Qua việc tìm hiểu, phân tích truyền thuyết về các thành hoàng làng và các lễ hội cổ truyền ở các làng La Cả, La Dương, La Phù chúng ta dễ dàng
nhận thấy giữa truyền thuyết và lễ hội có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Truyền thuyết tạo cho nội dung lễ hội phong phú, thiêng liêng, cao cả. Ngược lại lễ hội là một minh chứng, khẳng định cho sự tồn tại của truyền thuyết, truyền thuyết được biểu hiện bằng diễn xướng trong lễ hội.
3.3.1 Truyền thuyết về Đƣơng Cảnh Công, Tam vị Minh Tuất đại vƣơng, Tĩnh Quốc Tam Lang là xƣơng sống của các lễ hội Rã La, La Dƣơng, La Phù.
Khảo sát các lễ hội thờ Đương Cảnh Công, Tam vị Minh Tuất đại vương, Tĩnh Quốc Tam Lang ở La Cả, La Dương, La Phù chúng tôi thấy lễ hội được thực hiện trên cơ sở những truyền thuyết về các thành hoàng được ghi lại trong các thần tích và được truyền tụng trong dân gian.
Như chúng ta đã biết trong lễ hội Rã La bao giờ cũng có tấm da hổ và có diễn lại trò đánh bệt (đánh hổ). Tấm da hổ và trò diễn cùng nhân vật chính được thờ cúng trong lễ hội chính là nội dung sinh động nhất về truyền thuyết thành hoàng Đương Cảnh Công.
Trong Lễ hội làng La Dương ngoài các nghi lễ, thờ cúng thì tục hèm thờ trâu trắng cũng chính là nội dung liên quan tới truyền thuyết về Tam vị Minh Tuất đại vương. Theo như truyền thuyết thì trong ngày ăn mừng thắng trận ngài đã được thần linh cho con trâu trắng để khao quân, dân. Và để tưởng nhớ đến thành hoàng làng, nhớ lại ngày khao quân, dân năm xưa dân làng đã duy trì tục thờ trâu trắng trong lễ hội.
Lễ hội rước lợn trong hội làng La Phù cũng có liên quan tới truyền thuyết Tĩnh Quốc Đại Vương. Mảnh đất La Phù chính là mảnh đất Hùng Vương đã phong làm thực ấp cho Tĩnh quốc Đại Vương. Mảnh đất ấy cũng chính là nơi trước kia Ngài đã tổ chức ăn mừng chiến thắng và tổ chức vui chơi cho dân làng.
Như vậy các lễ hội bao giờ cũng gắn với truyền thuyết, ít nhiều đều liên quan tới nội dung phản ánh trong truyền thuyết. Truyền thuyết là nội dung còn lễ hội là hình thức. Nội dung có phong phú thì hình thức cũng mới phong phú và đa dạng, sinh động.
3.3.2 Lễ hội La Cả, La Dƣơng, La Phù là môi trƣờng diễn xƣớng tái
hiện và nuôi dƣỡng các truyền thuyết về Đƣơng Cảnh Công, Tam vị Minh Tuất đại vƣơng, Tĩnh Quốc Tam Lang.
Trong phần trên (phần 3.3.1), chúng tôi đã trình bày về sự tác động của truyền thuyết đối với lễ hội. Nhưng đây không phải là mối quan hệ một chiều. Về phần mình, lễ hội cũng có vai trò tác động trở lại với truyền thuyết. Lễ hội chính là môi trường diễn xướng để tái hiện và nuôi dưỡng truyền thuyết.
Ngoài các chi tiết trong lễ hội có liên quan tới nội dung truyền thuyết nêu trên thì trong nghi lễ thờ cúng, phần đọc chúc văn thì nội dung chúc văn bao giờ cũng nhắc lại công lao của các Thành hoàng. Đây cũng chính là biểu hiện sinh động của nội dung truyền thuyết, liên quan tới nội dung lễ hội. Mặt khác, nó còn khẳng định và nhắc nhở người xem luôn nhớ đến và biết ơn các vị Thành hoàng. Về vấn đề này, tác giả Lê Văn Kì đã viết: “So với truyền thuyết, trong việc phản ánh người anh hùng, lễ hội có một số ưu thế mà truyền thuyết không có được. Nhưng những hành trạng đó khi được diễn lại qua lễ hội (dù là không phải toàn bộ các hành trạng) thì hình tượng người anh hùng sẽ tác động trực tiếp, trực quan đến đông đảo dân chúng nhờ môi trường hội, nhờ sự góp mặt đồng bộ của nhiều thành tố nghệ thuật,… Không những thế, một bộ phận nhân dân không chỉ đóng vai trò người xem mà còn đóng vai trò nhập vai, diễn tả những việc mà trước đây vị thần – người anh hùng đã từng làm… Chính nhờ sự nhập vai, đóng vai đã làm cho người dân tự hoàn thiện về mặt đạo đức, phẩm hạnh, ghi nhớ sâu sắc hơn hành trạng của người anh hùng. Ở họ vừa có niềm hân hoan trước cộng đồng, vừa có niềm thành kính
thiêng liêng với quá khứ, đối với các vị anh hùng dân tộc”. [45, tr.105].
