3.1. Bối cảnh lịch sử.
Trước sự thay đổi mau chóng của tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI (11/1939) chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, thực dân Pháp ở Đông Dương cũng bước vào con đường phản động và từng bước phát xít hóa bộ máy chính quyền cai trị của chúng. Trước tình hình đó, ta xác định nhiệm vụ đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai, giải phóng dân tộc lúc này là nhiệm vụ trước mắt, hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Nhiệm vụ chiến lược đó được quán triệt trong toàn Đảng.
Tháng 1/1940, Xứ ủy Trung Kỳ quyết định cử cán bộ ra Nghệ An bắt liên lạc để xây dựng lại cơ sở Đảng. Hai tháng sau, Tỉnh ủy lâm thời Nghệ An được thành lập gồm:
1. Nguyễn Đức Dương (người Nghi Lộc): Bí thư. 2. Trần Mạnh Quỳ (người Quảng Trị).
3. Lê Đình Nhiễu (người Nghi Lộc).
Dưới ánh sáng của Nghị quyết hội nghị lần thứ VI của Trung ương và sự chỉ đạo thống nhất của Tỉnh uỷ, cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng ở Nghệ An lại được phục hồi nhanh chóng. Tất cả cán bộ, đảng viên còn sót lại sau cuộc khủng bố cuối năm 1939 đều được tập hợp lại và làm nòng cốt trong việc phục hồi cơ sở ở các địa phương.
Trên cơ sở đó, tháng 2/1941, đồng chí Trần Mạnh Quỳ đã chủ trì một hội nghị cử ra Phủ uỷ lâm thời Hưng Nguyên gồm các đồng chí:
1. Nguyễn Quang (bí danh Nhân): Bí thư 2. Hoàng Thận: Phủ uỷ viên
3. Ngô Mậu: Phủ uỷ viên 4. Nguyễn Hiếu: Phủ uỷ viên
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng (11/1936), Phủ uỷ đã chỉ đạo xây dựng được một số tổ chức quần chúng như: Thanh niên phản đế cứu quốc đoàn ở Phù Xá, Nông dân phản đế cứu quốc.
22/9/1940, phát xít Nhật đưa quân vào đánh chiếm Lạng Sơn và ném bom vào Hải Phòng, đổ bộ lên Đồ Sơn. Từ đây nhân dân ta chịu hai tầng xiềng xích của Pháp và Nhật. Mâu thuẫn dân tộc trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940), khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940), binh biến Đô Lương (13/1/1941) bùng nổ làm cho không khí cách mạng diễn ra sôi sục trong các tầng lớp nhân dân cả nước.
Với sự kiện này khắp cả nước dấy lên phong trào “Ủng hộ khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ” .
Cuối năm 1944, phát xít Nhật đem 1 vạn quân vào chiếm đóng Nghệ An và tập trung quân ở Vinh - Bến Thuỷ nên nhân dân ở đây đã phải trực tiếp chịu đựng mọi hậu quả tai hại của chính sách khủng bố, cướp bóc, ức hiếp của quân Nhật. Thực tế thì trước khi đổ quân vào, ngay từ những năm 1941-1943, quân Nhật đã thọc bàn tay tội ác vào Nghệ An. Từ những năm đó chúng đã bắt nhân dân Hưng Nguyên đi đào mỏ măng gan ở Núi Thành để chúng chở về nước. Chúng vừa vơ vét của cải của đất nước ta, vừa bóc lột tàn tệ sức lao động của nhân dân ta.
Ngày 9/3/1945, Phát xít Nhật nổ súng đánh bại quân Pháp trên cả nước, ở Nghệ An đêm 9/3/1945, bằng vài loạt súng của Nhật vào trại lính Liotay đã tóm gọn hàng trăm tên lính Pháp cùng lính thuộc địa. Ngay sau đó, công sứ Pháp ở Nghệ An đầu hàng. Nhật nắm toàn quyền cai trị đất này.
Ngay sau khi nắm toàn quyền ở Đông Dương, quân Nhật càng ra sức hoành hành trắng trợn. Thi hành lệnh quân Nhật ban, bọn hào lý và tay sai thân Nhật đã bắt nhân dân ta đi phu làm sân bay ở Nghi Lộc, làm đường Linh Cảm - Napê. Ngoài mỏ măng gan ở Núi Thành, chúng còn bắt nhân dân ở các
làng xã dọc sông Lam phải phá lúa, màu để trồng đay phục vụ cho công nghiệp chiến tranh của chúng. Quân Nhật nắm độc quyền thu mua thóc, ngô, vừng, lạc và buộc nhân dân phải nộp các nông sản đó theo phân bổ đầu mẫu ruộng đất do chúng định. Một số ít địa chủ ở Hưng Nguyên lúc này đứng ra lập xưởng ép dầu lạc và trưng cầu việc trồng đay, trồng thầu dầu… để phục vụ cho nhu cầu của phát xít Nhật. Đây là một âm mưu vô cùng hiểm độc, tàn ác của Pháp và Nhật, vừa nhằm vơ vét nhân tài, vật lực của ta cung đốn cho chiến tranh, vừa nhằm giết chết nhân dân ta, số còn sống sót cũng bị đói khát, kiệt sức, khó lòng nổi dậy chống lại chúng.
Chính sách cướp bóc, vơ vét của Pháp và Nhật đã đẩy nhân dân ta đến nạn đói năm 1945 khủng khiếp chưa từng thấy. Người chết đói hành loạt, la liệt khắp nơi như một trận dịch hết sức rùng rợn. Chỉ trong 2 - 3 tháng đầu năm, riêng ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ đã có hơn 2 triệu người chết đói, trong đó Hưng Nguyên có 6.224 người, chiếm trên 10% dân số lúc bấy giờ, có gia đình chết một lúc 6 - 7 người; 207 gia đình chết cả nhà; 1.930 gia đình chết từ 1 - 3 người, có nơi người chết không có chỗ chôn. Riêng hai làng Lộc Đa, Đức Thịnh có 774 người chết đói, trong đó 90 gia đình không còn ai, chiếm 1/3 dân số địa phương [6, tr59]. Khắp các nẻo đường, đình chợ xác người chết đói nằm ngổn ngang và chồng chất lên nhau. Trận đói đã gây một không khí rùng rợn từ thành thị đến nông thôn, nhưng cũng làm cho nhân dân ta căm thù thực dân Pháp và phát xít Nhật đến tột độ.
Chính sách của đế quốc Pháp – Nhật ở Nghệ An làm cho mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân với chúng ngày càng thêm sâu sắc và gay gắt. Không có con đường nào khác, họ phải vùng dậy đấu tranh, trước hết là giành quyền sống, sau nữa là muốn lật đổ ách thống trị tàn bạo để thiết lập nên một chế độ xã hội mới. Quả đúng như báo cáo của Công sứ Vinh phản ánh về tâm trạng của nhân dân Nghệ An lúc bấy giờ là họ đều 'Tỏ thái độ chán ghét chế độ hiện hành và muốn lật đổ hoàn toàn chế độ đó” [11, tr10]