trong truyện kí

Chúng ta đồng ý với nhau rằng văn học là nghệ thuật ngôn từ. Tuy nhiên, muốn hiểu được một cách sâu sắc, cặn kẽ bản chất thẩm mỹ của ngôn từ trong tác phẩm văn học cũng như trong phong cách ngôn ngữ của nhà văn thì ta nhất thiết phải gắn nó với thể loại bởi vì:

“Mỗi thể loại đòi hỏi một thứ ngôn ngữ riêng, ngôn ngữ của thể loại ấy” [Phan Ngọc

(1985), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb Khoa học xã hội]. Chúng ta có thể áp dụng quan điểm này để nhìn nhận, xem xét và đánh giá mọi biểu hiện của các cấp độ ngôn ngữ trong tác phẩm văn học má cụ thể ở đây là cấp độ từ ngữ.

Xuất phát từ những quy định của thể loại mà từ ngữ trong thể loại truyện kí có những đặc trưng riêng và những đặc trưng sẽ rõ ràng hơn khi ta so sánh từ ngữ trong văn xuôi nói chung, trong truyện kí nói riêng với từ ngữ trong một thể loại khác, cụ thể là trong thơ.

Trước hết, từ ngữ trong thơ - xét từ góc độ ngôn ngữ học thuần túy - không phải là một thứ gì cao siêu hoặc xa lạ mà đó vẫn là những từ ngữ của đời sống, được chắt lọc từ vốn từ ngữ chung của dân tộc. Điều đó cho phép chúng được luân chuyển, tồn tại trong nhiều ngữ cảnh khác nhau với những mục đích sử dụng khác nhau. Rõ ràng là nhà thơ không sản sinh ra từ mới trước đó chưa hề có mà chỉ sử dụng chúng bằng năng lực sáng tạo của mình. Có những trường hợp dùng từ của nhà thơ được xem là bí hiểm, khó hiểu. Cái khó hiểu ở đây không nằm trong nội hàm từ ngữ mà do sắp xếp, cấu trúc ngôn từ của văn bản. Cấu trúc ngôn từ trong tác phẩm thơ rất đặc biệt, nó mã hóa những ý tưởng, tình cảm của tác giả để độc giả phải giải mã mới thấy hết được giá trị tư tưởng cũng như nghệ thuật của tác phẩm. Xuất phát từ điều này mà nhiều người thống nhất rằng nghĩa của từ trong thơ là một thứ nghĩa được tạo sinh bởi quan hệ chứ không còn là nghĩa tròn trịa như trong từ điển. Trong quá trình sáng tạo văn học, loại hình tác phẩm rất quan trọng bởi đây là yếu tố quyết định sự lựa chọn vật liệu kiến tạo nên tác phẩm. Trong thơ, từ ngữ thường được lựa chọn bởi nhiều căn cứ, điều kiện áp chế như: cảm hứng, phong cách tác giả, thể thơ, âm luật, … với các thể thơ cổ điển có kết cấu chặt chẽ, có thi luật khắt khe thì áp lực về những bó buộc khá nặng

nề. Về lí thuyết mà nói, mọi từ ngữ đều có thể được đưa vào trong thơ, nhưng trong thực tế thì từ ngữ trong thơ được lựa chọn một cách rất kỹ càng. Để diễn tả một ý tưởng có thể phải lựa chọn trong hàng trăm từ mới có được một từ vừa ý. Chính vì vậy, từ ngữ trong thơ mang tính chọn lọc cao.

