2.1 Đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng và hồi phục lực lượng
(1931 – 1936)
Xô viết Nghệ - Tĩnh là đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 – 1931. Tuy chỉ tồn tại được 4 – 5 tháng, nhưng đó là nguồn cổ vũ mạnh mẽ quần chúng nhân dân trong cả nước.
Trước tác động của phong trào, thực dân Pháp tập trung lực lượng tiến hành khủng bố dã man. Chúng điều động binh lính đóng nhiều đồn bốt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cùng với việc cho binh lính đi càn quét, bắn giết dân chúng, đốt phá, triệt hạ làng mạc, chúng còn dùng nhiều thủ đoạn chia rẽ, dụ dỗ, mua chuộc. Vì vậy nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng, cơ sở quần chúng bị phá vỡ, nhiều cán bộ, đảng viên, những người yêu nước bị bắt, tù đày hoặc sát hại [40, tr94].
Cuộc khủng bố của thực dân Pháp ở Nghệ Tĩnh diễn ra trong lúc cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản đã ảnh hưởng trực tiếp đến Đông Dương, vì vậy, nhân dân Nghệ An nói chung, Anh Sơn nói riêng càng phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề. Hàng trăm làng xã bị triệt hạ tan hoang, nông dân bị khủng bố, bị đói do thiên tai, mất mùa ngày càng nhiều.
Cuối năm 1931 phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh đã lắng xuống nhưng Nghệ Tĩnh còn là nơi đấu tranh rất căng thẳng giữa ta và địch. Trong báo cáo của Khâm sứ Trung Kỳ Chattel ngày 15/1/1932 lên Toàn quyền Đông đã viết “không nên ảo tưởng trước sự yên tĩnh đó, các nhà chức trách phải luôn cảnh giác” và phải bằng mọi cách để “duy trì và mở rộng sự yên ổn ấy”. Chính vì vậy, về cơ bản, số binh lính từ các nơi khác được điều động đến trấn áp cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh vẫn được lưu giữ lại trên đất Nghệ An, với nhiệm vụ phòng thủ ở những nơi xung yếu. Năm 1932, Pháp cho rút tiểu đoàn lính lê dương ra Bắc Kỳ, nhưng lại điều hai tiểu đoàn lính khố đỏ Bắc Kỳ và
lính thuộc địa vào Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại Nghệ An, ngoài hai đồn có đặt đại lý của Pháp ở Cửa Rào (Tương Dương) và Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) đã có từ trước, chúng lập thêm hai đại lý nữa là đồn Phủ Diễn (Diễn Châu) và đồn Thanh Quả (Thanh Chương). Tại các đại lý này, Pháp đều bố trí các đại úy quân đội đảm nhiệm, đại diện Công sứ bên cạnh quan lại An Nam để giải quyết các công việc, kể cả việc tập trung chỉ huy quân đội, lính khố xanh, bang tá trong địa hạt được giao quản lý. Thực dân Pháp còn cho lập thêm đồn binh Cầu Giát (Quỳnh Lưu) và đồn binh Đô Lương (Anh Sơn)...
Sở mật thám cũng được tổ chức lại, trở thành trung tâm phụ trách cả vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Trước đây chỉ có chánh mật thám, nay tăng thêm hai phó chánh mật thám để phụ trách Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Om be (Humbert), Chánh mật thám Hà Tĩnh được điều ra làm Chánh mật thám Nghệ An, thay Bi ê (Billet). Hệ thống bang tá đoàn phu tiếp tục được duy trì và củng cố lại. Thực dân Pháp cũng đồng thời tăng thêm quyền hành cho các quan lại, tổng lý để phục vụ mưu đồ thống trị thâm độc của chúng. Binh lính, kể cả lính lê dương và các loại khố đỏ, khố xanh, tuần dõng, cùng với lực lượng đoàn dõng vẫn ngày đêm lùng sục, vây ráp. Những quan lại khét tiếng gian ác, tiếp tục ở lại Nghệ An, để điều khiển binh lính trấn áp nhân dân.
