Hiện nay có nhiều ý kiến về khái niệm motif. Trong luận văn này, chúng tôi sử dụng cách hiểu khái niệm motif của nhóm tác giả Từ điển thuật ngữ văn học xuất bản năm 1993. Theo từ điển này: “Motif” gọi là “mẫu đề”(do người Trung quốc phiên âm chữ motif trong tiếng Pháp) có thể chyển thành các từ: khuôn, dạng hoặc kiểu trong tiếng Việt nhằm chỉ những thành tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành ổn định, bền vững và được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là trong sáng tác văn học nghệ thuật dân gian”. [30, tr.136]
Motif sinh nở thần kì.
Motif sinh nở thần kì là motif có nhiều trong truyện cổ Việt Nam và trên thế giới. Đặc biệt trong hai thể loại truyện cổ tích và truyền thuyết thì số lượng tác phẩm và nhân vật có lai lịch thần kì còn nhiều hơn cả số lượng tác phẩm và nhân vật có lai lịch bình thường. Với truyện cổ, người ta coi việc
xuất hiện khác thường trong sinh nở của nhân vật như là một điềm báo về một cuộc đời có nhiều đặc biệt, phi thường của nhân vật.
Truyền thuyết về Đương Cảnh Công ở làng La Cả có kể lại rằng:
“ ... đời Hùng Duệ vương ở đạo Hải Dương, phủ Thượng Hồng, huyện Đường Hào, làng Sài Trang có người con gái họ Trần tên là Thị Châu, tuổi vừa 18. Nhà vốn lấy công việc nhuộm vải làm nghề kiếm sống. Một lần bà Châu lên Đại La trang, Kì La khu thuộc huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, thấy có mở lễ hội, tế lễ hát chèo, bèn ở lại xem. Đến tối tạm nghỉ ở hành lang miếu đó. Khoảng nửa đêm chợp mắt bỗng thấy một khối háo quang từ thần vị bay ra như ngôi sao sa chui vào miệng. Bà liền nuốt đi. Lúc sau tỉnh dậy thấy làm sự lạ. Từ đó về nhà bà có mang. Ngày mồng 10 tháng Giêng năm Giáp Dần bà sinh được một nam tử, thiên tư đĩnh ngộ, diện mạo khôi ngô” [102, tr. 326].
Còn truyền thuyết làng La Phù có kể lại rằng: “ Ở đạo Sơn Nam Hạ, làng Chảy có nhà họ Vương lấy huý là Thanh, mấy đời tu nhân tích đức giúp người nghèo, khốn khó, sánh duyên với người cùng quận là bà huý Nguyễn Thị Phẩm, con nhà dòng dõi trâm anh. Ông làm nghề thuốc, cả hai ông bà đều có đức hạnh, nhân từ, sống rất hạnh phúc chỉ buồn một nỗi là tuổi cao mà chưa có con…Một đêm, bà nằm mộng thấy một ông thần núi đứng ở đầu giường bảo rằng: “Nhà ngươi có đức, trời đã biết cho, về sau này sẽ cho đệ tam lang xuất thế, chớ có lo gì””. Nói xong thần vụt biến mất. Từ đấy, bà Nguyễn mang thai. Đến năm Nhâm Ngọ, ngày bảy tháng Giêng sinh được một cậu con trai thiên tư dĩnh ngộ (khôi ngô tuấn tú), thể mạo khác thường ...” [103, tr. 56-57].
Truyền thuyết làng La Dương kể về thành hoàng Minh Tuất Đại Vương như sau : “Vào đời Hùng Nhuệ Vương, ở trang Châu Cầu, huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân có hai vợ chồng Hàn Hiển và bà Đào Thị Oanh, nhà nghèo, chuyên sống bằng nghề đánh cá, chăm chỉ làm ăn, hiền lành phúc đức. Một hôm, hai vợ chồng đánh cá ở dòng Tiểu Giang (tức sông Nhuệ), kéo lưới lên
được ba mươi nén vàng. Từ đó ông bà trở nên giàu có, nhưng hiềm nỗi gần năm mươi tuổi mà chưa có con trai. Ông bà dành phần lớn số vàng đó đi làm phúc, giúp đỡ người nghèo và cung tiến cho các chùa, miếu.
