1.2.1.1. Điều kiện kinh tế - xã hội
Xuất phát từ quan điểm chủ nghĩa duy vật lịch sử về tồn tại xã hội, ý thức xã hội và mối quan hệ giữa tồn tại xã hội – ý thức xã hội đã cho thấy cơ sở hình thành đạo vợ chồng phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của xã hội Việt Nam truyền thống. Nó quy định lên những nét đặc trưng về đạo vợ chồng của người Việt Nam. Tồn tại xã hội là toàn bộ sinh hoạt vật chất và những điều kiện sinh hoạt vật chất bao gồm các yếu tố chính là phương thức sản xuất, điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh địa lý, dân số... Ý thức xã hội là mặt tinh thần của đời sống xã hội, bao gồm toàn bộ những quan điểm, tư tưởng cũng tình cảm, tâm trạng... của những cộng đồng xã hội, nảy sinh từ tồn tại xã hội, trong gia đoạn xã hội nhất định. Tồn tại xã hội có vai trò quyết định đối với ý thức xã hội. Những điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, những phong tục tập quán, nếp sống của con người Việt Nam trong xã hội truyền thống là yếu tố tồn tại xã hội có vai trò quyết định đối với sự hình thành, quy định đặc trưng của đạo vợ chồng – yếu tố ý thức xã hội.
Một trong những vấn đề trung tâm, hàng đầu của tư tưởng triết học Việt Nam là vấn đề con người, đạo lý làm người, tức là nhân sinh quan.Với tư cách là ý thức xã hội và là tư tưởng nhân sinh quan, đạo vợ chồng được hình thành và phát triển dưới tác động của toàn bộ những nhân tố kinh tế, văn hóa, xã hội gắn liền với tiến trình lịch sử Việt Nam. Đạo đức vợ chồng được hình hình thành trên nền tảng văn minh lúa nước và những điều kiện đặc thù của
lịch sử Việt Nam. Sự tồn tại của gia đình nói chung, của quan hệ vợ chồng nói riêng phải gắn liền và là một bộ phận của làng xã; quan hệ vợ chồng tạo thành gia đình, nhiều gia đình tạo thành làng xã, nhiều làng xã tạo thành dân tộc, đất nước. Yêu cầu cố kết cộng đồng được phản ánh vào trong đạo đức gia đình không chỉ làm hình thành yêu cầu gắn kết các thành viên trong gia đình mà còn gắn kết các mối quan hệ trong gia đình, tiêu biểu là quan hệ vợ chồng với làng nước. Điều đó tạo nên một sắc thái đặc thù trong quan hệ vợ chồng.
Việt Nam với vị trí địa lý và đặc điểm về địa hình, khí hậu, tài nguyên, sinh thái, là một thiên nhiên nhiệt đới gió mùa phong phú đa dạng, chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức với con người. Nền sản xuất nhỏ manh mún được tiến hành trong những điều kiện thiên nhiên nhiệt đới giàu có, nhưng mặt khác cũng hết sức khắc nghiệt. Con người Việt Nam vừa thích nghi, vừa khai phá những tài nguyên và những mặt thuận lợi của thiên nhiên để mở mang phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác phải liên kết lại trong cuộc đấu tranh khôi phục những trở ngại của thiên nhiên, chống thiên tai. Chính nỗ lực của con người đã khắc phục khó khăn đó, thông qua hoạt động thực tiễn mới rèn luyện con người Việt Nam đem lại cho họ những đức tính, những phẩm chất để tồn tại. Mỗi thành viên trong gia đình luôn tập hợp nhau lại cùng lao động,sản xuất, cùng bảo vệ nhà cửa, mùa màng và sinh mạng. Nó tạo nên sự đoàn kết, tương thân tương ái giữa những thành viên trong gia đình, tạo nên vị trí quan trọng của người đàn ông trong gia đình, vai trò chăm lo cuộc sống gia đình của người phụ nữ. Đặc biệt, nó hình thành nên sự hòa thuận, đồng cam chịu khổ, gắn bó trong lao động sản xuất của vợ chồng người Việt.
