THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG TỰ DOANH CHỨNG KHOÁN TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN NGÂN HÀNG NÔNG
2.1. Sự phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập đến năm
năm 2014
Như đã trình bày ở phần chương 1, thị trường chứng khoán là môi trường hoạt động của các công ty chứng khoán. Sự phát triển của thị trường chứng khoán có ảnh hưởng trực tiếp đến việc tạo cơ hội cho các công ty chứng khoán trên thị trường chứng khoán. Trải qua chặng đường hơn 14 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm.
Ngày 20/7/2000 là mốc son quan trọng với thị trường tài chính Việt Nam, đó là khai trương Trung tâm giao dịch chứng khoán Tp.HCM và ngày 8/3/2005 khai trương
Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. Có thể nói phiên giao dịch đầu tiên ngày 28/7/2000 đánh dấu ngày thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào hoạt động sau hơn 10 năm chuẩn bị. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế nước ta vì nó mở ra một kênh huy động vốn trung và dài hạn mới bên cạnh hệ thống Ngân hàng.
Xu hướng biến động của TTCK Việt Nam trải qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn I: Từ 28/07/2000 đến cuối năm 2005
Xuất phát từ chỉ số 100 điểm, chưa đầy một năm giao dịch chỉ số VN-Index tăng gần 6 lần, đạt mức đỉnh điểm là 571 điểm vào ngày 26/05/2001. Đây có thể nói tiền
đầu tư vào chứng khoán lúc này có suất sinh lợi cao nhất.
Sau đó thị trường điều chỉnh giảm và xu thế ít biến động trong khoảng thời gian dài đến cuối năm 2005 mới bắt đầu có sự khởi sắc trở lại. Chỉ số VN-Index liên tục đi xuống và điểm đáy là 131 điểm vào ngày 24/10/2003.
Ngày 8/3/2005, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chính thức hoạt động. Ngày 14/7/2005, sàn giao dịch thứ cấp tại TTGDCK Hà Nội chính thức đi vào hoạt động với phương thức giao dịch thỏa thuận.
Giai đoạn II: Từ năm 2006 đến 12/03/2007
Đây có thể coi là giai đoạn thị trường chứng khoán sôi động nhất, mặc dù giai đoạn từ 26/04/2006-02/08/2006 thị trường giảm đi hơn 200 điểm, nhưng kể từ sau đó trong vòng hơn 5 tháng thị trường đã tăng gần 800 điểm. Số lượng, khối lượng và giá trị giao dịch tại giai đoạn này đều tăng gấp 2-3 lần so với giai đoạn trước.
Với mức tăng trưởng đạt tới 60% từ đầu đến giữa năm 2006 thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 2 thế giới, chỉ sau Dim-ba-buê (Zimbabwe), khối lượng vốn hoá tăng gấp 15 lần trong vòng 1 năm. Năm 2006 thị trường chứng khoán Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, chỉ số VN- Index tại TTGDCK TP. Hồ Chí Minh tăng 144%, chỉ số HASTC-Index tại TTGDCK Hà Nội tăng 152.4 %.
Đầu năm 2007 thị trường chứng khoán thật sự bùng nổ. Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 đã góp phần thúc đẩy thị trường phát triển và tăng cường
khả năng hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế. Tính công khai, minh bạch của các tổ chức niêm yết được tăng cường.
Cả hai chỉ số Index đều lập kỷ lục: chỉ số VN-Index đã đạt mức đỉnh là 1,170.67 điểm sau 7 năm hoạt động và HASTC-Index thiết lập mức đỉnh 459.36 điểm sau 2 năm hoạt động. Có thể nói, đây là giai đoạn thị trường đạt mức tăng trưởng với tốc độ lớn nhất khi đạt mức tăng 126% chỉ trong vòng 3 tháng giao dịch.
Yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng nóng trong giai đoạn này phải kể đến sức cầu trên thị trường tăng một cách đột biến khiến giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên giao dịch lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Giai đoạn III: Từ 13/03/2007 đến hết năm 2008
Bắt đầu từ giữa tháng 3 năm 2007 xu thế giảm chiếm lĩnh thị trường trong suốt thời gian dài. Kết thúc phiên giao dịch cuối năm, VN-Index đạt 927.02 điểm, HASTC- Index dừng ở mức 323.55 điểm, như vậy sau 1 năm hoạt động VN-Index đạt được mức tăng trưởng là 23.3%; HASTC-Index tăng 33.2% so với mức điểm thiết lập vào cuối năm 2006.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu có tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu tháng 9/2008. Chỉ trong ba tháng rưỡi, nó đã xóa đi mọi thành quả phục hồi của thị trường trong giai đoạn hai tháng rưỡi trước đó, đưa thị trường về vạch xuất phát hồi giữa năm 2008. Nếu như hai năm 2006 - 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bong bóng với tốc độ thứ nhì thế giới thì sang năm 2008 cũng đứng đầu về tốc độ suy giảm. Và kết quả là đến ngày 31/12/2008, chỉ số VN-Index đạt 315.62 điểm.
