Sự hòa thuận của đạo vợ chồng trong tục ngữ, ca dao Việt Nam

Một phần của tài liệu ĐẠO VỢ CHỒNG TRONG TỤC NGỮ, CA DAO VIỆT NAM (Trang 61 - 70)

Trong quan hệ vợ chồng, sự hòa thuận là một trong những nội dung cơ bản của đạo vợ chồng, nó có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn, vun đắp hạnh phúc gia đình. Bàn về đạo vợ chồng, tác giả Phạm Việt Long cho rằng “Đạo vợ chồng cư xử với nhau, trọng nhất là hai chữ hòa thuận.

Người chồng phải giữ nghĩa với vợ, vợ phải giữ tiết hạnh với chồng. Phụ nữ phải đủ tứ đức, tam tòng. Chồng đối với vợ thì ăn ở cho đúng đắn, biết thương yêu, quý trọng, có tài trí, vợ được nương nhờ. Vợ chồng đồng tâm hiệp lực” [25, 62].

Theo Đại từ điển Tiếng Việt, “Hòa thuận là êm ấm, không xích mích, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, tập thể” [50, 98].

Sự hòa thuận là điều mong ước của mọi người trong gia đình để được sống hạnh phúc và yên bình. Trong tương quan vợ chồng, ước mơ ấy lại càng tha thiết và mạnh mẽ hơn. Bởi vì, một khi “vợ chồng như đũa có đôi”, thì mối quan hệ hòa thuận luôn là một yêu cầu không thể coi nhẹ. Sự bất hòa chính là một trong những nguy cơ chia rẽ, rạn đứt hạnh phúc vợ chồng. “Không có gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn vàn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình” [45, 36].

Vợ chồng hòa thuận, sống trọng tình là tình cảm thiêng liêng, là chuẩn mực đạo đức đã được đưa vào tục ngữ, ca dao như một bức tranh đẹp tuyệt. Đây là một trong những động lực chủ yếu cho sự phát triển gia đình, sự nghiệp của con người. Vợ chồng có hoà thuận thì mọi công việc sẽ suôn sẻ, khó khăn đến mấy cũng có thể vượt qua, hay sự thông cảm, chia sẻ mà dễ dàng hoà hợp với nhau không câu nệ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Muốn có sự hòa thuận, thì vợ chồng phải nhường nhịn, hy sinh...; người vợ quán xuyến, đảm đương công việc nhà, vợ lo toan cho chồng mọi bề để chồng yên tâm học hành, làm việc; thậm chí họ phải chịu thiệt thòi để chồng được hưởng tiếng thơm với làng với nước. Người chồng ghi nhận công lao của vợ, cư xử công bằng với vợ, vợ chồng cùng nhau lao động, sản xuất.

Có nhiều câu tục ngữ, ca dao khác nói về sự nhường nhịn của mỗi người trong gia đình (đặc biệt là người vợ) để gìn giữ sự hòa thuận, tình cảm vợ chồng và bảo vệ hạnh phúc gia đình:

Chồng giận thì vợ làm lành Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì

Hỏi rằng anh giận em chi Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho

*

Chồng giận thì vợ bớt lời Cơm sôi nhỏ lửa chẳng rơi hạt nào

Tục ngữ, ca dao hướng vào việc yêu cầu người phụ nữ phải có cách ứng xử thích hợp với các trạng thái của chồng. Dù chồng ở trạng thái nào, ứng xử cụ thể thế nào, thì người phụ nữ cũng theo cái tình chứ không theo cái lý.