Trước bão táp cách mạng của nhân dân, bọn đế quốc và phong kiến đã tổ chức một chiến dịch khủng bố với dã tâm dìm Nghệ Tĩnh trong máu lửa.
Sau những cuộc họp bàn khẩn cấp của thực dân Pháp và tay sai, từ cuối năm 1930, hàng loạt đơn vị lính khố xanh được điều động về tăng cường cho công việc đán áp. Theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương, lính lê dương cũng được huy động về đóng đồn ở nhiều vùng. Cùng với việc tăng cường lực lượng vũ trang chính quy, bọn thực dân, phong kiến tổ chức một hệ thống bang tá, đoàn phu từ phủ đến tận làng. Một chiến dịch bài xích, xuyên tạc được dấy lên. Các thủ đoạn bịp bợm như rước cờ vàng, phát thẻ quy thuận được đưa ra.
Anh Sơn là một trong những địa phương chính quyền Xô viết được thành lập ở nhiều xã. Vì vậy, chiến dịch khủng bố Anh Sơn của kẻ thù nổ ra từ đầu năm 1931. Ngày 29/3/1931, cùng một lúc 5 đồn binh được thiết lập, trong đó có đồn Yên Phúc, Yên Lĩnh được giao “quản lý an ninh trật tự của 2 tổng Lãng Điền và Đặng Sơn”. Hệ thống đồn binh sau đó là các đồn bang tá mọc lên đã làm cho bọn hào lý chức sắc ở các địa phương được trấn an và bắt đầu ngóc đầu dậy. Một loạt tên tay sai đắc lực được cử làm bang tá. Mỗi tên bang tá được cử tuyển thêm 5 – 6 lính và đóng ở nhiều nơi. Bang tá phủ Lê Tiến Lực, bang tá Thâm ở Vĩnh Sơn, bang tá Cừ ở Phúc Sơn...thực sự là những tên có nhiều tội ác với nhân dân.
Trước những thủ đoạn và hành động khủng bố, mị dân của kẻ thù, những người cộng sản và quần chúng yêu nước ở Nghệ An vẫn trung thành với lý tưởng và sự nghiệp cách mạng, cùng nhau chống khủng bố, bảo vệ đến cùng các tổ chức Đảng, cơ sở quần chúng. Nhân dân Nghệ An đã tiến hành đấu tranh chống khủng bố, chống đầu thú, tổ chức Đảng in và phát truyền đơn, tài liệu tuyên truyền để vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, cổ vũ quần chúng đấu tranh [69, tr641-642].
Để cảnh tỉnh những tên gian ác, theo chủ trương của Phủ ủy, hàng loạt cuộc thị uy, trấn áp được tổ chức. Ngày 02/4/1931, tổng ủy Đệ nhất đã huy động dân làng Vạn Thiện, Yên Lương, Cẩm Vọng, Tào Điền phối hợp với lực lượng của Tiên Nông, Bạch Ngọc tập trung tại xứ Vệ Đỏ, rồi kéo đến nhà tên bang tá tổng ở Phúc Yên. Khi đến nơi tên này bỏ chạy và tự vệ đâm trọng thương phải chạy về đồn Đô Lương. Ngày 24/4/1931 nhân dân Dương Xuân, Phú Lĩnh, Đa Thọ đã bao vây bang tá phủ Lê Tiến Lực ở Rọng Hai, làm tên này khiếp đảm bỏ chạy khỏi đồn đóng ở đình làng Đa Thọ. Bang tá Lê Khắc Huỳnh cũng bị trấn áp, lý trưởng Hà Văn Cờ ở Dương Long bị phá tan nhà cửa [1, tr51-52].
