MỘT SỐ GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC CƠ BẢN TRONG TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO

Một phần của tài liệu luận văn thạc sỹ triết học Một số giá trị đạo đức trong triết học phật giáo và những định hướng vận dụng trong việc xây dựng đạo đức cho người việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 41 - 56)

Từ cơ sở trên có thể nói rằng tất cả các giáo lý của Phật giáo hay nói đúng hơn là tất cả những lời Phật dạy đều trực tiếp hay gián tiếp liên hệ đến vấn đề đạo đức. Do đó chúng ta cũng có thể gọi đó là một học thuyết về đạo đức. Hiểu được tầm quan trọng của đạo đức đối với cuộc đời con người cũng như đối với xã hội nên đương thời Phật Thích Ca đã chỉ rõ “Mùi hương của các loài hoa Da-già-la, hoa Mạc-ly không thể bay ngược gió, chỉ có mùi hương của người đức hạnh chân chính, tuy ngược gió vẫn bay khắp muôn phương” [19,tr.23]. Dưới đây là một số giá trị đạo đức cơ bản trong triết học Phật giáo:

1.3.1. Chủ trương lối sống hướng thiện, lành mạnh

Trong cuộc đời con người, bất cứ ai cũng mong muốn có hạnh phúc và không bao giờ muốn khổ và cũng theo đó ai cũng muốn mình trở thành người tốt - người có tấm lòng hướng thiện, có lối sống lành mạnh. Nhưng đã là người làm sao tránh khỏi những mê lầm. Vấn đề là ở chỗ sau khi chúng ta phạm phải sai lầm (làm những điều bất thiện) liệu chúng ta có biết hổ thẹn, có biết phục thiện và hướng tới cái thiện hay không, có biết sửa đổi những sai lầm ấy không. Bởi theo lời Đức Phật cuộc đời con người “là bể khổ”. Song dù sướng hay khổ thì có những chu kỳ mà con người nói chung không bao giờ thoát ra được: lo làm ăn, sinh sống, hết ngày này sang ngày khác, hết năm này qua năm khác và do đó lúc nào họ cũng than khổ, cũng khao khát tìm kiếm hạnh phúc. Lẽ dĩ nhiên, với họ hạnh phúc là những thứ gì đó rất xa xôi, rất hào nhoáng và luôn đối lập với cuộc sống hiện tại. Khi họ cho rằng hạnh phúc vẫn còn ở rất xa, phải cố công tìm kiếm, phải đạt bằng được để cuộc sống hiện tại không con bất hạnh thì họ rất dễ trở thành những người thất bại và khi thất bại thì họ cho rằng đó là số phận. Vì vậy mà họ thả trôi cuộc sống của mình, để cuộc đời cứ trượt

dài theo vết xe đổ và họ không còn biết hổ thẹn với những việc mà mình đã làm nữa. Khi con người không còn biết hổ thẹn, trong lòng chất chứa đầy tham, sân, si… Khi được thì vui, khi mất thì buồn. Biệt ly thì đau khổ, gần gũi thì hạnh phúc. Ai khen thì nở mặt, ai chê thì ủ rũ. Vừa ý thì hân hoan, trái ý thì cáu giận. Nên khi gặp cảnh đời trái ngang người ta lại không từ một thủ đoạn có thể làm bất cứ điều ác nào và đây được coi là nguồn gốc sâu xa của mọi tệ nạn xã hội. Họ đâu biết rằng trong cuộc sống, hạnh phúc nhiều khi bắt đầu, tồn tại ở những điều hết sức nhỏ nhặt, thậm trí nó ở ngay sát cạnh chúng ta. Đức Khổng Tử cũng dạy trong Tứ Thư rằng mọi người phải biết: “Tu kỳ thân, chính kỳ tâm, thành kỳ ý” thì mới mong gia đình êm ấm, đất nước thịnh trị và thiên hạ thái bình. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy rất đơn giản và cụ thể rằng: muốn giữ cho hành động, lời nói, ý nghĩ được trong sạch, hiền thiện, chân chính thì phải.

“tránh xa các điều ác, làm các hạnh lành và giữ tâm thanh tịnh”

[27, tr.359 - 360]

Thái độ phục thiện hay không phục thiện trong đạo đức Phật giáo là để phân biệt giữa người ngu và kẻ trí, giữa người thiện và kẻ bất thiện, giữa người làm đồi bại xã hội và người xây dựng xã hội... Một xã hội lành mạnh là một xã hội mà ở đó có những con người biết chấp nhận những nguyên tắc sống rất bình an (tức tâm hoàn toàn không có thù hận ngự trị) trong cuộc sống vốn chẳng an bình này.