Cái tình dẫn dắt khiến người phụ nữ bỏ qua mọi tiêu chí về một người đàn ông, chỉ cần người đó là chồng mình cũng đủ để mình tôn thờ. Theo cái tình, người phụ nữ phải chịu mọi éo le của cuộc đời, từ việc phải gắng công, phải chịu lầm than, tới việc phải làm cái điều phi lý là lấy vợ lẽ cho chồng, bồng con riêng của chồng, phải chung thủy, trong khi chồng năm thê bảy thiếp. Trong quan hệ vợ chồng, sự hòa thuận là quan trọng nhất. Muốn có sự hòa thuận, thì phụ nữ phải nhường nhịn, hy sinh - phụ nữ đóng vai trò điều tiết quan hệ gia đình. Như thế, sống trong gia đình phụ hệ, nhưng người phụ nữ Việt không bị lệ thuộc hoàn toàn vào người chồng mà vẫn có vai trò trong gia đình, với cách thức ứng xử mềm mại, uyển chuyển, trọng tình nghĩa.

Các tác giả của “Thi ca bình dân Việt Nam” viết rằng: "Muốn tạo hòa khí gia đình, vợ chồng thường lấy sự nhịn nhục làm đầu" [24, 283]. Bởi vậy, để vợ chồng hòa thuận, vợ chồng – đặc biệt là người vợ phải có phần cam

chịu để mối quan hệ vợ chồng nói riêng, quan hệ gia đình nói chung được êm ấm, hài hòa:

Ngu si cũng thể chồng ta

Dẫu rằng khôn khéo cũng ra chồng người *

Thương chồng nên phải gắng công, Nào ai xương sắt, da đồng chi đây

Vợ phải chiều chồng:

Chiều người lấy của, chiều chồng lấy con *

Gái thương chồng, đương đông buổi chợ Trai thương vợ, nắng quái chiều hôm

*

Đang khi lửa tắt cơm sôi Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem.

Bây giờ lửa đã cháy lên Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm!

Để vợ chồng hòa thuận, người vợ phải nhường nhịn, hy sinh và biết chiều chồng. Vợ có cống hiến, chồng phải công bằng, cùng nhau lao động, ghi nhận và tự hào về người vợ của mình, điều đó tại nên sự hòa thuận vợ chồng:

Gái có công, chồng không phụ

*

Giàu vì bạn, sang vì vợ

*

Bé thì nhờ mẹ, nhờ cha Lớn lên nhờ vợ, lúc già nhờ con

Của chồng công vợ *

Lệnh ông không bằng cồng bà

Đôi khi trong lời than của người vợ đối với chồng là chất chứa lời khuyên của một người vợ rất yêu chồng, sống vì chồng. Vợ khuyên chồng:

Đêm khuya gió lặng, thanh trời Khuyên chàng bớt ngủ nghe lời em than

*

Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu

*

Việc nhà em liệu lo toan Khuyên chàng học tập cho ngoan kẻo mà.

Nửa đêm ân ái cùng chồng Nửa đêm về sáng gánh gồng ra đi

Do ảnh hưởng của Nho giáo, người nông dân cũng hướng đến sự vinh thân qua con đường học hành, khoa cử. Chính vì vậy, trong các việc làm của người chồng, có việc đi học. Với những gia đình nhà nho, thì ảnh hưởng của giáo lý Khổng Mạnh tất yếu mạnh hơn các gia đình khác, và tư tưởng “dương danh, hiển nhân” cũng chi phối suy nghĩ của họ. Các câu tục ngữ, ca dao nói về việc đi học, đi thi của người đàn ông phần lớn thông qua lời nói của người vợ, qua đó bộc lộ rõ rệt mục đích của việc học là đỗ đạt, làm quan, đem vinh hiển về cho gia đình, vợ con ("Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau", "Trước là vinh thiếp, sau mình vinh thân"). Có thể nói, tình trạng vợ chồng cùng nhau chăm bẵm vào con đường khoa cử nhằm vinh hiển, trong đó người chồng dấn bước vào khoa trường, còn người vợ thì tần tảo nuôi chồng ăn học, chính là biểu hiện rõ rệt nhất của sự ảnh hưởng của Nho giáo vào gia đình

