Đồng bằng Nam bộ (còn gọi là đồng bằng sông Cửu Long), là vùng mới được khai thác khoảng 500 - 600 năm trở lại đây. Diện tích toàn châu thổ là 36.000 km2, trong đó diện tích có thể trồng trọt được khỏang 2,1 triệu ha và đã trồng lúa 1,5 - 1,6 triệu ha.
Đồng bằng sông Cửu Long tương đối bằng phẳng, độ dốc không đáng kể (1cm/km). Sông Cửu Long với 2 nhánh là sông Tiền và sông Hậu, dài trên 120 km. Lượng phù sa của sông Cửu Long lớn đạt 1000 triệu tấn /năm, 1m3 nước có 0,1 kg phù sa ở mùa khô (tháng 3-4), 0,3 kg phù sa ở mùa lũ cao ( tháng 9,10).
Thành phần cơ giới của đất phù sa là sét, chất dinh dưỡng phong phú song thiếu lân.Đất phèn ảnh hưởng chủ yếu của sun phát sắt, sun phát nhôm, độ pH thấp (4,5 - 5). Vùng đất mặn (rừng U Minh) có nhiều chất hữu cơ, dày 30 cm, có nơi trên 3m và thiếu các nguyên tố phụ.
Nói chung, đồng bằng sông Cửu Long có chủng loại đất phong phú, hàm lượng dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, đối với các loại đất chua, phèn, mặn cần có biện pháp cải tạo (bón lân, rửa mặn và phèn) để sử dụng và khai thác hiệu quả hơn.
*Các vụ lúa chính ở đồng bằng sông Cửu Long
- Vụ mùa: Bắt đầu vào mùa mưa (tháng 5-6) và kết thúc vào cuối mùa mưa ( tháng 11), gồm các giống lúa địa phương dài ngày và thích nghi với nước sâu. Vụ lúa mùa có diện tích khoảng 1,5 triệu ha.
- Vụ đông xuân: Là vụ lúa mới, ngắn ngày, diện tích khoảng 70-80 vạn ha, bắt đầu vào cuối mùa mưa tháng 11 - 12 và thu hoạch đầu tháng 4.
- Vụ hè thu: Vụ hè thu là một vụ lúa mới, ngắn ngày, bắt đầu từ tháng 4 và thu hoạch vào trung tuần tháng 8 và có diện tích khoảng 1,1 triệu ha.
Trồng lúa ở Đồng bằng vùng đồng bằng sông Cửu Long theo 2 phương thức lúa cấy và lúa sạ. Tùy theo địa hình có mức độ ngập nước khác nhau mà áp dụng cho phù hợp.
Hiện nay do tiến bộ kĩ thuật của sản xuất lúa, công tác thủy lợi cũng đã được giải quyết khá mạnh mẽ nên nhiều vùng trước đây ngập nước đã được cải tạo. Do vậy, phần lớn diện tích ở đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là gieo sạ, cuối vụ vẫn còn một số diện tích lúa nổi.[9]