Ông bà đi cầu tự ở nhiều nơi nhưng không có kết quả. Một lần, ông bà đến chùa Thiên Vũ, làng La Nhuế cầu tự. Đêm đến, họ nghỉ tại nhà mẫu của chùa. Canh ba, bà Oanh mơ thấy ba người mặc áo đỏ, hình rồng dị dạng khác thường, tự xưng là quan thủy thần, biết ông bà muộn con, lại ăn ở phúc đức hiền lành, xin đến làm con ông bà vào giờ Mùi năm Nhâm Tuất.
Sáng hôm sau, bà Oanh nói về giấc mộng với ông Hiển. Hai người làm lễ tạ rồi ra về. Ra đến Minh Miếu (miếu của làng La Nhuế) thì trời đổ mưa bão, tối tăm mù mịt. Từ trên trời có đám mây sà vào bà Oanh. Vợ chồng phải vào miếu trú tạm. Bước vào cửa miếu thấy phía trên hiện bốn chữ “Linh Linh thuỷ quan”, họ bèn khấn thần linh. Bỗng có ba phiến hào quang sà vào người bà Oanh. Bà sợ quá ngất đi. Trong giấc ngủ lại thấy có ba người con trai từ bên giếng Tả (giếng Phỗng) đi lên, ra phía sau miếu, tự xưng là Thuỷ quan tướng quân, phụng mệnh triều đình vào đầu thai. Tỉnh dậy bà Oanh kể lại cho ông Hiển nghe. Ông Hiển cho là điềm hay, làm lễ tạ rồi hai người xuống thuyền về nhà.
Từ đấy, bà Oanh có mang. Đến năm Nhâm Tuất, tháng Giêng, ngày 11, bà sinh ra một bọc ba người con trai khôi ngô. Ông bà đặt tên các con là: Minh, Tuất, Tam Lang”. [102, tr.329].
Như trên đã nêu, sự sinh nở thần kì này không phải là điều hiếm thấy trong kho tàng truyện cổ dân gian thế giới và Việt Nam, đặc biệt là với truyền thuyết. Về hiện tượng này PGS - TS Nguyễn Bích Hà trong công trình Thạch
Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam á đã
có nhận xét “Nó phổ biến đến mức, trong truyện cổ tích sự ra đời thần kì dường như còn nhiều hơn và quen thuộc hơn là sự ra đời bình thường của các nhân vật” [28, tr41]. Cũng trong công trình này tác giả đã thống kê được 10 dạng thức ra đời thần kì như sau:
a. Đứa trẻ ra đời do thiên nhiên cảm ứng
b. Đứa trẻ ra đời do người mẹ ăn hoặc uống phải dị vật c. Đứa trẻ ra đời do người mẹ uống nước đựng trong dị vật d. Đứa trẻ ra đời do người mẹ nằm mộng
e. Đứa trẻ ra đời do người mẹ kết hợp với một con vật nào đó f. Đứa trẻ ra đời do người mẹ kết hợp với thần linh
g. Đứa trẻ ra đời do người mẹ sinh ra một bọc trứng hoặc một cục thịt
h. Đứa trẻ ra đời từ một quả cây hoặc một cây tre, khúc gỗ. i. Đứa trẻ ra đời do được một lực lượng siêu nhiên đầu thai
hoặc do thần thánh mượn cửa để xuống trần gian.