người Việt. Xác định rõ mục đích, phân công công việc rõ ràng (anh đi học, em lo việc nhà), hai vợ chồng đều tự giác chăm lo công việc của mình, nhưng người vợ bao giờ cũng vừa làm vừa hướng tâm tưởng của mình về phía chồng, chăm lo chồng chu đáo, và do vậy, quan hệ giữa hai vợ chồng càng gắn bó. Mặt khác, ghi nhận ảnh hưởng tích cực của Nho giáo vào xã hội Việt Nam là góp phần tạo nên truyền thống hiếu học, một yếu tố hết sức cần thiết để đào tạo con người cho xã hội hiện đại. Điều đó ảnh hưởng tích cực đến quan hệ vợ chồng hòa thuận: người chồng - từ vị trí người chủ gia đình mà người vợ luôn luôn phải phục tùng theo quan điểm Nho giáo, khi chăm bẵm theo con đường khoa cử, trở thành anh “học trò dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”, trông chờ người vợ lo toan cho cuộc sống, đã giảm dần vai trò gia chủ. Và nhờ thế, vai trò của người vợ ngày một trở nên quan trọng hơn, tạo ra thế bình đẳng giữa hai vợ chồng.

Những câu ca sau đây, từ đời này qua đời khác, người ta truyền cho nhau luôn nhắc nhau hằng ngày, bởi trong cuộc sống, vợ chồng thường cậy nhờ vào nhau, đặc biệt là người vợ chân yếu tay mềm, luôn mong muốn được nhờ cậy chồng:

Chồng khôn vợ được đi hài

Vợ khôn chồng được nhiều bài cậy trông

Sự hòa thuận vợ chồng có được đâu phải là do cuộc sống giàu có về vật chất đầy đủ, điều quan trọng chính là tình cảm của mỗi người, họ cùng biết cảm thông với hoàn cảnh gia đình và cùng chia sẻ, yêu thương với nhau thật sự.

Nhà anh chỉ có một gian

Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng Anh cậy em coi sóc trăm đường

Để anh mua bán trẩy trương thông hành. Còn chút mẹ già nuôi lấy cho anh Để anh buôn bán thông hành đường xa

Liệu mà thờ kính mẹ già

Đừng tiếng nặng nhẹ người ta chê cười Dù no dù đói cho tươi

Khoan ăn bớt ngủ, liệu bài lo toan Cho anh đành dạ bán buôn…

*

Đói no có thiếp có chàng

Còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình

Tục ngữ, cao dao cho thấy, vợ chồng người Việt đồng hòa thuận, tâm hiệp lực trong lao động nhằm tạo dựng một cuộc sống no đủ, hạnh phúc – chồng làm việc này thì vợ làm việc khác: chồng cày – vợ cấy, chồng sương sớm – vợ sương chiều, anh đi gặt – nàng quảy cơm, chồng vác bừa – vợ dắt trâu, em chẻ lạt – anh chắp thừng, thiếp đây – chàng đấy, em đứng mũi – anh chịu sào, chàng bòn – thiếp mót. Hình tượng người chồng thật bình dị, không giầu sang, oai phong mà gần gũi, đồng cảnh với người vợ. Điều đáng quý của người chồng trong tục ngữ, ca dao là siêng năng, cần mẫn, biết yêu thương vợ con, cảm thông cho hoàn cảnh của nhau, tôn trọng những thành quả do hai người vun đắp nên:

Sáng trăng giải chiếu hai hàng Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.

Đêm hè gió mát trăng thanh Em ngồi canh cửi còn anh vá chài.

Trên đồng cạn dưới đồng sâu Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa

Nước lụt thì lụt cả làng

Đắp đê chống lụt, thiếp chàng cùng lo

*

Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn

Vốn là một nước nông nghiệp nên hình ảnh cây đa giếng nước, con đò, người nông dân một nắng hai sương với con trâu đi trước, cái cày đi sau đã quá quen thuộc với tất cả những người dân Việt Nam. Chỉ có người chồng, người vợ, con trâu cùng với những động tác cày, cấy, bừa... Tục ngữ, ca dao đã vẽ nên một bức tranh thật đẹp về một gia đình vợ chồng thuận hoà, hạnh phúc bên nhau. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù là đồng cạn hay đồng sâu, chỉ cần có sự hoà thuận, chung lưng đấu cật của người vợ, người chồng cùng với con trâu là người bạn cày bừa thì việc đồng áng sẽ được hoàn tất, cuộc sống của gia đình được ấm no, hạnh phúc bền lâu:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa

