Khi nghiên cứu về tình hình tôn giáo thì thấy rằng, đối với Phật giáo, chính cái lực lượng tín đồ cùng những phật tử mới là vấn đề đáng phải bàn, bởi vì số đông ấy họ góp phần giữ gìn, chuyển tải tư tưởng Phật giáo trong xã hội. Bên cạnh đó, hiện nay với Phật giáo thì chính lực lượng quần chúng này mới là chỗ dựa vững chắc nhất của họ. Mặt khác, địa bàn cư trú của Phật tử nói riêng và giáo dân của các tôn giáo nói chung thường lại nằm ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cùng các vùng trọng điểm dễ nhạy cảm nhất của đất nước. Từ đó, việc giải quyết về vấn đề tôn giáo với Phật giáo là khâu đầu tiên cho việc định hướng về sự ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo, cho nên dù ít hay nhiều về mặt lôgic của các giải pháp cũng không thể bỏ qua việc này. Nếu nói rộng ra thì việc giải quyết về vấn đề tôn giáo nói chung là khâu đầu tiên để giải quyết vấn đề ảnh hưởng của đạo đức tôn giáo.
Có một điều thực tế là, hiện nay ngoài việc truyền đạo thì đạo đức Phật giáo nói riêng và đạo đức tôn giáo nói chung đang hàng ngày, hàng giờ chống những thói hư tật xấu và khuyến thiện trong xã hội. Việc này, dù chúng ta không tác động, không định hướng thì họ cũng vẫn cứ tiến hành, do vậy nó mang tính như là lẽ đương nhiên. Vấn đề ở đây là, nếu chúng ta không tác động, không định hướng thì việc tôn giáo chống những thói hư tật xấu trong xã hội sẽ chệch mục tiêu. Một thực tế cho thấy, để Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung thống nhất, đồng cảm với chúng ta là: những thói hư tật xấu trong xã hội ta hiện nay không phải là sản phẩm của xã hội mới thì quả thật điều này không đơn giản chút nào.... Bên cạnh đó, với tinh thần chiến đấu của khoa học,
tinh thần chiến đấu của người cộng sản, tác giả thiết nghĩ: chúng ta cũng không nên né tránh hoàn toàn, hoặc giải thích qua loa về vấn đề hóc búa này...
Do vậy, theo lôgic, việc dùng đạo đức Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung chống tiêu cực trong xã hội hiện nay là gián tiếp, hoặc ít nhiều trực tiếp chống chế độ mới. Những nhận định trên đây, tác giả rút ra từ hoạt động thực tiễn trong việc nghiên cứu về các tổ chức theo đạo. Như thế, rõ ràng việc Phật giáo nói riêng, tôn giáo nói chung đang tuyên truyền lối sống, đạo đức của họ hiện nay cũng rất dễ biến những mặt tích cực của đạo đức tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng thành những mặt tiêu cực, thậm chí những mặt tích cực ấy còn có sức thuyết phục hơn gấp nhiều lần mặt tiêu cực khi nhắm vào chế độ ta. Từ đó, các sách báo, dư luận của tôn giáo (Phật giáo ít hơn) đều xuất phát từ luận điểm trên để công kích chúng ta, cho nên đây là vấn đề quan trọng và nhạy cảm mà chúng ta cần phải quan tâm một cách nghiêm túc. Từ việc đặt vấn đề như trên, những giải pháp cơ bản được đưa ra ở đây là: giải pháp về nhận thức đối với Phật giáo ở góc độ tôn giáo; giải pháp quan điểm nhìn nhận vai trò của đạo đức Phật giáo; giải pháp cho quan điểm định hướng cho sự ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo hiện nay; giải pháp về việc tạo điều kiện cho đạo đức Phật giáo tham gia cùng với nền đạo đức mới trong việc chống những biểu hiện tiêu cực hiện nay.