Theo thuyết nhị nguyên của Phật giáo, mỗi con người gồm hai phần: Phần vật chất thường gọi là thân tứ đại, và phần linh hồn. Khi chết Thân tứ đại bị tiêu tan nhưng linh hồn còn tồn tại. Trong linh hồn lại có hai phần: chân linh và vọng thức. Chân linh thì muôn đời không thay đổi còn vọng thức thì thay đổi theo từng kiếp sống khác nhau. Do đó, ở mỗi kiếp sống, những ý tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta được tích tụ lại, bám vào vọng thức, tạo thành nghiệp thành tập quán. Khi chết, những gì thường làm, thường nghĩ sẽ được nghiệp

thức mang theo và dẫn chúng ta đi thọ sinh. Chẳng hạn, lúc sống, chúng ta tu tập, làm nhiều việc thiện, tâm không tham, sân, si, không buồn phiền. Tâm hướng thiện “thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện là điều nên làm. Nếu làm những điều nên làm ấy thì lợi ích như sau được chờ đợi: Tự mình không chê trách mình; khi biết thời kẻ trí sẽ tán thán; tiếng lành đồn xa; khi mệnh chung không bị suy ám; sau khi chết được tái sinh vào cõi trời, cõi đời này” [22, tr.70]. Ngược lại, nếu làm việc ác, suy nghĩ việc ác, những thứ ác xấu ấy chất chứa trong thức, thì lúc chết, ác nghiệp ấy sẽ dẫn tâm tưởng họ vào cảnh giới xấu xa, không siêu thoát. Bởi nghiệp thức chính là kẻ đưa đường dẫn lối cho chúng ta đến thọ sinh ở các cảnh giới sau khi chết và cũng chính nghiệp thức hay vọng thức là kẻ chi phối đời sống hiện tại của chúng ta một cách mãnh liệt. Theo đó nếu con người sống mà để vọng thức che lấp chân tâm và tạo ra ảo giác, thấy sai lầm, nghĩ rằng cái này là ta, là của ta, hoặc chấp chặt cho cái của mình làm là đúng nên cố bảo vệ, tranh đấu với người khác, tất nhiên phải gánh lấy khổ sở. Ví như ta cho rằng tẩy rửa mụn nhọt thì đau tức, nên ôm lấy cái đau mà chịu; chẳng hề thấy được việc khoẻ khoắn, lành mạnh sau khi tẩy xoá được ung nhọt. Cũng vậy, con người biết sai mà vẫn làm, biết ác mà vẫn thực hiện thì không chỉ đến lúc chết họ mới phải trả giá “thân hoại mạng chung, tái sinh vào cõi ác, cõi dữ” mà theo lời Đức Phật “người ác ngay trong đời sống hiện tại ít nhất cũng chịu khổ trên bốn phương diện: một là tự mình chê trách mình; Hai là bị kẻ có trí chê trách; Ba là bị quần chúng lên án chê bai, vì vậy mà người ác đi đâu cũng sợ hãi, xấu hổ. Bốn là khi mệnh chung, tâm người ác bị hôn mê si ám, dù muốn cũng không trối trăn gì được cho người thân” [22, tr.70]. Có thể nói những lời Đức Phật dạy mặc dù được nói lên cách đây hơn 2500 năm, nhưng vẫn còn nguyên giá trị lớn lao và thiết thực đối với tất cả chúng ta - những con người đang sống ở thế kỷ XXI này. Tác giả tin rằng nếu chúng ta thật sự sống đúng theo lời Phật dạy, thì dù tại gia hay xuất gia, cuộc sống của chúng ta sẽ giảm được nhiều bất hạnh và đau khổ, sẽ được an lạc hơn, hữu ích hơn đối với bản thân, đối với gia đình và xã hội. Vì đó là nếp sống

có đạo đức, hướng thiện, đảm bảo hạnh phúc an lạc, lành mạnh cho mình và cho người khác, cho đời này và cho đời sau. Với nếp sống hướng thiện, lành mạnh theo đúng lời Phật dạy, chúng ta sẽ tiến dần dần, một cách chắc chắn tới đích giác ngộ và giải thoát, dù rằng trên tiến trình đó chúng ta còn phải trải qua nhiều kiếp.

Như vậy có thể nói Đức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường đưa đến một cuộc sống tràn đầy ánh sáng, thương yêu, yên bình và hạnh phúc đó là lối sống hướng thiện, lành mạnh.

