Quá trình hình thành và phát triển của hợp tác Đông Á

Một phần của tài liệu Vai trò của Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) đối với hợp tác Đông Á giai đoạn từ 1998 đến nay (Trang 27 - 31)

1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SƠ THỰC TIỄN CỦA HỢP TÁC KHU VỰC

2.3.Quá trình hình thành và phát triển của hợp tác Đông Á

Sáng kiến xây dựng một tổ chức hợp tác kinh tế ở Đông Á, dưới hình thức Nhóm kinh tế Đông Á được xuất phát từ ý tưởng của cựu Tổng thống Malaysia Mahathir vào năm 1990. Sáng kiến này ban đầu vấp phải sự phản đối của Mỹ và Ôxtrâylia vì lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như sự phân chia thế giới theo các vùng lãnh thổ làm yếu đi vị trí siêu cường trong một trật tự mà nước Mỹ nắm vai trò chi phối. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm của các yếu tố trong

và ngoài khu vực, như lời của học giả Amitav Achayra11 nhận xét: “Sự thống nhất

của khu vực Đông Á là một thử nghiệm cho các cường quốc”. Hiện nay Cộng đồng Đông Á đã định hình về cơ bản và từng bước hiện thực hóa sau Cộng đồng ASEAN. Năm 1995, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tổ chức tại Băng Cốc đã có kiến nghị tổ chức hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN và ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Những mất mát từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 một lần nữa đã khiến các nước trong khu vực nhận thức một cách sâu sắc tầm quan trọng của sự hợp tác khu vực, vì vậy Nhật Bản lại đề ra sáng kiến “Quỹ Miyazawa” và ý tưởng “Quỹ tiền tệ châu Á”. Mỹ một lần nữa phản đối, nên Nhật Bản đã không kiên trì và ý tưởng này cũng lại bị tan vỡ.

Nhưng sự tìm tòi của các nước Đông Á còn chưa dừng lại ở đó. Sau khủng hoảng tài chính châu Á, vào tháng 12 năm 1997, lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tổ chức một hội nghị phi chính thức tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaixia. Mặc dù lúc đó, chủ đề chính của hội nghị các nhà lãnh đạo là làm thế nào để đối phó với khủng hoảng tiền tệ, nhưng nó lại là điểm khởi đầu

mới cho việc thúc đẩy sự hợp tác của khu vực.

Năm 1998, Hội nghị các nhà lãnh đạo Đông Á tổ chức tại Manila, thủ đô Philippin đã đi tới nhận thức chung về nguyên tắc hợp tác, phương hướng và trọng điểm của Hợp tác Đông Á, lần đầu tiên đưa ra “Tuyên bố chung về Hợp tác Đông Á”, trong đó, các nhà lãnh đạo đã nhất trí cho rằng: “Sẽ tiếp tục tiến hành đối thoại, hài hoà và hợp tác, tăng cường tìm hiểu và tin cậy lẫn nhau, từ đó xây dựng hoà bình và ổn định lâu dài ở Đông Á”. Từ đó, Hội nghị các nhà lãnh đạo được cố định mỗi năm một lần, hơn nữa còn từng bước tăng thêm nhiều hội nghị bộ trưởng, khiến cơ chế “10 + 3” trở thành con đường chính của hợp tác và đối thoại của các nước khu vực Đông Á.

Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Đông Á năm 1997 là một cú hích quan trọng thúc đẩy việc xây dựng Cộng đồng Đông Á để tiến đến một khu vực phát triển, khắc phục các yếu kém của tài chính – tiền tệ cũng như sự mất cân đối của các nền kinh tế khu vực. Năm 1997, tại Malaysia, Hội nghị đối thoại hợp tác phi chính thức giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đánh dấu cho sự khởi động của cơ chế ASEAN + 3. Hội nghị thượng đỉnh Đông Á sau đó mỗi năm tổ chức một lần tại nước làm chủ tịch luôn phiên. Cho đến năm 2013, ASEAN + 3 đã tổ chức được 16 hội nghị thượng đỉnh.

Năm 2001, báo cáo của “Nhóm tầm nhìn Đông Á” đã chỉ ra: mục đích lâu dài của hợp tác Đông Á là xây dựng một Cộng đồng Đông Á, vạch ra khuôn khổ và sơ đồ chung cho tiến trình hợp tác khu vực. Theo khuôn khổ này thì mục tiêu của Cộng đồng Đông Á là xây dựng khu vực hòa bình, phát triển và phồn thịnh. Cộng đồng Đông Á gồm ba trụ cột:

(1) hợp tác về chính trị xây dựng các cơ chế của nhóm thượng đỉnh Đông Á; (2) hợp tác về kinh tế mà chủ yếu là xây dựng khu mậu dịch tự do Đông Á và cơ chế hợp tác tín dụng Đông Á;

(3) hợp tác văn hóa – xã hội, tức là phát triển cơ chế tham dự và giao lưu giữa nhân dân các nước Đông Á.

Năm 2004, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN và Đông Bắc Á tại Lào đã đặt ra khuôn khổ chung cho hợp tác Đông Á trên ba nội dung quan trọng: thứ nhất,

khẳng định vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc thúc đẩy Cộng đồng Đông Á; thứ hai, coi cơ chế ASEAN + 3 là cơ chế chính để xây dựng AEC; thứ ba, thể hiện

hợp tác kinh tế ASEAN + 3 là chủ chốt, cơ bản để thúc đẩy xây dựng EAC12.

