Chủ trương, chính sách đối với tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng của Đảng và Nhà nước ta một mặt được xây dựng dựa quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, căn cứ vào đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và nhu cầu của cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, đoàn kết tôn giáo, hoà hợp dân tộc. Mặt khác, mọi người - kể cả có hay không có tín ngưỡng cũng như có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau - cần đề cao cảnh giác chống mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng.
Đảng và Nhà nước ta thể hiện tinh thần trên bằng hệ thống chính sách phù hợp với từng thời kỳ lịch sử . Trên cơ sở phân tích đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta và những bài học rút ra từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, những yêu cầu của sự nghiệp đổi mới mà Đảng và Nhà nước đã kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn cách mạng.
Xuất phát từ những quan điểm chỉ đạo trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo dưới chủ nghĩa xã hội và tình hình tôn giáo ở nước ta, Đảng ta khẳng định:
Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo. Chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá, nâng cao đời sống của đồng bào. Nghiêm cấm lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật và chính sách
của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia [16, tr.128].
Hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo phải nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX về công tác tôn giáo đã chỉ rõ quan điểm lớn sau:
- Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đoàn kết toàn dân tộc.
- Đảng và Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc - Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng.
- Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống "tốt đời, đẹp đạo". Các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của đồng bào các tôn giáo. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo. Đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm phương hại
đến lợi ích chung của đất nước, vi phạm quyền tự do tôn giáo của công dân [17, tr 122-123].
Theo tinh thần trên, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay bao gồm:
+ Thực hiện tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của công dân trên cơ sở pháp luật
+ Tích cực vận động đồng bào các tôn giáo tăng cường đoàn kết toàn dân nhằm xây dựng cuộc sống "tốt đời, đẹp đạo", tích cực góp phần vào công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội. Trên cơ sở đó, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và văn hoá, nâng cao trình độ mọi mặt cho đồng bào.
+ Hướng các chức sắc giáo hội hoạt động tôn giáo theo đúng pháp luật, ủng hộ các xu hướng tiến bộ trong các tôn giáo, làm cho các giáo hội ngày càng gắn bó với dân tộc và sự nghiệp cách mạng toàn dân, thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của tôn giáo ở một quốc gia độc lập.
+ Luôn luôn cảnh giác, kịp thời chống lại những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân, chống chủ nghĩa xã hội.
+ Những quan hệ quốc tế và đối ngoại về tôn giáo hoặc có liên quan đến tôn giáo phải theo chế độ, chính sách chung về quan hệ quốc tế đối ngoại của Nhà nước.
Tóm lại, sau hơn 20 năm công cuộc đổi mới đất nước cũng là thực hiện quan điểm, chính sách đổi mới đúng đắn với tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng trong đó có Nhân sinh quan Phật giáo đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Phật giáo đã đẩy mạnh hoạt động trong nhiều lĩnh vực tạo ra bộ mặt mới trong đời sống tôn giáo Việt Nam. Quần chúng tín đồ, chức sắc phấn khởi, củng cố niềm tin với Đảng với Nhà nước, từ đó ủng hộ và tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước; đồng thời trong quá trình này, Nhà nước đã thực hiện được công tác quản lý đối với các hoạt động Phật giáo, vừa phát
huy mặt tích cực, tiến bộ và hạn chế được tác động tiêu cực của Phật giáo. Những chuyển biến trong đời sống Phật giáo đã góp phần giới thiệu nhiều hơn về hình ảnh của Việt Nam trong công cuộc đổi mới với bạn bè và các cộng đồng quốc tế, góp phần quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong hoàn cảnh mở cửa và hội nhập.