Thứ nhất, giải pháp về nhận thức đối Phật giáo ở góc độ tôn giáo. Đây là vấn đề quan trọng và nó được bắt đầu từ nhận thức. Trước hết, chúng ta không nên lẫn lộn chủ nghĩa Mác với chủ nghĩa vô thần, cũng không nên nhầm lẫn chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa chỉ chống tôn giáo. Việc chống tôn giáo kịch liệt và cực đoan phải là chủ nghĩa vô thần, nhất là chủ nghĩa duy vật của L.Fueurbach, trong số này không loại trừ bản thân Duhring (1833 - 1921) khi ông đòi đưa cả đội hiến binh của mình đàn áp tôn giáo. Do vậy, khi bàn về vấn đề tôn giáo, Các Mác viết: "Đối với nước Đức thì việc phê phán tôn giáo, về thực chất đã kết thúc và việc phê phán tôn giáo là tiền đề cho mọi sự phê phán khác" [41, tr. 13].
Đoạn văn trên ý C.Mác cho rằng, việc phê phán tôn giáo như vậy đã kết thúc, đồng thời cũng ghi nhận công lao của chủ nghĩa vô thần và của L.Fueurbach. Cái "tiền đề cho mọi sự phê phán khác" của C. Mác ở đây là phê phán những cái để cho xã hội sinh ra tôn giáo, hay là phê phán chế độ xã hội sinh ra tôn giáo. Do vậy, chủ nghĩa Mác đi từ góc độ xã hội để nghiên cứu tôn giáo mà điều này là đúng và khoa học. Hiện nay, có nhiều người tiếp cận các hướng khác nhau để nghiên cứu tôn giáo. Chẳng hạn, họ tiếp cận từ góc độ sinh vật của con người thì điều này có khía cạnh đúng nhưng chưa khoa học, bởi vì cái sinh vật này là sinh vật của xã hội, chủ yếu là sản phẩm của xã hội. Từ góc độ xã hội cả quá khứ, hiện tại đến tương lai của nó, chủ nghĩa Mác đã nhìn thấy tôn giáo là sản phẩm của xã hội, đồng thời cũng là sản phẩm của sự phân chia giai cấp, của nhà nước. Do vậy, chủ nghĩa Mác phê phán tôn giáo là phê phán cái nhà nước, cái xã hội sinh ra nó. Theo tinh thần ấy, C.Mác đã chỉ ra nguồn gốc xã hội và sự phản ánh xã hội của tôn giáo: Sự nghèo nàn (hay sự khốn cùng) của tôn giáo, một mặt là biểu hiện sự nghèo nàn của hiện thực, và mặt khác là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy... [41, tr.14].
Quả thật, đây là tác dụng kép của tôn giáo, một mặt nó phản ánh sự nghèo nàn của hiện thực và mặt khác là phản ứng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy bằng một niềm tin, một sự an ủi, một niềm hy vọng vào hào quang của nó để xoa dịu nỗi đau trần thế. Do vậy, chính việc dân chúng Giao Châu tiếp nhận Phật giáo cũng là vừa để an ủi, vừa để phản ứng lại với những hệ tư tưởng được du nhập một cách cưỡng bức như Nho giáo và Lão giáo.
Phân tích vài điểm từ cơ sở lý luận về tôn giáo của chủ nghĩa Mác để thấy rằng, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo luôn có sự nhất quán từ lý luận đến thực tiễn. Đó là sự nhất quán từ nhận thức, quan điểm đến những giải pháp cho chính sách về tôn giáo theo tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tôn giáo vừa là hiện thực, vừa là thực thể của xã hội, cho nên hiện nay đang có nhiều định nghĩa về nó, đồng thời các định nghĩa lại có xu hướng lấy
tôn giáo phương Tây làm cơ sở để suy ra tôn giáo phương Đông và toàn thế giới. Đây là một khiếm khuyết, do vậy cần phải đi tìm một định nghĩa có tính chất bao quát hơn. Qua việc khảo cứu thì tác giả thấy rằng, nếu tước bỏ vòng hào quang thần thánh, thì thực chất tôn giáo là một hệ tư tưởng, một chủ trương, đường lối được sinh ra từ xã hội, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, cho nên việc tôn giáo tham gia vào xã hội và trước sau cũng lân la đến chính trị là một điều dễ hiểu. Từ việc nghiên cứu Phật giáo và những tôn giáo khác, đến đây có thể khái quát và hiểu tôn giáo như sau: Tôn giáo là một chủ trương, đường lối có hoài bão đưa con người đến hạnh phúc tuyệt đối nhưng quan điểm, phương pháp giải quyết chưa hẳn là quan điểm và phương pháp khoa học. Chính những hạn chế của tôn giáo từ mục tiêu, đồng thời mâu thuẫn giữa mục tiêu với quan điểm, phương pháp như thế đã tạo kẽ hở, tạo điều kiện để triết học, khoa học ra đời và có chỗ khai thác. Tuy nhiên, tôn giáo còn là nhu cầu của quần chúng và từ đây cũng phải khẳng định rằng: bất cứ ở đâu, khi nào những nỗi bất công trong xã hội vẫn chưa được giải quyết, những hiện tượng kỳ bí của tự nhiên vẫn treo giá với khoa học thì tại đó, khi ấy tôn giáo vẫn có lý do và đủ tư cách để tồn tại. Mặt khác, chẳng những Phật giáo mà bất kể một hệ tư tưởng nào đã có sức sống hàng ngàn năm thì trước tiên, người ta cần phải có thái độ nghiêm túc để đối xử với nó. Quan điểm này, đương thời đã được Phật chỉ rõ: "Chấp trước vào một điều gì (một quan điểm nào) và khinh miệt những điều khác (quan điểm khác) xem là thua kém - đấy người trí giả gọi là một xiềng xích" [53, tr.15].