Khác với thơ, văn xuôi nói chung, truyện kí nói riêng phản ánh, tái hiện cuộc sống một cách toàn diện trong đó có tâm lý con người với sự sâu rộng, đa chiều vốn có của nó. Ngôn ngữ văn xuôi là ngôn ngữ của cuộc sống đời thường, vì vậy, nó chấp nhận mọi lớp từ, mọi sự biến đổi thậm chí mang cả nguyên bản từ ngoài cuộc sống vào trong tác phẩm. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là từ ngữ văn xuôi không cần có sự lựa chọn, trau chuốt, chỉ có điều sự lựa chọn, trau chuốt ở đây khác với trong thơ. Về vấn đề này, Đào Thản cho rằng: “Ngôn ngữ nghệ thuật có thể đạt tới một độ chính xác lí tưởng về mặt miêu tả. Điều này trước hết và chủ yếu được quyết định bởi tài nghệ của nhà văn song cũng phải kể đến sức mạnh và tiềm năng của sức mạnh biểu đạt. Không bị ràng buộc, hạn chế bởi đặc trưng phong cách, ngôn ngữ nghệ thuật cho phép lựa chọn và sử dụng tất cả các yếu tố phương tiện, huy động mọi khả năng, vốn liếng của tiếng nói dân tộc đến mức cao nhất cho mục đích thẩm mĩ của mình. Văn xuôi hiện đại không “phân biệt đối xử” đối với các phương tiện thể hiện. Ở đây, không có biện pháp nào được đánh giá là tốt hay xấu, trội hơn hay kém hiệu lực hơn, mà chỉ có thể được ưa dùng, quen dùng hơn trong những thời kì, những xu

hướng hoặc những tác giả nhất định” [Đào Thản, Từ ngôn ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ

thuật, Nxb Khoa học xã hội, tr.202].

Từ suy nghĩ này của Đào Thản, chúng ta nhìn nhận rõ hơn đặc điểm của từ ngữ trong văn xuôi hiện đại. Một điều dễ nhận thấy là với cách tổ chức khá phóng túng nên ngôn ngữ văn xuôi có thể chấp nhận mọi lớp từ, mọi cách nói, không phân biệt sang hèn, thanh tục, cao thấp miễn sao chúng thể hiện có hiệu quả ý đồ nghệ thuật của người viết. Đặc biệt trong thể loại truyện kí, người viết có thể “múa bút” một cách thoải mái và linh hoạt, hay dùng những lớp từ “độc chiêu” theo sở trường và phong cách của mình.

Bởi sự phong phú của nó, từ ngữ trong văn xuôi thường có nhiều cách tiếp cận. Nhà từ vựng học thống kê vốn từ của nhà văn, đặt chúng trong tương quan với vốn từ của toàn dân rồi đặt trên quan điểm đồng đại để rút ra nhận xét. Nhà ngữ pháp học thì quan tâm đến vấn đề từ loại, cách tạo từ trong tác phẩm và đối chiếu với đặc điểm từ loại và đặc điểm cấu tạo từ trong ngôn ngữ chung. Còn nhà ngữ dụng học quan sát trong tác phẩm của nhà văn ở sự hành chức của nó.

Với người nghiên cứu phong cách tác giả, khảo sát từ ngữ để nhận ra những dấu ấn riêng của một tác giả là điều không thể bỏ qua trong việc khái quát đặc điểm của ngôn ngữ nhà văn. Bằng phương pháp thống kê, chúng ta có thể có được số liệu chính xác về vốn từ của một tác giả. Sự giàu nghèo trong vốn từ của các nhà văn hoàn toàn khác nhau, điều này tùy thuộc vào vốn sống, trình độ, khả năng tích lũy của mỗi người.

Thực tế đó đặt ra cho người nghiên cứu phong cách tác giả một hướng tiếp cận riêng, được cụ thể hóa bằng những thao tác rõ ràng. Trước hết, phải khảo sát vốn từ của đối tượng đang tìm hiểu để thấy những lớp từ nào được dùng phổ biến, xuất hiện với tần suất cao trong tác phẩm cũng như những yếu tố nổi bật phân biệt rõ nét với những tác giả cùng thời. Mặt khác, phải khái quát được những trường diễn ngôn và tương ứng với chúng là những trường từ vựng cơ bản trong tác phẩm của nhà văn đó.

Bên cạnh đó phải thấy được trong hệ thống từ ngữ của nhà văn được khảo sát có những đặc điểm gì nổi bật về nguồn gốc hay phạm vi sử dụng, … Cuối cùng, phải đánh giá một cách thỏa đáng những sáng tạo độc đáo riêng của nhà văn trong cách dùng từ ngữ. Những điều cơ bản trên đây sẽ được người viết quán triệt khi tìm hểu hệ thống từ ngữ trong các tác phẩm truyện kí của Nguyễn Tuân.

Một phần của tài liệu tìm hiều đặc trưng ngôn ngữ trong truyện kí của nguyễn tuân (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)