1.3.2. Khuyến khích lối sống vị tha

Trong cuộc sống, nhiều người thường nghĩ rằng có thù không trả không phải là nam nhi đại trượng phu, bởi vì người quân tử phải ân oán phân minh. Nhưng trong giáo lý Phật giáo lại khuyến khích con người mở rộng lòng từ bi, sống khoan dung, vị tha. Bởi chỉ có sống vị tha với tâm từ bi mong ước cho tất cả mọi người được sống an lành vui vẻ, hạnh phúc mới giúp con người thoát khỏi cảnh chướng ngại khổ đau. Sinh thời Đức Phật có dạy rằng: “lấy oán báo oán, oán kia chất chồng, lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan”. Thực ra quan niệm “răng trả răng, môi trả môi” của một số người phương Tây không phải là lối ứng xử thành công tốt đẹp mà chỉ cốt làm cho hả cơn giận khi lòng tự ái bị xúc phạm mà thôi. Vì cái thú của cơn giận là làm cho kẻ thù càng đau khổ càng tốt, nhưng không biết như thế chỉ gây thêm hiềm hận, oán thù. Do đó, cách tốt nhất là sống vị tha, “lấy ân để báo oán”. Mặc dù mới nhìn thì “dĩ ân báo oán” có vẻ như nghịch lý nhưng đó là thái độ mà các bậc thánh hiền ứng xử để hoá giải những oán thù hữu hiệu nhất. Mặt khác, sống vị tha sẽ đem đến hạnh phúc thực sự cho mỗi con người, đơn giản vì lòng vị tha vượt lên trên tất cả những cái khác. Khao khát thực hành sống vị tha là để giúp đỡ người khác, quan tâm vì sự bình yên của người khác, phục vụ họ, cũng là để giúp mình, phục vụ mình, cho mình cơ hội để kết bạn nhiều hơn. Cho nên, khi có người đối nghịch với chúng ta, trước tiên chúng ta phải tìm xem nguyên nhân nào khiến cho người ấy bất bình. Nếu quả thật vì lỗi lầm của chúng ta thì nên nhìn nhận và chịu lỗi. Nếu

chỉ vì đôi bên có chút hiểu lầm nào đó thì sao không tìm lời lẽ hoà nhã để bắc nhịp cầu thông cảm. Còn nếu đối phương vì có tính ganh tỵ, hiếu thắng thì chỉ còn cách là rải tâm từ bi đến cho họ; và biết đâu đấy chính nhờ tâm từ bi, sống vị tha, một ngày kia có thể biến kẻ thù thành người bạn tốt. Nếu chúng ta học được nhiều điều hay, lẽ đẹp nơi bạn bè thân thuộc thì sao lại không học được một vài bài học quý giá nơi kẻ thù địch? Bởi đâu phải bất cứ ai thù nghịch với ta đều là kẻ xấu, hay không có một vài đức tính khả kính nào. Thường vì cái “ta” mà nhiều người có quan niệm sai lầm rằng: “kẻ tốt với ta là người tốt, kẻ xấu với ta là người xấu”, như thế thì thật là chủ quan thiên vị, sự thật thì nhiều khi còn ngược lại là khác. Sao ta không nghĩ rằng sở dĩ người oán ta bởi vì ta xấu để tự kiểm điểm và sửa lại mình?

Có một tư tưởng gia đã nói rất chí lý rằng: “Nếu bạn nhìn mặt xấu thì người nào cũng có mặt xấu, nếu bạn nhìn mặt tốt thì người nào cũng có cái tốt” [70]. Vì vậy khi con người sống thiếu lòng khoan dung, vị tha thì chúng ta chỉ tiếp xúc với mặt xấu của con người, còn ngược lại chúng ta sống vị tha với tấm lòng từ bi thì chúng ta sẽ tiếp xúc được với mặt tốt của con người. Nói như La Cordaire: “Nếu anh vui sướng trong chốc lát, cứ trả thù; nhưng nếu anh muốn an vui mãi mãi thì hãy tha thứ” [27, tr.212]. Đó là vị tha.

1.3.3. Đề cao tinh thần tương thân, tương ái

Trong khi Thiên chúa giáo chỉ trích Đạo Phật là thiếu tính xã hội và thiếu tinh thần phục vụ, chỉ lo tích đức, tăng phúc hay giải thoát cho cá nhân mà thôi. Có thể nói về một mặt nào đó, quả là đã có những người hiểu không chính xác, thực hành sai tinh thần giác ngộ và siêu thoát trong đạo Phật khiến lời phê bình này là không hoàn toàn là vô căn cứ. Sinh thời Đức Phật có dạy quên mình giúp người không, có đề cao tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ người khác những lúc hoạn nạn không? Câu trả lời là khẳng định! Cuộc đời Phật Thích Ca đã là một tấm gương đạo đức về đời sống cao thượng trên tinh thần tương thân tương ái, đã an ủi con người vượt qua mọi khổ đau. Đức Phật là một con người đã giác ngộ chân lý và đem chân lý giác ngộ cho kẻ khác để mang sự nghiệp