Trên đây là nguyên tắc cơ bản về mặt nhận thức lý luận, trước hết để mở đầu cho những giải pháp đúng hơn về Phật giáo và sự ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo. Do vậy, vấn đề quan trọng được rút ra là, chúng ta nên nhận thức tôn giáo chính xác hơn, đồng thời phổ biến, trao đổi bằng mọi hình thức để chuyển tải quan điểm lý luận của Đảng ta cho các nhà chức sắc cùng giáo dân để họ hiểu và đồng cảm. Mặt khác, chúng ta cũng không nên coi Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung như là một cái gì nguy hiểm, u mê, thấp kém, lỗi thời cần
phải xa cách... Mọi thái độ cực đoan võ đoán, áp đặt về vấn đề lý luận sẽ không có sức thuyết phục, dễ dẫn đến sự căng thẳng trong quan hệ và khó khăn trong công tác tôn giáo.
Thứ hai, giải pháp về quan điểm nhìn nhận vai trò của đạo đức Phật giáo. Như đã đề cập, Phật giáo cũng có vai trò của họ trong xã hội mới và một phần của vai trò này được nằm trong vai trò của tôn giáo nói chung. Việc nhận định về tôn giáo và vai trò của tôn giáo đã được Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định ba điều: "Tôn giáo là một hiện tượng xã hội còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới" [3, tr.78].
Nhìn chung, đạo đức Phật giáo có thể tự điều chỉnh, đồng thời có thể hội nhập, dung hợp được với nền đạo đức mới. Vấn đề này, xét ở góc độ tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ rõ:
Tôn giáo, ngoài mặt tiêu cực, vẫn có một số yếu tố hiện vẫn còn phù hợp với xã hội. Đó là mặt đạo đức của tôn giáo; đáp ứng được yêu cầu của đời sống tâm linh của con người... Dưới chủ nghĩa xã hội, tôn giáo vẫn có khả năng tự biến đổi để thích nghi theo xu hướng đi cùng đường với dân tộc, sống "tốt đời, đẹp đạo", “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” [3, tr. 24].
Nền đạo đức Phật giáo nhằm mục đích cuối cùng là siêu giải thoát, nhưng vì là một nền đạo đức mang tính phổ quát, cho nên với thế nhân, đạo đức Phật giáo vẫn phù hợp. Trong các giá trị của đạo đức Phật giáo như giá trị đạo đức cho bản thân mỗi người, giá trị đạo đức cho gia đình, giá trị đạo đức cho tập thể, quốc gia, trong chừng mực nhất định đều có thể chắt lọc để áp dụng chúng trong việc giáo dục lối sống và đạo đức hiện nay. Ở đây, có một điều cần đặt ra là, thường người ta vẫn cho Phật giáo tạo ra một lối sống khổ hạnh, mặc dù chỗ này chỗ khác là có, nhưng xét ở góc độ toàn thể thì điều này chưa chính xác. Phật giáo có và đã khích lệ cách làm giàu cùng việc tôn trọng hạnh phúc có thật của con người. Tuy nhiên, với Phật giáo làm giàu phải được
xuất phát từ Chính nghiệm, Chính mệnh, từ cái thiện và chúng thể hiện ở sự tinh cần của cả thần, khẩu, ý.
