Bài tập định tính góp phần bồi dưỡng ngôn ngữ cho học sinh

Một phần của tài liệu Xây dựng và sử dụng hệ thống bài tập định tính phần Nhiệt học Vật lí lớp 10 THPT nhằm bồi dưỡng tư duy logic cho học sinh (Trang 29 - 31)

8. Cấu trúc của luận văn

1.3.1.Bài tập định tính góp phần bồi dưỡng ngôn ngữ cho học sinh

Khi giải BTĐT thì ta phải tìm hiểu đề bài để phân biệt đâu là dữ kiện bài tập cho và đâu là ẩn số cần tìm. Vì ngôn ngữ trong BTĐT thường rất gần gũi với ngôn ngữ trong đời sống và có thể không phù hợp với ngôn ngữ Vật lý. Như vậy HS phải chuyển ngôn ngữ trong BTĐT về ngôn ngữ Vật lý.

Trong BTĐT giải thích hiện tượng thì nguyên nhân của các hiện tượng đó là các đặc tính, các định luật Vật lý. Như vậy, HS phải chuyển những ngôn ngữ trong BTĐT về ngôn ngữ Vật lý, để từ đó có thể phân tích hiện tượng cần khảo sát thành các hiện tượng đơn giản chỉ tuân theo một quy tắc, một định luật nhất định. Chính điều này đã làm phong phú thêm ngôn ngữ cho các em, vì ngôn ngữ Vật lý đôi khi thể hiện trong cuộc sống theo nhiều dạng khác nhau.

Mặt khác trong các loại BTĐT buộc HS phải trình bày những suy nghĩ, những ý tưởng của mình bằng lời nói hoặc bằng cách viết, HS phải lựa chọn các từ ngữ để có thể mô tả một cách thật chính xác những ý nghĩ của mình. Nếu việc làm này được thực hiện thường xuyên thì chắc chắn khả năng trình bày ý tưởng của HS cũng như các khả năng khác có liên quan đến ngôn ngữ (khả năng tranh luận, phê phán, khả năng hợp tác, làm việc theo nhóm…) cũng sẽ được phát triển, sẽ làm cho ngôn ngữ HS được trong sáng, chính xác, rõ ràng, logic. Điều này sẽ là động lực để HS tự tin hơn để trình bày các ý tưởng của mình, cũng như khả năng tranh luận, làm việc theo nhóm… [5]

Ví dụ: Tại sao trước khi có cơn giông khí trời rất oi bức?

Trong câu hỏi này có những thuật ngữ cần hiểu theo ngôn ngữ vật lý như: “trước khi” có nghĩa là trước thời điểm diễn ra sự kiện, hiện tượng; “cơn giông” có nghĩa là mưa với lượng mưa lớn; “khí trời” là không khí trong tự nhiên; “oi bức” tức là nói lên độ ẩm không khí cao, nhiệt độ cao, gây bức bối, khó chịu.

Vậy có thể diễn đạt theo ngôn ngữ vật lý: Tại sao trước thời điểm có mưa giông, không khí có độ ẩm cao và nhiệt độ tăng cao?

HS phải sử dụng ngôn ngữ vật lý để lập luận, giải thích như sau: Khi sắp có cơn giông, hơi nước trong không khí gần như bão hòa. Vì thế mồ hôi không thể hóa hơi để điều hòa thân nhiệt được. Mặt khác, một số hơi nước trong không khí bắt đầu ngưng tụ thành những nước, nên giải phóng rất nhiều nhiệt, làm cho nhiệt độ không khí tăng lên. Vì thế mà ta cảm thấy oi bức khó chịu.

1.3.2. Bài tập định tính góp phần bồi dưỡng và phát triển các thao tác tư duy cho học sinh

Việc thực hiện 4 bước giải một BTĐT đòi hỏi HS phải thực hiện các thao tác tư duy. Trong quá trình giải quyết các tình huống cụ thể do BTĐT đặt ra, HS phải sử dụng các thao tác tư duy như: phân tích, so sánh, tổng hợp, trừu tượng hóa, cụ thể hóa, khái quát hóa, suy luận diễn dịch, suy luận quy nạp để giải quyết vấn đề.

Ví dụ: Vì sao khi pha nước chanh, người ta làm cho đường tan trong nước rồi mới bỏ đá lạnh vào? Bỏ đá lạnh vào trước rồi bỏ đường sau có được không?

Khi giải quyết vấn đề HS cần sử dụng các thao tác tư duy sau:

- Phân tích đề bài để tìm ra vấn đề (Vì sao cho đường tan trong nước rồi mới bỏ đá lạnh vào, nếu bỏ đá lạnh vào trước rồi bỏ đường sau thì có gì khác nhau?). - So sánh 2 hiện tượng có đặc điểm nào giống nhau, khác nhau (Giống nhau: các phân tử nước và đường chuyển động xen lẫn vào nhau. Khác nhau: trong nước nóng thì chuyển động nhiệt của các phân tử nhanh hơn trong nước lạnh)

- Trừu tượng hóa, khái quát hóa vấn đề và suy luận (Trong nước nóng → các phân tử nước và đường sẽ chuyển động nhanh hơn trong nước lạnh → đường tan nhanh hơn trong cốc nước nóng)

- Tổng hợp các dữ kiện đã cho và các dữ kiện đã tìm được để trả lời câu hỏi (Nhiệt độ càng cao các phân tử chuyển động càng nhanh nên dễ hoà tan hơn. Nếu bỏ đá vào trước, nhiệt độ của nước bị hạ thấp nên làm quá trình hoà tan của đường diễn ra chậm hơn).

Như vậy khi thực hiện giải BTĐT các thao tác tư duy được sử dụng linh hoạt, kết hợp đan xen vào nhau, do đó tư duy HS có điều kiện phát triển. Vì vậy có thể nói BTĐT là phương tiện bồi dưỡng TDLG cho HS.

Một phần của tài liệu Xây dựng và sử dụng hệ thống bài tập định tính phần Nhiệt học Vật lí lớp 10 THPT nhằm bồi dưỡng tư duy logic cho học sinh (Trang 29 - 31)