7. Cấu trúc của luận văn
2.1.1. Khái niệm “từ”
Trước hết, chúng ta cần khẳng định rằng “Từ là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ”, trong thực tế có nhiều cách hiểu khác nhau về đơn vị này, tuy nhiên, ở đây người viết chỉ xin được nhắc lại một số quan niệm cơ bản nhất được nhiều người ủng hộ nhằm mục đích làm cơ sở cho việc nhìn nhận, đánh giá những đặc điểm nổi bật về từ trong truyện kí của Nguyễn Tuân, qua đó góp phần làm rõ phong cách ngôn ngữ của ông.
Một trong những quan niệm được công nhận rộng rãi về từ là: “Từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa, có kết cấu vỏ ngữ âm bền vững, hoàn chỉnh, có chức năng gọi tên; được vận dụng
độc lập, tái hiện tự do trong lời nói để tạo câu”[Mai Ngọc Chữ - Vũ Đức Nghệu - Hoàng
Trọng Phiến (2001), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb Giáo dục].
Theo Nguyễn Văn Tu, “Từ là một đơn vị đặc biệt có thể diễn đạt một nội dung tối thiểu đầy đủ và phân biệt với các đơn vị ngôn ngữ khác […]. Từ là đơn vị cơ bản chủ yếu có khả năng vận dụng độc lập mang nghĩa từ vựng, nghĩa ngữ pháp. Chúng ta gọi từ là đơn vị trung tâm vì từ có đầy đủ những tiêu chuẩn của đơn vị ngôn ngữ cơ bản và là đơn vị quan
trọng nhất”.
Đỗ Hữu Châu quan niệm: “Từ là một đơn vị định danh của ngôn ngữ, nó cũng là một hình thức ngữ pháp được các thành viên của một tập thể hiểu như nhau trong quá trình trao đổi. Từ có âm thanh và hình thức. Tuy vậy, âm thanh và hình thức chỉ là những phương tiện cấu tạo nên từ, bản thân chúng chưa phải là từ. Chỉ khi nào gắn liền với một ý nghĩa nào
đấy thì chúng mới có khả năng biểu đạt tư tưởng” [Đỗ Hữu Châu (1962), Giáo trình Việt
ngữ(tập 2, Từ hội học), Nxb Giáo dục, tr.3].
Đi sâu vào khái niệm từ trong tiếng Việt, Đỗ Hữu Châu cho rằng: “Từ tiếng Việt là những phân đoạn ngữ âm cố định, bất biến, phản ánh một cách trực tiếp theo quan hệ 1/1 số lượng hình vị và phương thức cấu tạo, toàn bộ ứng với một hoặc một số từ - ngữ nghĩa gồm một khuôn từ loại và những nét nghĩa riêng cho mỗi từ và ứng với một tập hợp những đặc điểm ngữ pháp chủ yếu mà ngoài từ phù hợp với mỗi từ - ngữ nghĩa. Đó là những đơn vị trong hệ thống từ vựng tiếng Việt - tức là lớn nhất trong hệ thống từ vựng tiếng Việt và nhỏ nhất để tạo câu, chứa đựng trong bản thân những cấu trúc từ - ngữ nghĩa, từ - cấu tạo
và từ - ngữ pháp, chúng cho nhiều từ khác cùng loại” [Đỗ Hữu Châu (1968), Các bình diện
của từ và từ tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, tr.139].
Luận văn nhất trí với những quan niệm cho rằng từ là đơn vị cơ bản nhất của ngôn ngữ và nó có cấu tạo hoàn chỉnh gồm hai phần cơ bản: phần vỏ âm thanh và phần ruột ngữ nghĩa. Từ muốn tồn tại như một đơn vị ngôn ngữ thực sự phải có sự cấu thành của hai tiêu chí vừa nêu.