Giai đoạn IV: Từ năm 2009 đến hết tháng 6 năm 2010
Bước sang tháng 3 năm 2009, Chính phủ bắt đầu thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, chính sách tài khóa mở rộng, chính sách tiền tệ nới lỏng thông qua gói kích cầu, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất 4%, cũng như chính sách giảm, giãn thuế đối với doanh nghiệp.
Vì vậy, nền kinh tế đã có một số dấu hiệu phục hồi và chính thức thoát đáy từ quý II năm 2009 với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3.9%. Dấu hiệu tích cực này đã phản
ánh nhanh chóng vào thị trường chứng khoán, trong tháng 3 và 4 thị trường chứng khoán chỉ đạt mức tăng trưởng nhẹ và chậm, sau đó đã tăng tốc mạnh từ tháng 5 và chính thức xác lập đỉnh 511 điểm vào ngày 09/06/2009. Tính hết ngày 30/06/2009, VN-Index đã tăng 132.67 điểm (42.03%), HNX-Index tăng 44.57 điểm (42.66%) so với thời điểm kết thúc năm 2008. Sau đó, thị trường có điều chỉnh giảm đến gần hết tháng 7.
Từ tháng 8 đến tháng 10, nền kinh tế thế giới và Việt Nam dần hồi phục, thị trường chứng khoán tiếp tục đợt tăng giá thứ hai đầy mạnh mẽ. Ngày 22 tháng 10 chỉ số VN-Index đạt 624.1, đây là mức cao nhất của chỉ số này sau 394 phiên giao dịch kể từ ngày 14 tháng 3 năm 2008. Trong khoảng thời gian này, thanh khoản liên tục đạt kỷ lục trên cả hai sàn.
Khởi xướng bởi áp lực giải chấp do sử dụng đòn bẩy tài chính, khi chỉ số VN- Index xuống dưới mức 600 điểm, cùng với lo ngại trước những diễn biến bất thường trong hoạt động quản lý kinh tế vĩ mô mà điển hình là chính sách tỷ giá, lãi suất đã khiến cho quá trình điều chỉnh diễn ra. Chỉ số VN-Index giảm 190 điểm trong vòng chưa đầy 2 tháng, thanh khoản của thị trường sụt giảm đáng kể.
Bước qua năm 2010, chỉ số VN-Index trong 3 tháng đầu năm xoay quanh mốc 500 điểm. Nhà đầu tư trên thị trường rất nhạy cảm với các thông tin kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tin về chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Nhà nước.
Sau khi phục hồi và đạt đỉnh điểm vào phiên giao dịch ngày 06/05/2010 với Vn-index và Hn-index lần lượt là 549,25 điểm và 187,22 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu xu hướng giảm và kết thúc quí II không mấy khả quan.
Từ 07/05 đến 25/08/2010,VN-Index điều chỉnh 22.9% xuống 423.89 điểm, mức thấp nhất trong năm 2010. Áp lực từ Thông tư 13 của NHNN là nguyên nhân khiến thị trường điều chỉnh. Thanh khoản thị trường trong giai đoạn này sụt giảm mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày cuối cùng của năm 2010 (31/12), VN-Index tăng 3,26 điểm lên 484,66 điểm (+0,68%), giảm 10,14 điểm so với năm 2009, tương đương giảm 2%. HNX-Index tăng 1,6 điểm lên 114,24 điểm (+1,42%); giảm 32% so với mức đóng cửa năm 2009 là 168,17 điểm.
Giai đoạn V: Từ 09/02/2011 đến năm hết năm 2012
Ngày 09/02/2011, chỉ số VN-Index đã đạt mức 22.59 điểm. Đến ngày 25/05/2011, thị trường lao dốc về mốc 386.36 điểm, mức thấp nhất kể từ đáy năm 2009. Trong gần 4 tháng, chỉ số VN-Index đã mất 26% so với mức đỉnh thiết lập vào ngày 9/02/2011. Khối lượng giao dịch cũng đã sụt giảm mạnh trong giai đoạn này. Ngay sau khi chạm mốc 386.36 điểm, thị trường đã có chuỗi 6 phiên hồi phục liên tiếp giúp VN-Index tăng 16.6%, đưa chỉ số lên mức 450.59 điểm vào ngày 2/6/2011.
Thị trường vẫn xuất hiện một số phiên phục hồi, nhưng việc kinh tế vĩ mô đang phải đối mặt nhiều khó khăn mang tính cơ cấu bộc phát cùng lúc, sự phục hồi này chỉ mang tính chất ngắn hạn. Thanh khoản thị trường trong giai đoạn này sụt giảm mạnh so với trước đó. Kết thúc năm 2011, VN-Index đứng tại 351.55 điểm và HNX-Index đứng tại 57.61 điểm.
Từ 3/1 đến 14/5 năm 2012, thị trường hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với những con số ấn tượng: Chỉ số VN-Index lên sát 490 điểm, GTGD nhiều phiên tại hai sàn đạt trên dưới 3.000 tỷ đồng/phiên.