Để phản đối việc lập đồn binh, hạn chế hành động bắn giết bừa bãi của kẻ thù, Phủ ủy Anh Sơn có chủ trương cho các Tổng ủy tổ chức các cuộc đấu
tranh của quần chúng với yêu sách chống khủng bố, đòi rút đồn binh. Mở đầu cho phong trào này, ngày 13/3/1931, tự vệ và quần chúng từ Yên Phúc, Lãng Thạch theo đường số 7 đi lên, từ Hội Tiên về, Lãng Điền tới...tất cả đều tập trung tại đình làng Thượng Thọ chờ lệnh. Mục tiêu của cuộc đấu tranh này là bao vây đồn lính khố xanh ở Dừa, phục kích bắt sống tên đồn trưởng người Pháp ở đó.
8 giờ tối ngày 12/3/1931, tự vệ đã đột nhập đồn nhưng do lộ kế hoạch chuẩn bị, binh lính đồn Dừa biết trước đã rút lui ra khỏi đồn nên cuộc biểu tình không đạt kết quả. Tiếp theo, ngày 30/4/1931, gần như cùng một lúc các đồn Dừa, Yên Phúc, nhà thờ Quan Án họ Bùi đều bị quần chúng tự vệ các làng bao vây.
Sau hàng loạt các cuộc vây đồn không đạt kết quả, nhân dân các địa phương dùng tình cảm để tuyên truyền, thuyết phục lính đồn không nã súng vào dân vô tội, không cướp phá, đốt nhà của dân...
Chủ trương rước cờ vàng, thẻ quy thuận của địch được thực hiện từ giữa năm 1931 trở đi tại Anh Sơn. Đối phó với thủ đoạn xảo quyệt này, Phủ ủy Anh Sơn cho phổ biến truyền đơn, tài liệu của Đảng nói rõ sự bịp bợm, tính thâm độc của chủ trương này, yêu cầu dân chúng tẩy chay. Ở một số nơi, buổi lễ phát thẻ quy thuận bị quấy phá. Cũng có trường hợp dân làng tập trung thẻ quy thuận, cờ vàng đã phát đem đốt trước sân đình. Để sự đi lại của cán bộ được dễ dàng, cán bộ, đảng viên nào có nhiệm vụ đi tuyên truyền giác ngộ quần chúng được giữ thẻ quy thuận để dùng khi cần thiết che mắt địch. Ở những làng Xô Viết, thời kỳ đầu, hòa lý địa phương cứ lên phủ nhận về rồi giao cho Nông hội.
Nhiều nơi đã dùng tổ chức phu đoàn để phục vụ việc canh phòng bảo mật trong thôn xã. Các chức cụ chủ chốt đều do người của Đảng bố trí. Đại bộ phận thành viên của tổ chức này là các đội viên tự vệ trước đây.
Để có cơ sở xã hội vũng chắc tạo điều kiện cho việc đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, sau chỉ thị của trên “duy trì kiên cố chi bộ và các đoàn
thể quần chúng”, Phủ ủy Anh Sơn tiếp tục chăm lo đúng mức tốt công tác đoàn thể. Lực lượng cách mạng tiếp tục được chọn lựa, phát triển, tổ chức thường xuyên được củng cố kiện toàn. Trong đấu tranh, những gia đình bị tổn thất hy sinh được thăm hỏi, động viên, chăm lo chu đáo. Địch phá nhà nào, dân xung quanh giúp dựng lại. Nép nổi bật cho việc giúp đỡ lẫn nhau là trong hơn 2 tháng trời, nhân dân yên Phúc sơ tán vào rừng, cả huyện đều có những hình thức phong phú động viên giúp đỡ.
Những chủ trương kịp thời của các cấp bộ Đảng ở Anh Sơn đã bảo đảm cho tổ chức Đảng, quần chúng được duy trì, phong trào cách mạng được nuôi dưỡng.