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, vai trò của những mặt tích cực trong đạo đức Phật giáo đang tham gia góp phần cùng luật pháp và đạo đức mới của chúng ta chống những biểu hiện tiêu cực, làm ăn gian dối, lừa đảo. Vấn đề này, ngay trong tác phẩm "Nam cư sĩ" khi nói về việc tầm cầu tài sản hưởng dục có bốn điều được tán thán, không bị chê trách, Phật giảng:
“Vị ấy tầm cầu đúng pháp và không dùng sức mạnh, do điều thứ nhất này, được tán thán. Vị ấy tự mình an lạc, hân hoan, do điều thứ hai này, được tán thán. Vị ấy chia sẻ và làm công đức, do điều thứ ba này được tán thán. Vị ấy thọ hưởng các tài sản ấy, không tham đắm, không có đắm say, không có mê loạn, thấy được sự nguy hại, có xuất ly với trí tuệ, do điều thứ thư này được tán thán” [23, tr. 486].
Như vậy, không cần phải "tham đắm", "đắm say", "mê loạn" mới tạo cho người ta hưởng được dục lạc, các Phật tử đã thực hiện theo lời dạy như trên của Phật và cũng chẳng thấy họ không có hạnh phúc.
Về việc tạo ra của cải vật chất và tinh thần, Phật dạy phải "Tứ Chính cần". Nội dung "Tứ Chính cần" của Phật giáo có nhiều nghĩa, nó bao gồm cả việc tinh tấn trong "Tứ niệm xứ", "Tứ định"... nhưng theo nghĩa thông thường, Phật giảng:
Ở đây, này các Tỷ Kheo, với mục đích khiến cho cái ác, bất thiện pháp từ trước chưa sang không cho sinh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sinh ra được trừ diệt, khởi lên ý muốn cố gắng... trì tâm. Với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sinh nay cho sang khởi, khởi lên ý muốn... trì tâm. Với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sinh có thể duy trì, không cho mù mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm [23, tr. 232].
Ngoài ra, tư tưởng Phật giáo còn bàn về cả kinh tế, chính trị, xã hội nói chung chứ không riêng gì đạo đức. Tuy nhiên, vấn đề đó không thuộc phạm vi nghiên cứu ở đây.
Như vậy, tư tưởng trên cùng với Chế ngũ giới, Thập thiện, tinh thần của kinh "Thiện sinh", đang được đạo đức Phật giáo sử dụng hàng ngày, hàng giờ để chống lại những thói hư tật xấu của con người từ cả ý nghĩ, lời nói đến hành vi làm trong giai đoạn hiện nay. Cơ sở vững chắc cho việc làm đó của Phật giáo là thuyết Nghiệp báo. Chính những thứ vũ khí đó được lực lượng không nhỏ của Phật tử dùng, chúng thể hiện ở sách báo của Phật giáo, ở bài giảng của các sư trong các ngày lễ chùa, ở việc làm hàng ngày của Phật tử để ngăn chặn ác từ bản thân con người đến xã hội, góp phần làm trong sạch và lành mạnh xã hội. Do vậy, hiện nay bên cạnh nền đạo đức mới, đạo đức tôn giáo (không riêng gì Phật giáo) cũng tự điều chỉnh và góp phần giáo dục lối sống chân, thiện, mỹ cho con người, góp phần chống tiêu cực cho xã hội. Đó là việc làm đáng trân trọng. Mặt khác, hiện nay Phật giáo ngày càng được phổ biến, đã và đang thành lập nhiều Thiền viện, nhiều trung tâm ở các nước trên thế giới, kể cả ở châu Úc, châu Âu và châu Mỹ thì điều đó đã chứng tỏ giá trị của Phật và đạo đức Phật giáo.
Như vậy, khi đánh giá, nhìn nhận về giá trị, vai trò của Phật giáo nói chung và đạo đức Phật giáo nói riêng cũng tránh tư tưởng chủ quan như coi thường, hoặc hiểu phiến diện, không chính xác, đồng thời chỉ coi Phật giáo như là một cái gì bi quan yếm thế, đối lập, không có tác dụng gì trong xã hội hiện nay.
Quán triệt tư tưởng trên cùng với những ưu điểm, giá trị của đạo đức