Từ 15/5/2012 đến 30/11/2012, động lực tăng trưởng của TTCK bắt đầu yếu đi. TTCK suy giảm kéo dài, giao dịch ảm đạm, thanh khoản sụt giảm mạnh, chỉ số VN- Index nhiều tháng chỉ loanh quanh ngưỡng 370 - 380 điểm.
Tại phiên giao dịch Thứ Ba ngày 21/8/2012, TTCK đã sụt giảm mạnh với các chỉ số chứng khoán chủ chốt giảm gần hết biên độ cho phép kéo theo hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán lao dốc. Theo ước tính sơ bộ, tổng vốn hóa thị trường trên cả hai sàn HOSE và HNX phiên giao dịch 21/8 đã mất gần 19,119 tỷ đồng (920 triệu USD).
Thị trường bất ngờ hồi phục và khởi sắc trở lại trong tháng giao dịch cuối cùng của năm 2012. Chỉ trong một tháng giao dịch, chỉ số VN-Index đã tăng tổng cộng 35,91 điểm từ 377,82 điểm (phiên 30/11) lên 413,73 điểm (phiên 28/12). Trên SGDCK Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 6,04 điểm từ mức 51,05 điểm (phiên 30/11) lên 57,09 điểm (phiên 28/12). Tính chung cả năm, HNX-Index vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Còn trên sàn HOSE, chỉ số VN-Index cả năm tăng trưởng 18,3%.
Thị trường chứng khoán năm 2013 nhận được sự hỗ trợ tích cực từ vĩ mô như gói cứu trợ bất động sản 30,000 tỷ đồng và phương án xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), hai yếu tố này đã giúp thị trường khởi sắc trong nửa đầu năm.
Và nửa cuối năm còn lại thị trường nhận được hỗ trợ từ việc lãi suất tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn giảm, dòng tiền đầu cơ đổ vào chứng khoán, các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, vàng và bất động trở nên kém hấp dẫn so với chứng khoán cũng là một nhân tố giúp dòng tiền được đổ vào thị trường trong năm qua.
Nhờ đó, VN-Index đã tăng từ 413 điểm lên 504.63 điểm, tăng 22.2%; HNX- Index tăng 18.9% từ 57.07 lên 67.84 điểm. Trong năm, VN-Index đã từng đóng cửa ở mức 527.95 điểm tại phiên ngày 07/06, đây cũng là phiên đánh dấu sự kết thúc của xu hướng tăng điểm trước đó và khởi đầu xu hướng sụt giảm kéo dài đến hết tháng 6. Ngày 23/12/2012, HNX-Index đạt mức cao nhất trong năm tại 68.3 điểm.
Giai đoạn VI: Từ năm 2013 đến hết năm 2014
Trên thị trường chứng khoán, các giải pháp như giảm thuế với chuyển nhượng chứng khoán, kéo dài thời gian giao dịch, áp dụng lệnh thị trường, nới biên độ giao dịch, điều chỉnh tỷ lệ giao dịch ký quỹ từ 40/60 lên 50/50 đã được áp dụng. Đồng thời, công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán được đẩy mạnh, đặc biệt là vấn đề sắp xếp lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán và việc ban hành các quy định mới về quỹ mở, triển khai giao dịch ETF đã tạo điều kiện thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tổ chức đầu tư nước ngoài.
Do vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2013 đã có những diễn biến và kết quả khả quan. Chỉ số VN-Index tăng gần 23%; HN-Index tăng trên 13% so với cuối năm 2012. Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là 1 trong những nước có mức độ phục hồi mạnh nhất trên thế giới. Mức vốn hóa vào khoảng 964,000 tỷ đồng (tăng 199,000 tỷ đồng so với cuối năm 2012), tương đương 31% GDP.
Năm 2014 là năm thị trường chứng khoán chịu nhiều các tác động từ những yếu tố bên ngoài, mà tiêu biểu nhất là sự kiện biển Đông và những đột biến của giá dầu thế giới.
Thị trường lần đầu tiên phải đối diện với những rủi ro như vậy. "Sự kiện biển Đông" bắt đầu tác động đến thị trường từ cuối tháng 4, đúng vào giai đoạn điều chỉnh sau chu kỳ tăng trưởng tốt 3 tháng đầu năm. Chỉ trong vòng 7 phiên, VN-Index đã sụt giảm hơn 11%, rơi xuống mức thấp nhất 508,51 điểm, HNX-Index giảm hơn 13%, còn 68,74 điểm. Đây là những phiên sụt giảm liên tục cấp kỳ mạnh nhất kể từ tháng 8/2012.
Sự kiện giá dầu thế giới giảm chủ yếu tác động đến thị trường thông qua quá trình định giá lại triển vọng của các cổ phiếu dầu khí và ảnh hưởng từ quy mô vốn hóa rất lớn của các cổ phiếu này. VN-Index chỉ trong 15 phiên cuối tháng 11 và đầu tháng 12 đã sụt giảm 27,8% và HNX-Index sụt giảm 6,7%, trong đó những cổ phiếu tiêu biểu như GAS sụt giảm tới 30,4%, PVD giảm 27,8%, PVS giảm 32,6%...