j. Đứa trẻ ngay khi ra đời đã có một dị tật hoặc là một con vật. Và tác giả cũng đã chỉ ra rằng nguồn gốc của sự ra đời khác thường này bắt nguồn từ “những quan niệm sai lầm về sự sinh đẻ được ghi dấu ấn trong thần thoại”. Đối chiếu sự sinh nở thần kì của thành hoàng các làng La Cả, La Dương, La Phù chúng tôi thấy sự ra đời kì lạ thuộc dạng thức thứ tư (d) trong mười dạng thức kể trên - “Đứa trẻ ra đời do người mẹ nằm mộng”. Tuy nhiên sự tiếp thu này không phải để lí giải hay là một quan niệm về sự sinh nở mà là một thái độ tình cảm của nhân dân đối với một nhân vật được dân làng thờ cúng và suy tôn làm thành hoàng. Qua khảo sát chúng tôi thấy điều này cũng rất phổ biến trong truyền thuyết, đặc biệt là truyền thuyết về các nhân vật lịch sử. Ví dụ như truyền thuyết về Thánh Gióng, truyền thuyết Lý Công Uẩn, truyền thuyết về Lê Lợi. Từ đây chúng tôi cho rằng ý nghĩa của motif về sự sinh nở thần kỳ trong truyền thuyết về các thành hoàng làng La Cả, La Phù, La Dương phản ánh các vấn đề sau :
Thứ nhất xét về góc độ sáng tạo văn học nghệ thuật thì motif này nhằm tạo ra các yếu tố thần kì để thu hút, hấp dẫn người đọc, người nghe.
Thứ hai xét ở góc độ văn hoá tâm linh thì motif này nhằm linh thiêng
Thứ ba xét dưới góc độ nhận thức lịch sử thì motif này phản ánh thái độ
của nhân dân các làng La Cả, La Dương, La Phù đối với các vị thần linh được suy tôn làng thành hoàng làng. Đó là sự yêu mến, tôn vinh, đề cao của nhân dân với các vị thần linh. Họ thần kì hoá sự sinh nở này bởi vì họ quan niệm thần phải khác người thường. Họ giải thích về nguồn gốc cao quý của các thành hoàng: Thành hoàng không thể có nguồn gốc xuất thân tầm thường mà phải thuộc nòi giống thần linh (thành hoàng làng La Dương, La Cả) hoặc Trời Phật do dòng giống thần tiên đầu thai trở lại giúp dân làng (chàng Ba con vua Hùng đầu thai trở lại - thành hoàng làng La Phù).
Motif tài năng và phép lạ
Trong truyền thuyết, đặc biệt là truyền thuyết lịch sử, motif tài năng và phép lạ luôn thể hiện sự khác thường, hơn người, hơn đời ngay từ thời bé thơ của các nhân vật chính diện. Ví dụ như có sức khoẻ phi thường: nâng được cối đá lên cao, tay không giết cọp dữ, nhảy cao và xa đến mức khác đời, có nhiều phép lạ hoặc ôm chí lớn hơn người …Chúng ta đã biết một trong những đặc điểm thi pháp nhân vật của thể loại truyền thuyết là cách thể hiện nhân vật.Truyền thuyết không chỉ có chức năng ghi chép lịch sử mà còn có chức năng phản ánh, ghi lại thái độ, tư tưởng, tình cảm và quan niệm của nhân dân về các sự kiện lịch sử và cá nhân lịch sử bằng hình thức nghệ thuật.Vì thế có thể nói rằng cách thể hiện nhân vật và sự kiện lịch sử của truyền thuyết không giống như sự sao chép, mô phỏng nguyên xi, không phải sự tái hiện nguyên mẫu. Như vậy, khi sáng tạo truyền thuyết, với việc sử dụng motif tài năng và phép lạ, tác giả dân gian đã gửi gắm tình cảm và thái độ của mình với nhân vật ngay trong khi xây dựng nhân vật. Theo quan điểm của nhân dân (hay là ý muốn của nhân dân), người anh hùng phải là người tài năng hơn người thường. Đây là quan niệm thẩm mỹ của nhân dân trong cách xây dựng nhân vật của thể loại truyền thuyết.