3.4. Bƣớc đầu nhận diện tính chất các lễ hội thờ thành hoàng làng ở các làng La Cả, La Dƣơng, La Phù. làng La Cả, La Dƣơng, La Phù.
3.4.1 Lễ hội về các anh hùng văn hóa, lịch sử
Sùng kính, tôn thờ nhân vật anh hùng lịch sử, văn hoá là một hoạt động tín ngưỡng cộng đồng. Trong hội làng, nội dung thờ phụng các nhân vật anh hùng lịch sử, văn hoá đã thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, cũng như “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” để giáo dục cho thế hệ sau noi gương và từ đó dấy lên lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước.
Hội Rã La thờ Thành hoàng có tên huý là Đương Cảnh (dân kiêng huý gọi lệch Cảnh là Kiểng), trên đường dẹp giặc đã giúp dân làng tiêu diệt chúa sơn lâm “Hổ lang vàng mép” quấy nhiễu khắp vùng, trừ hẳn cái hoạ lâu nay hổ dữ hoành hoành. Đêm Rã La dân làng tổ chức diễn trò múa đánh bệt (đánh hổ) trong ánh đuốc bập bùng đã tái hiện những lễ thức săn bắn của người xưa. Diễn lại trò xưa là để nhắc nhở con cháu ngày hôm nay phải biết ghi nhớ công lao to lớn của Thành hoàng làng, người đã có công khai khẩn đất đai, tiêu diệt thú dữ để mở làng lập ấp.
Trong lễ hội truyền thống ở La Dương, La Phù, chúng ta cũng không mấy khó khăn để nhận ra tính chất tưởng nhớ người anh hùng. Các lễ hội này hầu hết được gắn với các di tích lịch sử - văn hoá, những nơi này đều ít nhiều gắn với các hoạt động thời xưa của người anh hùng. Người dân đến hội là để tưởng nhớ đến những người anh hùng có công lập làng, có công trong công cuộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Đó là một phần những tên tuổi có tầm cỡ quốc gia, hay một địa phương nào đó. Việc xây dựng lễ hội trên nền của truyền thuyết là biểu hiện rõ nét của truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của nhân dân ta. Việc khơi dậy truyền
thống đó là một việc hết sức cần thiết.
Trong lễ hội ở các làng La Cả, La Dương, La Phù chúng tôi nhận thấy tất cả các nghi lễ đều nhằm biểu thị tấm lòng tôn kính và ghi nhớ công ơn đối với thần thánh, những người anh hùng lịch sử, văn hóa có công với làng, với nước. Về vấn đề này khi nghiên cứu về lễ hội ở Hà Tây (cũ) tác giả Hồ Sĩ Vịnh đã có nhận xét : “Nói tới tín ngưỡng dân dã trong lễ hội cổ truyền Hà Tây là phải kể tới việc thờ phụng các nhân vật là các anh hùng văn hóa, lịch sử [79, tr.14]. Tất cả đều là những lễ hội thể hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn của nhân dân. Cũng có thể nhìn nhận ở đây tinh thần tự hào dân tộc thông qua sự tưởng nhớ và kính trọng các anh hùng lịch sử - văn hóa dân tộc” [79, tr.15].
3.4.2 Những dấu vết của lễ hội nông nghiệp
Bên cạnh sự tôn sùng, ngưỡng mộ và cả lòng biết ơn thành kính đối với các vị anh hùng lịch sử và anh hùng văn hóa, nhân dân các làng La Cả, La Dương, La Phù còn gửi gắm những cầu mong và ước nguyện của mình trong các lễ hội. Đó là họ cầu mong thần thánh che chở và phù hộ cho con người được mạnh khỏe, mùa màng được bội thu. Những niềm tin và ước nguyện đó đã được người xưa biểu hiện bằng một loạt những nghi lễ và tục hèm trong lễ hội. Theo dõi các nghi lễ, trò diễn trong lễ hội ở La Cả, La Dương, La Phù, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những dấu vết của lễ hội nông nghiệp ẩn chứa trong lễ hội về người anh hùng.