Một bức tranh thuỷ mạc về vợ chồng người nông dân tuy lao động cực nhọc nhưng quấn quýt bên nhau trong khung cảnh yên bình. Hình ảnh con trâu tham gia vào công việc nhà nông của họ làm cho bức tranh quê càng thêm sinh động. Cùng với chồng và vợ, con trâu đã khắc hoạ đậm nét hình ảnh loại gia đình Việt tiêu biểu – gia đình hạt nhân, với hai lao động chính. Người ta cảm thấy một sự yên phận, không màng công danh, phú quý, vui với cái nghèo, miễn là khuya sớm vợ chồng thuận hoà bên nhau. Trong cuộc sống bon chen, lọc lừa và nhiều bất trắc, thì ước mơ bình dị vợ chồng gắn bó, hoà thuận với nhau lại là tiếng nói tích cực, giàu nhân bản.

Sự hòa thuận trong đạo vợ chồng thể hiện được những đức tính tốt đẹp của con người Việt, người vợ giúp chồng làm trọn những công việc gia đình và xã hội; họ cũng là người giữ gìn gia đạo, nề nếp của gia đình; khuyên răn

chồng những bài học trong tu dưỡng và hành động, ứng xử thay chồng, thay gia đình với tư cách cá nhân mà điều hòa mọi mối quan hệ. Người chồng tự hào về vợ, cư xử công bằng với vợ. Vợ chồng cùng nhau lao động sản xuất, cùng nhau vượt qua khó khăn, vun đắp gia đình được cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Cụm từ vợ chồng đã trở thành một biểu trưng trong nền văn hóa cộng đồng người Việt, là biểu tượng đẹp đẽ cho cộng đồng dân tộc, xứng đáng được đánh giá cao về đạo vợ chồng. Đạo vợ chồng cư xử với nhau, trọng nhất là hai chữ hoà thuận.

Ca dao, tục ngữ hựớng vào việc yêu cầu người phụ nữ phải có cách ứng xử với các trạng thái của chồng. Dù chồng ở trạng thái nào, ứng xử cụ thể thế nào, thì người phụ nữ cũng theo cái tình chứ không theo cái lý. Cái tình dẫn dắt khiến người phụ nữ bỏ qua mọi tiêu chí về một người đàn ông, chỉ cần người đó là chồng mình cũng đủ để mình tôn thờ. Theo cái tình, người phụ nữ phải chịu mọi éo le của cuộc đời, phải gắng công. Theo cái tình, có lúc người vợ mù quáng theo chồng, vi phạm đạo làm con. Chỉ có một tình huống trong đó người vợ đóng vai trò chủ động là có công thì thái độ của người chồng phải là không phụ - cách đáp ứng này không tương xứng với hành động của người vợ, ca dao, tục ngữ đòi hỏi người đàn ông quá ít. Duy có một câu mang sắc thái phản ứng tiêu cực của người phụ nữ là làm việc xấu để đáp lại việc xấu của chồng (ăn chả - ăn nem), có thế thấy đó là khi người phụ nữ đã bị đẩy đến tột cùng của sự chịu đựng nên phải phản ứng ngầm như vậy. Trong quan hệ vợ chồng, sự hòa thận là quan trọng nhất. Muốn có sự hòa thuận thì người phụ nữ phải nhường nhị, hy sinh - Phụ nữ đóng vai trò điều tiết quan hệ gia đình. Như thế, sống trong gia đình phụ hệ , nhưng người phụ nữ Viện không bị lệ thuộc hoàn toàn vào người chồng mà vẫn có vai trò trong gia đình, với cách ứng xử mềm mại, uyển chuyển, trọng tình nghĩa.

Một phần của tài liệu ĐẠO VỢ CHỒNG TRONG TỤC NGỮ, CA DAO VIỆT NAM (Trang 61 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(99 trang)
w