Do ảnh hưởng từ nền văn minh lúa nước nên đạo vợ chồng cũng mang rõ ràng dấu ấn của cư dân nông nghiệp, coi trọng những hình ảnh thiên nhiên, ca ngợi vợ chồng trong lao động, sản xuất. Đó là những hình ảnh mang đặc
trưng của con người Việt Nam như con cò, con trâu - cái cày, cái rổ - cái hom hay râu tôm – ruột bầu... Nó ca ngợi vẻ đẹp, phẩm chất người vợ - thủy chung, tần tảo, sống vì chồng; ca ngợi sự gắn bó, trách nhiệm, giữ đạo nghĩa của người chồng. Những hình ảnh mang đậm chất nông nghiệp đã vẽ nên một bức tranh thật đẹp về một gia đình vợ chồng thuận hoà, hạnh phúc bên nhau, những hình ảnh rất đỗi mộc mạc, giản dị, đời thường với cuộc sống người nông dân luôn được gắn liền trong những lời khuyên răn, giáo dục đạo đức vợ chồng như một chất liệu đặc trưng.
Xã hội phát triển trải qua nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, ứng với mỗi giai đoạn của lịch sử phát triển là một hình thái kinh tế - xã hội. Sự tiến triển của các hình thái kinh tế - xã hội của mỗi nước mang những nét đặc thù có ảnh hưởng đến sự phát triển văn hoá, ý thức, trong đó có ý thức đạo đức nói chung và đạo đức vợ chồng nói riêng. Trong tiến trình vận động và phát triển, gia đình luôn có một vị trí và vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ và giữ gìn các giá trị văn hóa. Gia đình là nơi tiếp nhận, kế thừa và chuyển giao những giá trị truyền thống của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo chiều dài lịch sử dân tộc, những di sản quý báu về đạo đức gia đình nói chung, đạo vợ chồng nói riêng đã được truyền dạy trong gia đình và cộng đồng. Theo nguyên lý phát triển của chủ nghĩa duy vật biện chứng, đạo vợ chồng của người Việt luôn vận động, phát triển theo thời gian đến ngày nay – đó là quá trình gìn giữ, phát huy những tinh hoa đạo lý về quan hệ vợ chồng: thủy chung, nghĩa tình, hòa thuận.
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, chế độ phụ quyền thiết lập nam tôn ti từ luật pháp, lệ làng đến luân thường đạo lý, ăn sâu từ cội nguồn gia đình, làng xã. Người vợ vừa tham gia lao động sản xuất vừa là nguồn yêu thương chăm sóc chồng con, đỡ đần cha già mẹ yếu, là chỗ dựa cho gia đình về nhiều phương diện. Đảm đang, tần tảo, là người vợ đảm đang, chịu thương
chịu khó, thức khuya dậy sớm, cùng lúc làm nhiều việc mà việc nào cũng chu tất mà thầm lặng hy sinh. Tính chất phụ quyền của gia tộc Việt là điều đã được nhiều lầnnhấn mạnh, với các nguyên lý chính làm khung cho nó: quyền uy tối cao của người chồng đối với người vợ, đặc quyền thừa kế của con trai, đặc biệt của con trai trưởng, vai trò quán triệt, có khi hầu như độc tôn của đàn ông chủ hộ trong mọi tổ chức ngoại gia đình... Tính chất phụ quyền ấy còn được tô đậm bởi nhiều thế kỷ giáo dục nhà Nho. Trên bình diện sinh hoạt cộng đồng của làng - xã, sự vắng mặt quá "lộ liễu” của phụ nữ trong cơ cấu tổ chức càng nói lên thế lép vế của họ, thân phận thấp bé. Đặc tính của gia đình người Việt trong xã hội Việt Nam truyền thống là yêu thương đùm bọc nhau, tôn trọng lễ nghĩa gia phong. Gia đình và dòng họ trở thành cơ sở vững chắc ở nông thôn, từ đó có những quan hệ hẹp hòi như sự khắt khe trong quan hệ vợ chồng - đạo nghĩa vợ chồng với lòng thủy chung son sắc, tình nghĩa, hòa thuận và hi sinh... Đó là những tư tưởng nhân văn của đạo đức Á Đông được Việt hóa, hòa vào bản sắc dân tộc Việt góp phần tạo ra tinh hoa văn hóa gia đình Việt nói chung và đạo vợ chồng nói riêng từ thời dựng nước đến nay.