Trở lại với truyền thuyết về thành hoàng làng La Cả, La Dương, La Phù lưu truyền, chúng tôi thấy motif này được miêu tả như sau:
Truyền thuyết làng La Cả kể về thành hoàng Đương Cảnh công như sau: “ ... ngày, tháng trôi qua Đương Cảnh Công mỗi ngày một khôn lớn. Nghe tin ở động Lăng Xương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây có Tản Viên Sơn Thánh là bậc tài giỏi nhất trong thiên hạ bèn lên đó theo học. Được một thời gian thì mẹ mất, Đương Cảnh trở về chịu tang mẹ. Mãn tang, trở lại động Lăng Xương xin làm gia thần Tản Viên, được thầy cho một cây nỏ tốt, bắn đâu trúng đó. Thấy Đương Cảnh có tài năng, trí dũng, Tản Viên Sơn Thánh hết sức yêu chiều, truyền cho đủ các phép ...” [102, tr.326-327].
“Một năm nọ, cả vùng rộng lớn từ chân núi Tản Viên xuống đồng bằng đang yên lành bỗng bị hàng đàn hổ dữ về hoành hành, gây nhiều thiệt hại về người và của. Vua Hùng Duệ Vương cho sứ giả đi khắp nơi tìm ngưòi tài giỏi ra diệt hổ ác cứu dân. Đương Cảnh Công liền lên kinh đô tại Việt Trì xin vua cho thống lĩnh năm nghìn quân đi diệt hổ. Ông đã tổ chức cho dân các làng đặt bẫy diết hổ. Sau một thời gian từng đàn hổ ác lần lượt bị tiêu diệt, chỉ còn con “hổ lang vàng mép” là chúa sơn lâm trốn trong rừng sâu”.
“...Ông bèn chọn 100 trai tráng của làng làm lính đi theo để diệt hổ. Dân làng góp lưới, bẫy cho Đương Cảnh Công diệt hổ. Sáng hôm sau lại thấy sứ giả nhà vua đem chiếu thư về lệnh cho ông lên đường diệt chúa sơn lâm. Đương Cảnh Công liền mở tiệc chiêu đãi quân sĩ và dân làng, rồi cất quân vào thẳng sào huyệt hổ lang, có hai bà thông thạo các lối trong rừng dẫn đường. Cuối cùng, con hổ lang vàng mép - chúa sơn lâm bị sa bẫy. Đương Cảnh Công hạ lệnh giết hổ để cúng biếu nhà vua và khao quân sĩ, da để lót ngai, nanh làm cán đao, còn xương thì đem chôn tại một gò đống gần làng gọi là “Đống Hùm”. Hổ dữ bị diệt, đất nước trở lại thanh bình.” [102, tr.326-327].
Về tài năng và phép lạ của Minh Tuất Tam Lang, truyền thuyết làng La Dương có kể lại:
“Năm 16 tuổi, họ đã là những chàng trai giỏi văn võ, không ai địch nổi. Đến năm ba người 24 tuổi….vua Hùng Nhuệ Vương xuống chiếu tìm người tài để trao quan tước. Ba người cùng lên kinh đô ứng tuyển. Một người được phong là Chỉ huy sứ, hai người làm Tả, Hữu tướng quốc.”
“ ….Thục Phán nghe tin bèn đem trăm vạn quân chia làm năm đạo tiến đánh. Nhuệ Vương nghe tin bèn mời ba anh em Minh Tuất đến, cử ba ông làm tướng (hai người làm Tiền Quan tướng quân, một người làm Hợp Hậu tướng quân), đem 1500 quân đi tuần phòng giang đạo”.