Trong lễ hội Rã La (La Cả), đêm cuối cùng của lễ hội, người ta diễn lại trò săn hổ (gọi là đánh bệt) để vừa là diễn lại tích xưa, tưởng nhớ lại chuyện thành hoàng làng Đương Cảnh đã đánh chết con “hổ lang vàng mép” để giữ yên cuộc sống cho dân làng nhưng đồng thời cũng là để cho trai gái gặp gỡ nhau nhằm cầu mong cho năm tới được “nhân khang vật thịnh”. Đây là dấu vết của tín ngưỡng phồn thực còn lưu lại trong lễ hội Rã La. Về trò diễn này
hiện nay có hai luồng ý kiến trái ngược nhau: luồng ý kiến phổ biến nhất cho rằng đây là dấu vết của tín ngưỡng phồn thực, luồng ý kiến thứ hai cho rằng đây là lễ thức đánh bệt, không có yếu tố phồn thực, trong lễ hội có lúc tắt đèn nhưng chỉ là chuyển ngai thánh chứ không phải là để cho trai gái tự do đùa nghịch.
Để hiểu rõ về vấn đề này, trong quá trình điền dã chúng tôi đã gặp gỡ và hỏi các cụ già trong làng về trò đánh bệt và tục tắt đèn trong đêm Rã La. Theo các cụ kể thì lễ hội Rã La ngày xưa và hiện nay vẫn diễn trò đánh bệt và tắt đèn, đuốc, tuy nhiên các sự việc trong đêm khi tắt đuốc thì có khác nhau. Ngày nay xã hội văn minh hơn nên khi tắt đèn, đuốc thì không có hiện tượng trai gái đùa nghịch nhau. Các cụ có kể, trước kia các cụ đã từng nghe kể lại, trong đêm rã đám hội La (Rã La) khi diễn trò đánh bệt thì tất cả đèn, đuốc đều tắt (tắt từ hai đến ba tiếng), lúc đó đình làng còn rậm rạp nhiều cây cối. Lúc này trai gái tự do gặp gỡ nhau, hoặc trong quá trình đuổi đánh bệt (trong đêm tối) thì trai gái cũng va chạm vào nhau, gọi là săn hổ nhưng thực ra đây là lúc trai gái tự do đi tìm nhau, ai bắt ai, ai đuổi ai cũng mặc. Đây là đêm “tháo khoán” nam nữ được tự do bình đẳng không cần giữ thứ bậc, lễ giáo. Đêm tắt đèn và trò trai gái tự do đùa nghich là tục bắt buộc phải có của hội Rã La, các cụ bảo rằng tục này sẽ làm cho mùa màng sinh sôi, nảy nở, tươi tốt vì sinh lực của con người truyền xuống đất, đất lại truyền lại cho cây cối. Tục tắt đèn này ở La Cả không phải là độc nhất. Tục này chúng ta còn thấy ở trong lễ hội làng Niệm Thượng (Bắc Ninh), làng Đan Nhiễm (Hà Bắc). Như chúng ta đã biết, trong điều kiện xã hội Việt Nam thời xưa, thiếu trang thiết bị sản xuất, cộng thêm với thiên tai khắc nghiệt gây ra, con người bất lực đẫn đến mùa màng rất thất thường. Kết quả của sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên. Chính vì vậy nhu cầu về việc cầu mong sự sinh sôi nảy nở ở cây trồng của họ là rất lớn. Trước những bất lực về người, về trời họ đành trông chờ vào sự giúp đỡ của
thần linh. Điều này dẫn đến các nghi thức, tín ngưỡng để cầu mùa.
Bên cạnh các yếu tố phồn thực, việc diễn lại tích trò đánh bệt cũng là thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của cư dân lúa nước nói chung và người dân La Cả xưa nói riêng. Từ thủa khai làng mở ấp, người Việt cổ từ vùng núi cao tiến về đồng bằng, khai phá rừng rậm để trồng trọt, định cư. Họ phải chinh phục thiên nhiên. Trong cuộc chinh phục đó con người phải chống cả kẻ thù bốn chân, mà hổ là biểu tượng chung cho thú dữ. Trong quan niệm của người Việt cổ, hổ còn thể hiện là của Âm, của Đất. Đánh hổ còn thể hiện là sự mở mang đất đai, bắt đất qui phục để phát triển làm ăn. Thắng hổ là khát vọng mạnh mẽ, muôn đời của cư dân nông nghiệp.