Sau vụ giết 11 tên tay sai phản động và tên đồn trưởng Tây ở Yên Phúc, kẻ thù đã điên cuồng khủng bố. Tên bang tá Cừ đã bắt một lúc 12 người rồi kẹp vào giữa hai cột đình, lấy súng bắn xuyên áo giết chết một lúc 11 người. Thậm chí, chúng trói nẹp nhiều người bằng hai cây tre rồi lấy nước sôi đổ từng đợt lên người. Bang tá Lực thì trói người cho ngồi vào trong một chỗ rồi xô đổ cột đình, chết một lúc 7 người. Có ngày bọn hào lý trói người phơi nắng hè suốt cả ngày không cơm nước gì cả. Tính chung trong đợt khủng bố này có tới 500 người bị chết.
Cùng với chiến dịch khủng bố, việc truy lùng cán bộ, đảng viên hết sức ráo riết. Cơ quan phủ ủy Anh Sơn liên tiếp di chuyển từ khu rừng này tới khu rừng khác (Côn Trăn, Long Điền, Hố Nốc...) Phủ ủy bị tan vỡ và lập lại nhiều lần...
Cuối tháng 8/1931, tên bang tá Thâm cùng lính về bao vây làng Vạn Thiện. Chúng lấy sổ sách, sục vào từng nhà bắt bớ. Chỉ sau mấy giờ, ở Yên Lương, Cẩm Vọng, Vạn Thiện có 50 người bị bắt, 20 người bị chúng tra tấn đến chết. Để chống lại việc bắt bớ, bắn giết, quần chúng nhân dân, tự vệ các làng tiếp tục đấu tranh. Ngày 09/8/1931, 500 nhân dân làng Quan Lãng kéo đến phá nhà bang tá phủ Lê Tiến Lực. Ngày 19/8/1931, nhân dân Yên Phúc nổi trống mõ, kéo nhau ra đình làng giải thoát những người bị bắt. Cũng ngày
này, tự vệ Yên Lãng cắt phá dây điện trên trục đường 7 vứt xuống sông Lam. Ngày 24/8/1931, bang tá Lực bắt một số cán bộ ở Lãng Điền, dân kéo ra giải thoát. Ngày 12/9 nhân dân lãng Điền biểu tình kéo qua làng đả đảo việc phát thẻ quy thuận, xé bỏ số thẻ hào lý mới nhận thẻ về. Đoàn biểu tình đi đến đâu cũng đốt pháo nổ vang gây thanh thế.
Từ tháng 7/1931, để tuyên truyền cổ động quần chúng, Phủ ủy Anh Sơn cho ra tờ báo Gương Vô Sản. Trong số báo đầu tiên ra ngày 01/7/1931, đã phát đi lời kêu gọi quần chúng nổi dậy đấu tranh đối phó với địch phát thẻ vãng lai, thẻ quy thuận. Tiếp đó trong số báo ngày 5/8/1931, Phủ ủy công khai phê phán nghiêm khắc một số tư tưởng giao động và công bố quyết định Phủ ủy “ khai trừ, hạ tầng công tác những đồng chí có tư tưởng sai trái”. Cũng trong số báo ra ngày 5/8/1931, Phủ ủy phê phán một số nơi: “Buông lỏng lãnh đạo, chưa chuyển hướng kịp thời hình thức, phương pháp đấu tranh như việc xung đột với đế quốc liều lĩnh ở Yên Phúc, Bạch Ngọc” [1, tr54-55].
Những tháng cuối năm 1931 bên cạnh việc khủng bố, đàn áp điên cuồng, kẻ thù đã áp dụng chính sách cải lương bịp bợm. Ngày 3/7/1931, chính phủ Pháp duyệt đề án cho thi công công trình đập nước Đô Lương. Ở một số nơi, chúng tổ chức phát chẩn gạo 3 ngày 1 lần cho người bị đói, phát thuốc cho người bị ốm. Chúng còn gọi chánh phó tổng lên phủ lấy lúa, hoa màu về phát cho dân trồng trọt. Chúng trao chứng chỉ bang tá cho những người có uy tín để vô hiệu hóa họ. Chúng đưa tôn giáo vào để mê hoặc ru ngủ “ làm cho dân Lãng Điền – Hội Tiên theo đạo gần hết”.