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, đơn vị sinh hoạt trong làng là gia đình “Gia đình là một định chế chi phối về mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục. Mọi sinh hoạt của cá nhân đặt trực tiếp dưới quyền điều khiển của một cá nhân là chủ gia đình" [45, 12]. Với điều kiện kết cấu xã hội như vậy, tư tưởng cục bộ là một đặc trưng của người nông dân xưa. Tư tưởng này được thể hiện đậm nét trong quan niệm về hôn nhân của người Việt. Mọi việc trong quan hệ vợ chồng đều khép kín trong lũy tre làng, nổi bật là lấy vợ, gả chồng: "Tậu ruộng giữa đồng, lấy chồng giữa làng”, “Lấy chồng khó giữa làng, hơn lấy chồng sang thiên hạ”. Phương thức canh tác nông nhiệp cổ truyền, những luật tục của họ tộc, làng quê là môi trường nảy sinh sự mất cân bằng mối quan hệ vợ chồng, những biểu hiện tiêu cực trong quan hệ vợ chồng.
Tóm lại, đạo đức vợ chồng không sinh ra mà được nảy sinh từ điều kiện kinh tế, đời sống xã hội, là kết quả của sự phát triển lịch sử. Các giá trị đạo vợ chồng là kết quả của các mối quan hệ giữa người và người, giữa người vợ và người chồng trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định, truy tìm nguồn gốc của nó trong điều kiện kinh tế - xã hội của thời đại mà nó phản ánh. Như Ăngghen nhận xét "Xét cho đến cùng, mọi học thuyết về đạo đức đã có từ trước đến nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế của xã hội lúc bấy giờ”
[5, 111]. Trong tiến trình vận động và phát triển, đạo vợ chồng luôn có một vị trí và vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ và giữ gìn các giá trị đạo đức, văn hóa Việt. Đạo đức gia đình nói chung, đạo vợ chồng nói riêng là nơi tiếp nhận, kế thừa và chuyển giao những giá trị truyền thống của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với đặc trưng về điều kiện kinh tế - xã hội đã hình thành nên đạo vợ chồng người Việt với những nét riêng, là những di sản quý báu của gia đình Viêt Nam tiêu biểu là lòng chung thuỷ, tình nghĩa, hòa thuận vợ chồng đã được truyền dạy trong gia đình và cộng đồng trong suốt dòng lịch sử.
1.2.1.2. Tiền đề tư tưởng
Trong quá trình phát triển lịch sử, những dân tộc ở gần nhau do sự giao lưu văn hóa với nhau, do tính chất xã hội tương tự nhau và do mối quan hệ phụ thuộc về mặt chính trị đã ảnh hưởng lẫn nhau. Việt Nam là cộng đồng nằm giữa hai trung tâm văn hóa lớn Á Đông trong thời kỳ cổ đại và trung đại, là nơi tiếp xúc với các loại hình tôn giáo như Nho giáo từ Trung Quốc, Phật giáo từ Ấn Độ. Trong suốt thời kì Bắc thuộc, cùng với tư tưởng Nho giáo còn có Phật giáo đã được truyền bá rộng rãi vào nước ta. Vì vậy, văn hóa dân tộc Việt, đạo đức người Việt đã chịu ảnh hưởng từ hai luồng tư tưởng lớn Nho giáo và Phật giáo. Mặc dù vậy, người Việt không tiếp thu một cách thụ động, mà chuyển hóa phù hợp, tiếp thu chọn lọc để tạo lên những giá trị văn hóa,
đạo đức mang sắc thái riêng. Với tư cách là yếu tố của kiến trúc thượng tầng trên quan điểm nguyên lí về mối liên hệ phổ biến thì văn hóa, tôn giáo, đạo đức và triết học có mối liên hệ, tác động lẫn nhau. Bởi vậy, Nho giáo và Phật giáo là hai tiền đề tư tưởng lớn ảnh hưởng sâu sắc đến đạo vợ chồng của người Việt. Sự tương tác của các hệ tư tưởng này là cơ sở hình thành tư tưởng triết học Việt Nam. Một trong những tư tưởng triết học Việt Nam là trình độ nhận thức về xã hội, con người, sự ứng xử giữa con người.