“…..Sáng hôm sau, ba người dẫn đại quân lên núi Sóc Sơn để bàn mưu với Tản Viên Sơn Thánh đánh giặc giải vây cho vua. Vua bị quân Thục vây mười lăm ngày, lương còn nhưng không có một giọt nước, quân sĩ có nguy cơ bị chết khát. Ba ông ngửa mặt lên trời mà khấn. Vừa dứt, bỗng chốc trời đổ mưa như trút nước. Ba ông cùng bảo nhau rằng, đó là trời và thần đã giúp, vậy ba anh em ta nên gắng sức đánh giặc. Quả nhiên quân Thục nhanh chóng thua trận”.
Tài năng và phép lạ của thành hoàng làng La Phù được truyền thuyết lưu lại như sau:
“Đến năm 16 tuổi, ngài đã có thân hình cao lớn, sức học tinh thông, sách binh thư siêng năng học tập, về võ nghệ luyện tập tinh thông, được người đời coi là thần đồng xuất thế”.
“...Đến năm ngài 20 tuổi,… lên đường đi ứng tuyển cuộc thi tài do Duệ Vương tổ chức và được vua ân sủng. Hai năm sau được phong làm chỉ huy sứ tướng quân. Cũng vào thời đó Thục bạn nhân cơ hội Duệ Vương tuổi cao mà chưa có người nối ngôi, định nhường ngôi cho con rể là Tản Viên Sơn Thánh. Quân Thục quyết định chia làm 5 đạo tiến quân vào Văn Lang như nước vỡ
bờ. Duệ Vương lo sợ triệu phò mã Sơn Thánh đến bàn chuyện. Tản Viên Sơn Thánh tiến cử ngài (Tĩnh Quốc) lên vua Hùng, vua nghe nói cả mừng cho người cấp triệu ngài lên hỏi kế sách và phong làm tiền đạo tướng quân. Ngài lĩnh chức tướng, dẫn thuỷ, bộ quan quân, chiêng trống ầm trời, tinh kì rợp đất, muôn dặm thuyền dài, thiên sơn sấm động. Đi một ngày đến tỉnh Sơn Tây, phủ Quốc Oai, huyện Từ Liêm, làng La Nước hội họp quan quân đóng ở đấy, hàng ngày luyện tập, thiết lập một đồn để đánh trận giả. Thời gian đó nhân dân sợ hãi sửa lễ đón tiếp ngài, xin làm thần tử. Ngài bèn truyền lệnh cho nhân dân tuyển cử hơn hai mươi người trai làng được làm thần hạ. Nhận được chiếu vua ban, ngài tiến quân lên phương Bắc dẹp giặc. Trước khi lên đường, Ngài hạ lệnh quân sĩ giết bò, lợn lễ cáo Thiên Địa, khao thưởng binh tướng, sĩ tốt, đoạn lên đường đến thẳng đồn giặc ở Bắc Đạo, xưa gọi là Vũ Minh Đô, nay là phủ Bắc Hà, huyện Kim Hoa, núi Sóc Sơn, kháng chiến một trận. Quân Thục vây hãm bốn bên, tình thế nguy cấp, không có quân tiếp viện. Ngài bèn ngửa mặt lên trời khấn rằng: “Muôn tâu thượng đế, giúp cho quân tướng chúng tôi”. Phút chốc thấy không trung mù mịt, mây khói từ đất kéo lên. Ngài giơ tay hô lớn: “ Lòng trời giúp ta”. Đoạn rồi họp chủ tướng sĩ lại quyết chiến một trận, phút chốc mà phá được vòng vây, đánh thắng giặc.” [103, tr.56-57]
Tìm hiểu motif này chúng tôi thấy ngoài các chi tiết nói về sức khoẻ, sự thông minh, văn võ song toàn hơn người của các thành hoàng làng còn có các chi tiết liên quan đến thời đại Hùng Vương. Đây là một điều thú vị đáng chú ý. Nếu lý giải được điều này chúng ta sẽ thấy được những lớp trầm tích văn hoá - lịch sử ẩn chứa trong đó mà lâu nay đã bị lớp bụi thời gian che phủ mất. Theo chúng tôi motif tài năng và phép lạ trong truyền thuyết về các thành