Như vậy dấu vết của tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội nông nghiệp đã quá rõ ràng. Tuy nhiên ngày nay để nhận ra những dấu vết đó thì quả là khó bởi vì những biểu hiện về hành vi của tục hèm nay đã khác xưa. Nó chỉ tồn tại trong kí ức và dấu vết duy nhất còn lại là hiện tượng tắt đèn. Đây là lớp trầm tích văn hóa đã bị mờ đi bởi những biến đổi của thời gian và xã hội. Có lẽ chính bởi điều này mà hội Rã La là hội vui nhất trong vùng như câu ca dao vẫn hằng truyền tụng, mặc dù qui mô hoành tráng của lễ hội Rã La chưa chắc đã bằng các lễ hội chùa Thầy, hội Đăm, hội Giá
“Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy Vui thì vui vậy, chẳng tày Rã La”.
Ngoài ra lễ hội Rã La còn có tục “yểm mao huyết”. Theo chúng tôi đây cũng là một dấu vết của tín ngưỡng nguyên thủy. Người ta tin rằng yểm như vậy thì mọi tà ma sẽ không dám đến quẫy nhiễu do vậy cây cối và con người được yên ổn để sinh sôi, nảy nở, phát triển.
Lễ hội làng La Dương với lễ tam sinh và lễ rước trâu: kiệu một con trâu trắng thui sạch, trát tiết đỏ khắp mình ra đình làm tế. Người ta tin rằng cùng với các nghi lễ khác, lễ tam sinh và lễ rước trâu sẽ cầu xin được thành hoàng
làng che chở và giúp cho dân làng được nhân khang vật thịnh. Theo chúng tôi, đây không chỉ đơn thuần là một nghi lễ bình thường mà là tàn dư, dấu vết của nghi lễ hiến sinh trong lễ hội cầu mùa còn rơi rớt lại.
Cũng giống như lễ hội La Dương, lễ hội La Phù với tục rước lợn cũng rất độc đáo. Tuy nhiên đây cũng không chỉ là nghi lễ bình thường. Nó là nghi lễ hiến vật (hiến sinh), một dấu vết của lễ cầu mùa của người xưa còn lưu lại trong lễ hội. Với hình thức hiến vật này người ta tin rằng thần sẽ phù hộ cho con người sinh sôi phát triển và mùa màng sẽ bội thu.
Như vậy, rõ ràng trong lễ hội tưởng nhớ người anh hùng lịch sử, người anh hùng văn hóa có dấu vết của nhiều loại hình tín ngưỡng khác nhau của lễ hội nông nghiệp. Điều này cho thấy nguồn gốc ban đầu của các lễ hội về người anh hùng là những lễ hội nông nghiệp. Bởi, theo qui luật, lễ hội nông nghiệp có trước lễ hội về người anh hùng có sau, nhưng rồi trải qua thời gian, theo sự phát triển và biến đổi của xã hội các hình thái của lễ hội cũng có những thay đổi. Việc tồn tại hai nghi thức này trong một lễ hội đã cho thấy dấu vết của sự “anh hùng hóa” một lễ hội nông nghiệp. Trường hợp này không phải là hiếm thấy. Nó là một hiện tượng phổ biến trong lễ hội ở Hà Tây (cũ) nói riêng và đồng bằng Bắc bộ nói chung. Vấn đề này tác giả Hồ Sĩ Vịnh có viết : “Trong lễ hội cổ truyền Hà Tây còn lắng đọng những tín ngưỡng rất cổ xưa, mà trên lát cắt đồng đại, chúng ta thấy đó là những trò diễn, những nghi thức, những tục hèm. Đó là tín ngưỡng cầu mưa của cư dân nông nghiệp, đó là tín ngưỡng thờ mặt trời. Những tín ngưỡng dân dã này ẩn khuất trong những lớp văn hóa, khiến chúng ta khó nhận ra diện mạo ban đầu”.[79, tr.15]. Hiện tượng đan xen lễ hội nông nghiệp và lễ hội lịch sử cho thấy trong quá trình lịch sử dân tộc, nhiều lễ hội nông nghiệp vốn xuất hiện từ rất sớm đã dần dần được chắp thêm một lớp ý nghĩa nữa là lễ hội tưởng niệm, ca ngợi các anh hùng. Về vấn đề này, đúng như Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã nhận xét:
“Thế mới biết là lễ hội người Việt từ bao đời nay đã tắm mình trong dòng sông lịch sử cuồn cuộn chảy qua các mốc chiến thắng lẫy lừng, nó bị lịch sử hoá để từ những nghi thức, lễ nghi nông nghiệp khuôn theo nhịp điệu thời gian tuần hoàn của công việc nhà nông, của làng xã cất mình vươn tới những ngày hội lịch sử toả rộng ra cả quốc gia, bén rễ sâu hơn vào tâm thức của cộng đồng: yêu nước, dựng nước và giữ nước”. [67, tr.31-32].