Năm 2010, Hội nghị cấp cao ASEAN + 3 được tổ chức thành công tại thủ đô Hà Nội, Thủ tướng nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định tiến trình ASEAN + 3 ngày càng chứng tỏ là một cơ chế năng động và hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy hợp tác Đông Á; khẳng định được vai trò là khuôn khổ chính hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng một cộng đồng ở Đông Á.

Năm 2013, Hội nghị cấp cao ASEAN + 3 diễn ra thành công tại Bandar Seri Begawan, Brunei với sự thống nhất về vai trò của hợp tác ASEAN + 3 là cơ sở chính để hiện thực hóa mục tiêu lâu dài xây dựng cộng đồng Đông Á với động lực chính là hợp tác ASEAN và đồng thời thông qua kế hoạch hợp tác ASEAN + 3 (giai đoạn 2013 – 2017) bao gồm những các khu vực cần được ưu tiên và các biện pháp cần thiết để gắn kết hợp tác hơn nữa.

Mặc dù hợp tác Đông Á theo mô thức ASEAN+3 tiến triển chậm nhưng cũng đạt được một số kết quả nhất định. Cơ chế hợp tác ASEAN+3 đã được hình thành, thể hiện trong các văn kiện, như: Tuyên bố chung Hợp tác Đông Á, các báo cáo của Nhóm tầm nhìn Đông Á (EAVG), các báo cáo của Nhóm nghiên cứu Đông Á, các đề nghị tổ chức Cấp cao Đông Á, khu vực mậu dịch tự do Đông Á, cộng đồng Đông Á, các sáng kiến của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Hàng năm, các quan chức cấp cao của ASEAN+3 thường xuyên gặp gỡ, ký các thoả thuận hợp tác về nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế.

Để tiến tới hội nhập Đông Á, các nước đã đề xuất những nguyên tắc hợp tác và đưa ra thảo luận tại các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN + 3 và các cuộc hội thảo như sau.

Nguyên tắc thứ nhất là “Chủ nghĩa khu vực mở”, bởi vì sự ổn định và thịnh vượng của Đông Á không những phụ thuộc vào các quan hệ hợp tác khu vực mà còn phụ thuộc vào việc duy trì mối quan hệ hữu nghị với các nước ngoài khu vực. Thực hiện nguyên tắc này, cả khu vực và cộng đồng quốc tế đều có lợi, xua tan đi

12 Luận Thùy Dương: “Tiến trình xây dựng Cộng đồng Đông Á: Động lực và trở ngại”, tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 64, 3/2006

nỗi lo của những người đã khẳng định rằng sự hội nhập khu vực Đông Á có thể dẫn đến việc tạo ra khối kinh tế khép kín.

Nguyên tắc thứ hai là “Tiếp cận trên các lĩnh vực cần thiết, cụ thể” (functional approach). Dựa trên tình hình thực tế chứ không cố gắng xây dựng những khung khổ thể chế toàn diện từ đầu. Dựa trên những đánh giá về tình hình thực tế, phương pháp tiếp cận này sẽ tìm ra hướng hợp tác trên các mặt cụ thể, đa dạng với quan điểm tạo ra các điều kiện cơ bản cho sự hội nhập toàn diện của khu vực trong tương lai.

Nguyên tắc thứ ba là tôn trọng và thừa nhận các giá trị chung. Nguyên tắc này nhằm khuyến khích các nước Đông Á đấu tranh để giải quyết các vấn đề như luật pháp, nhân quyền, tham nhũng và tăng cường hiệu quả quản lý. Các nước có thể giúp đỡ lẫn nhau bằng cách chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề trên.

Nguyên tắc thứ tư, đề cập đến vấn đề xây dựng lòng tin trong lĩnh vực an ninh và tạo thuận lợi cho việc hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống qua việc làm rõ những khả năng quân sự của mỗi nước trong khu vực và tạo điều kiện cho các nước dễ dàng hiểu nhau khi có những chính sách khác biệt về quốc phòng.

Nói tóm lại, ASEAN + 3 ra đời và tồn tại trong bối cảnh đa dạng, phức tạp của các cơ chế, các tổ chức đa phương trong khu vực Đông Á, triển vọng phát triển của một cộng đồng Đông Á trên cơ sở cơ chế ASEAN + 3 này trở thành hiện thực sẽ có thể xảy ra trong tương lai không xa. Như tên gọi của nó, ASEAN hiện đang đóng vai trò chủ đạo trong hợp tác này. Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng ASEAN + 3 vẫn sẽ là bước quá độ cho một Cộng đồng Đông Á trong tương lai. Cần khẳng định lại rằng ASEAN +3 là một cơ chế đa phương gồm 4 bên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc mà ở đó các nước sẽ chung tay giải quyết các vấn khó khăn đang tồn tại như sự chênh lệch phát triển về cơ sở hạ tầng giữa các quốc gia và vùng lãnh lãnh thổ. Đây sẽ là lời giải cho tương lai phát triển đầy tiềm năng của khu vực vì phát triển cơ sở hạ tầng cho kết nối khu vực sẽ cho phép các nước trong khu vực khai thác hết tiềm năng liên kết và hội nhập kinh tế khu vực cho phát triển. Điều này chỉ thực hiện được thông qua các hành lang kinh tế kết nối các khu

vực nghèo nàn, lạc hậu với các cực phát triển cao hơn để tận dụng được hiệu ứng lan tỏa cho sự phát triển của những khu vực lạc hậu, kém phát triển hơn.

Một phần của tài liệu Vai trò của Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) đối với hợp tác Đông Á giai đoạn từ 1998 đến nay (Trang 27 - 31)