Thực dân Pháp hy vọng sẽ xóa sạch mọi vết tích cộng sản trên đất Nghệ An, song Xô viết Nghệ Tĩnh, Xô viết Yên Phúc (Phúc Sơn) “như các cây gỗ trong rừng nguyên sinh bị phạt ngang thân nhưng gốc rễ nó đã ăn sâu vào lòng đất và chẳng bao lâu cây lại đâm chồi nảy lộc” [36, tr144].
Do không nhận biết được âm mưu thâm độc của kẻ thù cho nên, một số bộ phận cán bộ đảng viên ngại đấu tranh, cho rằng kẻ thù bắt đầu nhượng bộ...
Trước những thủ đoạn khủng bố cùng những “cải cách” của địch những người cộng sản và quần chúng cách mạng ở Anh Sơn nói riêng, Nghệ An nói chung vẫn giữ vững lòng trung thành với lý tưởng cộng sản. Những chính trị phạm trong các nhà lao đế quốc đã chứng tỏ tinh thần bất khuất dũng cảm vô song của người chiến sỹ. Họ đã biến nhà lao thành trường học chính trị, văn hóa, quân sự, các loại “ báo chí bằng miệng” vẫn xuất bản hàng ngày.
Tháng 10/1931, Phủ ủy Anh Sơn tổ chức một cuộc hội nghị để phân tích, đánh giá tình hình một cách toàn diện và đề ra những chủ trương, biện pháp kịp thời nhằm bảo vệ phong trào cách mạng. Hội nghị nhận định: “ Do khủng bố càng tăng nên làm gián đoạn công việc hành chính và công việc tổ chức của Đảng, nó ngăn trở đấu tranh phát triển”. Từ nhận định đó, hội nghị đề ra chủ trương: “Phải tìm gấp biện pháp cải tổ để củng cố tổ chức của Đảng... Chọn những người có tư tưởng tốt, không bị tình nghi dễ hòa lẫn với quần chúng cho vào Đảng... tiếp tục củng cố chi bộ, cử phái viên về cùng các tổng bộ để đi vào quần chúng mà giáo dục quần chúng.... Tổ chức lại phương tiên liên lạc, chỉ định lại cán bộ giao thông... Điều tra cốt yếu là cán bộ phải hoạt động bí mật vì bọn bang tá và phản động đã biết những hành động của chúng ta”. Hội nghị đã coi việc mở hội nghị thảo luận kỹ để chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị này là phương pháp duy nhất đóng góp vào việc đẩy mạnh sự nghiệp chung. Tại hội nghị này, Phủ ủy được kiện toàn lại. Đồng chí Phạm Đình Quỳnh tiếp tục làm Bí thư Phủ ủy.
Với việc cho ra đời tờ báo Gương Vô Sản, sự chú ý đúng mức đến công tác huấn luyện, tuyên truyền giác ngộ cán bộ, đảng viên, giữ kỷ luật Đảng, nghiêm minh, đặc biệt là Nghị quyết về vấn đề tổ chức Đảng tháng 10/1930 chứng tỏ cấp ủy Đảng ở Anh Sơn đã có bước trưởng thành lớn. Những việc làm đó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc giữ gìn lực lượng cách mạng, giữ vững phong trào đấu tranh của quần chúng.
Cuối tháng 10/1931, kẻ địch phát hiện được nơi của Phủ ủy và Tỉnh ủy Nghệ An. Chúng đã dồn lính đến, liên tiếp vây ráp để bắt cán bộ, phá vỡ tổ
chức Đảng. Các cán bộ được phái về địa phương để xây dựng cơ sở đều lọt