Nho giáo
Nho giáo được du nhập vào đất Việt từ hơn hai ngàn năm trước. Với khoảng một ngàn năm được chủ động tiếp nhận và hơn năm trăm năm được xem là chính đạo, được nhà nước phong kiến Việt Nam tích cực phổ biến khắp thôn xóm làng quê, trên mọi lĩnh vực: chính trị, luật pháp, giáo dục…“Nho giáo đã làm thành một thành tố trong tâm thức con người không thể thoát ly khỏi nó dễ dàng như cởi một cái áo khoác” [4, 32 ]. Nho giáo về sau đã khác nhiều so với lúc mới xuất hiện, nhưng nó vẫn có điểm chung - đó là một học thuyết chính trị, đạo đức của giai cấp phong kiến Trung Quốc, chủ trương dùng "lễ trị", "đức trị" để quản lý xã hội. Những nguyên tắc đạo đức của Nho giáo như nhân, lễ, nghĩa, trí, tín vừa là chuẩn mực để điều chỉnh hành vi của con người, vừa là những biện pháp để bảo đảm cho chính trị, nhân nghĩa được thực hiện. Bởi vậy, Nho giáo không đưa ra định nghĩa nào về khái niệm "Đạo vợ chồng", nhưng qua các tác phẩm kinh điển, qua tư tưởng của các đại biểu Nho giáo có thể thấy, Nho giáo ảnh hưởng lớn đến quan niệm về “Đạo vợ chồng”. Insun Yu, khi nghiên cứu về pháp luật triều Lê đã nhận xét: “Quan niệm Nho giáo về mối quan hệ vợ chồng đã được đề cao đến tột bậc về phương diện pháp lý đối với người Việt Nam” [49, 113].Nó trở thành thước đo phẩm hạnh của xã hội đối với người phụ nữ - người vợ. Có thể nói, ý thức về bổn phận người vợ là nền tảng xây dựng ý thức, bắt đầu từ
trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Vì thế, xã hội phong kiến quan niệm, nếu người vợ biết sống thủy chung, tình nghĩa, hòa thuận với người chồng và người chồng giữ đúng trách nhiệm trụ cột gia đình của mình thì tất yếu xã hội phồn vinh, yên bình.
Quan hệ vợ chồng trong tục ngữ, ca dao Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc đạo cường thường của Nho giáo: xuất giá tòng phu. “Đây là một quy luật bắt buộc người đàn bà. Chữ “tòng” đây không chỉ có nghĩa là đi theo mà còn phải tuân theo mệnh lệnh của người chồng nữa. Ý thức này ăn sâu vào dân gian... Bởi vậy, người đàn bà trong chế độ Tam tòng thường có tư tưởng yếu đuối, cầu an. Họ chỉ còn biết làm sao cho chồng thương để nhờ vào sự che chở của người chồng... Xem thế, người đàn bà đối với chồng chỉ có nhẫn nhục và chiều chuộng” [23, 58].
Trong cuốn Nho giáo và gia đình do Vũ Khiêu chủ biên đã đề cập đến những quan niệm của Nho giáo về mối quan hệ vợ - chồng trong gia đình. Theo tác giả, cuộc sống vợ chồng là cơ sở tồn tại của gia đình. Nhưng xuất phát từ quan điểm coi trọng huyết thống và từ thái độ coi thường phụ nữ, Nho giáo coi trọng tình anh em hơn tình vợ chồng. Bên cạnh đó, tác giả cũng chỉ ra rằng theo Nho giáo, phụ nữ là người phải hứng chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi, bất công, cả cuộc đời phụ nữ chỉ thực hiện chữ tòng. Tác giả cũng chỉ ra rằng, Nho giáo có quan niệm nghiệt ngã về tiết hạnh của người phụ nữ và bên cạnh những điểm tích cực khuyên răn người phụ nữ phải trau dồi phẩm chất đạo đức thì Nho giáo cũng có ảnh hưởng không tốt đến người phụ nữ ở quan niệm trong xã hội có hai loại người không thể giáo hóa đó là tiểu nhân và phụ nữ. Cuốn sách Nho giáo với văn hóa Việt Nam của Nguyễn Đăng Duy đã chỉ ra sự ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn hóa Việt Nam. Ở đây, tác giả đề cập tới đặc điểm của gia đình Nho giáo Việt Nam, vị trí vai trò của người phụ nữ. Đặc điểm nổi bật của gia đình Nho giáo là gia đình phụ quyền gia trưởng
nhằm củng cố chế độ phong kiến. Trong gia đình Nho giáo, người phụ nữ phải tuân phục người đàn ông, người phụ nữ phải thực hiện đạo tòng trong tam tòng: Con gái về nhà chồng phải kính nhường, giữ mình cho khéo, đừng trái ý chồng. Còn chuẩn mực tứ đức mà người phụ nữ cần vươn tới đó là truyền cho con gái, tiếp nối vòng đời “tam tòng, tứ đức”. Theo Nho giáo,