giác ngộ viên mãn, người đã giúp những kẻ nghèo khổ bị lãng quên, người làm tăng thêm sự cao quý cho cuộc sống những kẻ mê lầm và làm trong sạch cuộc sống suy đồi của những kẻ phạm tội. Khi Đức Phật còn tại thế, ngài có độ cho hai người thật đặc biệt, những con người mà nếu ở bất kỳ xã hội nào mọi người đều muốn tránh giáp mặt, tránh giao tiếp, không ai muốn bát thân làm quen. Đó là Angulilama - một tướng cướp khét tiếng tàn ác ở vương quốc Kosala và Ampapali - một kỹ nữ nổi tiếng tài sắc thành phố Veisàli. Cả hai người sau khi xuất gia đều trở thành A-La-Hán tức là bậc thánh đã thoát khỏi vòng sinh tử là ruộng phúc vô thường ở đời, xứng đáng để tất cả chúng sinh đảnh lễ cúng dường. Hay trong các câu chuyện Tiền thân (Jataka stories) khi đề cập đến Bố Thí ba La mật (dàna paramì), bồ tát đã không chỉ hy sinh tài sản (tài thí - cấp độ thứ nhất của hạnh bố thí hay xả bỏ) mà ngài còn cho đi từng phần của thân thể hay tính mạng của chính mình nữa để cứu giúp tha nhân khi cần thiết. Chỉ riêng hạnh Ba la mật này cũng đã thể hiện đầy đủ tinh thần tương thân, tương trợ, tương ái khi cần thiết cho tất cả mọi người trong xã hội học tập theo.

Mặt khác, trong các giáo lý của Phật giáo còn đề cập đến tình thương yêu giữa con người với con người và coi đó là cội nguồn của tinh thần tương thân, tương ái. Bởi một lý do rất đơn giản là con người, ai cũng hâm mộ, yêu chuộng tình thương và không thích sự ganh ghét oán thù. Nhân loại cần đến tình thương để tồn tại. Con người cần sự giúp đỡ, nương tựa vào nhau để sống còn. Cá nhân nam hoặc nữ, dù có khả năng tài giỏi đến đâu, nếu bỏ họ một mình, họ cũng không thể tự sống được. Trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào; giàu sang phú quý hay thiếu thốn nghèo hèn, khi trẻ trung mạnh khoẻ hay già nua đau ốm, con người phải sống nhờ vào sụ giúp đỡ của người khác. Thiết nghĩ không chỉ con người mà ngay cả loài vật cũng phải sống hợp quần như vậy. Tất cả những cảnh vật bên ngoài, từ hạt bụi nhỏ bé đến quả đất to lớn chúng ta đang sống; từ sông ngòi biển cả đến núi rừng đồng ruộng; từ đám mây trên trời đến những cành hoa trong vườn đều có sự tương quan, tương duyên với nhau. Nếu không có sự hỗ tương, liên hệ nhân quả, thì vạn vật sẽ không thể phát sinh

hay tồn tại. Vì vậy, con người sống cần nương tựa vào nhau để tồn tại và khi chúng ta sống có trách nhiệm với những hành động của mình sẽ tạo ra hạnh phúc không chỉ cho mình mà còn cho cả những người khác đang sống xung quanh chúng ta. Theo tinh thần của Phật giáo thì “Thực hành đức tính khoan dung, tha thứ và mở rộng lòng yêu thương mọi người tức khắc tâm hồn chúng ta sẽ cảm thấy thanh tịnh và an lạc. Điều này cũng giúp chúng ta tận diệt được hết mọi nỗi lo âu, bất an và phiền não sẽ mang lại cho chúng ta một sức mạnh tinh thần, lòng tự tin để khắc phục, vượt qua những nỗi khó khăn, không như ý mà chúng ta thường gặp phải trong cuộc đời” [70].

Ngoài ra, tinh thần tương thân, tương ái còn được thể hiện ở lòng từ, bi,

hỷ, xả hay nói một cách đúng hơn là “Tâm từ” và “Tâm bi” trong giáo lý của Phật giáo tức là sự hy sinh cái gì đó cho hạnh phúc của người khác, là sự rung động trước nỗi khổ của kẻ khác và nhân thế. Đồng thời, đó còn là tấm lòng trắc ẩn cao thượng hướng về mọi người, không phân biệt sang hèn, thân sơ, tôn giáo chủng tộc... Bởi nhiệm vụ của mỗi con người chúng ta là phải phục vụ, giúp đỡ

Một phần của tài liệu luận văn thạc sỹ triết học Một số giá trị đạo đức trong triết học phật giáo và những định hướng vận dụng trong việc xây dựng đạo đức cho người việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 41 - 56)